Vì sao giới trẻ Trung Quốc chọn ‘nằm thẳng’, không ưu tiên công việc

Thứ Tư, 02 Tháng Ba 20229:00 SA(Xem: 1587)
Vì sao giới trẻ Trung Quốc chọn ‘nằm thẳng’, không ưu tiên công việc

Vài năm trước, khi Jeff (không phải tên thật) rời quê hương Hàng Châu đến Bắc Kinh làm vị trí nhà phát triển ứng dụng với mức lương cao, giống như nhiều chuyên viên trẻ tuổi khác ở Trung Quốc, công việc đã trở thành cuộc sống của anh ấy.

Khoảng thời gian rảnh rỗi ít ỏi ngoài công việc, anh ấy chơi những trò chơi máy tính nhẹ nhàng. Jeff không muốn mở rộng mối quan hệ xã hội tại Bắc Kinh.

Chú thích ảnh
"Nằm thẳng" là phong trào phản đối lối sống chịu áp lực từ công việc và xã hội. Ảnh: Getty Images

Nhưng khi đại dịch COVID-19 ập đến, cuộc sống thường thấy của anh đột ngột dừng lại. Giống như nhiều người lao động khác, COVID-19 khiến anh phải xem xét lại những ưu tiên trong cuộc sống của mình.

Trò chuyện với những người bạn làm nghệ thuật ở quê nhà, Jeff ngạc nhiên khi họ kiếm được ít tiền nhưng luôn có điều gì đó thú vị để kể về một ngày của mình. Trong khi đó, tất cả những gì Jeff có chỉ là công việc.

Khi công ty bắt đầu sa thải nhân viên do tác động của đại dịch, anh ấy buộc phải làm việc 60-70 giờ một tuần. Cuối cùng thì anh ấy cũng được nghỉ và dành chút thời gian để đi du lịch.

Trong thời gian lưu trú tại thành phố Hồ Chí Minh, cảnh tượng những người đàn ông tụ tập tại nhà hàng để thư giãn, tán gẫu và xem bóng đá hàng giờ liền khiến anh không thể không trăn trở. 

Tại sao anh ta không thể giống như họ, chỉ cần thư giãn và “nằm thẳng”? Và vì vậy, Jeff quyết định làm điều đó. Anh về nước xin nghỉ việc, trở thành một trong số nhiều người lao động trẻ tuổi ở Trung Quốc đã từ chức hoặc giảm bớt cam kết làm việc trong hai năm qua.

Ý tưởng “nằm thẳng”, hay “tang ping” trong tiếng Trung, có nghĩa là tạm dừng làm việc không cật lực. Phong trào “nằm thẳng” bùng nổ vào năm 2021 vì nhiều người cảm thấy họ đang phải chịu áp lực ngày càng lớn để làm việc chăm chỉ hơn và ưu tú hơn so với đồng nghiệp của họ.
Mệt mỏi vì làm việc cật lực

Nền tảng của xu hướng này chính là thị trường lao động bị thu hẹp ở Trung Quốc, có nghĩa là những người trẻ tuổi phải chịu áp lực làm việc nhiều giờ hơn và khiến họ kiệt sức. 

Kerry Allenm, nhà phân tích truyền thông Trung Quốc tại đài BBC nói: "Mọi người cảm thấy thờ ơ với công việc do đang phải đối phó với virus SARS-CoV-2, cũng như cảm thấy kiệt sức. Họ chỉ muốn nằm dài độc ách hoặc ngồi xem TV, thay vì giữ động lực àm việc chăm chỉ". 

Trong khi đại dịch COVID-19 có thể đang giảm bớt mức độ nghiêm trọng, thì phong trào “nằm thẳng” lại không như vậy. 

Trên các trang mạng xã hội của Trung Quốc, người dùng đang chia sẻ những dòng trạng thái rằng họ không muốn quay trở lại như trước đại dịch và giờ đây họ đủ tự tin để theo đuổi một cuộc sống có nhịp độ chậm hơn.

Chú thích ảnh
Dịch COVID-19 khiến giới trẻ Trung Quốc phải chịu thêm sức ép. Ảnh: Ảnh: Getty Images

Chính sách “một con” trước đây của Trung Quốc có nghĩa là nhiều thanh niên lớn lên mà không có anh chị em, và điều này đã làm tăng thêm cảm giác căng thẳng của nhiều người.

Các giá trị truyền thống như mua nhà, lấy vợ và sinh con vẫn rất quan trọng ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều người ở độ tuổi 20 và 30 lo lắng rằng họ có thể không bao giờ có thể đạt được mục tiêu này. Chẳng hạn, những người là con một, họ sẽ phải chăm sóc cha mẹ già. Hoặc đối với nhiều người, giá bất động sản ngày càng vượt quá tầm với của họ. 

Năm 2019, ông trùm công nghệ và người sáng lập tập đoàn Alibaba Jack Ma đã bị chỉ trích vì ủng hộ cái gọi là “văn hóa làm việc 996” của Trung Quốc. Theo đó, mọi người làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, sáu ngày một tuần.

Năm ngoái, Tòa án tối cao và Bộ Lao động Trung Quốc đã phán quyết những hành vi này là bất hợp pháp. Tuy nhiên, nếu làm việc kiểu 996 là điều cần thiết để thành công thì sẽ không ngạc nhiên khi một số người trẻ lại chọn cách chối bỏ nó. 

Các xu hướng nhân khẩu học cho thấy áp lực xã hội đối với giới trẻ sẽ ngày càng gia tăng. Đến năm 2035, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo 20% dân số Trung Quốc sẽ trên 65 tuổi và điều này sẽ gây thêm sức ép lên những người trẻ tuổi.

Chú thích ảnh
Thị trường lao động bị thu hẹp có nghĩa là những người lao động trẻ tuổi phải gánh vác khối lượng công việc của thế hệ trước. Ảnh: Getty Images

Jeff, người không muốn được tiết lộ danh tính, mô tả quyết định bỏ việc và cuộc sống của mình ở Bắc Kinh là một sự phản đối âm thầm chống lại các quy tắc hiện hành. “Nếu mọi người nói với bạn rằng bạn phải học nhiều hơn và làm việc chăm chỉ hơn, đừng nghe lời”, thanh niên này chia sẻ. 

Xu hướng rũ bỏ những nỗi áp lực của cuộc sống không chỉ xảy ra tại Trung Quốc. Ở cả Mỹ và châu Âu, các nhà kinh tế học đang bàn luận về một cuộc “Đại từ chức”, với hàng triệu người lao động muốn nghỉ hưu, bỏ việc hoặc từ chối làm công việc mà họ coi là vô nghĩa.

Vậy những xu hướng đó có phải giống cách sống “nằm thẳng” ở Trung Quốc hay không? Tiến sĩ Lauren Johnston, cộng sự nghiên cứu tại Viện Trung Quốc, Trường Nghiên cứu Phương Đông và châu Phi thuộc Đại học London, cho biết có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến câu chuyện này.

Đầu tiên, một bộ phận người trẻ tuổi ở nông thôn khi đến Bắc Kinh hoặc Thượng Hải thì cảm thấy họ bị thua kém về khả năng kiếm tiền mua nhà hay cạnh tranh với những đứa trẻ lớn lên ở thành phố, nói tiếng Anh và ăn mặc sành điệu.

Tiến sĩ Johnston giải thích một số người trong bộ phận này có thể đang nghĩ đến việc từ bỏ tất cả, trở về quê hương cũng như nhận những công việc được trả lương thấp hơn để được ở bên gia đình của họ. Ông cho rằng cái gọi là văn hóa "mẹ hổ" của Trung Quốc cũng là một rào cản. Bậc phụ huynh cảm thấy bản thân chịu trách nhiệm lớn trong việc giúp con mình đạt được thành tích cao, chỉ riêng trường học là không đủ. Họ cảm thấy họ phải trả tiền để con học thêm toán, tiếng Trung, tiếng Anh và âm nhạc, hoặc chuẩn bị cho các kỳ thi đầu vào cạnh tranh khốc liệt.

Những điều này có khả năng thay đổi do Trung Quốc đang đối mặt với một bức tranh kinh tế khó khăn: tăng trưởng chậm lại, nợ gia tăng còn lĩnh vực bất động sản bị thu hẹp.

Về phần Jeff, sau khi bố mẹ giục giã, cuối cùng anh ấy cũng đã đi làm công việc khác nhưng ở một vị trí ít đòi hỏi hơn nhiều. Lương của Jeff chỉ bằng một nửa so với trước đây, nhưng giờ giấc linh hoạt. "Tôi có thời gian để làm những sở thích mà tôi khám phá ra trong thời gian 'nằm thẳng’ như trượt tuyết, leo núi sẽ có thể tiếp tục thực hiện tất cả. Tôi rất hài lòng”, anh chia sẻ. 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn