Đau cứng cổ là bệnh gì?

Thứ Bảy, 27 Tháng Giêng 20241:00 CH(Xem: 458)
Đau cứng cổ là bệnh gì?

Cổ bị cứng thường xảy ra khi một trong các cơ bị căng, phổ biến vào mùa lạnh hoặc khi bạn nằm một tư thế trong thời gian dài.

Nếu đau cứng cổ là do căng cơ thì bạn có thể điều trị giảm nhẹ triệu chứng ở nhà. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp thì cứng cổ là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm cần chăm sóc y tế tại bệnh viện.

1. Đau cứng cổ là gì?

Dưới đây là những nguyên nhân gây cứng cổ mà bạn có thể tham khảo:

1.1. Bong gân

Cứng cổ thường là kết quả của một chấn thương hay căng cơ nhẹ do:

  • Ngủ không đúng tư thế
  • Ngồi hoặc cúi đầu trong thời gian dài chẳng hạn như ngồi làm việc tại bàn với máy tính
  • Cúi xuống nhìn một vật cụ thể nào đó, chẳng hạn như điện thoại trong thời gian liên tục
  • Chấn thương khi chơi thể thao
  • Ngã
  • Cơ thể căng thẳng do stress.

1.2. Whiplash (tạm dịch: chấn thương do giật cổ, hoặc chấn thương cổ)

Chấn thương cổ nặng hơn có thể gây ra hiện tượng giật cổ (whiplash). Xảy ra khi đầu bị chuyển động đột ngột về một hướng và rồi giật lui lại một cách nhanh chóng. Chuyển động này có thể gây thương tổn cổ.

Chấn thương cổ có thể xảy ra trong một vụ tai nạn xe. Đau cứng cổ là triệu chứng thông thường nhất của chấn thương cổ.

 Có nhiều nguyên nhân gây đau cứng cổ.
Có nhiều nguyên nhân gây đau cứng cổ. (Ảnh: Internet).

Các triệu chứng khác của chấn thương do giật cổ bao gồm:

  • Đau đầu
  • Chóng mặt
  • Đau lưng hoặc vai
  • Cảm giác châm chích hoặc nóng rát ở khu vực cổ
  • Mất trí nhớ hoặc khó tập trung.

1.3. Viêm khớp

Viêm cột sống cổ, hay còn gọi là viêm khớp cổ, cũng có thể gây đau cứng cổ, tình trạng này có thể giảm đi khi nằm xuống.

Cơn đau có thể trở nên tồi tệ hơn khi một người cứ giữ nguyên một tư thế trong thời gian dài, ví dụ như khi lái xe hoặc ngồi trước máy tính. Các triệu chứng khác của viêm khớp cột sống cổ bao gồm:

  • Đau đầu
  • Tê ở cánh tay hoặc tay
  • Khó đi lại, gặp vấn đề về thăng bằng, hoặc cả hai
  • Yếu ở cánh tay hoặc chân

Bác sĩ có thể chẩn đoán viêm cột sống cổ với những xét nghiệm nhất định, như chụp X-Quang, chụp MRI và xét nghiệm máu.

1.4. Viêm màng não

Đôi khi, cứng cổ là một triệu chứng của viêm màng não - một bệnh nghiêm trọng cần chăm sóc y tế. Viêm màng não là tình trạng viêm của màng não, là lớp bảo vệ não và tủy sống.

Virus, vi khuẩn hoặc nấm có thể gây viêm màng não. Viêm màng não do virus có thể tự khỏi, nhưng viêm màng não do vi khuẩn và nấm có thể đe dọa tính mạng của người nhiễm. Một số triệu chứng của viêm màng não bao gồm:

  • Sốt đột ngột, thường kèm theo đau đầu, cứng cổ, hoặc cả hai
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Lú lẫn, cáu kỉnh, hoặc cả hai
  • Mê man, khó tỉnh dậy.

Nếu các triệu chứng này xuất hiện, hãy nhanh chóng liên hệ với cơ sở y tế để được chăm sóc sớm.

Đau cứng cổ do viêm màng não là trường hợp chăm sóc y tế.
Đau cứng cổ do viêm màng não là trường hợp chăm sóc y tế. (Ảnh: Internet).

1.5. Đau cứng cổ có phải dấu hiệu đột quỵ?

Hiếm khi một người đột quỵ phát triển triệu chứng đau cứng cổ (khoảng 1%). Đột quỵ thường được gắn liền với các triệu chứng khác như méo miệng, yếu hoặc tê ở một bên cơ thể, khó nói hoặc hiểu ngôn ngữ, đau đầu dữ dội đột ngột, mất thị lực hay khó di chuyển và giữ thăng bằng.

Tuy nhiên, nếu bạn có những triệu chứng bất thường hoặc nghiêm trọng, bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế khẩn cấp.

2. Cách giảm đau cứng cổ

Tùy vào nguyên nhân mà điều trị đau cứng cổ sẽ có sự khác biệt. Dưới đây là một số cách giảm nhẹ cơn đau cứng cổ mà bạn nên biết:

2.1. Chườm đá

Sử dụng túi chườm đá có thể giúp giảm viêm và sưng sau một chấn thương nhẹ khiến bạn bị cứng cổ. Đá lạnh có thể có tác dụng gây tê, tạm thời giảm đau.

Phương pháp điều trị này thường hiệu quả nhất trong vòng 48 giờ đầu sau chấn thương, khi vùng chấn thương có xu hướng sưng nhiều nhất. Chườm đá lên vùng bị thương qua một lớp khăn/túi và tối đa 20 phút mỗi lần sau đó nghỉ 20-30 phút. Có thể lặp lại nếu vẫn còn sưng đau.

2.2. Chườm nóng

Chườm nóng có thể giúp giảm đau và cứng cổ bằng cách làm tăng lưu lượng máu đến khu vực bị ảnh hưởng, giúp cơ thể đưa chất dinh dưỡng và oxy đến vùng cơ bị tổn thương cũng như giúp loại bỏ chất cặn và chất lỏng tích tụ.

Nhiệt cũng giúp giãn cơ và giảm cảm giác cứng cơ. Bạn có thể chườm nóng bằng túi chườm nóng, chai nước nóng hoặc khăn ấm. Tuy nhiên, hãy chắc chắn rằng nhiệt độ không quá cao để tránh bỏng da và không chườm quá 15-20 phút một lần.

2.3. Uống thuốc không kê đơn

Nếu các biện pháp chườm đá hay chườm nóng không giúp cơn đau cứng cổ được giảm nhẹ thì bạn có thể xem xét tới việc sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs).

Một số ví dụ bao gồm ibuprofen và naproxen, có thể giảm sưng và giảm đau. Nếu một người có tình trạng sức khỏe và đang dùng các loại thuốc khác, nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng NSAIDs. Và tất nhiên, bạn không nên lạm dụng thuốc, tự ý tăng liều nếu không có chỉ định từ bác sĩ.

2.4. Giãn cơ

Giãn cơ cổ bằng cách nhẹ nhàng và từ từ di chuyển đầu qua lại từ bên này sang bên kia. Xoay bả vai về phía trước và sau. Dừng lại nếu việc giãn cơ gây đau.

2.4. Kiểm tra môi trường ngủ

Đôi khi, một tấm đệm quá cứng hoặc không đủ hỗ trợ có thể gây đau cổ và vai gáy. Gối không đúng kích thước hoặc độ cứng cũng có thể gây tác động tương tự.

Theo các chuyên gia, đầu, cổ và lưng nên được giữ thẳng hàng khi ngủ.

Gối và đệm mà bạn dùng cần phù hợp với tư thế ngủ. Một chiếc gối cứng hơn, lớn hơn có thể phù hợp với người ngủ nghiêng. Người có thói quen ngủ ngửa có thể cần một chiếc gối phẳng hơn để hỗ trợ đầu và cổ.

Có nhiều cách giảm nhẹ cơn đau cứng cổ.
Có nhiều cách giảm nhẹ cơn đau cứng cổ. (Ảnh: Internet).

2.5. Chú ý đến tư thế

Ngồi xổm có thể từ từ kéo căng cơ cổ và gây cứng và đau. Bạn nên tập thói quen giữ vai, cổ và lưng thẳng hàng trong suốt cả ngày. Đeo thiết bị chỉnh tư thế có thể giúp ích hoặc nhờ tới sự can thiệp của bác sĩ chỉnh hình.

2.6. Đến gặp nha sĩ

Sự cứng cổ kéo dài kèm theo đau đầu hoặc đau hàm khi thức dậy có thể là dấu hiệu của tình trạng nghiến răng vào ban đêm. Nha sĩ có thể kiểm tra răng để tìm dấu hiệu của việc răng bị mài mòn từ việc nghiến răng cũng như kiểm tra khớp hàm.

Một số người đeo một loại bảo vệ răng được làm riêng vào ban đêm để bảo vệ răng khỏi hư hại thêm từ việc nghiến răng. Điều này cũng có thể làm giảm áp lực trên cơ hàm và cổ.

2.7. Massage

Một chuyên viên trị liệu có thể giúp giảm bớt cơ căng và đau nhức. Mặc dù nghiên cứu vẫn chưa chứng minh rằng massage là hiệu quả nhưng theo Medical News Today, một nghiên cứu từ năm 2014 đã tìm thấy rằng massage đã cải thiện cơn đau cho người mắc bệnh viêm khớp cổ.

Nghiên cứu khác được công bố trong tạp chí Complementary Therapies in Clinical Practice cho thấy việc nhận trị liệu massage còn có thể giúp giảm stress từ đó có thể gián tiếp giúp giảm cơn đau cứng cổ.

2.8. Quản lý stress

Không có cách nào để hoàn toàn tránh stress. Tuy nhiên, việc học cách quản lý stress có thể giảm bớt căng thẳng ở cổ. Những người có mức độ stress mãn tính cao có thể cần thảo luận với một chuyên gia trị liệu về tâm lý để biết các cách lành mạnh giúp quản lý stress.

Học cách quản lý stress để giảm đau cứng cổ.
Học cách quản lý stress để giảm đau cứng cổ. (Ảnh: Internet).

3. Phòng ngừa đau cứng cổ như thế nào?

Các biện pháp sau đây có thể giúp phòng ngừa tình trạng cứng cổ:

  • Sử dụng tai nghe để nói chuyện điện thoại. Tránh kẹp điện thoại giữa vai và tai.
  • Cố gắng không nhìn xuống điện thoại di động hoặc máy tính bảng trong thời gian dài. Giữ thiết bị ở mức mắt khi có thể và thường xuyên nghỉ ngơi.
  • Giữ màn hình ở tầm mắt, giữ chân phẳng trên sàn, và đảm bảo tay được hỗ trợ khi sử dụng máy tính. Ngoài ra, tập trung không cúi đầu hay dướn cổ về phía trước.
  • Chú ý khi mang túi. Mang một chiếc túi xách nặng hoặc cặp tài liệu có thể gây áp lực lên vai và căng cơ ở cổ. Sử dụng túi có bánh xe hoặc ba lô khi có thể sẽ giúp giảm bớt áp lực này.
  • Nghỉ ngơi. Ngồi hoặc lái xe trong thời gian dài có thể làm căng thẳng cổ. Bạn nên đứng dậy, đi bộ, và căng cơ ít nhất mỗi giờ một lần.
  • Đầu tư vào một tấm đệm và gối phù hợp với tư thế ngủ của mình để hỗ trợ cho cơ cổ vai đúng cách.
  • Thường xuyên tham gia các hoạt động giảm stress. Một số ví dụ bao gồm nghe nhạc thư giãn, tắm, thực hành thiền hoặc thở sâu.
  • Đi gặp bác sĩ theo khuyến nghị. Thảo luận với bác sĩ về đau nhức, mức độ stress, chất lượng giấc ngủ và sức khỏe tổng thể của bạn.
  • Tập thể dục thường xuyên. Vận động cơ thể có thể giúp giảm căng thẳng cơ bắp và cứng cơ. Tập thể dục cũng là một cách giải tỏa stress tự nhiên. Các hoạt động tác động cường độ thấp như đi bộ, bơi lội, đạp xe hoặc yoga có thể hữu ích.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn