VÀI NHẬN XÉT VỀ BÀI THƠ “TRĂNG ĐẤT KHÁCH” CỦA TRẦN MỘNG TÚ _ PHAM ĐỨC NHÌ

Thứ Sáu, 08 Tháng Chín 20233:22 SA(Xem: 1724)
VÀI NHẬN XÉT VỀ BÀI THƠ “TRĂNG ĐẤT KHÁCH” CỦA TRẦN MỘNG TÚ _ PHAM ĐỨC NHÌ

          VÀI NHẬN XÉT VỀ BÀI THƠ “TRĂNG ĐẤT KHÁCH” CỦA TRẦN MỘNG TÚ

 

Lời Nói Đầu

 

Tình cờ “gặp” một cuộc bàn luận về bài thơ Trăng Đất Khách của Trần Mộng Tú rất hòa nhã, lịch sự của một nhóm người yêu thơ trên trang Facebook Doan Khue nên nổi hứng viết mấy dòng góp ý.

 

Đây không phải là một bài bình thơ mà chỉ là vài nhận xét có tính “bài bản, trường lớp”, tiếp cận tác phẩm một cách toàn diện. 

 

Hy vọng sẽ là chút “mồi” để bữa tiệc thơ của các bạn thêm phần hấp dẫn.

 

TRĂNG ĐẤT KHÁCH (1)

 

Những đêm trăng sáng tôi không ngủ

Âm thầm mắt lệ nhớ quê hương

Ngày về sao bỗng xa xăm quá

Tôi thức cùng trăng suốt đêm trường.

 

Vườn xưa lối cũ trăng còn sáng

Thềm vắng còn ai đứng đợi chờ

Ngôi nhà thân mến ai đang ở

Có còn đầm ấm khói hương xưa

 

Bạn cũ bây giờ ở chốn nao

Ngửng mặt nhìn trăng dạ có sầu

Chén trà có mặn đôi giòng lệ

Ngậm ngùi có khẽ gọi tên nhau

 

Còn giòng sông nữa đêm biệt ly

Tôi đã cùng sông khóc hẹn về

Trăng nước thân yêu còn lắng đợi

Giữ giùm nước mắt kẻ ra đi

 

Ôi trăng đất khách làm tôi khóc

Quê hương càng nhớ lòng càng đau

Liệu tóc còn xanh ngày trở lại

Quê người lưu lạc đến bao lâu!

Trần mộng Tú (2)

 

Hôm nay (2 tuần sau) nhìn lại bình luận của mình trên FB tôi sửa chữa và thêm thắt (khá nhiều) để “Bài Nhận Xét” đầy đủ hơn, có thể làm cái sườn cho một bài bình thơ bài bản.

 

PHẦN I: HIỂU CẢM CÂU CHỮ, HÌNH TƯỢNG, Ý TỨ, BỐ CỤC CỦA BÀI THƠ

 

Tứ Thơ: Tác giả không sử dụng phép ẩn dụ toàn bài nên Tứ cũng là Ý - Ngắm trăng trên đất khách nhớ quê hương.

 

Biện Pháp Tu Từ: Không có

 

Ngôn Ngữ: Đẹp, dễ hiểu, dễ cảm, dễ tiêu

 

Thi sĩ Vĩnh Hảo viết về Trần Mộng Tú: "Có thể nói Trần Mộng Tú là nhà thơ nữ được biết đến nhiều nhất ở hải ngoại. Ngôn ngữ thơ Trần Mộng Tú chuẩn mực, nghiêm túc, giống như ngôn ngữ của một nhà giáo, cân nhắc từng lời mình buông ra".

 

Tôi mượn 2 tĩnh từ (chuẩn mực, nghiêm túc) của thi sĩ Vĩnh Hảo thêm vào thành:

 

Ngôn Ngữ: Chuẩn mực, nghiêm túc, đẹp, dễ hiểu, dễ cảm, dễ tiêu.

 

Hình Tượng: Hơi ủy mị kiểu “cải lương”

 

Bài thơ 20 câu mà có đến 5 câu “đầy nước mắt”:

 

1/ Âm thầm mắt lệ nhớ quê hương

2/ Chén trà có mặn đôi giòng lệ

3/ Tôi đã cùng sông khóc hẹn về

4/ Giữ giùm nước mắt kẻ ra đi

5/ Ôi trăng đất khách làm tôi khóc

 

Câu Cú: Chắc gọn

 

Bố Cục: Bài thơ được chia thành 5 đoạn

 

1/ Nhìn trăng nhớ quê, khóc thầm, thức suốt đêm

2/ Nhớ cảnh cũ – ngôi nhà, thềm vắng, vườn xưa

3/ Nhớ bạn cũ

4/ Nhớ dòng sông kỷ niệm

5/ Trăn trở: Biết đến bao giờ được về lại quê hương?

 

Bố cục như thế là hợp lý, diễn đạt tứ thơ hiệu quả.

 

Chức Năng Truyền Thông: Thành công; người đọc trung bình cũng có thể dễ dàng “bắt” được tứ thơ.

 

Tựa Đề: “Trăng Đất Khách” - (Chữ hoặc nhóm chữ nói lên cốt tủy của toàn bài) – có thể nói là đã hoàn thành nhiệm vụ.

 

Kết Luận: Hay

 

“Liệu tóc còn xanh ngày trở lại

Quê người lưu lạc đến bao lâu!”

 

Câu Thơ Không Khéo:

 

Bản nhạc Những Đóm Mắt Hỏa Châu của nhạc sĩ Hàn Châu có câu “Những đêm không ngủ anh ngồi tâm sự cùng hỏa châu rơi” (1) cũng chứa một nỗi niềm - giống nhà thơ Trần Mộng Tú trong đoạn:

 

Những đêm trăng sáng tôi không ngủ

Âm thầm mắt lệ nhớ quê hương

Ngày về sao bỗng xa xăm quá

Tôi thức cùng trăng suốt đêm trường.

 

Nhưng có một điểm khác biệt quan trọng. Nhạc sĩ Hàn Châu chỉ “những đêm không ngủ” mới ra “ngồi tâm sự cùng hỏa châu rơi”, còn tác giả Trăng Đất Khách thì:

 

Những đêm trăng sáng tôi không ngủ

 

để rồi:

 

Tôi thức cùng trăng suốt đêm trường

 

Nghĩa là “Đêm nào trăng sáng tôi cũng không ngủ để cùng trăng thức suốt đêm”.

 

Thực tế làm sao có thể như thế được? Câu thơ “Những đêm trăng sáng tôi không ngủ” (không khéo) đã khiến nhà thơ phải mang tiếng Xạo một cách oan ức.

 

Mô Gò Cản Đường: Không có.

 

“Câu thơ không khéo”, nếu đọc không kỹ cũng khó nhận ra. Mà nếu có nhận ra cũng không ảnh hưởng mấy đến tiến trình cảm nhận tứ thơ. Chữ Xạo cũng có thể thoáng hiện ra nhưng sẽ mờ đi nhanh chóng. Người đọc sẽ thông cảm mỉm cười:

“Một chút sơ xuất nhỏ, không đáng kể”.

 

PHẦN II: KỸ THUẬT THƠ - NỀN TẢNG PHÁT SINH HỒN THƠ

 

Thể Thơ: Thơ Mới Trường Thiên, phân mảnh, đứt đoạn – 5 đoạn, mỗi đoạn 4 câu.

 

Vần: Đoạn 1, 2, 5 vần gián cách (2/4). Đoạn 3, 4 vần liên tiếp (124) - đều là cước vận.

 

Bài thơ ngắn (5 đoạn) trong đó 3 đoạn mỗi đoạn chỉ có một cặp vần nên độ ngọt vừa phải. Kết quả là tạo được Âm Điệu êm tai nhưng không có “hội chứng nhàm chán vần”.

 

Nhịp Điệu: Bài thơ có 20 câu mà câu nào cũng 7 chữ nên đơn điệu, đọc lên thiếu tính uyển chuyển, sinh động. Từ đoạn thứ 4 trở đi cảm giác đều đều, tẻ nhạt đã rõ nét.

 

Dòng Tứ Thơ: Các ý nhỏ không nối kết liền lạc nên tứ thơ không có dòng chảy mà chỉ là 5 “vũng thơ” nằm riêng lẻ, xa cách.

 

Dòng Âm Điệu: Cứ sau 4 câu là ngừng để chuyển ý đồng thời cũng chuyển đoạn thay vần nên không có dòng âm điệu.

 

Dòng Cảm Xúc: Không có dòng cảm xúc. Cảm xúc ở vũng nào năm im vũng đó nên không chảy thành dòng, không có “sóng sau dồn sóng trước” nên không lớn mạnh, không có hồn thơ.

 

Tâm Thế Của Thi Sĩ

 

Có 3 loại tâm thế:

 

1/ Reason with them: Nói lý lẽ với độc giả.

2/ Share feelings with them: Chia sẻ tâm tình với độc giả.

3/ Get it off your chest: ”Tống” nó ra khỏi ngực bạn. (Cảm xúc đầy quá, mạnh quá, mở valve để “tống” nó ra). Đây là loại tâm thế lúc thi sĩ nổi điên, “lạc thần trí” (cảm xúc dâng lên cao ngất phủ mờ lý trí) - nếu tạo được cao trào - hồn thơ có thể lên tới đỉnh điểm.

 

Nhà thơ Trần Mộng Tú ở vào trường hợp thứ 2 – chia sẻ tâm tình với độc giả - nhưng chị tỉnh quá, nghiêm túc, chuẩn mực quá nên cảm xúc (trong lúc làm thơ) hơi bị ít, không tương xứng với ngôn ngữ, hình tượng, ý tứ trong thơ.

 

Độ Dài Của Bài Thơ: Bài thơ 20 câu (140 chữ). Nếu tứ thơ và âm điệu chảy thành dòng, cảm xúc sẽ bám theo để 3 dòng nhập một thì cũng có thể nhen nhúm hồn thơ ở mức độ nào đó. Rất tiếc, thể Thơ Mới Trường Thiên đã làm vật cản nên điều đó đã không xảy ra.

 

Đường Đến Bến Bờ Thi Ca: Thể Thơ Mới Trường Thiên đã buộc cảm xúc ở đâu nằm ở đó nên đến cuối bài hồn thơ vẫn là con số không (zero) to tướng, nghĩa là vẫn còn ở vạch khởi hành. Đường đến bến bờ thi ca còn xa lắc, xa lơ.

 

Cảm Xúc

 

Cảm Xúc tầng 1: Khoái cảm của độc giả khi tiếp xúc với câu chữ (kỹ thuật cá nhân của cầu thủ trong bóng đá) mạnh.

 

Cảm Xúc tầng 2: Khoái cảm của độc giả khi tiếp xúc với bố cục, thế trận của bài thơ (đấu pháp toàn đội trong bóng đá) khá mạnh

 

Cảm Xúc tầng 3: Khoái cảm của độc giả khi “cảm được luồng hơi nóng” từ cơn cao hứng của thi sĩ (đó chính là Hồn Thơ) không có. Lý do: Không có “luồng hơi nóng từ cơn cao hứng” nên không có Hồn Thơ.

 

PHẦN III: TÓM TẮT ƯU KHUYẾT ĐIỂM

 

Ưu Điểm:

 

1/ Ngôn ngữ thơ đẹp, chuẩn mực, nghiêm túc, dễ hiểu, dễ cảm, dễ tiêu.

