Khủng hoảng béo phì ở Mexico

Thứ Hai, 29 Tháng Ba 202111:00 SA(Xem: 3346)
Khủng hoảng béo phì ở Mexico

Thói quen ăn uống không lành mạnh và sự tràn lan các loại thực phẩm chế biến sẵn khiến nhiều người Mexico rơi vào tình trạng thừa cân.

Ở đất nước có nền ẩm thực tuyệt vời như Mexico, bang Oaxaca luôn là điểm đến được đánh giá cao. Đồ ăn ở đây ngon, phong phú, giá rẻ.

Tuy nhiên, trong khi khách du lịch quốc tế yêu thích món ăn làm từ các giống ngô bản địa hay đặc sản địa phương, người dân nơi này lại ưu ái những loại đồ ăn nhanh công nghiệp, theo VICE.

Các cửa hàng tiện lợi luôn đầy ắp nước ngọt, khoai tây chiên và kẹo. Đó cũng là những loại đồ ăn ưa thích của trẻ em.

Sở thích ăn vặt cùng với chế độ ăn không lành mạnh khiến cuộc khủng hoảng béo phì ở Mexico ngày càng trầm trọng. 1/3 trẻ em nước này thừa cân và khoảng 15% dân số cả nước bị tiểu đường - một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở quốc gia Bắc Mỹ này.

nguoi Mexico beo phi anh 1

Khoảng 15% dân số Mexico béo phì do thói quen ăn uống không lành mạnh. Ảnh: Reuters.

Giải quyết vấn nạn béo phì đang là một trong những ưu tiên của các quan chức Mexico. Tháng 10/2020, luật liên bang quy định các loại thực phẩm và đồ uống đã qua chế biến phải được dán nhãn cảnh báo.

Ví dụ khi mua một chai nước ngọt, túi khoai tây chiên hoặc thậm chí một loại nước trái cây có đường, khách hàng sẽ gặp cảnh báo hình bát giác lớn ghi chú bằng chữ in hoa "cảnh báo nhiều đường" hoặc "cảnh báo nhiều muối".

Riêng tại Oaxaca, từ năm 2020, bang này đã cấm hoàn toàn việc bán đồ ăn vặt cho trẻ em.

“Cha mẹ có trách nhiệm cho con cái ăn uống lành mạnh", Magaly Lopéz, nhà lập pháp Oaxaca, người dẫn đầu lệnh cấm đồ ăn vặt, cho biết.

nguoi Mexico beo phi anh 2

Các loại thực phẩm chế biến sẵn ở Mexico phải dán nhãn cảnh báo cho người dùng. Ảnh: VICE.

Vẫn còn quá sớm để có thể khẳng định lệnh cấm bán đồ ăn vặt cho trẻ có hiệu quả hay không. Đối với các cửa hàng vi phạm quy định, chính quyền bang vẫn chưa có phương án xử phạt.

Tuy nhiên, nhiều nơi đã ghi nhận hiệu quả của biện pháp dán nhãn cảnh báo trên đồ ăn. Ví dụ, từ khi áp dụng quy định này năm 2016, doanh số bán nước ngọt ở Chile đã giảm gần 25%.

Charlynne Curiel, nhà nhân chủng học xã hội nghiên cứu về thói quen và hành vi ăn uống, cho biết cần có những biện pháp cứng rắn hơn để mọi người thay đổi thói quen ăn uống, thay vì chỉ là những nhãn dán cảnh báo hay quy định hời hợt.

"Nhiều người vẫn nghĩ rằng sử dụng thực phẩm chế biến sẵn là tốt vì chúng tiện lợi và hiện đại hơn. Hiện nay, những thứ gắn với truyền thống địa phương thường bị đánh giá thấp và coi thường", bà nhận định.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn