Ký ức 1968

Thứ Năm, 01 Tháng Hai 20183:30 SA(Xem: 6501)
Ký ức 1968
voatiengviet.com

Bùi Văn Phú


Tết Mậu Tuất năm nay là đúng nửa thế kỷ đã qua kể từ Tết Mậu Thân. Với nhiều người Việt, Mậu Thân 1968 là niên lịch khó quên vì nó ghi dấu một biến cố kinh hoàng trong chiến sử Việt Nam.

Đúng vào ngày Tết cổ truyền năm đó, dù có lệnh tạm ngưng chiến, cán binh cộng sản đã đồng loạt mở các cuộc tấn công vào hầu hết những thị thành miền Nam. Chiến tranh đã đến với người dân thành phố và để lại trong ký ức nhiều cảm xúc khó quên về “Tổng Công kích Tết Mậu Thân”.

Tôi đang học lớp 7. Buổi sáng ngày Mồng Hai Tết, cùng với những đứa trẻ trong xóm tụ họp nơi ngã ba đường gần nhà để chơi bầu cua tôm cá. Pháo vẫn tiếp tục nổ, nhưng nghe người lớn nói với nhau sao tiếng pháo thanh và giòn hơn.

Nghe tiếng nổ xa xa, rồi tiếng rít trên không khi đạn 122 ly bay ngang thì chỉ còn biết cầu xin Chúa giữ gìn. Nhiều lần đạn đã rớt vào khu dân cư nhà tôi, nổ tung toé những xác người không còn nguyên vẹn.

Chập sau có anh lính hải quân phóng xe từ trung tâm thành phố về nhà ngay trong xóm, tay cuốn băng cứu thương còn đẫm máu. Anh nói Việt Cộng đang tấn công vào Bộ Tư lệnh Hải quân, vào thành phố.

Nghe thế, một bác nói những tiếng nổ giờ không phải tiếng pháo mà là đạn AK rền vang và yêu cầu mọi người giải tán, ai về nhà nấy. Một nhóm dường như không nghe, tiếp tục chơi trò đỏ đen, bác bực mình cầm bàn bầu cua hất tung lên. Các trò vui chơi coi như chấm dứt. Mọi người về nhà. Đó là năm với sinh hoạt đón tết ngắn ngủi nhất cho tôi, cho người miền Nam.

Người lớn quây quần bên chiếc radio chờ ngóng tin tức nhưng chỉ là tiếng rè rè. Các chương trình phát thanh bị gián đoạn một quãng thời gian, vài giờ sau mới có lại. Đêm về trong xóm lo tổ chức canh gác. Những con ngựa gỗ và vòng kẽm gai được làm ngay, đem ra chắn ở các ngã tư đường. Người lớn chia nhau canh gác vào ban đêm.

U tôi lấy vải cuốn thành vài cái ruột tượng với ít quần áo trong đó, viết tên con lên, để nếu phải chạy loạn sẽ đưa cho các con đeo bên mình. Chiến tranh và loạn lạc thày u tôi đã trải qua nhiều với những lần tản cư từ làng quê lên thành phố Nam Định. Sau ngày di cư vào Nam, cùng đồng hương quê bắc sống yên bình bên nhau nơi vùng đất mới trong hơn một thập niên, lo lắng về chiến tranh không còn canh cánh ở bên. Cho đến Tết Mậu Thân.

Tôi nhớ tin tức lúc đó làm kinh ngạc mọi người vì khắp nơi trên toàn lãnh thổ đã bị Việt Cộng tấn công. Riêng tại Sài Gòn những nơi bị tấn công là Dinh Độc Lập, Bộ Tư lệnh Hải quân, đài phát thanh, tòa đại sứ Mỹ. Việt Cộng đã chiếm một căn nhà mấy tầng đang xây ngay trước Dinh Độc Lập làm bàn đạp tấn công vào trung tâm quyền lực của miền Nam.

Rồi những mồ chôn tập thể được tìm thấy. Nhưng không nơi nào người dân đã nổi lên cướp chính quyền.

Khi đó chiến tranh đã vào thành phố những vẫn còn cách nơi tôi ở dăm bảy cây số.

Đợt tấn công thứ nhì vào tháng 5, chiến tranh đã đến gần hơn vì những nơi có giao chiến là khu vực Bảy Hiền, Lăng Cha Cả, Bà Quẹo nằm trong vòng đai an ninh phi trường Tân Sơn Nhất, chỉ cách nhà một, hai cây số.

Một buổi chiều, đứng trước sân nhìn thấy phóng pháo cơ xà xuống bỏ bom. Nghe tiếng nổ lớn, ít giây sau có miểng bom văng rớt ngay dưới chân. Tinh nghịch tôi vồ lấy, nhưng sức nóng của cục sắt còn như lửa, nên phản xạ tự nhiên khiến tôi vất nó xuống.

Có lửa cháy, khói đen bốc lên từ phía Ngã tư Bảy Hiền. Trận chiến ở Lăng Cha Cả đã làm Đại tá Lưu Kim Cương tử trận vì trúng đạn B-40 và tin được loan truyền đi rất nhanh. Rồi tin trực thăng phe ta bắn vào trường học nơi tôi đã đi thi vào đệ thất làm thiệt mạng nhiều sĩ quan cấp tá.

Mấy ngày sau, khi tiếng súng đã ngưng tôi được một anh hàng xóm chở đi xem hậu quả của chiến tranh. Truờng Thánh Tâm nơi tôi học đã trở thành trạm tiếp cư đón người lánh nạn cộng sản. Khu Bảy Hiền có những căn nhà bị cháy đen, xa hơn về phía căn cứ Nhảy dù Hoàng Hoa Thám, Bà Quẹo, hai bên đường còn nhiều xác chết. Một xe cứu hỏa chở đầy xác Việt Cộng nghe nói đem chôn trong mồ tập thể ở Nghĩa trang Đô Thành.

Năm 1968 Thủ đô Sài Gòn và nhiều tỉnh thành trải qua hai đợt tấn công của Việt Cộng. Huế bị chiếm đóng trong ba tuần lễ. Rồi những mồ chôn tập thể được tìm thấy. Nhưng không nơi nào người dân đã nổi lên cướp chính quyền.

Sau chiến trận ít lâu là lần đầu tiên tôi thấy súng đại liên phòng không, súng B-40, B-41 và AK-47 được trưng bày nơi sân trường trong một lần triển lãm chiến lợi phẩm tịch thu được cho dân chúng xem.

Chiến tranh không còn vào thành phố sau hai đợt tấn công, nhưng có đêm thành phố bị Việt Cộng pháo kích. Nghe tiếng nổ xa xa, rồi tiếng rít trên không khi đạn 122 ly bay ngang thì chỉ còn biết cầu xin Chúa giữ gìn. Nhiều lần đạn đã rớt vào khu dân cư nhà tôi, nổ tung toé những xác người không còn nguyên vẹn.

Lệnh tổng động viên được ban hành, nhiều thanh niên trong xóm ngõ từ giã gia đình lên đường nhập ngũ, tòng quân. Năm đó tôi lên lớp 8 và biết đến nhạc Trịnh Công Sơn với “Diễm xưa” do bạn Nguyễn Đức Bảo hát trong giờ sinh hoạt hiệu đoàn và “Người già và em bé” qua giọng ca trầm buồn của thày Trần Văn Thuận dạy văn.

Sau này đến Mỹ định cư, học hỏi thêm về lịch sử tôi nhận ra niên lịch 1968 cũng là ký ức khó quên trong lòng người dân Mỹ, trong đó có Tết Mậu Thân được gọi là “Tet Offensive”.

Tổng thống Lyndon Johnson với chính sách leo thang chiến tranh, từ năm 1965 đã đưa nửa triệu lính Mỹ vào miền Nam Việt Nam nhưng không ngăn chặn được những cuộc tấn công của bộ đội cộng sản. Tổng Công kích Mậu Thân là một cuộc tấn công quân sự bất ngờ, làm mất uy tín Tổng thống Johnson và niềm tin của dân Mỹ vào chiến thắng, ngày 31/3/1968 ông tuyên bố không ra tranh cử và cũng sẽ không nhận sự đề cử của Đảng Dân chủ.

Nước Mỹ năm đó trải qua hai vụ ám sát chính trị. Mục sư tranh đấu cho dân quyền Martin Luther King Jr. bị ám sát vào tháng 4. Thượng Nghị sĩ Robert Kennedy đang tranh cử tổng thống bị bắn chết vào tháng 6.

1968 với Đại hội Đảng Dân chủ ở Chicago có nhiều bạo loạn. Phong trào chống chiến tranh lan rộng và trở nên quyết liệt hơn.

Năm đó Richard Nixon của Đảng Cộng hòa thắng cử, đưa nước Mỹ vào một khúc quanh lịch sử với nhiều kết cục không tốt đẹp. Từ Hồ sơ Ngũ Giác Đài được công bố, phơi bày sự thiếu minh bạch của chính phủ trong chính sách về chiến tranh Việt Nam, đến Hiệp định Paris 1973 để Mỹ tháo chạy, phản bội đồng minh và vụ nghe lén Watergate khiến Tổng thống Nixon phải từ chức năm 1974.

Đi thăm bảo tàng của các Tổng thống Lyndon Johnson, Richard Nixon và Ronald Reagan, người xem thấy niên lịch 1968 là một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp chính trị của lãnh đạo Mỹ và đã để lại những dấu ấn rất sâu đậm trong lịch sử cận đại của Hoa Kỳ.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Năm, 11 Tháng Giêng 201810:00 CH
Khi số báo đến tay, các bạn đang ở trong những ngày cuối cùng của năm 2017 để bước sang năm mới trong niềm hy vọng về một năm mới tốt lành hơn cho mỗi cá nhân, gia đình,
Thứ Tư, 10 Tháng Giêng 20187:00 CH
Vốn là người miền Trung, lúc tuổi còn ấu thơ mãi vui đùa với bạn bè trong xóm nên khi bắt đầu vào bậc trung học đệ nhất cấp tôi mới lưu ý đến thành phố Sài Gòn,
Thứ Tư, 10 Tháng Giêng 201810:00 SA
Gõ một mạch, viết đến đâu nước mắt lăn dài đến đó. Xót ông bà ngoại, thương phận mẹ, và tủi cho kiếp mình. Tôi viết để tự nhắc nhở mình phải nhớ lấy lời mẹ dạy
Thứ Hai, 08 Tháng Giêng 20184:45 CH
(HNPD)Ai ngờ tờ báo Anh Ngữ có tên ASIA này là cơ quan truyền thông cuả Cộng Đồng dân Á Châu tại thành phố biển êm đẹp, hiền hoà San Diego cuả tôi.
Thứ Ba, 02 Tháng Giêng 201810:14 SA
(HNPD) Chúng tôi ba đứa đồng tuế ở lứa tuổi 28 năm 1963, độc thân vui tính, cùng phục vụ tại Trung Đoàn 33 Bộ Binh, thân quý nhau như ba chàng Ngự Lâm Pháo Thủ (Les Trois Mousquetaires).
Thứ Tư, 27 Tháng Mười Hai 20179:13 SA
(HNPD) Sang định cư ở Mỹ, tại San Diego, Nam California theo diện H.O. 10, năm 1992, gia đình tôi khá đông người, đi được gần hết, chỉ trừ người con trai lớn có gia đình, phải ở lại Việt Nam, đợi gia đình bảo lãnh khi đủ điều kiện.
Thứ Hai, 25 Tháng Mười Hai 20179:00 CH
Charles Jenkins, binh sĩ Mỹ trốn sang Triều Tiên, đã qua đời tại quê vợ ở Nhật Bản vì bệnh tim hôm 11-12, ở tuổi 77.
Thứ Năm, 21 Tháng Mười Hai 201711:00 SA
Tháng Chín 1954, ngôi nhà rộng lớn của nội trở nên trống vắng. Chị vú về quê trên làng Lộc Đại, khách khứa không còn lai vãng, và vườn rau bỏ phế không ai chăm sóc. Cậu Há và thầy Trình đã đưa gia đình di cư vào Nam
Thứ Tư, 20 Tháng Mười Hai 201712:10 SA
(HNPD) Bây giờ hồi tưởng lại, 42 năm viễn xứ, của người Việt tha hương tỵ nạn cộng sản qua mốc thời gian xa xưa, từ năm 1975. Và cá nhân tôi lại xa Sài Gòn lần thứ 3 từ năm 1993 đến nay (2017),...
Thứ Sáu, 15 Tháng Mười Hai 20173:53 SA
Đoạn đường từ Pleiku lên Kon Tum khá giống con đường dẫn lên đỉnh trời, liên tục có những bầu trời bị bỏ rơi lại sau lưng và những bầu trời mới liên tục xuất hiện với những khoang trời rộng,