Facebook và tham vọng ở Trung Quốc

Thứ Bảy, 14 Tháng Bảy 20183:00 SA(Xem: 7866)
Facebook và tham vọng ở Trung Quốc

Bị cấm cửa gần 1 thập kỷ tại Trung Quốc nhưng Facebook chưa bao giờ ngừng tham vọng với thị trường Trung Quốc và đã có nhiều động thái để lấy lòng giới chức nước này.

Thị trường Trung Quốc được kỳ vọng tạo ra đà tăng trưởng mới cho Facebook, đặc biệt trong bối cảnh mạng xã hội này phải đối mặt với một loạt thách thức trong năm 2018 tại các thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu, khi các nhà làm luật thắt chặt hoạt động trên nhiều lĩnh vực, theo Bloomberg

Quartz nhận định chỉ cần một nửa trong tổng số 668 triệu người dùng Internet của Trung Quốc sử dụng Facebook cũng đã giúp khách hàng của mạng xã hội này tăng thêm 20%, đồng nghĩa với thị trường mới giàu có cho quảng cáo và xuất bản.

10% doanh thu Facebook đến từ Trung Quốc

Theo New York Times, trong năm 2017, đại diện Facebook đã dành nhiều tháng âm thầm tìm địa điểm đặt trụ sở ở Thượng Hải. Văn phòng này sẽ không chỉ là nơi Facebook đặt máy chủ mà còn là nơi để nhân viên của hãng làm việc, phục vụ mục tiêu mở rộng tới thị trường Trung Quốc.

Facebook đăng tải bức hình ông chủ của hãng là Mark Zuckerberg chạy ngang qua quảng trường Thiên An Môn đầy ẩn ý. Ảnh: Facebook.

Dù Trung Quốc dựng nhiều rào cản, Facebook vẫn có nhiều lý do để tiếp tục theo đuổi tham vọng kinh doanh tại đây.

Ngay cả khi bị chính quyền Bắc Kinh cấm cửa, theo số liệu từ Pivotal, gần 10% doanh thu toàn cầu của Facebook, tương đương khoảng 5 tỷ USD, đến từ Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa Trung Quốc là thị trường có doanh thu quảng cáo lớn thứ hai thế giới của Facebook, chỉ sau Mỹ.

Hiện tại, mạng xã hội này vẫn bán quảng cáo cho các doanh nghiệp Trung Quốc để giúp các doanh nghiệp này quảng bá ra thế giới. Tuy nhiên, Facebook phải bán "chui" quảng cáo cho các doanh nghiệp Trung Quốc thông qua các đơn vị bên thứ ba hoặc qua nhân viên của hãng. Vì rào cản từ chính quyền Trung Quốc, nhân viên bán quảng cáo của Facebook phải chạy những phần mềm bảo mật đặc biệt khi làm việc tại quốc gia Đông Á này và không được quyền truy cập chi tiết các thương vụ.

Doanh thu quảng cáo tới từ Trung Quốc, tiếp nhận qua văn phòng Hong Kong của Facebook, đang cao bậc nhất trong các thị trường châu Á của hãng. Thậm chí chính quyền Trung Quốc còn sử dụng quảng cáo Facebook cho mục đích tuyên truyền.

Chỉ cần một nửa trong tổng số 668 triệu người dùng Internet của Trung Quốc sử dụng Facebook cũng đã giúp khách hàng của mạng xã hội này tăng thêm 20%. 

Josh Horwitz  từ Quartz

Pivotal cũng dự đoán doanh thu quảng cáo của Facebook tại Trung Quốc sẽ còn tiếp tục tăng trong tương lai, bất chấp việc mạng xã hội lớn nhất thế giới không hoạt động chính thức tại Trung Quốc.

Hơn nữa, theo New York Times, những tham vọng về sản xuất phần cứng trong hệ sinh thái của Facebook tại Trung Quốc cũng phụ thuộc rất nhiều vào việc hãng có hiện diện tại đây. 

Nỗ lực gia nhập thị trường Trung Quốc của Facebook đã kéo dài nhiều năm. Cuối năm 2015, hãng còn có được giấy phép mở văn phòng tại Bắc Kinh nhưng giấy phép này chỉ có thời hạn 3 tháng và Facebook còn không kịp để mở trụ sở kịp hạn. Một công ty con khác của Facebook là Oculus cũng đã có văn phòng tại Thượng Hải.

Việc mở cửa thị trường Trung Quốc của Facebook được đặc biệt đẩy mạnh vài năm trở lại đây. Báo chí quốc tế nhận định nếu thành công, đây sẽ là động lực tăng trưởng mới của mạng xã hội này.

Tại các thị trường hiện hữu của Facebook, nhiều chỉ trích về mặt trái của mạng xã hội này đã được nêu lên. Cựu phó chủ tịch Facebook về tăng trưởng người dùng là Chamath Palihapitiya còn cho rằng thay vì "xây dựng cộng đồng toàn cầu", như sứ mệnh mà Mark Zuckerberg đề ra, Facebook đang "xé nát mối liên kết xã hội". Ông này thậm chí còn cấm con cái sử dụng Facebook bởi không muốn chúng trở thành nô lệ của mạng xã hội này.

Tại Anh, Uỷ ban các tiêu chuẩn đời sống công cộng của nước này vận động Thủ tướng buộc các công ty truyền thông xã hội như Facebook phải gánh trách nhiệm về các nội dung không hợp pháp. Còn Đức đã thông qua một điều luật yêu cầu các mạng xã hội phải loại bỏ các nội dung kích động thù địch ngay lập tức hoặc đối mặt với án phạt. 

Chính quyền các nước cũng đang gây sức ép để Facebook phải gánh nghĩa vụ thuế tại các quốc gia mà họ hoạt động thay vì hoạt động chuyển thuế. 

Lấy lòng chính quyền và người dân 

Trong khi gặp khó ở các thị trường hiện tại vì một loạt những bê bối, thị trường Trung Quốc có thể xem là cứu cánh. Quartz phân tích rằng chỉ cần một nửa trong tổng số 668 triệu người dùng Internet của Trung Quốc sử dụng Facebook cũng đã giúp khách hàng của mạng xã hội này tăng thêm 20%, đồng nghĩa với thị trường mới giàu có cho quảng cáo và xuất bản.

"Chúng tôi đã đề cập từ rất lâu rằng chúng tôi quan tâm tới thị trường Trung Quốc và chúng tôi đang dành thời gian để hiểu hơn về đất nước Trung Quốc bằng nhiều cách", người phát ngôn của Facebook phản hồi báo chí về thông tin hãng đặt trụ sở tại Thượng Hải.

Thế nhưng, kế hoạch của Facebook có phần mạo hiểm và phụ thuộc nhiều vào sự chấp thuận của chính quyền Trung Quốc, New York Times viết.

Đầu năm 2017, Facebook âm thầm cấp phép cho một công ty nhỏ tại Trung Quốc ra mắt một ứng dụng giống hệt ứng dụng quản lý ảnh Moment của hãng, nhưng bằng tiếng Trung Quốc.

Ông chủ Facebook còn dành nhiều thời gian để gặp gỡ quan chức Trung Quốc, học tiếng Trung và thậm chí là phát biểu bằng tiếng Trung tại một trường đại học để lấy lòng quốc gia tỷ dân. Ảnh: AP.

Ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg cũng đã gặp gỡ các chính trị gia Trung Quốc, đọc tài liệu tuyên truyền của nước này, học tiếng Trung và thậm chí là phát biểu bằng tiếng Trung trước công chúng để lấy lòng quốc gia tỷ dân.

Tờ New York Times cho biết thậm chí tại tiệc tối ở Nhà Trắng năm 2015, ông chủ Facebook còn đề nghị lãnh đạo Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đặt tên tiếng Trung cho đứa con sắp chào đời khi đó của Mark. 

Và ứng dụng Moment phiên bản Trung Quốc với cái tên "Những quả bóng bay sắc màu" đã không bị chính quyền Trung Quốc gỡ bỏ và thậm chí đã leo lên nhóm 50 ứng dụng ảnh và video được tải nhiều nhất tại Trung Quốc.

Công cụ của chính quyền Bắc Kinh?

Liều thuốc thử của Facebook đang trả về những tín hiệu tốt. Điều đó chứng tỏ Facebook đang phần nào đi đúng hướng trong việc lấy lòng Chính phủ Trung Quốc, giáo sư Teng Bingsheng từ Đại học kinh tế Cheung Kong (Bắc Kinh, Trung Quốc) nhận định.

Cách duy nhất để vào thị trường Trung Quốc là Facebook trở thành công cụ của chính quyền Bắc Kinh.

Josh Horwitz  từ Quartz

"Đó là hành động mang tính biểu tượng, vì đó là kết quả của việc hãng đã giao tiếp tốt với chính quyền", giáo sư Teng cho hay.

Cũng theo giáo sư, nếu mở được văn phòng tại Trung Quốc, đó sẽ là một bước tiến mang tính biểu tượng khác.

Trong khi Facebook tìm mọi cách để gỡ bỏ lệnh cấm của chính quyền Bắc Kinh, thông điệp thường xuyên được chính quyền nước này nhắc là "Trung Quốc sẵn sàng chào đón Facebook nếu nước này chịu tuân thủ luật".

Quartz nhận định "cách duy nhất để vào thị trường Trung Quốc là Facebook trở thành công cụ của chính quyền Bắc Kinh".  Ảnh: Reuters.

Nói về việc cơ hội hiện thực hóa tham vọng mở cửa vào thị trường Trung Quốc của Facebook, Josh Horwitz từ Quartz nhận định "cách duy nhất là Facebook trở thành công cụ của chính quyền Bắc Kinh".  

Nếu họ có giấy phép cung cấp nội dung Internet (ICP) tại Trung Quốc, họ sẽ chịu sự tác động của luật an ninh mạng Trung Quốc. Đặt server tại Trung Quốc, hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc, chia sẻ thông tin về người dùng, bao gồm những người phản đối chính quyền... là vài trong số các yêu cầu.

Trong khi Quartz cho rằng Mark Zuckerberg sẽ bao biện rằng lợi ích của việc "kết nối mọi người" vượt trội so với việc tuân thủ các quy định của nước lớn Trung Quốc, thì lợi ích của nhóm khác sẽ phải hy sinh cho tham vọng Trung Quốc của mạng xã hội 2 tỷ người dùng này?

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn