Những thách thức khi cứu đội bóng nhí Thái ra khỏi hang ngập nước

Thứ Ba, 03 Tháng Bảy 20186:37 SA(Xem: 6015)
Những thách thức khi cứu đội bóng nhí Thái ra khỏi hang ngập nước

Khoảnh khắc tìm thấy đội bóng Thái Lan trong hang

Khoảnh khắc tìm thấy đội bóng Thái Lan trong hang

 Khoảnh khắc tìm thấy đội bóng Thái Lan trong hang.

Sau 10 ngày mắc kẹt trong hang tối, 12 cầu thủ thiếu niên và huấn luyện viên Thái Lan đêm qua đã được tìm thấy tại một khoang ngầm sâu bên trong hang Tham Luang ở phía bắc tỉnh Chiang Rai. Hai thợ lặn Anh phát hiện ra 13 người đều an toàn trên một mô đất không bị ngập nước.

Thông tin về việc tìm thấy toàn bộ đội bóng nhí vẫn sống sót và an toàn khiến người dân Thái Lan và thế giới thở phào, gọi đây là khoảnh khắc phép màu trở thành sự thật. Tuy nhiên, sau phút giây vui sướng ban đầu, đội cứu hộ phải đối mặt với những thách thức rất lớn trong nỗ lực đưa các cầu thủ nhí và huấn luyện viên ra ngoài an toàn.

Lối ra ngập nước

Bình oxy được chuẩn bị cho các thợ lặn bên ngoài hang động. Ảnh: AFP.

Bình oxy được chuẩn bị cho các thợ lặn bên ngoài hang động. Ảnh: AFP.

Để tiếp cận với khoang ngầm nơi đội bóng đang trú ẩn, các thợ lặn phải vượt qua đoạn hang bị ngập nước hoàn toàn dài hàng chục mét. Họ đã phải treo nhiều bình dưỡng khí dọc thành hang để kéo dài thời gian lặn nhằm tiếp cận với các cầu thủ nhanh nhất có thể.

Để đưa được đội bóng ra ngoài an toàn, thách thức lớn nhất mà lực lượng cứu nạn đối mặt cũng chính là đoạn hang ngập nước này.

"Phương án đưa họ ra khỏi hang bằng cách lặn là nhanh nhất nhưng cũng nguy hiểm nhất", BBC dẫn lời Anmar Mirza, điều phối viên quốc gia của Ủy ban Giải cứu Hang động Mỹ, cho biết.

Các thợ lặn thuộc lực lượng hải quân Mỹ và ba thợ lặn hang động hàng đầu của Anh đã phải vô cùng nỗ lực, vượt qua rất nhiều khó khăn mới có thể tìm thấy đội bóng thiếu niên. Tổng cộng, hơn 1.000 người đã tham gia vào chiến dịch tìm kiếm, cứu nạn, bao gồm cả những đội hỗ trợ đến từ Trung Quốc, Myanmar, Lào và Australia.

Những thợ lặn chuyên nghiệp giàu kinh nghiệm vẫn mất tới hàng giờ mới đến được nơi đội bóng bị mắc kẹt từ cửa hang. Họ phải vượt qua những lối đi chật hẹp với vô số mảnh vụn đất đá, cùng với đó là dòng chảy xiết của nước lũ trong hang. Trong khi đó, các thiếu niên và huấn luyện viên đội bóng còn không có kỹ năng cũng như những kiến thức cơ bản về lặn.

Edd Sorenson, điều phối viên địa phương khu vực Florida thuộc Tổ chức Tìm kiếm và Cứu hộ Hang động Dưới nước Quốc tế, cho rằng phương án để đội bóng lặn ra ngoài "cực kỳ nguy hiểm và rủi ro". Theo ông, đây chỉ nên là "lựa chọn cuối cùng".

"Một người không có tầm nhìn và không quen thuộc với những điều kiện nguy hiểm rất dễ dàng và nhiều khả năng sẽ trở nên hoảng loạn khi lặn qua đoạn hang dài như vậy, gây tổn hại cho chính họ, thậm chí cả người giải cứu", Sorenson nhận xét.

Khoan vách đá

Đội cứu hộ tích cực rút nước khỏi hang động. Ảnh: AFP.

Đội cứu hộ tích cực rút nước khỏi hang động. Ảnh: AFP.

Một phương án giải cứu khác được tính tới là khoan một lỗ lớn từ trên trần hang và đưa các thành viên đội bóng thoát ra ngoài qua lỗ này, thay vì buộc họ phải lặn qua đoạn hang dài ngập nước.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, để bắt đầu quá trình này, họ phải xây những con đường mới trên núi để đưa các thiết bị khoan nặng nề, đồ sộ lên các vị trí cần thiết trên đỉnh hang.

Cơ quan chức năng còn phải tiến hành thăm dò, phân tích để lấy dữ liệu địa chất trước khi khoan, nếu không họ khó lòng khoan đúng vị trí khoang ngầm nơi đội bóng đang trú ẩn.

"Nghe có vẻ dễ nhưng nó thực sự rất khó", Mirza nói. "Như là mò kim đáy bể vậy".

Lớp đá dày phía trên trần hang cũng là một thử thách không nhỏ, khiến nỗ lực khoan có thể kéo dài và gặp nhiều rủi ro.

Chờ đợi

Trong một cuộc họp báo, Thống đốc tỉnh Chiang Rai Narongsak Osottanakorn thông báo chính quyền sẽ tiếp tục bơm nước khỏi hang và cử bác sĩ, y tá lặn vào khoang ngầm để kiểm tra sức khỏe cho các thiếu niên và huấn luyện viên.

"Nếu bác sĩ kết luận tình trạng sức khỏe của họ đủ tốt để di chuyển, đội cứu hộ sẽ đưa họ khỏi hang", ông cho hay.

Nhưng theo Mirza, sức khỏe là vấn đề khá nghiêm trọng. "Sau 9 ngày họ không ăn, bạn phải xem xét kỹ lượng thức ăn mà họ nên nạp vào". Những người nhịn đói quá lâu có thể ngốn ngấu quá nhiều thức ăn khi được tiếp tế, khiến họ có thể bị bội thực, thậm chí rơi vào tình trạng suy tim hoặc hôn mê.

Mirza đánh giá khi đội bóng đang đứng ở vị trí cao, không bị ảnh hưởng bởi nước lụt, việc tiếp tế nhu yếu phẩm cho họ là lựa chọn tốt nhất vào lúc này. Việc sức khỏe của họ suy giảm "tác động đáng kể tới nỗ lực giải cứu", ông nhấn mạnh.

Sorenson cũng đồng tình. "Tôi nghĩ tốt hơn là họ nên cung cấp thêm thức ăn, nước uống, lọc không khí và oxy nếu cần thiết", ông nói. "Giờ đây, họ đã có ánh sáng và hy vọng, nên theo tôi, chúng ta nên chờ đợi đến lúc nào họ hồi sức và cảm thấy thoải mái nhất".

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn