Bệnh ghiền điện thoại di động

Thứ Ba, 18 Tháng Chín 20188:00 SA(Xem: 6121)
Bệnh ghiền điện thoại di động

Có bao giờ bạn chợt nghĩ là mình bị mắc chứng bệnh ghiền điện thoại di động hay không?

Mới đây, các công ty Apple và Google đã đưa ra hệ điều hành mới cho điện thoại di động với tính năng giúp cho người sử dụng bớt ghiền điện thoại cũng như ghiền các loại tablets như iPad chẳng hạn. Những công cụ mới trên phone sẽ khuyến cáo người sử dụng về thời gian tiêu dùng, và có thể tự giới hạn thời lượng sử dụng các apps.

Image result for bệnh ghiền điện thoại di động

Vấn đề ghiền điện thoại là chuyện có thật, được thể hiện trong hầu hết những người dùng phone. Đi đâu bạn cũng thấy người ta thường xuyên vuốt điện thoại, chìm đắm vào cái màn hình nho nhỏ trong tay, quên luôn cả thế giới thật bên ngoài. Ví dụ, nhiều khi chúng ta dưng không, vô cớ mở phone ra chỉ để ngắm nhìn mà không có một mục đích nào cả. Lúc khác, mở Instagram, Twitter, hay email vài ba chục lần trong vòng một tiếng đồng hồ. Chưa kể, Facebook, YouTube, Netflix này nọ. Thống kê cho biết trung bình, một người Mỹ tiêu mất 30 giờ một tuần để xem phim trên mạng hay chơi mạng xã hội, tương đương như đi làm thêm một job full time thứ hai.

Related image

Theo định nghĩa, ghiền là tình trạng xảy ra khi một cá nhân sử dụng thuốc, vật liệu, nguồn kích thích, hình thành một thói quen lập lại nhiều lần để được hưởng thụ, được tưởng thưởng, và bất chấp hậu quả có thể xảy ra. Những bệnh ghiền rất rõ rệt gồm có như: ghiền thuốc phiện, ghiền cocaine, ghiền thuốc lá, ghiền rượu, ghiền cờ bạc, ghiền phim ảnh khiêu dâm v.v… Tựu trung, tất cả đều đem lại sự khoái lạc cho não bộ qua sự kích thích của chất dopamine.

Thế thì tại sao sử dụng điện thoại di động lại dễ sinh ra ghiền?

Chẳng qua khi chúng ta bấm phone để check email, tin nhắn, xem Instagram, lướt “phây”… cũng giống như chơi trò chơi bấm máy slot machines ở các sòng bài Las Vegas. Bạn có biết, lợi nhuận từ các máy slot machines nầy còn cao hơn tất cả các món cá độ thể thao, tiền lợi nhuận của phim điện ảnh, và cả lợi nhuận của Disneyland cộng lại?

Ghiền được xem là phản xạ có điều kiện có nghĩa là phản xạ do sự tập tành, khác với phản xạ tự nhiên. Khi ta bấm máy slot machine, trong vòng vài giây chúng được thưởng hay phạt, thắng hay thua. Tương tự, “buồn buồn” lôi điện thoại ra khỏi túi, để xem có tin nhắn gì mới hay không, đọc email, đọc Facebook xem có gì trong inbox, xem Instagram… tất cả đều là những hình thức chơi máy slot machines thể hiện dưới hình thức khác. Hơn cả máy slot machines, người sử dụng điện thoại ít khi bị phạt, không tốn tiền, hầu hết là được thưởng, cho dù vô thưởng vô phạt đi nữa cũng đủ để kích thích não bộ được khoái cảm.

Image result for cell phone disease

Những thói quen theo phản xạ khi được thưởng phạt như thế được kể là ghiền. Người ghiền hay làm những điều không thể cưỡng lại, hoặc không thể công nhận là mình đã bị ghiền.

Bệnh ghiền điện thoại di động còn có thể xảy ra vì chúng ta sợ thiếu vắng, mất mát một điều gì đó cho là quan trọng lắm. Ví dụ như một tin nhắn, hay thông báo cho là quan trọng, một cuộc hẹn với người mới quen trên mạng chẳng hạn. Vì sợ mất mát nên người dùng điện thoại không thể bỏ sót một tin nhắn nào cả.

Cuối cùng, bệnh nghiền điện thoại xảy ra khi chúng ra sợ bị mất tình bạn trên mạng xã hội. Đại khái như người ta like mình trên phây thì cũng phải trả lại cho đủ lễ nghĩa, người ta add friend hay follow mình thì mình cũng nên đáp trả, người ta gửi mình một tin nhắn hay email thì phải trả lời ngay vì sợ mất lòng…

Một yếu tố tai hại khác, giống như vào sòng bạc, chơi máy slot machines xong, dễ bị lạc ra những món chơi khác như lạc vào ma trận. Thí dụ, buổi sáng, bạn lướt qua những tin nhắn, thông báo nổi lên trên mặt tiền của điện thoại, tự dưng sẽ bị lôi cuốn theo những tin nhắn đó như một con thỏ chạy lạc vào những ngõ ngách hang động. Hay bạn lên phây, đọc một thông điệp, sẽ bị lôi cuốn theo từ post nầy sang post khác, từ trang nầy sang trang khác.

Related image

Cũng như bất kỳ một loại bệnh ghiền nào khác, lúc đầu “bệnh nhân” còn biết sự tai hại và hậu quả, nhưng dần dà vì những khoái lạc đã thúc đẩy người ta tiếp tục bị ghiền, tách xa thực tế. Và cũng như ghiền xì ke, thiếu chiếc điện thoại di động, người ghiền có thể bị trầm cảm, cuồng nộ, thay đổi tâm tính.

Bạn có thể biện minh là bạn cần sử dụng điện thoại cho công việc, tuy nhiên thật ra ta cần phân biệt đâu là làm và đâu là chơi. Tình thật mà nói, chơi nhiều hơn là làm trên cái điện thoại đi động ấy vì làm thì mấy ai vui, còn chơi thì rất thú vị và khoái lạc.

Thí dụ, cá nhân tôi, xin thú nhận là một trong những người “hơi” ghiền điện thoại di động tí xíu, cũng vì…công việc! Vì những lý do tương tự như đã nêu trên, vì sợ và phải quan tâm đến những trường hợp bệnh nhân cần đến mình khẩn cấp, y tá văn phòng cần liên lạc về những liều lượng thuốc phải cho bệnh nhân v.v…

Để tự chữa bệnh của mình, tôi tự đặt ra quy luật, không check tin nhắn hay email từ 8 giờ tối đến 10 giờ sáng. Trong trường hợp khẩn cấp, bệnh viện sẽ gọi điện thoại chứ không nhắn tin, những gì không gấp sẽ từ từ giải quyết trong giờ làm việc. Tôi cũng tắt luôn chức năng tin nhắn hay thông báo nổi lên mặt tiền của điện thoại, và tắt luôn những tiếng sound báo hiệu. Thú thật, nghe hoài những tiếng chuông báo hiệu ấy lâu ngày trở thành những ám ảnh điên người. Ngoài ra, lên xe, tôi cố tình để phone xa khỏi tầm với, và chỉ nhận điện thoại từ ngoài gọi vào qua bluetooth. Cuối cùng, mỗi 3 tháng, tôi xóa sạch điện thoại, xóa hết apps và cài lại mới từ đầu.

Những công cụ mà các hãng Apple hay Google đưa ra với hy vọng giúp người sử dụng bớt ghiền, nhưng quan trọng là người ghiền có nhận ra mình bị ghiền hay không để tích cực cai nghiện hay không? Vả lại, chính những công ty này là thủ phạm gây ra bệnh ghiền điện thoại qua những apps iếc, trò chơi mà họ bán.

Chúng ta cần phải tập sống rời xa cái điện thoại di động càng nhiều càng tốt. Sợ mất mát khi thiếu chiếc điện thoại, sợ bị cách ly với mạng lưới xã hội mới là cái đáng sợ hơn chính là sự mất mát và thiếu thốn. Trước khi chiếc điện thoại di động ra đời thì có ai thiếu thốn gì đâu? Một khi chúng ta không sợ mất, và không có gì để mất thì ta tự giải thoát lấy mình. Quan trọng hơn hết, ta cần phải chấp nhận bệnh ghiền điện thoại đi động là có thực, và biết là mình bị ghiền thì mới có cơ hội để cai nghiện.

BS Hồ Ngọc Minh

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn