Lực lượng chức năng ở Việt Nam vẫn chạy đua với thời gian với phương châm 'còn nước còn tát' để giải cứu bé trai Thái Lý Hạo Nam không may bị rơi xuống cột bê tông từ ngày 31/12 tại Đồng Tháp.

Phương pháp cứu hộ chính là khoan cọc xung quanh cột bê tông để nhổ cọc.

Sáng 02/01, việc nhổ cọc bê tông đã bị dừng lại vì gặp một số vấn đề.

Lực lượng cứu hộ đang áp dụng việc khoan xoắn ốc thay cho phương án khoan cọc nhồi, để tránh gãy mối nối cọc bê tông, gây uy hiểm cho nạn nhân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo huy động mọi nguồn lực để cứu bé Hạo Nam. Hiện quân đội đã được huy động đến hiện trường.

Trước đó, phương pháp đưa đưa ống nhòm chuyên dụng hay camera hồng ngoại để quan sát bé Hạo Nam không mang lại kết quả vì lớp đất bên dưới, không tiếp cận được nạn nhân.

Phương pháp đưa người xuống cũng không khả thi vì miệng ống quá nhỏ.

AFP

Nguồn hình ảnh, AFP

Chụp lại hình ảnh,

Công tác cứu hộ đã diễn ra được hai ngày

Trách nhiệm thuộc về ai?

Cọc bê tông

Nguồn hình ảnh, THONG TIN CHINH PHU

Chụp lại hình ảnh,

Hình một cọc bê tông có kích cỡ bằng với chiếc cọc mà bé Hạo Nam đã rơi xuống với đường kính chỉ 25 cm và chiều dài là 35 mét

Qua vụ tai nạn của bé Hạo Nam, dư luận hai ngày qua nhắc lại vụ một bé gái bảy tuổi, bị rơi xuống một giếng công nghiệp sâu 13 mét ở Bình Dương trước đó vào năm 2015. Rất may, bé gái đã sống sót.

Từ đó các câu hỏi quan trọng được đặt ra gồm trách nhiệm của chủ đầu tư và nhà thầu thi công trong dự án cầu Rọc Sen, về vấn đề đảm bảo an ninh những công trình xây dựng để tránh những vụ việc đáng tiếc như vậy xảy ra trong tương lai, nhất là đối với trẻ em.

Dự án cầu Rọc Sen do Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư, đã được thi công khoảng 6 tháng.

Nhà thầu thi công là Liên danh công ty Công trình cầu phà TP HCM và công ty Thương mại Dịch vụ Vận tải xây dựng giao thông T&T.

Truyền thông Việt Nam dẫn thông tin từ Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp, "Vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 31/12/2022, có một nhóm trẻ em lẻn vào công trường và được bảo vệ phát hiện, đuổi ra khỏi công trường.

"Tuy nhiên, đến khoảng 11 giờ 50 phút, công trường đang nghỉ trưa thì nhóm trẻ nói trên lại lẻn vào công trường phía mố MA. Sau đó, có một cháu bé đã lọt vào trong lòng cọc ống D500 tại mố MA..."

Bình luận với BBC vào hôm nay 02/01 về trách nhiệm của nhà đầu tư và nhà thầu thi công, Luật sư Đặng Đình Mạnh nói:

"Theo nguyên tắc thì phân chia trách nhiệm như sau. Chủ đầu tư công trình phải chịu trách nhiệm toàn bộ vấn đề xảy ra tại công trình của mình.

"Công ty xây dựng, thi công cũng có phần trách nhiệm về giữ an toàn, nếu họ không đảm bảo mà để xảy ra sự việc thì họ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu đến mức độ hình sự.

"Còn về mức độ dân sự thì chủ đầu tư sẽ chịu trách nhiệm chính để bồi thường, nếu xảy ra sự cố làm tổn hại đến sức khỏe, sinh mạng đến tài sản của người khác. Và sau đó thì hai bên, chủ đầu tư và công ty xây dựng sẽ giải quyết với nhau, bồi hoàn cho nhau."

Ngày 01/01, ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp được báo Thanh niên dẫn lời, nói: "Công trình có biển báo cảnh báo nguy hiểm, vòng bằng dây. Đơn vị thi công có đuổi các cháu ra, tuy nhiên khi anh em nghỉ trưa thì mấy cháu quay lại là ngoài mong muốn của tất cả. Qua đây, chúng tôi phải chấn chỉnh việc đảm bảo an toàn thi công công trình.

"Bên cạnh đó là trách nhiệm người dân quản lý con em của mình. Tôi khẳng định việc xảy ra tai nạn là không ngờ, đau lòng. Chúng tôi phải tập trung phương tiện, thiết bị và nhân lực để cứu hộ đây là việc đầu tiên. Còn trách nhiệm sai phạm các bên liên quan ra sao sẽ xử lý tiếp."

Tóm tắt vụ việc

Ngày 31/12, bé Thái Lý Hạo Nam, 10 tuổi bị rơi vào bên trong cột bê tông rỗng tại một công trường xây dựng ở tỉnh Đồng Tháp vào trưa ngày 31/12 khi đang cùng các bạn đi nhặt phế liệu.

Cậu bé đã rơi xuống cây cột bê tông hẹp, thẳng đứng có đường kính 25cm đã được đóng sâu xuống lòng đất.

Cha của cậu bé cho biết ông có nghe thấy tiếng kêu cứu của con mình khi lần đầu tới tìm kiếm ở khu vực này, nhưng sau đó âm thanh đã im bặt.

Là con trai lớn trong gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn nên cậu bé phải đi nhặt sắt vụn để phụ giúp cha mẹ.