LÍNH, với NỖI YÊU THƯƠNG DÀY VÒ – Ưu Du

Thứ Năm, 23 Tháng Chín 20214:41 CH(Xem: 2877)
LÍNH, với NỖI YÊU THƯƠNG DÀY VÒ – Ưu Du
tinh-quan-dan-em-gai-hau-phuong

Trên ngọn đồi, nhìn xuống thung lũng trước mặt, là cầu Cộng Hoà sơn trắng, dài ngót cây số, móc từ bờ nầy sang bờ kia. Bãi phù sa và cồn cát vàng mịn nổi lên. Như cù lao Rồng giữa dòng sông xanh mênh mông. Mặt sông bồng bềnh lá khô, mỗi khi nước xuống, nước lên, nước đứng, nước rút.
Mang theo bao mộng ước thời Trọng mới lớn, thả mặc tình yêu giữa dòng. Như canh bạc về khuya, anh xã láng cuộc đời, trên những mưu toan đen đỏ, rủi may của số phận đẩy đưa.
Trúc suy nghĩ liên miên, khi nhìn xuống mái nhà Trọng, thầm nhớ ông Sáu, có tên là Linh ở trong Xã. Trọng ghét ông chú kinh khủng, đến nỗi nhập tâm. Thấy ông và những trò hề ông làm, mà “giựt chắt”. Anh khinh thường chú, không phải vì chú ruột, mặt mày bặm trợn, trông cô hồn, làm thầy cúng, thầy bói, huyện đề…
Ông vẫn cười gằn nói “Đa nghề thì dễ bề hoạt động”. Câu nói ngụ ý chẳng lành, khiến Trọng điên tiết. Anh không hỗn láo, ngang tàng, ỷ mình có chút kiến thức đâu.
Bởi, anh biết “cái tẩy” ác ôn, lưu manh gian trá. Nhưng miệng lưỡi chú ngọt như mía lùi. Ông về Nam mượn cớ: đã “tu nghiệp đa nghề”, Nay lân la đầu trên xóm dưới nghe ngóng, thu lượm tin tức. Ông giả vờ nhậu không say, không xĩn, không về. Từ kiến thức hẹp hòi, đến tâm tư nhỏ nhen, cục bộ, khả năng tầm thường. Nhưng điềm chỉ thì rành mạch.
Mà, bạn anh nói – đó là thứ tò le mách lẻo, đưa xóm làng đến tận cùng bằng số. Không có gì quý hơn chết chóc, điêu linh mút chỉ cà na.
Bề ngoài con người biểu kiến, không ai đoán biết ông thực sự nghĩ gì. Ông ít nói việc “chính chị chính em”, nhưng trong lòng ghim gút rất phức tạp, ích kỷ hại nhân, quá qủy sứ. Ông học chẳng biết “chữ cu chữ cò. Nói những chữ như rồng như rắn”. Ông qua mặt dân hiền “hoạ hổ hoạ bì, nan họa cốt. Tri nhân tri diện, bất tri tâm”.

Thế mà, không thể qua mắt Trọng bất cứ điều gì. Trọng quyết liệt bài xích, phản đối ông.
Tội ông hãm hại đồng bào, không thể dung tha, dù giết người, vì bất cứ lý do gì, trong vùng chiến tranh liên miên, cũng là sai. Sinh mạng con người bình đẳng, đầy nhân phẩm, tự do cao qúy như nhau. Không ai có quyền hủy diệt, tước đoạt tự do tư tưởng cuả người khác. Dù bất đồng chính kiến, hay liên đới vì chiến tranh. Thế thôi.
Ông rỉ tai phao tin các vườn rau, bị rải chất hoá học cực độc, rau ở chợ ế ẩm không ai mua, sình thúi. Ông còn phao tin nước sông bị bỏ thuốc sát trùng. Giếng bị bỏ thuốc độc. Khiến bà con sợ hãi, phải làm nắp giếng khoá chặt. Không cho người ngoài xài chung.
Chó là điều ông đại kỵ, ông đi đến đâu, nó sủa đến đó. Hình như nó đánh hơi biết được lòng lang dạ thú, không tiếc “lời” gâu gâu tố giác. Tiếc thay! Ít ai hiểu chó muốn “nói” gì.
Ông sống sung túc, no đầy phủ phê, nhờ bà con làng nước nhẹ dạ, mê tín dị đoan, nghe giọng lưỡi ông ngọt xớt, như mía lùi. Ông trổ tài khuyển mã. Nhặt ba thứ lá tầm phào đem về, xắt nhỏ trộn lẫn, phơi vài ba nắng, nếu ai cần, ông bán với giá cắt cổ.
Trọng nghĩ câu ca dao “Chổi cùn cắp nách khăng khăng. Hễ ai hỏi tới, thì văng nghìn vàng”, Thật đúng cho ông chú nhà mình.
Nắng gió trở trời, đau đầu đau bụng, hắt hơi nhảy mũi, họ chạy đến ông, nhờ coi mạch. Lúc đó “thầy nổ” lên mặt luyện phù chú. Chuyện nhỏ mà! Còn nhiều pha gay cấn, ghê hồn hơn. Ai đau ốm nặng nhẹ mặc lòng, ông bắt đàn bà thắt bín đuôi sam. Đàn ông húi cua, ông nói:
– Để tóc dài che mặt, thần linh không thấy, tóc “chọt” vô mắt, đỏ mắt, “không còn “đôi mét là cửa lộ” của tâm hồn, cho thần linh rọi vào.
Bà con làng nước nghe “văn chương”, sao hay đáo để!

Bị đau răng, ông xe sợi chỉ, quấn một đầu chỉ vào cây đinh mười, đóng trên cột nhà, đầu kia ông cột vào chiếc răng. Cứ thế, ông lôi họ ra bẻ răng. Mặc họ dùng cả sức mạnh hai bàn tay, đẫy cái cột nhà. Họ ré lên eng éc… é..ec…, như bị thọc tiết heo, máu chảy có vòi.

– Bựt!
Ông tự hào vỗ ngực, xong rồi! Đồ iả cái rẹt! Sơn Đông Mãi Vỏ, nhổ răng thua ông!

Bị ngất xĩu, ông cho con Nụ gỉa tép sả, bắt thằng cu Út rặn ít nước tiểu, hoà tí muối, ông cho bệnh nhân uống.

Bị chảy máu cam, ông nhét đầy cục tóc rụng vô hai mũi. Bà con muốn ngộp thở.
Không còn tóc rụng, ông thản nhiên kêu con Mót vô sau nhà, cắt túm tóc đuôi gà nhu nhú. Tóc con bé càng ngày càng sát da đầu, nó tức mình, nhảy đành đạch, khóc ngất… Chịu thua ông thầy chạy!
Bị ghẻ hờm do vắt, đỉa cắn, ký sinh trùng gây ra ngứa ngáy, đau nhức khó chịu, bưng mủ sưng tấy. “Thầy nổ” :
– Rứa là, do ăn ở không có đức, gây ra.
Người ấy thẳng thắng lý sự lại:
– Ồ, rứa thì có bốn thứ: Lé, lùn, hô, sún, thầy chiếm hết ba rồi. E là do rứa?
Mắc cỡ và tức mình, không trả lời được, ông để bụng thâm thù. Ông qua mắt đa số dân quê chất phác, gạt họ tin ông như điếu đỗ. Ông nói voi, họ tin voi. Ông vẽ vượn họ tin vượn. Người giàu có hậu tạ xứng đáng, thôi cũng đành. Người nghèo khổ bần hàn, cố sức bán chát, moi móc chạy vạy, mua thức ngon vật lạ, kết cỏ ngậm vành, dâng biếu ông.

Dân nghèo cúng xôi chè, lương đăng trà quả. Nhà giàu thêm gà luộc, heo quay, bò tái, bê thui. Sau khi cúng, chủ nhà biếu thầy hậu hĩ.
Ông ngồi trong mát ăn bát vàng, moi tiền bạc của dân, bằng thích. Tiền họ đưa ông, làm ma chay đình đám, ông ngắt nhéo chỗ nầy một ít, chỗ nọ một ít, nhét đầy vào túi quần. Cất tiền trong bóp ông cứ nơm nớp lo sợ. Nằm ngũ trên võng, một mắt nhắm, một mắt mở, ông đề phòng mất cắp.

Có tật gian trá thì hay giật mình. Y như rằng, có một lần, ông mãi chen lấn vào đám Sơn Đông Mãi Võ “coi mê tơi”, coi say sưa. Coi khỉ cởi xe đạp. Khỉ ăn cắp bánh bao. Ông bị mất tiền thật, tiền bạc không cánh bay lúc nào, ở đâu chả rỏ.

Ông quét dọn, moi móc khắp mọi xó xỉnh. Tiếc của ngẩn ngơ, ông đi kiểu tăng gô nửa mùa, với cây chổi cùn luân vũ. Ông hùng hục vừa tìm, vừa chửi đổng. Nghe dễ mất lòng. Dễ đỗ quạu. Dễ xa nhau. Dễ giận nhau. Dễ ghét nhau. Dễ tức nhau. Dễ đánh nhau. Khổ ghê đi.
Ông khóc hu hu. Đàn chó trong vườn, nghe tiếng chủ la rống, chẳng những hôm đó, chúng không sợ chủ đánh đập tàn nhẫn, như mọi ngày. Chúng bắt chước chủ, tru tréo hú họa theo, từng hồi inh ỏi. Vang làng vang xóm. Thật kinh sợ hết biết, cái đời ông thầy dõm. Cái ông thầy cà chớn.
Ai khuyên lơn chi, ông cũng lì lợm, như đàn gải tai trâu, ông khoái chí biết danh ta, nổi như cồn ngoài nhà bà Ba Cu. Bà Ba mê ông tít thò lò. Bà có nuôi ba con cu, nên họ gọi là bà Ba Cu. Ừ, thì quả thật bà có nuôi chim cu. Ai muốn hiểu sao thì hiểu.
Tuần sau, có dịp “tạo vốn” khác, tiền lời to gấp ba lần số tiền đã mất. Sung sướng quá, lúc ăn cơm ông nói nhỏ với người nhà. Trọng ngồi ở trong phòng riêng, nghe:
– Mình lồm en với cái bợn đàn bòa, dưới đất chun ra, ngu như con bò tót ni, rứa mà khá dữ đa! Thật sướng rơn người. Nghe mậy! Tiền bạc nẫu lo đều chi. Không thiếu một hào, một trự. Đôi khi mình bốc phét lên, là việc ni thầy lo không xuễ. Phải lo cho cấp sư phụ của thầy. Nẫu tin như điếu đỗ, đưa tiền hậu hĩ. Rứa là mình giả đò mẹc áo, ra bà Cu, ở lại mấy bữa. Lại ăn chặn bên ni bên tê, thêm một mớ. Thiệt sướng rơn người. Nghe mậy.
Trọng nghe ông nói, lòng bỗng dâng lên nỗi yêu thương ruột thịt và nỗi hận dày vò. Anh càng khinh ghét chú, muốn ra dộng vô mặt ông một cái thẳng cánh, chửi ông một trận. Tới đâu thì tới.

Nhưng bứt dây động rừng, anh thương cha mẹ già quá.

Thượng cẵng tay, hạ cẵng chân, cứ thế ,ông vơ vét của dân làng ở nơi thâm u cùng cốc, kể cả bà con ruột thịt, không chừa một ai.

Trúc nghe Trọng than thở, nàng cảm thấy càng ghét ông thầy hơn Trọng nữa. Hai tâm hồn đồng điệu, thu hút quyện mắc vào nhau, như cục nam châm, trước bối cảnh lịch sử đối nghịch, bất đồng chính kiến trăm phần trăm. Làm sao yêu nhau, xe tơ kết tóc, xây dựng tình yêu, trên hoang tàn rách nát tơi tả. Từ trong gia đình ra tới làng mạc, quê hương. Làm sao yêu nhau đến cuối cuộc đời? Cay đắng – đau xót dường bao!
Bỗng đâu, một con khỉ khá lớn, từ trên cây rừng nhảy xuống cái độp. Khiến Trúc giật bắn người. Chưa kịp hoàn hồn, con khỉ xô giựt Trúc ngả lăn ra đất. Nó vội chộp cái nón sắt, thoăn thoắt leo lên cây cao. Đội mũ sắt vào, nó ngồi chồm hỗm trên cây, kêu chí choé, hi hoáy nhảy nhót chỉ chỏ xuống đất.
Trúc điên tiết, không có cách gì dụ nó quăng mũ xuống, dù cô đã mỏi nhừ hai tay, ném đá xuống đất. Nó chả thèm bắt chước. Ở trong vùng chiến tranh “nó ma lanh” còn thua ông chú. Khỉ ta biến mất trong rừng.
Ra chiến trường, Trúc không khôn ngoan, không có mũ sắt. Kể như thua.

_ * _

Ưu Duhttp://www.canhthep.com/modules.php?op=modload&name=Forum&file=view&site=kq&bn=kq_chuyendoilinh&key=1165898952&first=1920&last=1979

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn