Mỹ mở cửa lại vào lúc này: nên hay không?

Thứ Năm, 23 Tháng Tư 20202:00 SA(Xem: 3243)
Mỹ mở cửa lại vào lúc này: nên hay không?
voatiengviet.com

Mỹ mở cửa lại vào lúc này: nên hay không?


Nước Mỹ nên cho người dân ra đường trở lại để cứu nền kinh tế hay tiếp tục chịu đựng thêm một thời gian nữa cho đến khi dịch bệnh thật sự đã được kiểm soát? Người Việt ở Mỹ có cách nhìn nhận khác nhau về việc có nên mở cửa lại vào lúc này hay không.

Sau hơn một tháng thực thi lệnh ở nhà để tránh sự lây lan của virus corona, đến giờ một bộ phận người dân Mỹ đã có thái độ bất mãn. Nhiều người đã xuống đường tại một số tiểu bang của Mỹ để yêu cầu chính quyền mở cửa trở lại nền kinh tế và bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống Donald Trump.

Ông Trump đã đưa ra hướng dẫn ba bước về việc mở cửa lại và giao cho chính quyền các tiểu bang quyền quyết định, nhưng ông bày tỏ sự ủng hộ đối với những người biểu tình và kêu ‘giải phóng’ một số tiểu bang đang bị đóng cửa.

Vào lúc này, con số lây nhiễm virus corona và tử vong Mỹ vẫn tiếp tục tăng, với 820.000 ca nhiễm và 46.000 trường hợp tử vong, tính đến ngày 22/4.

Bị ‘cầm tù’

Từ tiểu bang Virginia, nơi Thống đốc Ralph Northam đã ra lệnh thực thi lệnh ở nhà cho đến ngày 10/6, ông Tommy Lưu, cư dân thành phố Falls Church, bày tỏ sự bất mãn và gọi việc phải ở nhà này là ‘bị cầm tù’.

“Từ giờ đến ngày 10/6 còn sáu tuần nữa, tức là chúng tôi mới ‘ở tù’ được nửa bản án,” ông nói với VOA khi đang có mặt ở Eden Center, khu thương xá lớn nhất của người Việt ở bờ Đông Hoa Kỳ.

Do đó, ông ca ngợi Tổng thống Trump đã có quyết định đúng là kêu gọi ‘giải phóng Virginia’ trên Twitter.

Theo đề nghị của ông, việc đóng cửa này chỉ được thực hiện ở ‘cấp độ địa phương’ tức là ở phạm vi quận hạt và các thành phố và rằng không thể vì những nơi có nhiều ca nhiễm mà bắt các địa phương có ít ca nhiễm phải đóng cửa theo.

“Có rất nhiều nơi cả thành phố chỉ có một, hai ca nhiễm mà vẫn bị đóng cửa thì thiệt hại rất là lớn,” ông than phiền.

“Không thể phong tỏa hết được vì nó ảnh hưởng đến cả nền kinh tế chứ không phải chỉ vài người. Đất nước không có thu thuế, doanh nghiệp không có doanh thu thì sẽ chết,” ông giải thích.

“Tổng thống Trump đã làm rất đúng là đá quả bóng xuống cho thống đốc các tiểu bang thì bây giờ các thống đốc nên để cho các quận hạt và các thành phố quyết định nơi nào có tỷ lệ ca nhiễm thấp thì nên mở cửa lại, còn những chỗ nào lây nhiễm cao thì duy trì lệnh ở nhà,” ông nói.

Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng việc mở cửa cục bộ có thể không khả thi về mặt kinh tế khi các địa phương lân cận vẫn đóng cửa làm hạn chế việc luân chuyển dòng người bao gồm người lao động và khách hàng.

‘Mở cửa từ từ’

Do đó, ông cho rằng một cách khác nữa là vào lúc này cả nước Mỹ ‘nên cho mở cửa lại từ từ’ với điều kiện là ‘duy trì ‘khoảng cách xã hội’ (social distancing) và bắt buộc người dân đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.

“Hiện nay tình hình dịch ở Mỹ đang giảm xuống từ từ, do đó nên cho mở cửa vào lúc này,” ông nói.

Ông dẫn chứng việc một nhà hàng Việt ở Eden ‘bị cảnh sát đến làm việc vì phục vụ khách đến ăn tại chỗ’ – trong khi chỉ thị của chính quyền bang chỉ cho phục vụ khách mang về - là ‘không nên’. Theo lời ông Tommy thì vào lúc này các nhà hàng nên được phép phục vụ khách hàng ăn tại chỗ miễn là dưới 10 thực khách cùng một lúc và duy trì khoảng cách 6 feet (tức 2 mét).

“Phục vụ dưới 10 người vẫn không sao chứ nếu không các tiểu thương sẽ chết hết,” ông nói.

Ông Lưu cho rằng việc mở cửa lại cần đi kèm với ‘giáo dục người dân ý thức tránh lây bệnh cho người khác, chẳng hạn như nếu thấy không được khỏe thì tự giác tự cách ly’.

“Mức độ rủi ro không tăng lắm vì nếu như có người nào đó bị nhiễm thì người ta có thể khoanh vùng, đóng khung khu đó được,” ông nói và cho rằng ‘chỉ cần mọi người đeo khẩu trang và giữ khoảng cách xã hội thì sẽ không còn rủi ro’.

Ông Tommy Lưu bày tỏ sự ủng hộ đối với những người biểu tình đòi mở cửa lại nước Mỹ và cho rằng việc chính quyền các tiểu bang hạn chế người dân đi lại là ‘xâm phạm quyền tự do của công dân’.

Tuy nhiên, ông cho rằng nên bắt buộc người dân đeo khẩu trang (chứ không chỉ dừng ở mức khuyến cáo) mặc dù việc này ‘cũng xâm phạm quyền tự do’nhưng ‘đó là do trong thời kỳ dịch bệnh’.

Mặc dù ca ngợi ông Trump để cho các tiểu bang quyết định có dỡ phong tỏa hay không, ông Lưu cũng tán đồng việc ông Trump lên Twitter kêu gọi ‘giải phóng’ các tiểu bang. “Ông Trump có quyền nói theo ý ông thích, nhưng quyền quyết định là ở các thống đốc.”

‘Nên chịu đựng một thời gian nữa’

Khác với ông Tommy Lưu, ông Jason Lý, chủ tịch cộng đồng người Việt quốc gia tại thành phố Dallas, tiểu bang Texas, cho rằng lệnh ở nhà ‘vẫn cần thiết’ ở tiểu bang ông vào lúc này.

“Hiện tại bệnh Covid-19 vẫn đang lây lan rất nhiều. Ở đây vẫn chưa giảm xuống,” ông cho biết.

Giữa sức khỏe và kinh tế, ông Lý nói: “Sức khỏe vẫn quan trọng hơn. Cuộc đời còn dài. Mình vẫn có thể làm lại được nhưng sức khoẻ nếu như mình có bệnh dịch thì lại là điều không hay. Như người ta nói có bao nhiêu tiền nữa cũng không mua được sức khỏe và mạng sống con người.”

Khi được hỏi lệnh ở nhà có xâm phạm quyền tự do của công dân không, ông Lý cho rằng: “Khi ra luật thì chính quyền có tham khảo với các luật sư, điều luật của tiểu bang, quốc gia.”

“Mình là công dân Mỹ thì nên cố gắng tuân thủ luật hay điều lệnh của tiểu bang hay quốc gia đưa ra,” ông nói thêm và cho biết trong vấn đề kiểm soát dịch bệnh thì người dân nên tuân theo chính quyền địa phương vì ‘họ nắm rõ tình hình ở mỗi địa phương’.

Dẫu thế, vị chủ tịch cộng đồng này cũng bày tỏ sự băn khoăn về tác hại của lệnh đóng cửa kéo dài. “Trong thời gian ngắn thì chưa ảnh hưởng gì nhiều, nhưng nếu kéo dài thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều cá nhân. Tiền của các tiểu bang và của chính phủ liên bang vẫn chưa đến tay một số người thành thử ra cũng rất khó khăn,” ông nói và giải thích thêm nhiều người Mỹ sống theo kiểu ‘paycheck to paycheck’, tức có đồng lương nào xào đồng đó chứ không có dành dụm cho những lúc ngặt nghèo.

Do đó, ông đề xuất vẫn tiếp tục đóng cửa ‘nhưng chỉ trong thời gian ngắn’ và trong khi đó ‘cần tìm giải pháp tốt hơn’. “Có thể cho tiểu thương mở cửa nhưng có chỉ dẫn để giúp chặn dịch bệnh lây lan,” ông tiếp lời.

“Nói chung phải coi dịch bệnh lây lan như thế nào, có đi xuống hay không hay là nếu vẫn tăng thì kéo dài thêm nữa (đóng cửa) còn nếu dịch bệnh giảm dần thì mình có thể duy trì (đóng cửa) trong thời gian ngắn.”

“Chỉ cần dịch bệnh không còn lây lan nhanh chóng nữa thì cho người dân ra ngoài được rồi,” ông nói thêm.

Ông thừa nhận dù sao thì việc mở cửa khi chưa hết dịch bệnh ‘vẫn có mạo hiểm’ nhưng cần phải làm vì ‘đóng cửa lâu quá thì sẽ ảnh hưởng đến kinh tế đất nước và đời sống người dân’.

“Chính phủ cần cân nhắc điều nào quan trọng hơn, nếu cảm thấy đóng cửa quan trọng hơn thì chính phủ có thể giúp người dân sống qua ngày. Còn chính phủ cảm thấy không đáp ứng nổi thì người dân không thể nào ở nhà mà có tiền mua thức ăn cho bản thân và gia đình.”

‘Tự do hay là chết’

Theo một cuộc thăm dò mới đây của Harvard CAPS/Harris được tờ The Hill đăng tải thì 75% người Mỹ được vấn ý cho rằng việc ‘đóng cửa hoàn toàn’ nước Mỹ là cần thiết để ngăn chặn đà lây lan của virus corona.

Còn trong một cuộc thăm dò khác do Đại học Maryland-Washington Post tiến hành cho thấy chỉ có 9% đồng ý cho tụ tập trở lại vào cuối tháng Tư trong khi có đến 65% người được hỏi cho rằng phải đợi đến cuối tháng Sáu hoặc lâu hơn nữa khi dịch bệnh ‘được kiểm soát đủ’ thì mới cho mở cửa trở lại. Ngoài ra, 54% không tán thành cách ứng phó dịch bệnh của Tổng thống Donald Trump trong khi có đến 72% ủng hộ các chống dịch của thống đốc các tiểu bang.

Trong tuần qua, các cuộc biểu tình đòi mở cửa trở lại đã diễn ra ở các tiểu bang Michigan, Maryland, California, Texas, Wisconsin, Ohio, Virginia, Kentucky, Indiana, Nevada, Minnesota, Florida, North Carolina, Oklahoma và Idaho.

Một trong những cuộc biểu tình đông đảo nhất diễn ra ở Lansing, thủ phủ bang Michigan. Người biểu tình giương biểu ngữ ‘Make America Great Again’ theo khẩu hiệu tranh cử của Tổng thống Trump, hô khẩu hiệu ‘Sống tự do hay là chết’ và đòi bỏ tù nữ Thống đốc Gretchen Whitmer vì lệnh ở nhà hà khắc của bà, theo tường thuật của tờ Daily Mail.

Những người biểu tình ở Michigan lập luận rằng ‘chẳng thà họ chết vì bị nhiễm virus còn hơn là thấy công việc làm ăn của họ bị đóng cửa’. Michigan hiện là một trong những bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh với hơn 5.000người chết.

Còn ở Texas, những người biểu tình cáo buộc virus corona là ‘trò lường gạt’ của ‘tầng lớp chính trị thối nát’ (Deep State). Họ lập luận rằng nếu hàng ngàn người Mỹ tập trung biểu tình phản đối lệnh đóng cửa trên khắp nước Mỹ thì họ sẽ thấy ‘virus corona không lây lan như những gì người ta nói’.

Nhiều người biểu tình tuyên bố họ sẽ không đeo khẩu trang khi đi đến nơi công cộng và gọi các biện pháp cấm đoán của chính quyền là ‘độc tài, chuyn chế’, theo tường thuật của Guardian.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn