Công binh Quân khu 9 cùng lực lượng chuyên dụng đã đến hiện trường hỗ trợ cứu nạn cháu bé tại Đồng Tháp

Nguồn hình ảnh, THONG TIN CHINH PHU

Chụp lại hình ảnh,

Công binh Quân khu 9 cùng lực lượng chuyên dụng đang hỗ trợ cứu nạn bé Hạo Nam tại Đồng Tháp

Giới chức tại tỉnh Đồng Tháp vào tối 4/1 cho biết bé trai Thái Lý Hạo Nam, 10 tuổi, bị rơi xuống cọc bê tông trong công trình xây dựng 4 ngày trước đã tử vong.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu nói đến tối 4/1, vẫn chưa đưa được bé lên mặt đất. 

Nhưng báo chí Việt Nam dẫn lời ông Bửu rằng cơ quan chức năng xác định bé đã tử vong, vào thời gian bé gặp nạn, tình trạng rơi vào ống cống có độ sâu...

Ban đầu đã có hy vọng là chiều nay 04/01 có thể đưa cọc bê tông lên khỏi mặt đất.

Rất nhiều người vẫn còn hy vọng một phép màu nào đó sẽ đến với bé Hạo Nam, dù tiên lượng tình trạng của bé hiện nay "rất xấu".

Công tác cứu nạn có sự tham gia của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận cùng chuyên gia, Quân khu 9.

Cứu hộ 'kéo dài'

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Phương pháp đang được thực hiện là khoan guồng xoắn để làm rã phần đất ở đáy cọc, để kéo trụ bê tông lên và cắt trụ khi được nhấc lên

Trong hơn 100 giờ qua, lực lượng chức năng phải thay đổi nhiều phương án.

Phương pháp đang được thực hiện là khoan guồng xoắn để làm rã phần đất ở đáy cọc, để kéo trụ bê tông lên và cắt trụ khi được nhấc lên.

Báo VnExpress hôm qua 03/01 tường thuật "Thiếu kinh nghiệm, hạn chế máy móc, nhân lực... là nguyên nhân khiến việc cứu hộ bé trai 10 tuổi kẹt trong cọc bêtông sâu 35 mét gặp khó khăn, kéo dài." Công tác cứu hộ ban đầu do công an xã và người thân của bé Hạo Nam thực hiện.

Lý do được đưa ra là "nhiều yếu tố bất lợi như địa chất, thiết bị phải điều động từ nơi xa đến, không thể chủ động được nên việc giải cứu bị kéo dài", theo ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đồng Tháp nói với VnExpress hôm 03/01.

Trước đó, các phương pháp thả dây chuyên dụng không khả thi vì đường kính cọc bê tông rất nhỏ, chỉ 25 cm. Phương pháp dùng máy khoan làm mềm đất xung quanh bằng máy khoan giếng mất nhiều thời gian. Riêng dùng máy khoan chuyên dụng thì cọc bê tông có thể bị gãy, hoặc đứt mối nối.

Hôm nay, ông Tony Coffey, chuyên gia sơ cấp cứu (paramedic), Giám đốc Đào tạo Sơ cấp cứu Survival Skills Vietnam đưa ra nhận định với BBC về vấn đề cứu nạn, cứu hộ nếu may mắn bé Hạo Nam được đưa lên còn sống.

"Từ góc độ sơ cấp cứu, nếu bé trai được đưa lên mặt đất thì ưu tiên hàng đầu luôn là giữ nhiệt độ cơ thể cho em, giữ cơ thể ấm để giúp tuần hoàn tốt cho cơ thể vì việc bị mắc kẹt lâu có thể gây gảm thân nhiệt. Ngoài ra phải cung cấp chất lỏng cho trẻ, vì mất nước sẽ khiến trẻ tử vong trước khi bị chết đói."

Dư luận đặt câu hỏi gì?

Trước việc công tác cứu hộ bước sang ngày thứ năm mà chưa có kết quả, theo quan sát của BBC News Tiếng Việt, dư luận tại Việt Nam đã đặt những câu hỏi lớn trên mạng xã hội, bên cạnh sự thương xót và cầu mong tốt đẹp nhất sẽ đến với bé Hạo Nam:

  • Đường kính cọc bê tông chỉ 25 cm, làm sao một cháu bé 10 tuổi có thể rơi xuống dù cháu được xem là ốm yếu, gầy nhom?
  • Vì sao lại có một clip được cho ghi hình cảnh bé Hạo Nam trượt chân lại lan truyền trên mạng xã hội và được báo chí trong nước đăng tải? Đây có phải là camera an ninh và video đã được xác thực?
  • Vì sao chưa thể xác định được vị trí bé Hạo Nam trong trụ bê tông dù đã nói camera dò tìm lòng trụ cho thấy đất cát?
  • Vì sao công tác cứu hộ lại lâu đến như vậy khi cả quân đội, nhiều bộ ngành và hàng trăm người được huy động?
  • Cháu Hạo Nam rơi xuống hố vào ngày 31/12 nhưng vì sao đến ngày 02/01 Thủ tướng Phạm Minh Chính mới có công điện yêu cầu các đơn vị huy động mọi lực lượng, phương tiện để nhanh chóng cứu em?
  • Bảo vệ công trường ở đâu vào trưa ngày 31/12 khi để các em nhỏ vào khu vực này?
  • Và ai hay cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm cho vụ tai nạn thương tâm này?

Tóm tắt vụ việc

Ngày 31/12, bé Thái Lý Hạo Nam, 10 tuổi bị rơi vào bên trong cột bê tông rỗng tại một công trường xây dựng ở tỉnh Đồng Tháp vào trưa ngày 31/12 khi đang cùng các bạn đi nhặt phế liệu.

Cậu bé đã rơi xuống cây cột bê tông hẹp, thẳng đứng có đường kính 25cm đã được đóng sâu xuống lòng đất.

Cha của cậu bé cho biết ông có nghe thấy tiếng kêu cứu của con mình khi lần đầu tới tìm kiếm ở khu vực này, nhưng sau đó âm thanh đã im bặt.

Là con trai lớn trong gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn nên cậu bé phải đi nhặt sắt vụn để phụ giúp cha mẹ.