Geisha trong cơn khủng hoảng

Thứ Ba, 19 Tháng Mười Hai 20233:00 CH(Xem: 1020)
Geisha trong cơn khủng hoảng

Geisha được nhiều người hình dung là nghệ sĩ biểu diễn và chuyên phục vụ cho tầng lớp giàu có ở Nhật Bản, nhưng mọi thứ đang thay đổi trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

160720_gei1

Ấn tượng ban đầu, Azuha và Seiko, hai geisha ở khu Asakusa của Tokyo, là hình mẫu chuẩn mực của người Nhật. Với khuôn mặt tô trắng cùng mái tóc đen mượt, họ nhảy múa một cách trang nhã trong bộ kimono lụa trước một đám đông nhỏ.

Nhưng sau đó, họ trở nên suồng sã hơn. Trong một game uống rượu, Azuha bò như một con hổ, còn Seiko đóng giả một bà già chống gậy. Khi thua, họ phải uống hết cốc bia.

Những hành vi bị nhiều người coi là "thiếu chuẩn" này của geisha là cách họ thay đổi để thích ứng với giai đoạn kinh tế khó khăn, theo The Economist.

Vào cuối những năm 1920, có khoảng 80.000 geisha ở Nhật Bản. Bây giờ, con số chỉ còn lại 1.000 người.

Phần lớn đàn ông Nhật ngày nay thích vào những quán bar có tiếp viên thân mật, với mức giá rẻ hơn. Rất ít cô gái tuổi teen sẵn sàng cam kết đầu tư cho quá trình học tập gian khổ về âm nhạc, khiêu vũ và nghĩ thức - vốn là nền tảng của geisha thế kỷ 18.

geisha nhat ban anh 1

Văn hóa Geisha ở Nhật Bản đã có sự thay đổi. Ảnh: Steve Mccurry/Magnum.

Suzuki Takeshi, người quản lý hiệp hội geisha ở Asakusa, than thở: "Người Nhật đang mất dần mối liên hệ với văn hóa geisha".

Thực tế đó buộc những geisha còn lại phải tìm cách tồn tại.

Trong thời gian phong tỏa vì Covid-19, một số geisha đã tổ chức các buổi tiệc rượu qua Zoom để xin tiền donate. Một số khác mở quán bar phục vụ cocktail.

Những người mang tư tưởng truyền thống thấy kinh ngạc trước sự thay đổi này. Tuy nhiên, điều đó không đi ngược lại truyền thống của geisha, bởi dịch vụ của họ vốn đã thay đổi linh hoạt trong nhiều thế kỷ.

Geisha từng chơi các trò board game với khách hàng và ở thời kỳ bùng nổ hậu chiến tranh, họ chơi cả golf.

Hoạt động giải trí của geisha vốn có sự tương đồng với các quán bar tiếp viên ngày nay (hay kyabakura) hơn những gì những người theo chủ nghĩa thuần túy thừa nhận.

Từ trước đại dịch, các geisha đã nhắm đến đối tượng đa dạng hơn, bao gồm cả phụ nữ và khách du lịch. Nhiều geisha đã bỏ văn hóa "ichigensan okotowar" - có nghĩa từ chối khách đến lần đầu nếu không có người giới thiệu.

Shiomi Fumie, một geisha ở Tokyo, bắt đầu tổ chức các sự kiện "livehouse" nhưng loại bỏ những bữa ăn xa hoa truyền thống trong bữa tiệc geisha kéo dài hàng giờ đồng hồ. Thay vào đó là các buổi biểu diễn ngắn, với giá chỉ 8.000 yên (tương đương 54 USD).

Bằng cách làm cho các buổi biểu diễn geisha trở nên dễ tiếp cận, cô hy vọng sẽ thu hút được khách hàng trẻ tuổi, và có thể tuyển dụng được một số geisha.

Những thay đổi như vậy đang giúp thay đổi một số quan niệm sai lầm.

Geisha đã bị lãng mạn hóa quá mức và bị miêu tả sai là gái mại dâm trá hình trong văn hóa Nhật Bản cũng như phương Tây, thể hiện qua các tác phẩm như "Hồi ức của một Geisha", một cuốn sách của Arthur Golden, hay "Vương quốc dục cảm", một bộ phim của Oshima Nagisa.

Những đổi mới cũng giúp thu hút tân binh. Trước khi trở thành geisha, Shiomi từng làm việc cho một công ty IT. Cô yêu thích những bộ kimono đẹp đẽ, những điệu nhảy và bài hát khi làm nghề mới.

"Làm geisha không thể kiếm được nhiều tiền, nhưng nó cực thú vị", cô nói.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn