Lý do người tiểu đường thường tê, ngứa bàn chân

Thứ Ba, 23 Tháng Giêng 20243:00 CH(Xem: 538)
Lý do người tiểu đường thường tê, ngứa bàn chân

Tôi bị tiểu đường hơn 10 năm, ba tháng nay bàn chân hay tê, ngứa ran, thi thoảng đau, cảm giác châm chích. Tình trạng này do đâu, chữa như thế nào? (Hồng Thái, Cà Mau)

Trả lời:

Tổn thương thần kinh bàn chân do tiểu đường là biến chứng của bệnh tiểu đường, còn gọi là bệnh thần kinh ngoại biên. Bệnh này thường phát triển chậm và diễn tiến xấu dần.

Người mắc bệnh tiểu đường càng lâu có nguy cơ cao tổn thương thần kinh bàn chân, giảm hoặc mất cảm giác, nhiễm trùng, loét bàn chân. Biến chứng nghiêm trọng này có thể dẫn đến đoạn chi (cắt cụt một phần chân), ảnh hưởng đến tính mạng.

Tổn thương thần kinh đặc trưng của bệnh thần kinh ngoại biên do tiểu đường thường gặp ở người bệnh không kiểm soát đường huyết tốt. Tình trạng này thường xảy ra ở nhiều dây thần kinh khác nhau trên bàn chân. Những dây thần kinh bị tổn thương làm tăng nguy cơ hình thành vết loét.

Kiểm soát đường huyết không tốt dẫn đến biến chứng bàn chân tiểu đường. Ảnh: Freepik

Kiểm soát đường huyết không tốt dẫn đến biến chứng bàn chân tiểu đường. Ảnh minh họa: Freepik

Dưới đây là các triệu chứng tổn thương thần kinh tiểu đường.

Bệnh thần kinh cảm giác: Tê, ngứa ran hoặc châm chích, nóng rát, đau nhói ở bàn chân, đau hoặc khó chịu ở cẳng chân.

Bệnh thần kinh vận động: Yếu cơ và mất trương lực cơ ở bàn chân và cẳng chân, mất thăng bằng, thay đổi về hình dạng bàn chân có thể dẫn đến các vùng tăng áp lực tì đè.

Bệnh thần kinh tự trị: chân khô, da nứt nẻ.

Các biểu hiện của tổn thương thần kinh do tiểu đường bao gồm biến dạng ngón chân quắp, vẹo hoặc ngón chân hình búa, không nhận ra bàn chân đang nhiễm trùng, trầy xước do giảm cảm giác; không có cảm giác khi giẫm phải một vật nhỏ hoặc bị cắt vào da. Da nứt nẻ do bệnh thần kinh tự trị, kết hợp với tình trạng tê của bệnh thần kinh cảm giác và các vấn đề liên quan đến bệnh thần kinh vận động có thể dẫn đến vết loét chân.

Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ đánh giá các triệu chứng như tê, nóng rát, giảm cảm giác chân và khám bằng bộ dụng cụ khám bàn chân. Qua đó, bác sĩ đánh giá phản xạ, khả năng cảm nhận áp lực, đau, rung động... Ngoài ra, còn có các xét nghiệm khác đánh giá về thần kinh nếu cần.

Để điều trị bệnh thần kinh do tiểu đường, bác sĩ chỉ định người bệnh dùng thuốc kiểm soát cảm giác khó chịu như tê đau, dị cảm... do tổn thương thần kinh.

Người bệnh cần kiểm soát tốt đường huyết, mang giày vừa vặn để tránh loét chân, kiểm tra bàn chân mỗi ngày, phòng biến chứng thần kinh do tiểu đường.

Tình trạng tê, ngứa bàn chân của bạn có thể do bệnh tiểu đường, bạn nên đi khám để bác sĩ đánh giá chính xác và có hướng điều trị phù hợp. Bạn có thể cần kiểm tra và được đánh giá bàn chân định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ.

ThS.BS.CKI Đỗ Trúc Anh
Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn