Cuộc sống hiểm nguy trên những cù lao sạt lở

Thứ Năm, 21 Tháng Sáu 20187:00 SA(Xem: 7198)
Cuộc sống hiểm nguy trên những cù lao sạt lở
bbc.com

Cuộc sống hiểm nguy trên những cù lao sạt lở

Jules Montague BBC Future

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Monai Doley chỉ cho tôi cách chữa vết rắn cắn.

Chúng tôi đang đứng giữa cánh đồng lúa, ánh nắng cháy da cháy thịt, bầu trời không một gợn mây. Đây là cù lao Bhekeli 1 ở Assam, đông bắc Ấn Độ.


Doley, cao ráo và vai rộng, đầu cạo sạch, nói với tôi rằng loài rắn Cal Bikal đặc biệt nguy hiểm. Để chữa trị vết cắn của nó, Doley dùng một loại rượu gạo ở địa phương để súc miệng, vốn là một chất sát trùng, buộc một miếng ga-rô cầm máu ở phía trên vết thương, và sau đó đưa miệng vào.

"Tôi hút chất độc ra, và nhổ nó đi," ông nói. Sau đó, ông thoa lên một loại kem thảo dược. Miếng ga-rô được giữ ở đó trong sáu tiếng. Sau cùng, máu không có độc sẽ tuần hoàn trở lại, ông giải thích.

Doley đã học những kỹ năng này (bạn chớ thử ở nhà nhé) từ các ngư dân ghé thăm khi còn là một thanh niên. Nhưng rắn không phải là nguy cơ duy nhất mà ông phải đối mặt.

Đối mặt nhiều nguy cơ

Jules Montague Bản quyền hình ảnh Jules Montague
Image caption Dù trông có vẻ hiền hòa nhưng sông Brahmaputra là dòng sông có lượng nước đổ về rất nhiều, chỉ sau các sông Amazon và Congo

"Lúc đầu sông Brahmaputra rất xa. Nhưng vào năm 1987, lũ từ miền núi tràn về," ông kể. Ông và gia đình phải bỏ chạy về phía bên kia hòn đảo, nhưng hiểm nguy vẫn chưa hết. "Chúng tôi phải sẵn sàng thoát thân vào bất cứ lúc nào."


Tôi đến thăm Cù lao Bhekeli 1 với Tàu trạm xá Brahmaputra, một đội chăm sóc sức khỏe dọc theo những cù lao trên sông (được gọi là 'sapori' hoặc 'char').

Thường là rộng hơn cồn cát một chút, các cồn cát sapori được hình thành từ một lượng lớn phù sa lắng tụ được những con sông từ dãy Himalaya đổ về. Khoảng 2,5 triệu người, tức vào khoảng 8% dân số của bang Assam, cư trú trên những cù lao này.

Bản quyền hình ảnh Jules Montague
Image caption Chừng 2,5 triệu người sống trên các cù lao trên sông Brahmaputra của Ấn Độ

Con sông Brahmaputra hiện diện trong những nghi thức và tôn giáo của người dân ở đây.

Nó bồi đắp phù sa cho đất đai và giúp họ duy trì cuộc sống cách xa cuộc sống trên đất liền của bang Assam vốn liên tục phát triển. Nhưng nó cũng có sức mạnh hủy diệt và khiến người dân mất nhà cửa.

Do biến đổi khí hậu, nguy cơ lũ lụt, sạt lở, và thậm chí là động đất vẫn hiển hiện - và đang ngày càng nghiêm trọng hơn.

Điều này khiến cho người dân trên các cù lao - vốn đã sinh sống ở đây hàng trăm năm, đối diện với nguy cơ mất nhà nhà cửa, sinh kế và thậm chí sinh mạng của họ.

Dòng sông hùng vĩ

Tôi tới để tìm hiểu điều gì sẽ chờ đợi người dân sapori. Và để bắt đầu, thì điểm đầu tiên chính là con sông.

Sương mù dày đặc khiến chúng tôi khởi hành từ bờ sông Nimati Ghat chậm hơn dự kiến vào buổi sáng hôm đó.

Khi sương tan, con sông Brahmaputra trở nên tĩnh lặng lạ thường. Những ngọn mía hoang cao và trắng đung đưa nhè nhẹ bên bờ sông.

Chúng tôi đang ở nơi cách đầu nguồn con sông - núi băng vĩnh cửu Angsi của Tây Tạng - hàng trăm cây số.

Có tên gọi là Yarlung Tsangpo ở đầu nguồn, con sông uốn lượn qua dãy Himalaya, bang Arunachal Pradesh, và kế đó chảy vào bang Assam.

Sau đó nó tiếp thêm sức mạnh và độ sâu. Có những nơi lòng sông rộng đến 10 km. Nó được tiếp thêm dòng chảy ở Bangladesh để hòa vào sông Hằng và sông Meghna và kết thúc hành trình dài 2.880 km ở Vịnh Bengal.

Sự bình lặng của ngày hôm nay có thể khiến chúng ta lầm tưởng.

Lượng nước của sông Brahmaputra chỉ đứng sau sông Amazon và sông Congo. Thêm vào lượng mưa nhiều (thung lũng của nó nhận lượng mưa trên 100 inch hàng năm) và lũ lụt và lở đất không tránh khỏi vào mùa gió mùa, dòng sông khiến mọi người phải leo lên tìm chỗ trú chông chênh trên mái nhà, mùa màng và gia súc bị thiệt hại và các trại cứu tế đông nghẹt người.

Kể từ năm 1950 đến nay, nơi đây đã có 25 cơn lũ lớn. Trên khắp Ấn Độ, chỉ tính riêng trong năm 1977 hơn 11.000 người chết. Vào tháng Bảy 2012, hai triệu người bị mất nhà cửa mà sau đó lũ lụt lại tiếp tục đổ về vào tháng Chín, khi thêm 1,5 triệu người nữa mất nhà cửa.

Những người dân xứ cù lao bị tổn thất nhiều nhất. Họ cũng dễ bị tổn thương như chính những cù lao giữa dòng sông.

Trạm xá lưu động trên sông

Bản quyền hình ảnh Getty Images

Một ý tưởng để giúp đỡ họ là chiếc tàu trạm xá mà tôi đi theo trong tuần lễ đó.

Sau một trong những cơn lũ đó, nhà báo Sanjoy Hazarika đã nghe câu chuyện về một người phụ nữ sapori trẻ đang mang bầu đã tử vong trước khi đến được bệnh viện trên đất liền.

Và do đó, ông đưa ra ý tưởng về Trạm xá trên sông Brahmaputra - một phòng khám y tế lưu động có thể đến người dân xứ cù lao không chỉ trong những trường hợp cấp cứu mà còn đem đến những dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản thông thường như tiêm chủng mà người dân xứ cù lao, vốn bị cách ly khỏi cơ sở vật chất trên đất liền, bị thiếu thốn.

Bản quyền hình ảnh Jules Montague

Hazarika, vốn là một nhà nghiên cứu, nhà phân tích chính sách và nhà làm phim đã bắt đầu dự án vào năm 2005 với một chiếc tàu và phần thưởng trị giá 20.000 đô la Mỹ của Ngân hàng Thế giới.

Ngày nay, 15 con tàu trạm xá này đã hoạt động ở 13 quận của bang Assam với đội ngũ nhân viên 250 người. Hoạt theo mô hình đối tác công tư (cổ đông chính là Cơ quan Sức khỏe Quốc gia của Chính quyền Assam), trạm xá lưu động này có thể đến thăm khám cho 350.000 người mỗi năm.

Trở lại cù lao Bhekeli 1, chúng tôi đi về phía ngôi làng.

Dân cù lao ở đây thuộc tộc người Mishing. Nhà cửa của họ được dựng trên những chiếc cột gỗ cao ít nhất là 1,5 mét từ mặt đất, với nền nhà bằng tre có thể điều chỉnh được để chống lũ lụt.

Ở dưới sàn, những con lợn đen nằm ngái ngủ một cách yên bình. Một máy bơm nước gỉ sét đứng cạnh những xô nước đọng. Những chiếc lưới đánh cá màu xanh được treo trên mỗi cửa nhà kế bên những thùng cá khô.

Chữa bệnh theo quan niệm dân gian

"Mọi người ơi, bác sỹ đến rồi," nhân viên cộng đồng Jitu Dutta hô lớn để thông báo trạm xá đã đến nơi.

Bản quyền hình ảnh Jules Montague

Các gia đình từ từ kéo đến, những đứa trẻ mình đóng đầy bụi đất và đi chân trần. Bé Kajal, bốn tháng tuổi, được địu ấm cúng trên người mẹ bằng một dải băng đeo. Dutta để ý thấy một vết ở chảy mủ trên cùi chỏ của em và nói mẹ em đi đến lều y tế.

Một bệnh nhân khác, Tikshri Pegu, vào khoảng 70 tuổi, cô nghĩ. Xương sống của bà cong vẹo đến mức khó tin.

Vào những năm 20 tuổi, bà bị đột quỵ. "Lúc đó tôi như người chết rồi: cánh tay phải của tôi không cử động được nữa." Bà đến thầy pháp để làm phép, 'Tantra Mantra' như cách gọi của dân xứ cù lao. Cách điều trị là xoa bóp với ớt và dầu mù tạt, tụng niệm và cầu nguyện. Cánh tay phải của bà vẫn còn bất động nhưng thậm chí bây giờ bà vẫn còn phải làm việc trên đồng.

Bản quyền hình ảnh Jules Montague

Kể từ đó 'Tantra Mantra' đã bị xem là phạm pháp, nhưng những cách chữa bệnh bản địa vẫn còn đó, thường là sử dụng một phương thuốc chữa lành truyền thống cho một căn bệnh: chà những nhánh tre xanh lên vết cắt, nhai quả sínggung (một loại cây gạo rừng đỏ) để chữa kiết lỵ. Nhai lá cây thiên lý để chữa chứng ho gà. Dùng rễ thảo dược cây bồn bồn để chữa vết rắn cắn. Đối với những ai bị cho là sưng phổi, dùng cối và chày đâm nhuyễn hạt cây bụi joni - hai muỗng mỗi lần, hai lần một ngày.

Thói quen ăn uống không vệ sinh

Quay trở lại mé nước, một đám người đã tụ tập tại lều y tế.

Có sẵn thuốc cho bệnh ghẻ lở, sốt rét, kết lỵ, cao huyết áp và tiểu đường.

Nhiều vấn đề phát sinh từ những con lợn đang ngủ say sưa kia - sán xơ mít từ thịt lợn xông khói không được nấu đủ chín là thực phẩm thông dụng của người dân cù lao - cho nên mọi người rất cần thuốc chữa tiêu chảy.

Một số người muốn hỏi bác sỹ về tiêm ngừa và kế hoạch hóa gia đình. Một bác sỹ phụ sản chăm sóc cho các sản phụ trước khi sinh. Bác sỹ Saika nhấn ống nghe lên ngực thở khò khè của một đứa bé và cho loại thuốc hít. Đôi khi bệnh nhân được chuyển đến các bệnh viện trong đất liền, nhưng giờ đây không cần nữa.

Bản quyền hình ảnh Jules Montague

Mặt trời lặn: đã đến lúc nhóm làm việc quay trở lại tàu. Bữa tối với súp đậu lăng daal và cà ri gà đang đợi. Sau khi ăn xong, chúng tôi chui vào mùng và chìm vào giấc ngủ trong khi dòng Brahmaputra liếm nhẹ vào mạn tàu.

Boatmaster Bipul Payeng, 34 tuổi, đã xuôi ngược trên dòng Brahmaputra hai thập niên. Máy định vị GPS thì vô tác dụng ở đây, anh cho biết. "Đơn giản là chúng tôi dùng trực giác." Anh chỉ cho tôi tấm bản đồ được xuất bản hồi năm ngoái. Ba cù lao được đánh dấu vàng - Bhekeli 1, 2, và 3. Người dân cù lao Bhekeli 3 đã di tản nhiều tháng trước. Nơi ở của họ bị sạt lở. Tấm bản đồ đã trở nên lạc hậu.

Nguy cơ sạt lở

Trận động đất mạnh 8,6 độ richter vào Ngày lễ Độc lập năm 1950 đã khiến khoảng 1.000 người thiệt mạng và làm thay đổi dòng chảy con sông Brahmaputra vĩnh viễn.

Khoảng 45 tỷ tấn phù sa đổ về phía hạ lưu, bồi đắp đáy sông và hai bên bờ. Ngay cả giờ đây, con sông vẫn có một trong những lượng phù sa cao nhất thế giới và còn nhiều phù sa hơn nữa trong mùa lũ.

Kể từ trận động đất đó, đáy sông đã được nâng lên đến 10 mét và tiếp tục mở rộng.

Phù sa bồi đắp cho đất đai màu mỡ, nhưng giờ đây con sông đã trở nên khúc khuỷu - một chỗ bờ sông bị ăn vào trở thành nhiều chỗ - dòng chảy đã làm xói mòn bờ sông.

Bản quyền hình ảnh Getty Images

Trong khoảng những năm từ 1954 cho đến 2008, tổng diện tích sạt lở trong khu vực đã là 427.000 hectare, tức chiếm 4% vùng đồng bằng của bang Assam.

Kể từ trận động đất, sạt lở đã xóa xổ trên 2.500 làng mạc, 18 thị trấn, vô số những di tích văn hóa và toàn bộ nhiều cánh đồng trà. Gần một nửa triệu người bị ảnh hưởng. Chỉ tính riêng từ năm 2005 cho đến 2010, 880 làng mạc và gần 37.000 căn nhà đã bị sạt lở nuốt chửng hoàn toàn. Ngay cả ngôi trường trên cù lao của Doley cũng sụp xuống lòng sông hồi đầu năm nay.

Hệ sinh thái mong manh

Vẫn còn hiển hiện những nguy cơ khác, trong đó có kế hoạch xây dựng các con đập mà có khả năng làm đổi dòng chảy của sông Brahmaputra.

Nhiệt độ tăng cao đang thu nhỏ lại những khối băng vĩnh cửu ở dãy Himalaya và cao nguyên Tây Tạng và hiện tượng này càng được thúc đẩy bởi tình trạng ô nhiễm không khí, vốn có thể gây ra thêm lũ lụt. Ở một số nơi, kế hoạch của chính quyền bang về biến đổi khí hậu dự đoán nguy cơ lũ lụt tăng 25% và nguy cơ hạn hán tăng 75% bên cạnh tình trạng sạt lở thêm, lũ bùn và lở tuyết được dự đoán sẽ xảy ra.

Cùng bị đe dọa là hệ sinh thái mong manh của khu vực. Đầm lầy, rừng rậm nhiệt đới, đồng cỏ, rừng tre và vườn trà sinh sôi nảy nở trên vùng đồng bằng màu mỡ của con sông. Hai di sản thế giới của Assam là Kaziranga và Manas nổi tiếng là nơi cư trú của loài tê giác một sừng cũng như hổ, voi, báo, trâu nước, nai đầm lầy và khỉ lông vàng. Có ít nhất 346 con thú ở Kaziranga đã chết trong các trận lũ lụt hồi năm 2017, trong đó có 15 con tê giác, một con hổ Bengal và bốn con voi.

Bản quyền hình ảnh Getty Images

Bất thình lình, Payeng bỗng la lớn: "Xihu, xihu!" (cá heo, cá heo!). Cá heo sông Hằng nhảy lên không trung.

Chúng tôi may mắn khi nhìn thấy cảnh này. Loài cá heo này chính thức được ghi danh vào danh sách động vật khẩn nguy, đối diện với các nguy cơ trên khắp lưu vực sông Hằng và sông Brahmaputra như: ô nhiễm, bị mắc vào lưới cá, những con đập chia cắt các cá thể và giảm lượng con mồi việc săn bắt cá heo để lấy dầu.

Các dự án bảo tồn khuyến khích các ngư dân sử dụng mồi câu, nhưng hiện nay chỉ còn 1.200 con cá heo trên khắp Ấn Độ và chưa tới 300 con ở sông Brahmaputra.

Cuộc chiến gian nan

Tuy nhiên, việc chúng tôi nhìn thấy cá heo đem đến hy vọng. Loài cá heo nằm trên đỉnh của chuỗi thức ăn dưới nước, do đó sự xuất hiện của chúng là dấu hiệu cho thấy một hệ sinh thái và đa dạng sinh học lành mạnh.

Thanh niên đôi khi vào đất liền để kiếm việc làm, thường là trong ngành dịch vụ, nhưng khu vực nông nghiệp vẫn là ngành thu hút lao động chủ lực. Và do đó, nếu như vùng đất này đối mặt nguy cơ thì người dân ở đây cũng vậy. Vận mệnh hai bên gắn chặt vào nhau.

Họ đã bàn bạc về việc sạt lở từ lần này đến lần khác. "Chúng tôi phải chiến đấu chống lại nó," Payeng nói. Nếu không, người dân xứ cù lao sẽ trôi dạt về nơi khác. "Đây là một cuộc chiến giữ đất."

Bản quyền hình ảnh Getty Images

Đó là một cuộc chiến phức tạp. Các con đê, vốn được xây dựng để ngăn lũ, thật ra có thể làm gia tăng sạt lở - cho dù là hạn chế dòng chảy của con sông, tăng tốc độ dòng chảy hay đơn giản chỉ là đưa vấn đề từ chỗ này sang chỗ khác.

Khai thác cát là một đề xuất khác: nó được cho là giúp chống lại sạt lở bằng cách tăng khối lượng dòng chảy nhưng nó cũng làm thay đổi dòng chảy của con sông và gặp phải những thách thức kỹ thuật rất lớn.

Các ống địa kỹ thuật đắt tiền được sử dụng để ổn định bờ sông ở Majuli bị cuốn đi trong vòng một năm. Các bức tường đá chuyển dòng chảy xiết, do đó bảo vệ một địa điểm nhưng có khả năng gây sạt lở ở hạ lưu. Dùng đá cuội và các túi cát để gia cố cho bờ sông sụt lún khó mà không có sai sót. Các nỗ lực chống sạt lở cũng phải giải quyết các yếu tố khác - nhất là tình trạng phá rừng, các con đập và biến đổi khí hậu.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn