Vào một năm như năm nầy..._Phan Nhật Nam

Thứ Bảy, 30 Tháng Giêng 20217:54 CH(Xem: 7670)
Vào một năm như năm nầy..._Phan Nhật Nam
Linh-VNCHDẫn Nhập
Ba-mươi sáu năm, khoảng thời gian không dài so với lịch sử của một dân tộc, nhưng cũng đủ để chứng thực những mục tiêu chính trị, quân sự trước
kia tưởng như chuyên chở những giá trị to lớn thì nay hẳn đã là điều vô nghĩa; đồng thời bày ra nét “thực chất về, của những nhân vật thời cuộc” - Những quốc trưởng, tổng thống, chủ tịch, tổng bí thư, thủ tướng, tướng lãnh, chính khách, tổng, bộ trưởng... Tất cả hiện nguyên hình thảm hại mà ba-mươi sáu năm trước kia đã là những “hình tượng giả” gây nên tai họa, nguy biến vô vàn cho tập thể nhân dân mà họ đã nại cớ, mượn danh nghĩa làm kẻ “phục vụ nhân dân (sic)” để thâu đoạt quyền lực, chiếm dụng mối lợi vật chất riêng tư -Cho chính họ chứ không ai khác. Sự khốn cùng nầy không miễn trừ bất cứ một kẻ cầm quyền nào, kể cả những trí thức khoa bảng, thường được gọi là “kẻ sĩ”, giai tầng xã hội thường cấu kết cùng với những tập đoàn, giai cấp quyền lực kia.. André Gide, Louis Aragon, Jean Paul Sartre, Pablo Neruda... hoàn toàn hiện ra đủ là những “kẻ bất trí” đối với chủ nghĩa cộng sản; kể gì đến những Solokhov ở Nga hay Tố Hữu, Nguyễn Khắc Viện tại một địa phương gọi là Hà Nội, hoặc Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng nơi một hóc hẻm bưng biền nào đó của miền nam Nước Việt trước 1975. Và những khẩu hiệu tuyên truyền khích động đã được tung tràn, để hôm nay không gì hơn lộ ra là những trò chữ nghĩa tầm phào, mất thực chất, được khai sinh từ những kẻ vừa kể trên khi cố tâm lợi dụng đau thương, oan khốc của người dân để cầu danh lợi bản thân, bè nhóm.
Sau ba-mươi sáu năm- Chỉ Nỗi Đau miên viễn của Mỗi Người Dân Việt Nam vẫn mới từng ngày. Bài viết cũng là lời thú nhận về tình thế bất lực của một thế hệ đã sống những ngày trên biên giới sống-chết, ở quê hương tận cùng khổ nạn, trong cảnh huống gọi là CHIẾN TRANH VIỆT NAM. Năm ấy, 1968, cách đây ba-mươi sáu năm mà người viết đang là gã trẻ tuổi tóc xanh. Thế mà.. Vâng, bây giờ đã ba- mươi sáu năm. Đã ba-mươi sáu năm...

Một.
Mùa Xuân bắt đầu với lửa, Những giờ cuối cùng ở Ngũ Giác Đài,
McNamara sử dụng phần quyền lực còn lại sau 1558 ngày nắm giữ chức vụ trọng yếu nhất nền quốc phòng Mỹ để phủ quyết yêu cầu của Tướng Westmoreland về đề nghị tăng cường thêm 200,000 nhân sự bổ sung trong các lĩnh vực quân sự, chính trị, kinh tế, và chiến tranh tâm lý. Hành động gọi là “khôn ngoan” nầy không phải do trí lực sáng tạo riêng, nhưng ông ta đã học được từ Dean Acheson khi người nầy từ nhiệm chức vụ thứ trưởng tài chánh bởi không đồng ý với chính sách tài chánh của Tổng Thống F Roosevelt đầu thập niên 1930. Nhưng thật chỉ là một thái độ đạp đổ, bởi McNamara đã giữ chức vụ lâu hơn bất kỳ vị tiền nhiệm nào, lâu đến bảy năm với khả năng quyền lực đặc biệt dành riêng qua hai đời tổng thống. Danh hiệu McNamara đã được dùng để đặt tên cho một phòng tuyến căn cứ hỏa lực chạy dài từ Cửa Việt ở biển Đông đến Trại Lực Lượng Đặc Biệt Làng Vei sát biên giới Lào Việt - McNamara Line. Cần nói thêm một điều, chiến tranh Việt Nam có lúc được giới nghiên cứu chiến lược quốc tế gọi là “cuộc chiến McNamara”, vì người nầy đã “tổ chức” hoạt động quân sự ở Việt Nam nên thành một tiến trình tiếp vận khổng lồ với tổn phí đến 4 tỷ đô la khởi đi từ 1965, thời điểm lực lượng bộ binh Mỹ bắt đầu tham chiến ở Việt Nam. Sư Đoàn I Không Kỵ, lực lượng bộ binh cơ động nhất thế giới với một sư đoàn trực thăng cơ hữu là sản phẩm đắc ý nhất của ông Chủ Tịch Ngân Hàng Thế Giới sau lần rời chức vụ.Một tháng trước lần McNamara từ nhiệm, 36 của 44 tỉnh lỵ; 5/6 thành phố lớn; 64/242 thị trấn, quận lỵ thành phố Miền Nam đồng loạt bị tấn công bởi một lực lượng 323.500 bộ đội cộng sản gồm 97 tiểu đoàn, và 18 đại đội đặc công biệt động. Cuộc tấn công khởi đi từ đêm Giao Thừa Tết Mậu Thân, đêm 30 rạng 31 tháng 1, 1968.
Hoạt động của phía cộng sản không chỉ là một chiến dịch quân sự thuần túy. Ba-mươi sáu năm sau đã cho chúng ta đủ lượng thời gian để thấy rõ ra những yếu tố quyết định cấu thành sự kiện và hậu quả của nó. Cho dù rằng chiến tranh Việt Nam đã tạo nên một thất lợi tâm lý trầm trọng trong dư luận Mỹ Quốc, từ sự kiện W. Cronkrite có mặt tại Sài Gòn ngay trong tháng Hai, khi trận chiến đang bùng nổ giữa những đường phố, để sau đó trong buổi phát hình ngày 27 cùng tháng, người hướng dẫn dư luận quần chúng nầy đã mạnh mẽ xác định: “Hơn bao giờ hết, chúng ta có thể nói rằng kinh nghiệm đẫm máu tại Việt Nam sẽ phải mở ra một lối thoát”. Lời tiên tri nầy được hiện thực bởi hòa hội Paris khai mạc vào cuối năm 1968 mà áp lực vốn có từ nhiều năm trước. Cụ thể lời như lời thúc giục của McNamara (Lại là McNamara chứ không ai khác) với Nguyễn Văn Thiệu trong lần viếng thăm Sài Gòn từ 1967: “Chúng tôi cần thương thuyết với Hà Nội để cho cuộc tuyển cử sắp tới (trong năm 1968)”, hoặc của Đại Sứ Bunker tại Sài Gòn: “Dư luận Hoa Kỳ đã trói tay tổng thống (Mỹ), thế nên phải có cuộc thương thuyết hòa bình (tại Paris) để chứng tỏ cùng Quốc Hội và Nhân Dân Hoa Kỳ rằng chúng ta - Hoa Thịnh Đốn lẫn Sài Gòn- đều mong muốn hòa bình.”