2/ Câu cú chắc gọn.

3/ Bố cục hợp lý

4/ Tựa đề và đoạn kết tương hợp làm nổi bật cốt tủy cuả bài thơ.

5/ Vần vừa ngọt – không có hội chứng nhàm chán vần.

Kết hợp cả 5 điểm (1, 2, 3, 4, 5) ở trên cho thấy “tay nghề thơ” của tác giả có nền tảng vững chắc và đã vươn tới một tầm cao đáng nể.

6/ Tạo được cảm xúc tầng 1 và tầng 2 ở cường độ mạnhkhá mạnh.

 

Khuyết Điểm:

 

1/ Ngôn ngữ đẹp, chuẩn mực, nghiêm túc, dễ cảm nhưng do khuyết điểm của thể Thơ Mới Trường Thiên - tứ thơ, âm điệu, cảm xúc đều không có dòng chảy, không có cơ hội nhen nhúm hồn thơ - nên dù bài thơ “thấm đẫm nước mắt” nhưng “chữ tình” vẫn nhẹ tênh

2/ Câu thơ đầu tiên “không khéo” làm tác giả mang tiếng Xạo oan ức.

3/ Nhịp điệu đều đều, tẻ nhạt, đọc mau chán.

4/ Tứ thơ bước vào vùng đất đã có vô số dấu giầy; tác giả không tạo được nét riêng.

 

Nhận Xét Chung Cuộc:

 

Giá trị nghệ thuật của bài thơ Trăng Đất Khách chỉ ở mức trung bình.

 

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

 

Phần Viết Thêm

 

Dù bạn là người bình thơ, cảm nhận thơ hay chỉ thưởng thức thơ cũng nên biết 3 nhiệm vụ của người bình thơ hay cảm nhận thơ.

 

Nữ sĩ Vân Anh đã đề cập đến 3 nhiệm vụ này bằng thơ – rõ ràng và ý nhị:

 

1/ Chỉ ra khuyết điểm của bài thơ.

 

“Người êm ái mạch nước ngầm

Chảy trong tôi suốt tháng năm vụng về”

(Mạch Nước Ngầm)

https://lythuyetthoabc.blogspot.com/2023/05/oa-hoa-hong-cho-nguoi-binh-tho.html

 

2/ Chỉ ra những ưu điểm, nét mới của bài thơ.

 

“Anh trải rộng những cánh đồng mướt xanh

Em ngửa mặt hít hà hương lúa mới”
(Nhân Tình Của Những Áng Văn Xanh)

https://lythuyetthoabc.blogspot.com/2023/05/lai-them-hai-oa-hoa-hong.html

 

3/ Chỉ đường, dẫn lối để thi sĩ đi đúng hướng Bến Bờ Thi Ca.

 

“Anh tuôn chảy dòng sông diệu vợi

Thuyền em trôi thênh thang”

(Nhân Tình Của Những Áng Văn Xanh)

https://lythuyetthoabc.blogspot.com/2023/05/lai-them-hai-oa-hoa-hong.html

 

Trong bài Nhận Xét ở trên ưu khuyết điểm đã được mổ xẻ, phân tích khái quát. (Nếu là bài bình thơ thì sẽ được khai triển rộng hơn, phân tích kỹ hơn).

 

Tiếp theo đây là “chút” dẫn lối chỉ đường.

 

Những Điểm Chính Trong “Cái Nền Kỹ Thuật” Của Bài Thơ Đúng Hướng

 

Để Hồn Thơ có thể xuất hiện và rồi tăng cường độ đến mức cực mạnh thành Hồn Thơ Lai Láng – nghĩa là bước vào Bến Bờ Thi Ca -  thi pháp bài thơ phải có một số điều kiện sau đây:

 

1/ Thể Thơ Nhất Khí Liền Mạch

 

Tứ thơ, những mảnh tâm tình của thi sĩ, được nối kết với nhau liền lạc chảy thành dòng liên tục từ đầu đến cuối.

 

2/ Ngôn Ngữ Hình Tượng Câu Cú

 

Dễ tiêu, dễ cảm (hiểu cảm cùng một lúc), tránh mô gò cản đường

 

“Hiểu” phải dùng lý trí. “Tiêu”, “Cảm” đi thẳng vào hồn.

 

Nếu câu chữ, hình tượng phải suy nghĩ lâu hoặc “ngẫm” mới hiểu được thì lý trí sẽ bước vào cản dòng chảy của cảm xúc.

 

3/ Vần

 

Cước vận liên tiếp.

 

Giữ vần vừa độ ngọt để dòng âm điệu thông thoáng, du dương. Có thể chêm vào vần gián cách hoặc đổi vần khi chuyển ý. Tránh “hội chứng nhàm chán vần” hoặc quá ít vần khiến dòng âm điệu lúc chảy, lúc ngừng, không thông thoáng..

 

4/ Nhịp Điệu

 

Thay đổi số chữ trong câu (với biên độ rộng) để có nhịp điệu uyển chuyển, lúc khoan lúc nhặt chứ không đều đều, tẻ nhạt.

 

Vần và nhịp điệu là hai điểm quan trọng nhất của thi pháp. Áp dụng thường xuyên sẽ trở thành thói quen. Nếu bài thơ dài (vài chục câu trở lên) mà đọc từ đầu đến cuối không thấy ngán là đã thành công trong kỹ thuật sử dụng vần và nhịp điệu.

 

Có trong tay kỹ thuật này thi sĩ sẽ dễ dàng tạo một dòng nhạc thông thoáng, du dương để chuyển tải tâm trạng của mình. Nếu tứ thơ hay, tâm thế cao hứng, thi phẩm sẽ dễ có giá trị nghệ thuật cao.

 

 5/ Tâm Thế

 

     a/ Reason with them: Nói lý lẽ với độc giả.

     b/ Share feelings with them: Chia sẻ cảm xúc với độc giả.

     c/ Get it off your chest: Tống khứ nó ra khỏi ngực

 

Đây là lối phân loại của người Mỹ.

 

“Tống khứ nó ra khỏi ngực” là tâm thế có cảm xúc mạnh nhất. Nhưng để đưa cái cảm xúc (của cơn hứng) ấy vào thơ đâu phải dễ. Phải khởi động kể lể, dẫn giải nguồn cơn rồi khơi dòng để những mảnh tâm sự của tứ thơ và dòng âm điệu cùng chảy. Lúc đó cảm xúc (từ cơn hứng) mới nhập vào chảy theo.

 

Trình tự là như thế, nhưng thực hiện được còn nhiều nhiêu khê trắc trở khác nữa.

 

Đối với thơ Việt Nam tôi thường giữ trong mình tâm thế loài Hoa Dại rồi lựa thời cơ đưa vào trang giấy những con chữ đầu tiên. Sau đó sử dụng kỹ thuật thơ khơi nguồn để 3 dòng nhập một cùng chảy về “điểm đến của tứ thơ”. Để làm quen với tâm thế loài Hoa Dại xin mời đọc link của trang web Lý Thuyết Thơ sau đây:

 

https://lythuyetthoabc.blogspot.com/2023/05/hoa-dai-va-tam-cua-thi-si.html  

 

6/ Độ Dài Của Bài Thơ

 

Đừng quá ngắn. Đủ dài để có “sóng sau dồn sóng trước” tạo cao trào. (Bấm link để đọc thêm)

 

https://lythuyetthoabc.blogspot.com/2023/05/cho-them-cui.html  

 

7/ Không Vờn Bóng Giữa Sân

 

Không “vòng vo Tam Quốc”, kể lể “cà kê dê ngỗng”. Loại bỏ thẳng tay thành phần ăn bám - những câu chữ thừa, không thực sự cần thiết cho câu thơ, đoạn thơ. Mỗi câu thơ phải nhắm “điểm đến của tứ thơ” đi tới, cũng như cầu thủ có bóng trong chân – không vờn bóng giữa sân – mà phải nhắm cầu môn đối phương thẳng tiến.

 

Độc giả có thể tìm hiểu cặn kẽ hơn theo link dưới đây:

 

https://lythuyetthoabc.blogspot.com/2023/05/cai-nen-ky-thuat-cua-bai-tho-ung-huong.html 

 

CHÚ THÍCH:

 

1/ https://danchuahiepthong.wordpress.com/2013/06/17/nhung-bai-tho-cua-tran-mong-tu/

 

2/ (Nhà văn Nguyễn Lệ Uyên) Trần Mộng Tú sinh ngày 19-12-1943 tại Hà Đông.

Năm 1954, theo gia đình di cư vào Nam, sinh sống tại Sàigòn.

Năm 1968, Trần Mộng Tú đi làm cho hãng thông tấn Associated Press tại Sàigòn.

Ngày 21-4-1975, Trần Mộng Tú được di tản đến California, sau đó định cư tại tiểu bang Washington, vẫn tiếp tục làm việc cho hãng thông tấn Associated Press.

Trên đất Mỹ, Trần Mộng Tú sáng tác văn, làm thơ, Người ta biết bà như là một thi sĩ hơn là một văn sĩ.

Trần Mộng Tú cộng tác với nhiều báo và tạp chí ở hải ngoại như Làng Văn, Văn Học, Văn, Thế Kỷ 21…

Năm 1999, sáng tác của Trần Mộng Tú được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy ở trường Trung học của nhà xuất bản Glencoe, McGraw-Hill.

 

Từ năm 2000, Trần Mộng Tú viết truyên nhi đồng trên nhật báo Los Angeles Times.

Từ 2002 đến 2005, Trần Mộng Tú làm Chủ bút nguyệt san Phụ Nữ Gia Đình thuộc Công ty Người Việt.

Năm 2003, Trần Mộng Tú đoạt giải bình luận của The New California Media (NCM).

 

Tác phẩm của bà được in ở hải ngoại và ở trong nước. Hiện sống ở Seattle, Washington state. Mỹ. (Học Xá)

http://www.hocxa.com/TieuSu/TranMongTu_TieuSu.php

Ý kiến bạn đọc
Thứ Bảy, 23 Tháng Chín 202310:50 CH
Khách
Tôi rất đồng cảm với nhà phê bình Phạm Đức Nhì nhiều điều!! Nhất là cái câu vào đầu Những đêm trăng sáng tôi không ngủ, tôi thấy câu thơ này thô thiển chẳng nên thơ chút nào!! Chính vì câu thơ này, mà tôi suýt ko đọc bài thơ này. Thiết tưởng câu thơ này cũng thừa vì lặp lại ý câu đầu Tôi thức cùng trăng suốt đêm trường.. Rồi câu Ôi trăng đất khách làm tôi khóc, xem ra cũng chẳng thơ chút nào. Phải nói nhà phê bình thơ Phạm Đức Nhì rất sâu sắc và thấu đáo hơn cái cần thiết để bình thơ. Bình thơ mà rạch ròi như mổ heo lục phủ ngụ tạng thì liệu có phải là giết thơ chăng??? Thơ là cái ước lệ của ngôn ngữ cảm xúc mà chẻ sợi tọc làm tư như thế thì còn gì là thơ nữa. Tuy nhiên, tôi cũng xin cảm ơn nhà phê bình Phạm Đức Nhì đã cho độc giả một bài phân tích lý thú về bài thơ. Cái hay của Phạm Đức Nhì là dám nói thẳng mà chẳng nể tình với nhà thơ nữ, liệu có quá tay với phận nữ nhi chăng???
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn