Nước Mỹ đón Thủ tướng Modi

Thứ Sáu, 23 Tháng Sáu 202311:59 CH(Xem: 1457)
Nước Mỹ đón Thủ tướng Modi
voatiengviet.com

Nước Mỹ đón Thủ tướng Modi

Ngô Nhân Dụng

Ông Narendra Modi đã từng bị từ chối không được cấp visa vào nước Mỹ. Vì ông thường hay khích động tình tự tôn giáo, năm 2002 cầm đầu Tiểu bang Gujarat mà không chấm dứt một vụ tàn sát khiến 790 người Hồi Giáo và 254 Ấn Độ Giáo thiệt mạng.

Năm nay ông Modi sắp được nước Mỹ tiếp đón trọng thể, sẽ dự một “quốc yến” ở Tòa Bạch Ốc. Hai viện quốc hội mời ông đọc diễn văn, lần thứ nhì từ năm 2016. Rất ít nhà lãnh đạo quốc tế được vinh dự đó, như Winston Churchill, Nelson Mandela, Benjamin Netanyahu, Volodymyr Zelenskyy.

Ông Modi được trọng đãi vì Ấn Độ là quốc gia đông dân nhất thế giới và duy trì thể chế dân chủ từ năm 1947 đến nay, phải đối đầu với chế độ độc tài của Cộng sản Trung Quốc, với những xung đột biên giới từ hơn 60 năm qua.

Hiện nay kinh tế Ấn Độ đứng hàng thứ 5 trên thế giới nhưng trong 5 năm nữa sẽ vượt qua Nhật Bản và Đức quốc, theo Ngân hàng Goldman Sachs dự đoán. Tiềm năng của Ấn Độ là một lực lượng lao động còn trẻ, những trường đào tạo chuyên gia kỹ thuật giỏi nhất thế giới, và hệ thống kinh tế tư nhân tự do phát triển. Năm 2075 kinh tế Ấn Độ sẽ lớn hơn Mỹ và tới cuối thế kỷ này sẽ qua mặt Trung Quốc với dân số thấp xuống chỉ còn 800 triệu.

Ấn Độ đang thu hút các công ty quốc tế muốn rời bỏ Trung Quốc vì những tủi ro chính trị của chế độ độc tài chuyên chế. Tim Cook, hãng Apple, ca ngợi tính năng động của thị trường Ấn Độ “không tưởng tượng nổi.” Apple đang sản xuất 7% số điện thoại di động ở Ấn Độ, theo tin Bloomberg. Trong bảy năm qua số đầu tư trong nền kinh tế Ấn Độ đã tăng gấp ba lần. Số đường xa lộ tăng 25%, số phi trường tăng gấp đôi với những thiết bị mới nhất, số địa chỉ dùng internet đã lên tới 832 triệu. Hãng điện tử Foxconn, Đài Loan, đang mở cơ xưởng $500 triệu đô la. Ấn Độ mua dầu thô của Nga với giá rẻ, vì bị Mỹ cấm vận, rồi lọc thành xăng bán cho nước khác. Hàng chế hóa do Ấn Độ xuất cảng cũng tăng 63% trong 5 năm qua, theo tuần báo Economist.

Cuộc chạy đua gây ảnh hưởng khắp thế giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ theo hai đường lối khác nhau. Trung Cộng bành trướng thế lực bằng sức mạnh quân sự và đổ hàng ngàn tỷ mỹ kim vào kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ của Tập Cận Bình, đem tiền cho các nước nhỏ vay để xây dựng hạ tầng cơ sở. Hậu quả là các nước vay tiền, như ở Pakistan và Sri Lanka, khốn đốn vì bị siết nợ. Phần lớn các dự án đó cuối cùng không có lời, cũng giống như các đường, cầu, phi trường ở trong Trung Quốc, hàng trăm ngàn cao ốc dựng lên rồi không ai dùng đến.

Ngược lại, Ấn Độ chỉ sử dụng “sức mạnh mềm” nhờ khoa học, kỹ thuật, nhắm xuất cảng các dịch vụ, đứng hàng thứ 7 trên thế giới, thay vì bán hàng hóa. Các công ty tin học Ấn Độ thâu $200 tỷ mỹ kim nhờ xuất cảng dù chỉ sử dụng 5 triệu nhân viên.

Hai chế độ độc tài và dân chủ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật với những mục đích trái ngược. Trung Cộng dùng trí khôn nhân tạo (AI) kiểm soát dân chúng để củng cố uy quyền của đảng Cộng sản, và ông Tập Cận Bình. Các máy thâu hình đặt khắp những bến xe, nhà ga xe lửa và ngã tư đường đã tàng trữ được hình ảnh của hàng tỷ người dân, mỗi hình được công an ghi chú họ tên, tuổi tác, công việc làm, vân vân, để theo dõi và bắt giam những người chống chính phủ.

Chính phủ Ấn Độ dùng các kỹ thuật mới để cải thiện đời sống của dân. Từ năm 2010, khi đảng Quốc Đại (Congress) còn nắm quyền, một hệ thống “hạ tầng cơ sở tin học” đã thành hình, nay mang tên tắt là DPI (digital public infrastructure). Trong hệ thống này, một mạng, mang tên là Aadhaar (Cơ Sở), thâu thập nhân dạng của mọi người, mỗi người được ghi một mã số, với các chi tiết cá nhân ghi kèm. Tới nay hơn 1.4 tỷ công dân đã được lưu giữ trong mạng. Mỗi khi họ tới bệnh viện, ghi tên học và thi cử, đi xin việc làm hay vay nợ ngân hàng, đi chợ mua bán, xin trợ cấp xã hội, hoặc phải gặp cảnh sát, vân vân, chỉ cần cho biết mã số ghi trong Aadhaar là người ta có thể biết họ là ai, vì thấy ngay tất cả các dữ liệu cá nhân.

Sau Aadhaar, năm 2016 chính phủ Ấn Độ thiết lập mạng “Thanh toán thống nhất” UPI (Unified Payment Interface) dùng để trả tiền, giống như ở Mỹ dùng ngân hàng trên mạng (online banking). Hiện nay 73% các vụ trả tiền tại các cửa hàng bán lẻ ở Ấn Độ đều thực hiện qua UPI, theo báo Economist.

Cột trụ thứ ba của hạ tầng cơ sở tin học DPI, là “Digilocker” cho các công dân sử dụng các dữ liệu riêng của mình trong công việc. Dùng 12 con số của mã số cá nhân, người ta có thể vào các mạng lưới của chính phủ để khiếu nại về thuế má, yêu cầu bệnh viện cấp chứng chỉ đã chích ngừa, xin trường học xác nhận văn bằng hay số năm học, vân vân. Tất cả những việc trên đều có thể làm trên điện thoại cầm tay – tiến bộ hơn ở nhiều nước Âu, Mỹ!

Hạ tầng cơ sở tin học của Ấn Độ đã thay đổi đời sống hơn một tỷ dân. Một nông dân sau khi hái rau cải trong ruộng xong có thể dùng điện thoại tìm coi ở siêu thị nào trên thành phố số rau tồn kho sắp hết, rồi hỏi họ có cần mua thêm không. Một người bán trái cây bên đường, hay bán hột xoàn trong cửa tiệm, đều có thể dùng UPI nhận “trả tiền” qua điện thoại, vừa dễ dàng vừa an ninh vì không lo bị cướp!

Hàng trăm triệu người hưởng trợ cấp xã hội nhận được “tiền ảo” chuyển thẳng vào tài khoản của họ trong ngân hàng nhờ Aadhaar, vừa nhanh vừa ngăn cản nạn tham nhũng. Những trợ cấp khác, như trong mùa bệnh dịch Covid, cũng theo cùng một lối. Quỹ Tiền Tệ Quốc tế IMF tính ra chính phủ Ấn Độ đã giảm bớt được $34 tỷ mỹ kim có thể thất thoát vì tham nhũng, trong 8 năm!

Chính phủ Ấn Độ chỉ dựng lên cái khung tin học với ba hệ thống Aadhaar, UPI và Digilocker. Họ để “ngỏ cửa” cho công chúng sử dụng và thêm thắt, miễn phí. Nhờ thế, các công ty thương mại, các tổ chức bất vụ lợi, cả các đại học, các bệnh viện, đã vào trong ba mạng đó, cung cấp các dịch vụ do họ tạo ra, cải thiện và sáng chế những dịch vụ mới. Chính những cơ sở này cạnh tranh với nhau để cống hiến những dịch vụ tốt nhất cho người sử dụng hạ tầng cơ sở tin học chung! Cũng giống như Cửa hàng Áp dụng (App Store) trên điện thoại hãng Apple mở cửa cho các nhà buôn vào đó bán hàng. Nhờ tính cách “để ngỏ” đó, các nước khác cũng có thể sử dụng các tiến bộ kỹ thuật của Ấn Độ

Năm 2020, chính phủ Ấn Độ đã bắt đầu giới thiệu hệ thống “hạ tầng cơ sở tin học” DPI cho các nước khác, Đại học Bangalor lo việc thi hành. Philippines là quốc gia đầu tiên sử dụng Aadhaar, đã “tin học hóa” nhân dạng của 76 triệu trong số 110 triệu công dân. Năm sau, Maroc thử đi theo, rồi tới Ethiopia, Guinea, Sierra Leone, Togo và Sri Lanka. Mỗi nước đều thay đổi hạ tầng cơ sở tin học do Ấn Độ cung cấp, theo nhu cầu của họ. Maroc kết hợp mạng dữ kiện dấu ngón tay của họ với DPI một cách dễ dàng.

Tháng Giêng năm 2023, Ấn Độ tổ chức một hội nghị gồm 125 quốc gia đang phát triển. Trong hội nghị này, ông Modi kêu gọi các nước nghèo học hỏi lẫn nhau, và ông cho biết chính phủ Ấn Độ sẽ “tặng không” cả ba dịch vụ DPI trên cho các nước khác.

Ấn Độ đang viện trợ kỹ thuật tin học cho các nước nghèo, khác hẳn các món nợ các nước đó vay của Trung Cộng rồi lâm cảnh không đủ tiền trả lại! Nhưng nước Ấn Độ vẫn được lợi. Vì những nước khác, khi sử dụng, bảo trì, sửa chữa và phát triển “hạ tầng cơ sở tin học” theo nhu cầu của họ, thì chắc sẽ thuê các công ty tin học từ Ấn Độ.

Ấn Độ đang chạy đua với Mỹ trong việc cung cấp các dịch vụ tin học và AI kể trên. Nhưng các doanh nghiệp hai nước sẽ cạnh tranh một cách công khai, bình đẳng, dựa trên các quy tắc kinh tế tự do, tinh thần trọng pháp bình thường trong thể chế dân chủ. Trung Cộng không theo các “luật chơi” như vậy. Một chế độ độc tài có thói quen cưỡng ép, mua chuộc, thích mặc cả lén lút trong hậu trường chứ không minh bạch, công khai. Nhưng họ không thích nghe ai nói đến các nhược điểm đó.

Ngày Thứ Ba, 20 tháng Sáu, Bắc Kinh lên tiếng phản đối Tổng thống Joe Biden vì đã nói xấu Chủ tịch Tập Cận Bình. Trong một cuộc nói chuyện ở California, ông Biden nhắc tới vụ chiếc bóng bay gián điệp của Trung Cộng bị bắn hạ khi bay qua Mỹ, mà ông Tập Cận Bình nói ông không hề biết. Biden chỉ nhận xét rằng những nhà độc tài thường rất bối rối khi không biết cấp dưới đang làm gì. Bộ ngoại giao Trung Cộng đã phản đối vì ông Biden nói ông Tập là “độc tài.” Không lẽ bắt người ta gọi Tập Cận Bình là ông Dân Chủ?

Ngày hôm sau, trước khi đi gặp tổng thống Mỹ, ông Modi đã đến tập Yoga trên sân cỏ tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, trong 35 phút, với hàng trăm người thuộc đủ các quốc gia. Ông Tập Cận Bình, chắc không bao giờ “trồng cây chuối,” chúc đầu xuống bãi cỏ như vậy. Ông luôn luôn giữ uy nghi đường bệ của một vị hoàng đế Trung Hoa, thường đứng chờ các quốc khách đến, hững hờ thò tay ra cho họ nắm lấy, chứ không tiến đến gặp họ! Các chế độ dân chủ và độc tài tạo ra những cung cách khác hẳn nhau.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
VIDEO HNPD
Video HNPD 

"Vietnam ! Việtnam !", tài liệu được giải mã. (phụ đề Việt ngữ)

          (muốn phóng hình lớn, click vào ô vuông bên phải phía dưới khung hình)



n đài VOA (Bấm để xem thêm)
Giao Kèo
Web tham khảo