Hoặc thái độ bất phục tùng của gia đình David Vandivier ở khu Spanish Harlem, Newyork mà người cha vốn là cựu chiến binh Thế Chiến thứ Hai qua quyết định đưa David và người anh, John Vandivier đến Canada cuối mùa Hè 1968 để tránh lệnh trưng binh. Hành động của anh em nhà Vandivier không là trường hợp đơn lẻ, nên sau nầy, 16 tháng 9 1974, Tổng Thống Gerald Ford phải ký lệnh ân xá cho những người không phục tùng mà con số lên tới 570,000 (bao gồm cả những người được hoãn dịch); trong tổng số nầy có 8750 trường hợp xác nhận là phạm pháp.
Trong những kẻ trên không hiếm những nhân sự thuộc về trường hợp đào nhiệm của bốn thủy quân lục chiến nhân kỳ nghỉ phép ở Tokyo hoặc những cuộc đào thoát tỵ nạn tập thể sang các nước trung lập Bắc Au.  Trong thế chiến thứ hai chỉ có một trường hợp đào ngũ duy nhất của một quân nhân Mỹ, cấp binh sĩ. Cần nêu rõ yếu tố nầy để thấy “tâm lý phản chiến” đã là một “đức tính hợp đạo lý lẫn pháp lý.” Cho dù những sự kiện vừa kể trên đã là thực tế, nhưng Võ Nguyên Giáp sau nầy lại xác nhận với Ban Biên Tập Đặc San NAM: “Ý kiến cho rằng Trung ương Đảng đặt nặng vấn đề về các phong trào phản đối chiến tranh ở Mỹ trong quyết định tiến hành Tổng Công Kích-Tổng Khởi Nghĩa ở Miền Nam là một nhận định kém cơ sở”. Mà thật sự phải là “Trận chiến Khe Sanh và cuộc Tổng Công Kích Mậu Thân, (Hiện thực Nghị Quyết 13 Trung Ương Đảng đúng như phân tích của Khối Quân Sử, Phòng 5 BTTM/QLVNCH) đồng có những mục đích:
1- Dồn mọi nỗ lực để chiến thắng về mặt quân sự (đối với lực lượng Mỹ- Điển hình mặt trận Khe Sanh), buộc Mỹ phải rút quân ra khỏi Miền Nam tương tự quân đội Pháp sau trận Điện Biên Phủ (Do dư luận phản chiến tại Mỹ làm áp lực như phần trên vừa trình bày - Tuy không là yếu tố quyết định hàng đầu).
2- Làm băng rã Quân Lực VNCH, chứng minh cùng dân chúng Miền Nam cũng như dư luận thế giới về sự lớn mạnh (chính trị lẫn quân sự) của phía cộng sản. Có đồng lần xuất hiện Mặt Trận Liên Minh Dân Chủ và Hòa Bình tại Sàigòn, Huế với mục đích vận động quần chúng nổi dậy lật đổ chính quyền VNCH.
3- Chuẩn bị, củng cố vai trò chính trị Mặt Trận Giải Phóng trước khi hội nghị Paris sắp khai diễn. Nhưng cũng có dư luận cho rằng đây là “đòn mật ước” giữa Hà Nội và Mỹ (qua trung gian của Liên Sô) để thanh toán hạ tầng cơ sở Mặt Trận (có khuynh hướng thân Trung cộng), giúp Hà Nội có cớ khuynh loát mạnh mẽ hơn đối với thành phần lãnh đạo cộng sản Miền Nam (với sự kiện điển hình về vai trò Nguyễn Chí Thanh, bị tử trận, thay thế bởi chính Võ Nguyên Giáp; sự xâm nhập lực lượng bộ đội chính quy cộng sản Miền Bắc vào Nam với khối lượng lớn).
Điều nầy vẫn là một “nghi án chính trị” chưa soi sáng đủ. Tuy nhiên sau 1975, với lần thanh toán không nương tay cái gọi là “Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam” (qua hành động ngang ngược biên chế tất cả lực lượng vũ trang của “chính phủ” kia chỉ trong một đêm trước ngày lễ duyệt binh 15 tháng 5, 1975 tại Sài Gòn); cùng cách “tận diệt” những binh đội cộng sản thuộc “chính phủ” nầy với lối đánh thí quân không thương tiếc do những cán bộ khung đi từ Miền Bắc vào sau 30 tháng Tư, 1975, chỉ huy ở chiến trường Campuchia, 1979. Một tiểu đoàn bộ binh thuộc tỉnh đội Rạch Giá khi điều lên Campuchia không hề nhận được nhu yếu phẩm sinh hoạt hằng ngày; các gia đình bộ đội (hoàn toàn là cư dân Miền Nam) phải tự túc tiếp tế cho con em mình! Tiểu đoàn sau một thời gian ngắn đã hoàn toàn tan rã còn lại không quá mười người, phải trốn thoát qua Thái Lan bằng đường bộ. Nghi án chính trị vừa kể qua thực tế sau năm 1975 hẳn có mức độ khả thể đáng tin cậy.
Những mục tiêu chiến thuật (các thành phố); mục tiêu chiến lược (lật đổ chế độ VNCH, làm tan rã QLVNCH) đã không thể thực hiện được, tuy nhiên hằng năm những người lãnh đạo cộng sản vẫn ra lệnh làm lễ “kỷ niệm chiến thắng” Mậu Thân. Thế nên, “chiến thắng” nầy vẫn có thể nại ra, nhắc lại, vì mỗi dịp Tết ở Huế, Sài Gòn... khắp Miền Nam hằng có những đám cúng giỗ cho những người đã chết từ Đêm Giao Thừa 30 rạng 31 tháng Giêng, 1968. Ngoài ra cũng phải nên có những buổi lễ giỗ cúng khác giành cho tập thể bộ đội cán binh cộng sản đã tử trận cũng vào thời điểm kia. Chỉ khác, những người nầy, cho đến hôm nay vẫn không biết chết ở đâu? Chết khi nào? Vì sao, và để làm gì?

Hai.
Trận đánh.
Ngày 20 tháng Giêng 1968, Đại Úy W. H. Dabney chỉ huy Đại Đội I, Tiểu Đoàn 3, Trung Đoàn 26 Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ tiến chiếm đồi 881, cao độ giữ mặt chính Tây và Tây-Bắc căn cứ Khe Sanh, trên đường số 9 hướng biên giới Lào, mở đầu quyết định chọn Khe Sanh làm “điểm”, thu hút và tiêu diệt lực lượng cộng sản trong khuôn khổ hành quân Scotland.
5 giờ 30 sáng ngày 21, những quả hỏa tiễn đầu tiên của phía cộng sản đổ chụp xuống các vị trí pháo binh, bãi đậu xe, phi đạo dã chiến, sân trực thăng, hầm phòng thủ lực lượng đồn trú. Mười ba tấn đạn đại pháo gồm 130 ly, hỏa tiễn 122, súng cối 82 ly đồng rơi xuống cứ điểm mở đầu chiến dịch dứt điểm Khe Sanh với lực lượng xung kích gồm hai sư đoàn bộ binh nặng 325C và 304 theo lệnh điều quân của chính Võ Nguyên Giáp; có một sư đoàn khác làm trừ bị, do chưa điều động vào vùng nên chỉ danh không được xác định.
Khe Sanh, thật ra chỉ là một căn cứ hỏa lực nằm dọc đường số 9, trên cao nguyên Lao Bảo, núi đồi vây chung quanh với những cao điểm chiến thuật 881, 861 giữ hai mặt Tây, Bắc và đồi 1015 ở phía Nam. Khe Sanh với chừng 6,000 lính thuộc hai trung đoàn 1 và 4 TQLC trú đóng được sử dụng làm nút chặn trên đường nối biên giới Lào-Quảng Trị, nam khu phi quân sự hai-mươi lăm cây số, thượng nguồn sông Bến Hải. Trận đánh không hoàn toàn là một bất ngờ, vì từ buổi sáng Dabney đã nhận được một “người khách không mời”, viên trung úy bộ đội chính quy Bắc Việt hồi chánh với cây cờ trắng và bản tường trình chi tiết kế hoạch tấn công tiến chiếm Khe Sanh của phía cộng sản: Từ Khe Sanh, bộ đội cộng sản sẽ điều quân về hướng Đông, dọc đường 9, đánh chiếm Quảng Trị, tiếp theo sẽ là Huế...
Nói chắc một ý niệm - Hành quân chiếm đóng toàn bộ phần đất Việt Nam Cộng Hòa Bắc đèo Hải Vân. Chưa hề thấy trong cuộc chiến lâu dài ở Việt Nam có một trường hợp Lệnh Hành Quân bị tiết lộ một cách chính xác và mau mắn đến như vậy. Lại là xẩy ra từ phía cộng sản. Một phe tham chiến từ lâu hằng thực hiện tính bảo mật cao độ và có hiệu quả. Người nầy cũng không quên chi tiết chính xác: Giờ G là 12 giờ 30 của Ngày N, 21 Tháng 1, 1968. (Giờ G của Ngày N: Giờ của Ngày quyết định mở đầu diễn tiến hành quân).
Không chậm trễ, để đối lại, phía Mỹ huy động toàn bộ hệ thống hỏa lực gớm ghê của họ để “Khe Sanh không thể là một Điện Biên Phủ” với kế hoạch đánh bom mang bí danh Niagara, mà chỉ trong vòng 24 giờ của ngày 21 tháng 1, đã có đến 600 phi vụ do phi cơ Hải Quân và Không Lực Hoa Kỳ hiệp đồng thực hiện thêm với 49 phi xuất B 52 đến từ Thái Lan và đảo Guam. Khi trận đánh kết thúc, chuyên viên hỏa lực không yểm chiếc tính ra số liệu chính xác: Trong 77 ngày Khe Sanh bị vây hãm, Không Lực, Hải Quân, Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đã thực hiện 24,000 phi vụ chiến thuật với 350 phi cơ gồm các loại A4, 6, hoặc 8 Skyhawk, và F4 Phantom. Đồng thời, B52 chiến lược cũng đã tham dự với 2,700 phi xuất.
Chúng ta nên biết thêm chi tiết: Mỗi chiếc B52 trung bình mang 108 quả bom; mỗi quả nặng 245 ký-lô. Tổng kết, trong 77 ngày chiến trận, chung quanh cứ điểm có chiều dài hai, chiều ngang một cây số gọi là Khe Sanh kia, trên những vị trí (có rất nhiều điểm chỉ là nghi ngờ) của hai sư đoàn 325C và 304 bộ đội Bắc Việt, đã có đến 110,000 tấn bom thả xuống. Không kể đến hỏa lực trực thăng võ trang và các giàn pháo 105, 175 ly của bộ binh Mỹ.
Nhưng Khe Sanh chỉ là cái cớ với những người lính tham chiến của hai phe. Nỗi ĐAU Mậu Thân thực sự xẩy ra ở nơi khác, với những người dân - Người Thường Dân của 44 tỉnh Miền Nam Nước Việt.
Đêm Giao Thừa 1967 sang 1968, Đài Hà Nội phát ra lời “Thơ Chúc Tết” của Hồ Chí Minh. Cái gọi là “Thơ” nầy có nội dung: Xuân nầy hơn hẳn mấy xuân qua Thắng lợi tin vui khắp mọi nhà Nam -Bắc thi đua đánh giặc Mỹ, Tiến lên toàn thắng ắt về ta! Pháo ở Sài Gòn, các thành phố Miền Nam nổ nhiều hơn tất cả mọi năm. Số lượng pháo nổ bày ra điều cay đắng: “Chiến tranh và tất cả đau thương, khốn cùng của nó là một “thực thể“ cần được tiêu trừ. Con người luôn cầu Hòa Bình đồng thời cũng hằng thực hiện Chiến Tranh”. Và hai hiện tượng mâu thuẫn nầy hoàn toàn vượt ra khỏi khả năng kiểm soát của người thực hiện lẫn kẻ thụ nạn: Người Lính và Người Dân. Nương theo tiếng pháo nầy, chỉ riêng với Sài Gòn, 84,000 ngàn bộ đội chính quy cộng sản đồng nổ súng hiện thực lời “Thơ Chúc Tết” trên.
Cảnh tượng bi thảm xẩy ra cùng lần trên 44 tỉnh lỵ Miền Nam với những ghi nhận đầu tiên:
Vùng I Chiến Thuật, bao gồm những tỉnh cực Bắc của Miền Nam, từ Sông Bến Hải, Quảng Trị đến Đèo Bình Đê, địa giới thiên nhiên giữa Quảng Ngãi và Bình Định:
- Quảng Trị, 04 giờ đêm mồng 1 rạng mồng 2 Tết (30-31 Tháng 1, 1968);
- Huế, 02 giờ mồng 1 rạng mồng 2;
- Quảng Tín, Quảng Ngãi bị tấn công cùng ngày giờ như ở Quảng Trị.
Vùng II Chiến Thuật (Những tỉnh từ Bình Định đến Phan Thiết và cao nguyên Trung phần):
- Tuyên Đức-Đà- Lạt, 02 giờ đêm mồng 2 rạng 3;
- Bình Thuận, 3g25 đêm 2 rạng 3.
Vùng III Chiến Thuật (Những tỉnh từ Long Khánh đến Long An, chung quanh Sài Gòn):
- Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định, 02 giờ đêm 1 rạng 2;
- Long Khánh, 01g đêm 4 rạng 5;
- Biên Hòa, 03g đêm 2 rạng 3;
- Bình Dương, 4g25 đêm 2 rạng 3;
- Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 25 Bộ Binh QLVNCH, Hậu Nghĩa, 8g30 sáng ngày mồng 2.
Vùng IV Chiến Thuật, những tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long:
- Phong Dinh 03 giờ sáng ngày mồng 3;
- Vĩnh Long, 3g0 sáng mồng 2;
- Kiến Hòa, 3g0 sáng mồng 3;
- Định Tường, 04 giờ sáng mồng 3;
- Kiên Giang, 2g40 sáng mồng 3;
- Vĩnh Bình, 4g15 sáng mồng 3;
- Kiến Tường, 4g 15 sáng mồng 5;
- Bộ Tư Lệnh Biệt Khu 44, Cà Mâu, 1g 25 sáng mồng 7;
-  Gò Công, 2g 35 sáng mồng 8;
- Bạc Liêu, đêm 12 rạng 13 âm lịch tức 10 tháng, 1968.
(Thiếu chứng liệu về các trận đánh ở cao nguyên Miền Trung).
Trận đánh được bảo mật tối đa với những cán binh, bộ đội vũ trang, bằng giấy tờ giả mạo xâm nhập trước ngày, giờ khởi sự vào các thành phố, tỉnh lỵ, thị trấn, nơi đã có sẵn những cán bộ nằm vùng cơ sở lo việc tiếp đón, tiếp tế. Đặc biệt quan trọng là những đơn vị đặc công nội thành, thành phần cốt cán, mở đợt công phá đầu tiên vào những mục tiêu, dẫn đường cho lực lượng võ trang chính quy. Từ cuối năm 1967, Hà Nội cũng đã cho xâm nhập vào Miền Nam hơn 300 cán bộ gồm thành phần giáo sư, giảng sư đại học, kỹ thuật gia điện ảnh, văn nghệ sĩ, kỹ sư, bác sĩ chuẩn bị phụ trách công tác trí vận. Nhóm chuyên viên nầy được phân đều cho các tỉnh để làm nòng cốt xây dựng mặt trận văn hóa-chính trị sau khi cuộc tổng công kích quân sự thành công.
Trận đánh cũng hoàn toàn “bất ngờ và bảo mật” đối với những đơn vị, cá nhân thuộc lực lượng cộng sản tham dự tác chiến- Đa số, nếu không nói là hầu hết, chỉ là những thiếu niên nông thôn Miền Nam hoặc những bộ đội nhỏ tuổi Miền Bắc- Những người trẻ tuổi gọi là “bộ đội giải phóng” nầy trên đường xâm nhập vào thành phố, thị trấn Miền Nam đã được “học tập” một điều phấn khởi: “Vào tiếp thu những thành phố Miền Nam, nơi bọn Mỹ-Ngụy đang rẫy chết và Nhân Dân đã nổi dậy cướp chính quyền dưới lãnh đạo của cán bộ cơ sở Đảng”.
Nhưng hoạt cảnh thê thảm không hề có trong chiến tranh đã xẩy ra:
Tập thể 152 cán binh, bộ đội Trung Đoàn Quyết Thắng ra hàng Tiểu Đoàn 6 TQLC ngày 17 tháng 6, 1968 tại Cây Thị, Gò Vấp, Gia Định. Tù binh nhỏ nhất thuộc đơn vị nầy, Nguyễn Văn Thắng 12 tuổi. Năm nay, có thể Thắng còn sống, mỗi lần Tết đến, không biết anh ta có nghĩ gì về cái gọi là “sự nghiệp giải phóng” mà anh đã từng thực hiện với tuổi trẻ của chính mình ba-mươi sáu năm trước. Cũng không thể gọi là tuổi trẻ. Đúng ra chỉ là đứa nhỏ vị thành niên.
Để vẽ nên nét tiêu biểu cuộc chiến, chúng ta có thể giở lại một chiến trận điển hình.
Đêm 31 tháng Giêng, 1968. Huế, thành phố cổ hơn trăm năm, kinh đô của Nước Việt hưng thịnh, một lần gọi là Đại Nam lặng chìm vũng tối. Sự im lặng cô đặc đến nổi tiếng pháo nổ mất hút giữa tầng khối dãy tường đá tảng bất động vây quanh con sông thẫm màu với lớp dân cư nhiều thế hệ sống đời dài không chút đổi thay. Nhưng, bất thình lình, cảnh tượng bình lặng nầy bị xé rách bởi tiếng đạn súng cối, hỏa tiễn rít ngang bầu trời nháng lửa soi bóng dáng chập chờn những hình người mang lá ngụy trang lẩn lút nương theo màn đêm trên những lối đi dưới tàng cây, lề đường kín cửa. Bộ đội cộng sản xâm nhập tấn chiếm thành phố.
Lực lượng cộng sản phối trí trận địa theo kế hoạch:
- Đoàn 5 do Nguyễn Vạn chỉ huy gồm những đơn vị K4A, K4B, K10 và Tiểu Đoàn 12 Đặc-công phối hợp với Thành Đội Huế từ vùng núi thượng nguồn Sông Hương hành quân bôn tập tấn công những cơ sở chính quyền, chiếm lĩnh vùng dân cư hữu ngạn con sông, phía Nam thành phố.
- Đoàn 6 gồm có các Tiểu Đoàn K1, K2, K6 và 12 Đặc Công với bốn đại đội cơ hữu 15, 16, 17, 18 tăng cường một đại đội súng phòng không, toàn bộ lực lượng địa phương thuộc hai quận Hương Trà, Phong Điền và hai đại đội Biệt động có nhiệm vụ tấn công từ hướng Bắc vào các mục tiêu: Bộ Tư Lệnh SĐ I Bộ Binh đóng tại Mang Cá; sân bay Tây Lộc; Đại Nội hoàng thành Huế.Hai lực lượng trên được chi viện thêm các Tiểu Đoàn 416, 418 thuộc Đoàn 9 xuất phát từ vùng núi thung lũng A-Sao, Tây-Nam Huế. Đơn vị nầy trước chiến dịch mang danh hiệu Cù Chính Lan, tên một thủ trưởng đã chỉ huy đoàn nầy trong chiến dịch Hòa Bình, Bắc Việt, 1951.
Vào giai đoạn sau của chiến dịch, lực lượng cộng sản được Đoàn 8 (hậu thân Trung Đoàn Sông Lô) tăng cường, bôn tập về Huế từ mật khu hướng Tây-Bắc. Mũi tiến công chính do Thủ Trưởng Đoàn 6, Nguyễn Trọng Dần chỉ huy đánh chiếm tất cả cơ sở quân sự trú đóng trong khu Thành Nội một cách nhanh chóng; ngoại trừ sân bay Tây Lộc, các cơ sở trên đều bị chiếm đóng dễ dàng bởi chỉ do các đơn vị chuyên môn, không tác chiến phòng thủ.
Tổng số quân cộng sản tham chiến gồm khoảng 7,500 người cộng với lực lượng đặc công Thành Đội Huế. Cuối chiến dịch, phía cộng sản thiệt hại 1,042 người, trong số có một cán bộ cấp trung đoàn, 8 cán bộ tiểu đoàn, 24 cán bộ đại đội, và 72 trung đội trưởng. Trong quá trình chiếm giữ thành phố Huế, phía cộng sản đã khoe bắt theo 600 thanh niên tòng quân; chiếm kho bạc lấy 4 triệu (khoảng 400,000 đô-la theo thời giá); giải thoát 1,800 phạm nhân. Nhưng quan trọng hơn hết là thành hình Mặt Trận Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ Hòa Bình, gồm có những thành phần: Chủ Tịch Lê Văn Hảo; Ủy viên Bà Tuần Chi, Thượng Tọa Thích Đôn Hậu, huy động được một số lượng quần chúng trong những ngày chiếm đóng. Nhưng, tất cả thành quả chính trị, vật chất nầy hoàn toàn trở nên là điều vô nghĩa khi ta xét đến cuộc phản công của phía Cộng Hòa, lực lượng TQLC Mỹ và những đau đớn tàn nhẫn mà lực lượng cộng sản đã thực hiện lên những đối tượng mà họ luôn nại đến trong sự nghiệp “giải phóng” - Những người dân bị thảm sát cực độ.
Trận phản công liên quân Việt- Mỹ đã diễn ra rất mực hào hùng vì chiến trường nầy đã có mặt từ trước những đơn vị ưu tú nhất của hai quân lực:
- Sư đoàn I Bộ binh VNCH với đại đội xung kích trinh sát lừng lẫy Hắc Báo;
- Chiến Đoàn I Nhẩy Dù với các tiểu đoàn 2, 7, 9.
Về phía Mỹ có:
- Tiểu Đoàn 2 Trung Đoàn 5 TQLC chi đoàn thiết vận xa cơ hữu;
- Chiến Đoàn Đặc Nhiệm X Ray do chính Tướng Foster Lahue, cựu chiến binh của Thế Chiến II và Triều Tiên gồm ba tiểu đoàn TQLC.
Ngoài ra phải kể đến hai lực lượng mạnh, hai Lữ Đoàn 1 và 2 thuộc Sư Đoàn Nhẩy Dù 101 đóng tại Phú Bài và một Lữ Đoàn Không Kỵ chiếm giữ vùng núi Tây-Nam Huế, ứng chiến cho chiến trường Khe Sanh. Tất cả lực lượng quan trọng tinh nhuệ nầy đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc theo diễn tiến sau:
- Đại Đội Hắc Báo, thành phần xung kích, trinh sát Sư Đoàn I Bộ Binh, đơn vị đại đội QLVNCH có huy chương tuyên công nhiều nhất từ hai chính phủ Việt, Mỹ, kể cả những đơn vị biệt lập của quân lực đồng minh, có nhiệm vụ trấn giữ khu Đại Nội, Điện Thái Hòa nơi thiết triều của các Vua Triều Nguyễn. Trước mặt điện là sân chầu lót đá tảng, tiếp Cửa Ngọ Môn, biểu tượng uy quyền không những của hoàng tộc mà là quốc thể Nước Nam. Kỳ Đài đối diện Cửa Ngọ Môn về hướng Nam, nơi lá cờ hồn thiêng sông núi hằng réo gọi tung bay. Nhưng Đại Úy Phan Gia Lâm với quân số thiếu hụt (do số lớn binh sĩ đã về nhà ăn tết) không thể nào chống cự nổi mũi tiến công một tiểu đoàn (một trong ba nỗ lực chính, thuộc Đoàn 6 bộ đội cộng sản) vào khu vực đại nội.
Sau năm giờ cầm cự, 5 giờ sáng ngày mồng 2, đại đội của Lâm phải rút ra khỏi khu cấm thành để cố thủ kỳ đài, nhưng cuối cùng, lúc 8 giờ sáng, ổ kháng cự kỳ đài cũng đành lâm chịu thất thủ và lá cờ ba màu vàng, xanh, đỏ được bộ đội cộng sản kéo lên trên nền trời mù sương xứ Huế ngày mưa phùn.
Nhưng lần mất sân bay Tây Lộc, khu Đại Nội chỉ là những “tai nạn” ắt có đầu tiên phải gánh chịu, phía VNCH lập tức phản công với những đơn vị chưa hề thất bại. Tiểu Đoàn 2 Nhẩy Dù đơn vị từ lúc mới thành lập 1965, do Thiếu Tá Lê Quang Lưỡng chỉ huy đã đánh những trận mở đầu ở Bà Điểm, ngoại ô Sàigòn 1966, vùng Phi Quân Sự 1967, để nên thành đơn vị được xuất sắc tuyên công chỉ sau ba năm thành lập.
Đêm mồng 1, từ Quận Lỵ Quảng Điền, bắc thị xã Huế, đơn vị đã hành quân bôn tập hai-mươi mốt cây số với tất cả sức nặng ba-lô vũ khí trên lưng người lính. Nhưng lần chạy việt dã băng đồng khó nhọc nầy không hoàn toàn bình an vì quân cộng sản đã phục kích ngay trên đoạn đường độc đạo từ quận lỵ đổ ra quốc lộ I ở An Lỗ, trên cầu Sông Bồ. Tiểu Đoàn Phó Nghi bị tử thương cùng một số binh sĩ, nhưng tiểu đoàn cũng đã kịp đến cầu An Hòa (cửa ngõ đường lên phía Bắc, hướng Quảng Trị), hiệp đồng với đơn vị bạn, Tiểu Đoàn 7 Dù, đánh qua mục tiêu làng Đốc Sơ, chiếm giữ đầu cầu, cắt đường tiếp vận về những về những căn cứ, mật khu cộng sản thuộc vùng Phong Điền, An Lỗ, Cổ Bi, Hiền Sĩ, những căn cứ địa vùng Bắc Thừa Thiên- Huế đã nổi tiếng từ chiến tranh 1945-54, an toàn khu bất khả xâm phạm.
Từ cầu An Hòa vào đến đồn Mang Cá, bản doanh Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn I Bộ Binh chỉ hơn cây số đường chim bay, hai tiểu đoàn Dù 2 và 7 phải mất một ngày sau mới vào tới được. Nơi nầy, Chuẩn Tướng Ngô Quang Trưởng đang đích thân chỉ huy cuộc chống đỡ với nón sắt, áo giáp, súng cá nhân như một người khinh binh. Hai đơn vị Dù đi hết đoạn đường ngắn ngủi kia với hơn hai-mươi bốn giờ tác chiến liên tục với kết quả số thương vong hao hụt hơn một nửa quân số cơ hữu. Điển hình, đại đội 74/TĐ7 mất gần trọn đại đội với Đại Đội Trưởng Nguyễn Lô bị thương nằm dưới hai lằn đạn, một ngày sau mới được kéo về như một xác ma. Một xác chết gần nghĩa đen nhất vì Lô phải giả chết hơn hai mươi bốn giờ qua, giữa những binh sĩ tử trận, trên nghĩa trang người chết từ lâu cùng những người hấp hối mới hôm qua.
Trưa mồng 4 Tết, Tiểu Đoàn 9 Dù, đơn vị đã chạm địch từ đêm Giao Thừa ở mặt trận Quảng Trị với Trung Đoàn 812 cộng sản Bắc Việt; tuy đã đánh bật được những đợt tấn công của địch trong suốt hai ngày mồng 2 và mồng 3, bảo vệ được vòng đai phòng thủ thị xã, nhưng đơn vị nầy cũng đã bị thiệt hại đến trăm binh sĩ; cụ thể như với Đại Đội 94, đơn vị trấn giữ khu nhà thờ Tri Bưu (chịu hướng tấn công nặng nhất mặt trận Quảng Trị) đã mất hẳn năng lực chiến đấu, bởi đại đội trưởng Thừa cùng hai trung đội trưởng Hổ, Lộc đồng tử trận. Nhưng dù với quân số thiếu hụt nầy, Tiểu Đoàn 9 chỉ sau một ngày đến Huế, sáng mồng 5, đơn vị đã phải xuất quân chiếm lại Cửa Chánh Tây, đường thông về phía những mật khu trong Trường Sơn. Trường thành Huế, khối đá gạch vuông vức mỗi chiều khoảng hơn hai cây số với những chồng gạch được ghép chặt vào nhau bởi vôi trộn mật mía, cao năm thước, trên có lối đi để binh lính tuần tra, xe ngựa di chuyển.
Nhưng khối đá tảng kiên cố nầy trong những ngày đầu xuân hôm nay đã là những chốn nguy nan khôn cùng với những tổ tam-tam bộ đội cộng sản. Mỗi tổ tam đều có đủ trung liên, B40 và AK cá nhân; nơi những ngã tư, điểm chốt chận đường đi đến các cửa thành đồng được các tổ thượng, đại liên trấn giữ. Chúng ta hãy nghe lại lời tường thuật đơn giản của một người lính trong cuộc chiến ngày ấy: “..Khi đến gần cửa Chánh Tây, tôi thấy rất nhiều địch đội nón cối, tay cầm súng AK 47, B 40, đi qua đi lại trên bờ thành.  Chúng tôi chờ trời tối cho khinh binh lén leo lên, dùng lưỡi lê đánh cận chiến, chiếm được một góc thành làm đầu cầu cho đại đội nhào lên bắn ào ạt, khiến địch trở tay không kịp. Dùng cách nầy tuy tổn thất nhiều, nhưng vì quân địch đã chiếm lợi thế bờ thành cao hơn 5 thước, nếu không liều mạng xông vào hang cọp, thì không sao bắt được cọp con.”
“Sau hai ngày tác chiến, tiểu đoàn (TĐ9ND) mới chiếm được cửa Chánh Tây, bàn giao lại cho Sư Đoàn I BB, trở ngược ra sau đánh cửa Đông Ba (Cửa chính Đông của Thành Nội Huế). Tại đây, có một cây thượng liên đặt trên cửa thành cao, rất kiên cố. Chúng tôi thử xung phong nhiều lần mà không lên được. Trung đội tôi lúc ấy còn hai-mươi mốt người, nhưng do khí thế chiến thắng từ Quảng Trị, và cửa Chánh Tây vừa rồi nên rất tự tin. Đợi ngay khi điều chỉnh pháo binh dập nát khẩu thượng liên, cả trung đội vừa bắn vừa hô xung phong tiến nhanh lên chiếm cửa thành. Thấy tên xạ thủ thượng liên chết nằm tên súng, hai chân bị khóa bằng dây xích. Kiểm điểm lại trung đội chỉ còn mười người nguyên vẹn. Mười một mạng người chết và bị thương để đổi lấy cửa thành nầy đây.”
“Lính Nhảy Dù trả nợ máu cho Quê Hương Miền Nam, lấy lại bình an cho đồng bào xứ Huế.. Gần ba mươi năm qua, trên đất Mỹ, tôi vẫn nhớ cảm giác cay cay đau đớn khi đứng trên cổng thành đổ nát, ngày mùa xuân năm xưa. Mùa Xuân rây máu của xứ Huế mù trời sương đục, tang tóc đau thương”.
Hồi Ký Một Cánh Hoa Dù-Trương Dưỡng. CA 1997
Khi Huế bị đánh, về phía Mỹ không có một lực lượng tác chiến nào trong thành phố ngoài Bộ Chỉ Huy MACV ở sát cạnh Tiểu Khu Thừa Thiên. Mãi đến chiều ngày mồng 3 tết (2-2) mới có một đại đội TQLC đầu tiên đến tăng cường giữ MACV. Liên tiếp trong ba ngày 1, 2, 3 tháng 2, lực lượng của Tiểu Đoàn 2/5 TQLC như trên đã nói mới vào vùng hành quân với mục tiêu là Khu Đại Học Huế và Bộ Chỉ Huy MACV. TQLC Mỹ có đại bác ONTOS sáu nòng có khả năng công phá mục tiêu, công sự nặng. Họ đánh mỗi ngày một mục tiêu, mỗi đường phó, đến tối rút về khu MACV. Thế nên, diễn tiến hành quân hóa nên trì chậm, không phát triển được thành quả do ưu thế hỏa lực và tính cơ động của đơn vị. Những ngày sau, TQLC Hoa Kỳ tiếp tục truy kích, chiếm đóng khu đường Lê Lợi, ngang Viện Đại Học và trước mặt nhà Ga. Khai triển thành quả, lực lượng Mỹ đẩy lui cộng quân ra khỏi khu vực Phú Cam khiến địch phải phân tán mỏng rút về phía Nam Giao.
Hồi 16 giờ chiều ngày 10 tháng 2, một đơn vị TQLC trực thăng vận tăng viện cho Tiểu Đoàn 2/5. Tuy thời tiết rất xấu, nhưng cuộc chuyển quân cũng hoàn tất tốt đẹp; cùng lần, một tiểu đoàn TQLC khác được đưa từ sân bay Phú Bài (Nam thành phố) vào Huế bằng xe. Chính quyền và dân chúng đồng lòng nô nức trước lần tăng viện mang lại dâu hiệu phấn khởi nầy.
Giai đoạn quyết định giải tỏa mặt trận Thành Phố Huế được đánh dấu bởi lần thay thế Chiến Đoàn I Dù bởi Chiến Đoàn A TQLC/VN. Chiến đoàn nầy được không vận từ Sài Gòn đến sân bay Phú Bài, từ đây di chuyển đến cầu tàu hữu ngạn sông Hương, tiếp dùng thuyền đổ bộ lên bến Bao Vinh để tiếp xâm nhập vào thành nội Huế.
Chiến Đoàn A gồm ba tiểu đoàn bộ chiến do Thiếu Tá Hoàng Thông chỉ huy. Sáng ngày 14 tháng 2, Tiểu Đoàn I TQLC do Thiếu Tá Phan Văn Thắng chỉ huy; TĐ 5 của Thiếu Tá Phạm Văn Nhã xuất phát từ thành nội, khai diễn hành quân Sóng Thần 739/68 với mục tiêu là khu vực Tây -Nam thành nội Huế, để từ đây mở rộng ra hướng cầu Bạch Hổ. Trận chiến ở khu vực TQLC được mô tả như sau dưới mắt nhìn của Nguyễn Tú, phóng viên niên trưởng của làng báo Sài Gòn ba-mươi sáu năm trước:
“Đại đội 4/ Tiểu Đoàn 1 TQLC do Trung Úy Nguyễn Xuân Tòng chỉ huy; anh chỉ cho tôi hướng tiến quân: “Địch đang ở trong cái chùa cách chúng ta 30 thước và cách trường học phía bên trái 60 thước..” Bất ngờ tiếng nổ ầm cách chúng tôi khoảng mười thước, ném tung đất bùn lên đám lính đang ngồi thấp chờ lệnh. Phía cộng sản bắn hỏa tiễn vào đội hình của đoàn quân. Trung Úy Tòng gọi máy về bộ chỉ huy để xin chiến xa tăng cường yểm trợ cuộc tiến quân. Khoảng ba phút sau, ba chiếc tăng không biết từ đâu ùn ùn chạy đến. Đại bác chiến xa đồng khai hỏa, tiếp loạt đại liên 50 ly chém gẫy cây cành, lá rơi tơi tả. Đạn súng đã bắn ra mà tiếng dội còn vang vọng trong sương mai lạnh lẽo. Trung Úy Tòng ra lệnh cho toán quân Chuẩn Úy Nhựt tiến chiếm ngôi chùa. Nhựt dẫn đầu toán lính, vừa bắn vừa chạy, tản rộng hai bên bọc lấy những bức tường của ngôi chùa, sau đó tiếp tục đánh vào mục tiêu thứ hai, khu trường học, nơi những địch quân vừa từ chùa chạy về cố thủ.”
“Phản lực được gọi đến yểm trợ, những trái bom rơi gần chỉ trong khoảng cách 100, 150 thước, những mảnh gang văng tới tận khu chùa, đen sì, nóng bỏng như vừa được lấy từ lò đúc. Qua máy truyền tin, tôi (Nguyễn Tú) được biết có một toán TQLC vừa thanh toán được một hầm cố thủ mà toán Việt cộng trong ấy khoảng mười-lăm tên đã hoàn toàn bị tiêu diệt. Tôi muốn chạy sang bên ấy để chụp hình thì người lính bên cạnh đã ngăn cản: “Không được, ông chạy qua bên ấy dễ ăn kẹo vi-xi lắm, đợi chúng tôi dọn sạch cái nhà và ngôi trường, hơn nữa phải đào hầm lên mới chụp hình được chứ..” Tôi nghe hợp lý nên ngồi lại. Bỗng có tiếng la lớn” Chết cha, Chuẩn Úy Nhựt chạy trước kìa.. đâu đã có lệnh cho lên?!” Người lính chưa kịp nói dứt lời thì tràng đạn “tắc! tắc!” nổ giòn.. Một bóng người ngã gục trên khoảng đất trống, cách chùa mười-lăm thước... Có ai đó đã lấy một tấm pông-sô phủ lên hình hài Chuẩn Úy Nhựt. Một người lính nói với tôi:”Ông biết không, Chuẩn Úy Nhựt hăng lắm, đại đội 4 chúng tôi trong trận Cai Lậy lấy được nhiều súng nhất, đến 95 khẩu đủ loại”.
“Vô tình người lính đã đọc một bài điếu văn giản dị, đơn sơ mà bao giá trị, bao ý nghĩa. Gần chỗ cỏ xanh loang máu đỏ lẫn với bùn, nơi Chuẩn Úy Nhựt ngã xuống cho lần giải phóng Thành Nội Huế, một chiếc nón sắt nằm trơ, ngửa lên bầu trời vẩn đục mây xám, mưa phùn, gió rét. Hai bên nón sắt có dòng chữ và chữ ký ngang tàng, phóng túng: “Sống bên em. Chết bên bạn”. Mặt trận Thành Phố Huế chấm dứt với lần tham chiến của hai Tiểu Đoàn 21 và 39 Biệt Động Quân có nhiệm vụ tảo thanh khu Gia Hội, vùng cư dân nằm dọc theo sông Đào và Sông Hương. Vùng nầy nhà cửa ít bị thiệt hại nhưng dầy đặc những hầm xác người bị thảm sát do lần rút đi trong thất bại của lực lượng cộng sản sau hai-mươi sáu ngày chiếm đóng.”
Bốn giờ chiều Ngày 24 Tháng Hai, năm 1968, hình ảnh bi tráng nhất của chiến tranh Việt Nam được hiện thực: Người xứ Huế, những người Lính chiến đấu ở Huế đồng một lần bật khóc khi LÁ CỜ VÀNG BA SỌC lên cao trên kỳ đài giữa mù sương và mưa bay Mùa Xuân Huế. Vạn Quân Dân đã một lần bật khóc. Khi lá Cờ Vàng Ba Sọc lừng lững lên cao giữa mù sương xứ Huế sáng Xuân nào.

Ba.
Hậu Từ
Ngày 4 tháng Hai, năm ngày sau khi lực lượng cộng sản chiếm được một phần lớn Thành Phố Huế, Đài phát thanh Hà Nội loan báo: “Có khoảng một tá những kẻ ác ôn bị bắt giữ và trừng phạt.” Nhưng vào ngày 25 tháng Hai, khi Huế được chiếm lại, người ta nhận ra có một cuộc thanh trừng có tính toán đã được thực hiện. Theo tài liệu bắt được từ phía Việt Cộng, thì bộ đội cộng sản đã hành quyết 1,892 viên chức hành chánh, 38 cảnh sát viên, 70 “cường hào ác bá”. Khoảng 2,800 tử thi được tìm thấy rải rác khắp bờ rừng, ruộng lúa. Chắc chắn rằng những những người bị bắt đã bị chôn sống hoặc hành quyết tàn bạo. Những kẻ chống đối sự can thiệp của người Mỹ ở Việt Nam, và không chỉ riêng những người nầy mà thôi, có cáo buộc rằng: “Những nạn nhân kể trên là do các cuộc không kích của không lực Mỹ và lính VNCH gây ra!” Nhưng sau đó, họ có thêm giải thích: “người chết cũng do phía cộng sản Bắc Việt khi thất trận rút lui”. Tuy nhiên, tháng 9 năm 1969, Hà Nội tung ra luận điệu chế nhạo về việc tìm kiếm những xác chết (nạn nhân cuộc thảm sát Mậu Thân- Do chính phủ VNCH điều động tiến hành): “Đấy chỉ là những xác chết thối tha của bọn mang nợ máu (đối với nhân dân)”.
Và Tường, dạy học ở Huế (bạn của nhạc sĩ phản chiến Sơn) trong phần trả lời của đài truyền hình Mỹ (về những vụ giết người kể trên mà y giữ phần quyết định) đã bình thản trả lời: “Chúng tôi giết chúng như giết loài rắn độc.” Tóm lại, những toán “Hành Quyết” đã thành lập những danh sách kín liệt kê công chức, nhà giáo, người tu hành... Những người nầy bị hành hình sau một vài phiên xử có tính cách hình thức. Loạt thanh trừng thứ hai nhắm đến tầng lớp thân hào nhân sĩ, trí thức, những người có liên quan với chính quyền Mỹ và cuối cùng, giết luôn những kẻ đã “lỡ” nhìn thấy lần thảm sát hai loại nạn nhân kể trên.
Trong tổng số những người bị giết có Stephen Miller, Phòng Thông Tin Hoa Kỳ, ba Bác Sĩ người Đức, và hai Nhà Truyền Giáo Pháp. Nhưng tài liệu báo chí, giới truyền thông Au, Mỹ hoàn toàn không biết, không nói đến những chi tiết: “Trong số những người chết ở Huế có nhiều người, rất nhiều người không thể nào “có nợ máu đối với nhân dân”, như Thượng Nghị Sĩ Trần Điền. Bởi, chính ông cũng là Giáo Sư Sử-Địa, cùng thời với cố học giả Nguyễn Thiệu Lâu và là Huynh Trưởng “Gà Hùng Biện”, Ủy Viên Trung Ương Hướng Đạo Việt Nam”.
Ở Mỹ, một bên tham chiến ở Việt Nam, nơi xuất phát những Thủy Quân Lục Chiến, lính Đệ Nhất Không Kỵ, Sư Đoàn 101 Nhảy Dù... Những người lính Mỹ chết vì một vùng đất vô cùng xa lạ gọi là Huế. Nhưng cũng chính nơi đất nước vô cùng hào hiệp nầy lại có lời tán tụng rất mực trang trọng về “Một bản biên niên khách quan đầy ấn tượng và độc đáo về chiến tranh và thảm kịch (Việt Nam)” đối với một cuốn sách của tác giả Stanley Karnow. Bởi người nầy trong cuốn sách được giải thưởng cao nhất về báo chí ấy, “VIỆT NAM A History”, có hình ảnh một cán binh cộng sản chết ở Huế bên cạnh những vỏ đạn và chiếc ví đựng những tấm hình phụ nữ với lời ghi chú: “...Thường thường, lính Nam Việt Nam hay trấn lột những “chiến lợi phẩm” trên xác chết những lính Bắc Việt Nam.” Người viết báo đã được ngợi ca “sự chiến thắng của ngành báo chí ở mức độ toàn hảo nhất” nầy hẳn biết rõ: Ở Hà Nội, nơi trái tim của Cộng Sản Việt Nam, thứ, loại cộng sản lạc lõng, rơi rớt, thoái hóa nhất của phong trào cộng sản thế giới, có một xác chết cực độ vô nghĩa lý. Lại là một xác chết giả. Thế nên, danh sách trên sẽ rất dài nếu con người có chút “liêm sỉ và tính thiện” cần thiết để hiểu cộng sản là gì? Cộng Sản Việt Nam là gì?
Mậu Thân tính đến nay là 36 năm.
Sài Gòn mất đến nay là 28 năm.
Câu hỏi trên vẫn còn giá trị hữu dụng đối với rất nhiều người- Những người gọi là “trí thức”- Trí thức Việt, Mỹ, Pháp, v.v...
Phan Nhật Nam
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn