Chiến tranh trong giờ hòa bình!- Lê Quang Liễn - Phạm Văn Tiền

Thứ Sáu, 01 Tháng Giêng 20214:00 CH(Xem: 6469)
Chiến tranh trong giờ hòa bình!- Lê Quang Liễn - Phạm Văn Tiền
Thời điểm trước ngưng bắn, tôi ở Tiểu Đoàn 2 TQLC, và đơn vị có danh xưng hào hùng “Trâu Điên” của chúng tôi được chọn để tăng cường cho Tiểu đoàn 4 TQLC


http://farm8.staticflickr.com/7109/7634836304_0536b5d8a0_c.jpg


Hòa Bình trong súng nổ đạn rơi!


Thời điểm trước ngưng bắn, tôi ở Tiểu Đoàn 2 TQLC, và đơn vị có danh xưng hào hùng “Trâu Điên” của chúng tôi được chọn để tăng cường cho Tiểu đoàn 4 TQLC – là nỗ lực chính của trận đánh – để tham dự cuộc tấn công thần tốc, với chiến thuật biển người nhằm chiếm lại Căn cứ Hải quân Cửa Việt, nằm bên cửa biển mà các con sông Miếu Giang và Thạch Hãn vừa hợp lưu ở gần thị trấn Đông Hà để đổ ra biển Đông. Mục đích cuộc hành quân là nhằm tái chiếm vị trí quân sự quan trọng trước giờ ngưng bắn có hiệu lực. Quân cảng Cửa Việt là nơi quân Bắc Việt có thể xử dụng để tiếp nhận các đồ quân sự tiếp viện cho mặt trận phía Bắc bằng đường biển.

Trước khi lệnh ngưng bắn có hiệu lực vào ngày 28 tháng 1 năm 1973, lực lượng TQLC và Thiết Giáp đã hoàn tất nhiệm vụ một cách triệt để. Cả rừng cờ VNCH tung bay trước gió trên vùng trời Căn Cứ hải quân Cửa Việt trong nắng ấm và trong tiếng sóng reo vui vỗ vào bờ. Về phía địch, cờ MTGPMN cũng được trương lên ở những nơi trú ẩn của chúng.

Nhưng những ngày đầu của hòa binh cũng là những ngày ngập máu. Trong khi phía VNCH chúng tôi tôn trọng lệnh ngừng bắn, thì VC dốc toàn lực cố đánh bật lính Mũ Xanh và Thiếp Giáp ra khỏi Căn cứ Cửa Việt nằm lẻ loi và thiếu yểm trợ ở cái góc cực bắc của quận Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Bị trói chân tay bởi hiệp định hòa bình vừa mới ký, và không được yểm trợ hữu hiệu để phản công và tự vệ để bảo vệ vùng đất do VNCH làm chủ trước giờ ngừng bắn, đoàn quân bách chiến bách thắng chúng tôi đã bị dồn vào thế kẹt. Sau nhiều ngày cầm cự, chúng tôi buộc phải mở đường máu rút về tuyến sau. Trên đường về còn phải đánh mở đường vì địch bao vây cả bằng xe tăng. Đó là những hình ảnh nhức nhối cứ ám ảnh tôi mãi đến nay, những hình ảnh quá đau thương vào giờ hòa bình của cuộc đời lính chiến.

Đã 40 năm qua rồi! Hình ảnh hòa bình trong trí nhớ chúng tôi là hàng chục xác anh em TQLC và Thiết Giáp gói trong poncho được chúng tôi chuyển về đặt nằm ngay ngắn thành những hàng dài trên vùng bờ biển lộng gió Quảng Trị trước Bộ chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm Tango đến nay vẫn không phai mờ trong ký ức, mỗi khi hồi tưởng lại khó cầm nước mắt. Hậu phương có thấu hiểu cho chúng tôi không, thắng trọn vẹn thì có nhiều cha, sa cơ thất thế thì mồ côi cha!
Thay nén nhang đơn sơ và thành kính, xin nhắc lại chiến công của các anh em đã đổ máu và hy sinh sự sống mình cho lý tưởng quốc gia, và cho sự an lành của đồng bào và người thân ở bên sau chiến tuyến.

TQLC: Lê Quang Liễn


http://farm4.staticflickr.com/3588/3771763822_44fa49f200_z.jpg?zz=1

Chiến tranh trong giờ hòa bình!

Đơn vị chúng tôi nhận được tin hòa bình đồng thời với lệnh Hành Quân Tiến Chiếm Cửa Việt đúng vào lúc đang dưỡng quân ở Hương Điền để phục sức và tái trang bị, sẵn sàng cho trận đánh kế tiếp. Đây là cuộc hành quân đặc biệt nhằm mục đích dùng quân sự để hổ tương chính trị. Ngoài vũ khí đạn dược được trang bị, mỗi người lính phải mang thêm trong ba lô 5 lá cờ để sẵn sàng cắm lên vị trí vừa chiếm được. Nói là hòa bình, nhưng địch vẫn pháo kích mãnh liệt và đều đặn vào vị trí tiểu đoàn. Dưới địa đạo, trong hố cá nhân sâu, Cọp Biển chúng tôi luôn ghì chặt tay súng chờ địch từng giờ, từng phút trong cái rét cắt da của những cơn mưa dầm tầm tả của mùa giông bão nơi vùng địa đầu giới tuyến.

 
Đây là cuộc hành quân thần tốc, thời gian được ấn định thật chi ly, từng giây phút một, vì nó cần phù hợp với Hiệp định Quốc tế. Vỏn vẹn chỉ 24 giờ đồng hồ, từ 7 giờ sáng 27/1 đến 8 giờ sáng ngày 28/1/73. Bằng mọi giá, các đơn vị tham chiến phải thanh toán xong mục tiêu, trên một địa thế trần trụi toàn đồi cát trắng, dày đặc chốt địch và mìn bẫy. Mục tiêu chính là phải tái chiếm bằng được căn cứ Hải quân mà ta bỏ lại từ cuối trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, nằm trên cửa khẩu của nhánh sông Miếu Giang, từ Đông Hà đổ ra biển Đông – cách chúng tôi khoảng 12 km đường chim bay.

http://vnafmamn.com/ARMOR/Artillery_arvn31.jpg
Trước giờ G ấn định 30 phút, pháo binh đã cày nát mục tiêu để xe tăng M.48 và M.41 với hỏa lực thật hùng hậu xung phong đồng loạt cùng các đại đội Bộ binh tùng thiết trên các thiết vận xa M.113. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hành quân của TQLC, chúng tôi dùng chiến thuật “biển người” của địch, để tràn ngập và đánh phủ đầu địch. Bị đánh bất chợt, địch bung tuyến tháo chạy để bị quân ta bắt sống khoảng 60 tù binh với nguyên vẹn vũ khí.

Thua đau, địch tăng viện thêm một trung đoàn phối hợp cùng chiến xa PT.54 và PT.59, đồng loạt phản công vào vị trí của chúng tôi. Một số chiến xa M.48 và M.41 của đơn vị bạn trúng hỏa tiễn tầm nhiệt AT.3 phải dậm chân tại chỗ. Thương binh cũng nhiều, cần được di tản về tuyến sau. Đã 8 giờ đêm mà chúng tôi chỉ mới nuốt được phân nửa đoạn đường, với tổn thất đáng kể nhưng vẫn phải tiếp tục nuốt tiếp phần đường còn lại.

http://farm4.staticflickr.com/3524/3770956637_0234f81f39_z.jpg?zz=1
Bộ Chỉ huy Hành quân quyết định tăng viện thêm một phần của tiểu đoàn 2/TQLC, để phối hợp với các chi đoàn chiến xa còn lại của Thiết đoàn 20, để đánh theo kế hoạch mới: một cuộc tiến quân thọc sâu chớp nhoáng thẳng tới mục tiêu ở phía Bắc, liều lĩnh bỏ ngõ sườn trái hoàn toàn. Vì không đoán biết cách đánh bạt mạng của TQLC nên địch trở tay không kịp. Đúng 7 giờ 58 phút sáng ngày 28/1/1973, tức chỉ có 2 phút trước giờ lệnh ngừng bắn có hiệu lực, chúng tôi đã hoàn thành sứ mạng. Cả rừng cờ Việt Nam Cộng Hòa đã phất phới tung bay trước gió, tràn ngập bầu trời Cửa Việt. Địch cũng chẳng vừa; cờ Mặt trận Giải phóng Miền Nam được chúng trương lên ở các vị trí mà chúng chiếm đóng.

Lần đầu tiên từ cả tháng nay mới có ngày nắng ấm như hôm ấy. Bầu trời trong xanh với những tia nắng ấm đẹp chiếu lung linh vào mặt biển, hòa cùng những cơn sóng đập xào xạc vào bờ như tiếng vỗ tay nhịp nhàng chào mừng một ngày Hòa bình mới! Binh sĩ ta và địch đã gác thù hận sang một bên, ôm nhau cùng hoan hô hòa bình, mắt nhòe giọt lệ mừng. Thôi, không còn chiến tranh khốc liệt tương tàn! Chúng tôi mời nhau từng điếu thuốc, từng bao gạo sấy, các thẻ lương khô, ghi cho nhau những chữ ký lưu niệm chiến trường... Cả hai bên, bên nào cũng có nhiều người khóc, những giọt nước mắt dành cho bạn bè đồng đội đã ngã xuống hôm qua hoặc vừa mới sáng hôm nay. Trong những giờ phút cuối cùng của cuộc chiến này, mãi tận Paris, nơi cách xa hơn nửa vòng trái đất, một bản Hiệp Định đã được ký kết và đang có hiệu lực với chúng tôi. Tiếng súng đã ngừng nổ!

http://farm3.staticflickr.com/2306/5758012316_35fd87e93e_z.jpg
Rồi chúng tôi được lệnh tiếp tế, tải thương, tái trang bị lại càng nhanh càng tốt, và phải đề cao cảnh giác hơn bao giờ hết. Bài học Tết Mậu Thân đẫm máu và biết bao vụ vi phạm đã xảy ra trong quá khứ mà chúng tôi phải trả bằng giá máu... làm sao có thể tin được họ! Chúng tôi cũng nhận lệnh cấm tiếp xúc với địch, và lệnh lần này được áp dụng gắt gao hơn. Có lẽ bên phía địch cũng thế: họ đã biến mất tự lúc nào và bắt đầu dùng loa lên án phía ta vi phạm ngưng bắn. Tình hình trở lại căng thẳng ngay vào chiều ngày hòa bình ấy. Đến 9 giờ đêm cùng ngày, địch tập trung quân bao vây Đại đội 2 làm Đại úy Từ Đức Thọ phải cho lính mình rút ra khỏi căn cứ Hải quân mà ta vừa chiếm được từ sáng sớm. Để bảo toàn lực lượng và chờ đợi sự can thiệp của Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát ngưng bắn, quân ta rút về phòng thủ với toàn bộ chỉ huy nhẹ tại sát nách bờ biển gần cửa khẩu.

Địch lại bắt đầu pháo kích, đe dọa tấn công ta. Chúng tôi được lệnh tự chống trả mà không có bất cứ một sự yểm trợ nào. Các pháo đội của ta sẵn sàng tác xạ... nhưng không được phép khai hỏa. Tàu chiến Hải quân Việt Nam Cộng hòa lảng vảng ngoài khơi nhưng chẳng có một sự can thiệp nào.

Sau hơn 3 ngày đêm nằm phòng thủ tại chỗ chịu trận, chúng tôi chẳng khác những võ sĩ bị trói chặt tay bỏ lên sàn đánh, mặc cho địch thủ ra đòn tới tấp và phần mình chỉ còn có thể cựa quậy để tránh ngọn đòn đau. Cục đường khi đã nằm trên miệng ổ kiến thì cứ thế mà hao mòn dần! Tới ngày 31/1/73, chúng tôi không còn cơ sở để trông chờ Ủy ban quốc tế xuất hiện. Các thành viên đến từ các nước Cộng sản không đến để thừa nhận sự thua thiệt về phía đồng chí Cộng sản của họ. Còn quân ta – những người chọn lý tưởng tự do, luôn đặt niềm tin vào công lý và luật pháp – đã bị thua thiệt bởi canh bạc chính trị gian lận bỉ ổi này. Còn gì vô lý hơn khi chúng ta bị cưỡng ép ký vào một bản hiệp định để chấp nhận sự hiện diện ngay trên đất nước mình của bọn cướp bằng giải pháp “da cọp, da beo”! Là lính tác chiến, trong tình trạng có hơn một phần ba chiến xa bị hư hại vì pháo địch, thiếu nước uống, hụt lương thực và đạn dược cạn dần, đông đảo thương binh và xác đồng đội cần được chuyển về tuyến sau – cái duy nhất mà chúng tôi nhận được là những lời an ủi của thương cấp gởi đến qua máy truyền tin.

http://farm8.staticflickr.com/7005/6728506713_34e771daf5_z.jpg
Cuối cùng, hòa bình đã diễn ra đúng như chúng tôi đã lo ngại: bộ binh địch được xe tăng yểm trợ đã ào ạt đánh phủ đầu vào tuyến phòng thủ của chúng tôi. Trong cơn tuyệt vọng và với bản năng sống còn, chúng tôi trút tất cả hỏa lực mạnh mẽ nhất vào phía địch. Một số chiến xa của chúng bị chúng tôi bắn cháy. Nhưng mảnh hổ nan địch quần hồ, nhiều anh em phía Thiết Giáp đưa đề nghị di tản chiến thuật để cứu mạng binh sĩ thuộc quyền, dù về sau có phải ra tòa án quân sự. Thế là các chiến xa còn lại của Thiết đoàn 20 dẫn đầu rút lui khỏi vị trí phòng ngự.
Chúng tôi may mắn sống sót trở về, nhưng lòng đau đớn hơn khi phải bỏ lại sau lưng bao xác đồng đội và thuộc cấp của mình – những người lính đã anh dũng chiến đấu và hết lòng tuân lệnh cấp trên cho đến giờ hy sinh vì tổ quốc.
Xin vinh danh và mãi mãi nhớ ơn các chiến sĩ TQLC và Thiết Giáp cũng như toàn thể quân nhân của các đơn vị bạn đã hy sinh trong trận đánh uất nghẹn này, và những người lính VNCH khác đã can trường bất khuất trong nhiệm vụ bảo vệ miền Nam thân yêu của chúng ta.

TQLC: Phạm văn Tiền

Sinh Tồn chuyển

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn