Trung Quốc muốn "số hóa" hạnh kiểm của người dân ( Chính Facebook, Google đã tiếp tay cho TQ )

Thứ Bảy, 05 Tháng Năm 20185:51 SA(Xem: 5831)
Trung Quốc muốn "số hóa" hạnh kiểm của người dân ( Chính Facebook, Google đã tiếp tay cho TQ )

Tạp chí tuần này, mỗi báo mỗi vẻ với những sự kiện thời sự rất khác biệt được quan tâm và nêu bật trên trang bìa : Thành bại của tổng thống Macron một năm sau khi bước vào điện Élysée, được L’Express chú ý mổ xẻ. Le Point thì lại đặt trọng tâm lên thủ tướng Edouard Philippe với câu hỏi : « Phải chăng chính ông mới là sếp lớn thực sự ? » của nước Pháp. Riêng Courrier International đã nhìn lại 70 năm thành lập nước Israel, trong lúc L’Obs nêu ảnh hưởng các trang mạng trên chúng ta qua tựa đề : « Tất cả đều bị theo dõi » và nêu bên cạnh như một lời giải thích : « Những gì mà Facebook, Google biết về bạn ».

Trung Quốc và chế độ chấm điểm mỗi người dân

Về Châu Á, L’Express dành 5 trang theo dõi một chuyển biến xã hội ở đất nước Trung Quốc có hơn một tỷ dân : Kiểm soát người dân bằng cách… cho điểm hạnh kiểm. Ngay trong dòng tựa trang Thế giới, tạp chí tóm gọn sự kiện qua 3 từ : « Rình mò, cho điểm, trừng phạt ». Theo ghi nhận của L’Express, ngày càng có nhiều thành phố Trung Quốc nơi mà người dân bị cho điểm tùy theo hành động của họ. Và đấy chỉ là một bước đầu.

Mở đầu bài phóng sự dài cả 5 trang, tác giả Charles Haquet đưa người đọc đến thành phố ven biển Vinh Thành (Rongcheng), đông nam Trung Quốc, nơi mà loài thiên nga thường đến để trú lạnh. Nhưng thời gian gần đây, đổ về thành phố này là… dân tứ xứ. Trải nghiệm mà số 700.000 dân tại đây đang kinh qua rất đáng kinh ngạc và cũng vẽ lên cảnh tượng xã hội Trung Quốc có thể chuyển biến như thế nào.

Theo bài phóng sự, câu chuyện bắt đầu cách đây 4 năm, khi chính quyền địa phương thông báo cho người dân là họ sẽ bị đánh giá bằng cách cho điểm.

Mỗi người bước đầu nhân được 1000 điểm, số điểm đó trồi sụt như thế nào là do hành động của họ, và tiêu chí cho điểm khá chặt chẽ : giúp đỡ người thân, gia đình thì được 30 điểm, giúp hàng xóm, hoạt động từ thiện thì được thêm điểm cao hơn. Và tùy theo số điểm, người dân còn được xếp hạng, thấp nhất là D và cao nhất là AAA.

Đương nhiên là cho điểm, xếp hạng thì cũng kèm theo phần thưởng hay hình phạt : công dân gương mẫu, điểm cao, hạng cao, được nhiều thuận lợi như vay mượn ngân hàng dễ dàng, được bù một phần hóa đơn tiền điện, mượn xe đạp không cần thế chân… Ngược lại, những người có hành vi ‘xấu’, như lái xe lúc say rượu, bị mất điểm và bị xếp hạng thấp, hạng C chẳng hạn.

Vinh Thành hiện không phải là thành phố duy nhất cho điểm người dân, mà khoảng 30 dự án kiểu này đang được thực hiện ở Trung Quốc, ở các thành phố như Vũ Hán, Trịnh Châu (Zhengzhou), Lô Châu (Luzhou), Thượng Hải...

Tham vọng kiểm soát cả tỷ con người

Đây là cả một chương trình đầy cao vọng mà Trung Quốc đưa ra vào năm 2014 : thiết lập trên bình diện cả nước một hệ thống đánh giá người dân, gọi là « tín nhiệm xã hội ».

Mục tiêu chính thức được nêu lên là : chống gian lận, tham nhũng bằng cách tạo một « không khí xã hội mà các khế ước được tôn trọng và tái lập sự tin tưởng ».

Năm 2014, chính quyền Trung Quốc công nhận là người dân đã mất niềm tin do những vụ tai tiếng về an toàn thực phẩm, hàng giả…, không có lợi cho Đảng và Nhà Nước, cho nên đã muốn sửa chữa bằng cách tạo « một không khí, thói quen thành thật » qua phương thức cho điểm.

Trên bình diện kinh tế, theo bài phóng sự, thì chương trình này có nhiều điểm tốt, ví dụ như việc cấp tín dụng.

Ngân hàng Trung Quốc không có công cụ đánh giá rủi ro như các ngân hàng Âu Mỹ, cho nên rất yếu trên mặt cấp tín dụng, cấp rất dè xẻn ngay cả đối với giới kinh doanh, công nghiệp. Cho nên vấn đề cho điểm có thể hữu ích đối với các ngân hàng.

Với phương thức này, chính quyền cũng hy vọng các quyết định của tòa án sẽ được tôn trọng tốt hơn. Những người bị kết án về tội tài chính vốn thường lọt lưới, trong tương lai sẽ giảm đi, như các thử nghiệm đầu tiên ở nhiều thành phố cho thấy.

Nguyên tắc là những người ‘quên’ trả nợ, không thể đi xe lửa hay máy bay. Kết quả là từ năm 2014 có 6 triệu người bị cấm đi máy bay.

Kỹ thuật số phục vụ cho việc theo dõi người dân

Trước thành công này, chính quyền dự kiến mở rộng các ‘tội danh’ bị cấm du ngoạn kể từ mùng 1 tháng 5 này, trong đó có tội trốn thuế… hay không tôn trọng lệnh cấm hút thuốc quy định ở một số nơi.

Trong cách theo dõi để cho điểm, chính quyền Trung Quốc sử dụng công cụ tin học, công cụ kỹ thuật số nhạy bén của họ.Tòa án, bộ Nội Vụ chia sẻ các dữ liệu từ các sổ kết hôn, đến các giấy khai thu nhập. Chính quyền dựa trên các dữ liệu, lập danh sách những người không trả nợ, trả thuế, ở các nơi.

Nhiều công ty Trung Quốc hiện đầu tư nhiều vào lãnh vực thu thập, phân tích dữ liệu về khách hàng của họ, và nhà nước sử dụng tất cả những dữ liệu này.

Theo đánh giá của giới chuyên gia , như bà Mareike Ohlberg, viện nghiên cứu Mercator, Đức, thì trong mắt chính quyền Bắc Kinh, chế độ ‘tín nhiệm xã hội’ này là liều thuốc tiên trị bá bệnh của Trung Quốc. Nhưng hiện chỉ mới có những viên gạch đầu tiên ở một số nơi và từ đây đến năm 2020, sẽ ‘xây’ ở khắp Trung Quốc.

Bà Ohlberg nhìn thấy xã hội Trung Quốc sẽ thay đổi với chế độ ‘tín nhiệm xã hội’ này, tạo một hệ thống giai cấp mới.

Bài phóng sự trích lời chuyên gia Pháp Antoine Bondaz, cho là trước đây, vào đầu thế kỷ 21 này, đầu những năm 2000, nhiều nhà quan sát phương Tây đã nhìn Internet, điện thoại di động là những công cụ giúp người Trung Quốc thoát khỏi ‘gọng kềm’, nhưng bây giờ, đó là công cụ giúp chính quyền ‘theo dõi’ họ, và chính quyền mạnh hơn nhiều so với cách đây 20 năm.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Pháp François Godement, « xã hội Trung Quốc mong muốn sự an toàn và công nghệ học được xem như phương thức cho phép thiết lập ‘một xã hội của sự tin tưởng’ theo từ ngữ chính thức. Cho nên rất ít người phản đối khi chính quyền cho đặt camera nhận dạng họ. »

Theo Lý Ngạn Hoành (Robin Li), người sáng lập ra mạng Baidu (hay Bách Độ), một công cụ tìm kiếm tương tự như Google, thì « nhiều người Trung Quốc sẵn sàng đánh đổi dữ liệu cá nhân để lấy một số dịch vụ thuận lợi ».

Hãy cẩn thận với Facebook, Google và đồng loại

Cũng liên quan đến vấn đề thu thập dư liệu cá nhân, tạp chí L’Obs trong hồ sơ chính đã lên tiếng báo động : « Tất cả mọi người đang bị theo dõi với Facebook, Google và những tập đoàn tin học khác ».

L’Obs trích lời một kỹ sư của Google thừa nhân : « Nếu bạn biết những gì chúng tôi biết về người ta thì bạn sẽ kinh hoàng ».

Phóng viên của L’Obs đã thử tìm hiểu dấu vết mà một số người đã để lại trên Facebook. Chẳng hạn khi xem xét tài khoản của chính lãnh đạo Facebook ở Pháp, Laurent Solly, nhà báo rất lý thú khám phá ra tuổi tác, nơi ở, quê quán, bậc phổ thông học ở đâu, tốt nghiệp các trường lớn nào, biết được số bạn bè, người thân hay quan hệ nghề nghiệp, ngành nghề của những người này… Quan điểm chính trị, sở thích phim ảnh sách báo của ông Solly cũng được phơi bày qua những ‘like’ của ông. Vợ con ông như thế nào cũng không thể giấu được.

Bên cạnh đó một phóng viên của L’Obs, Boris Nanenti, nêu lên nỗi kinh hoàng khi khám phá chi tiết về đời sống riêng tư của mình mà Facebook và Google, Amazon, Twitter… đã thu thập.

Boris biết là mình bị ‘nhận dạng’, nhưng không ngờ là đến mức chi tiết như vậy : anh đã thu về 62 giga octet thông tin về mình , nếu in ra sẽ là 37.000 trang ! Thông tin đựng trong 193 hồ sơ…

Trong thông tin thu về từ Facebook, Boris tìm thấy nào là ngày sinh tháng đẻ, những địa chỉ e mail trước, nào là các việc làm đã qua của ông, số điện thoại di động, các cô bạn gái cũ. Ông không ngờ là Facebook đã ghi lại hết, kể cả số 1072 mail giữ lại từ 2008, mặc dù ông đã xóa bỏ đi. Google cũng không thua kém, dấu vết Boris để lại khi tìm kiếm trên các trang Maps, Drive, hay YouTube đều bị lưu lại, dù ông sử dụng máy tính bàn ở phòng làm việc hay máy tính Mac cá nhân, điện Iphone… và các dữ liệu được lưu trữ từ năm 2007.

L’Obs còn chú ý đến các cửa hàng, siêu thị, cũng đang vây bủa, theo dõi khách hàng, thói quen mua sắm của họ qua các loại thẻ "ưu tiên", khách hàng "trung thành" hay những ứng dụng mua sắm.

Thậm chí hiện nay có tập đoàn châu Âu Unibail-Rodamco đang thử nghiệm tại trung tâm thương mại So Ouest, ngoại ô Paris, một chương trình khuyến mãi với tiền thưởng rót thẳng vào tài khoản của bạn. Nhưng theo L’Obs, bạn phải thận trọng. Chương trình đánh vào tâm lý thích được thưởng và sự… thiếu cảnh giác, vì có đưa ra yêu cầu là khách hàng phải cho ID và mật mã truy cập vào tài khoản trên mạng. Mục tiêu đằng sau chương trình này còn là để xem tài khoản của bạn.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn