Thuyết Nhân – Quả ‘độc hại’

Thứ Sáu, 05 Tháng Tư 20246:00 SA(Xem: 286)
Thuyết Nhân – Quả ‘độc hại’

Thuyết Nhân – Quả đang được truyền bá rộng rãi trong cộng đồng Phật giáo. Tuy nhiên lắng nghe kỹ cách giải thích thuyết nhân quả hiện nay của một số tu sĩ Phật giáo thì khá “độc hại”. Phổ biến kiểu diễn dịch như sau:

– Vì sao một người kiếp này giàu có?

– Không phải vì nỗ lực, mà vì kiếp trước người đó đã bố thí và cúng dường, nên kiếp này họ hưởng quả giàu sang.

Vì sao nói kiểu diễn dịch trên là “độc hại” và đi ngược Chánh pháp của Đức Phật?

1. Một cách cố ý, nó bóp méo nhân quả thành định mệnh. Kiếp này nghèo là do không bố thí, cúng dường, muốn kiếp sau giàu có thì bây giờ dù nghèo đến mấy cũng phải bố thí, cúng dường.

2. Định mệnh vì nó coi thường và phủ nhận nỗ lực hiện tại – đây là điều rất trái với quan điểm của Đức Phật. Ý nghĩa quan trọng nhất của nhân quả là chính những hành động/ suy nghĩ/ lời nói hôm nay – lúc này sẽ quyết định chất lượng cuộc sống hay sự giác ngộ của mỗi chúng ta.

3. Bỏ qua vai trò của nỗ lực hiện tại mà chỉ tập trung vào một quá khứ mơ hồ nào đó (kiếp trước), và một tương lai giàu có mơ hồ (trong tương lai) thì không thể là chánh pháp. Nhân quả loại này chính là đang ru ngủ quần chúng. Đưa cho họ một cái bánh vẽ về một tương lai mơ hồ, rồi nhân đó xúi họ phải mang tiền ra để bố thí, cúng dường. Mà tất cả bố thí, cúng dường đó đều tập trung vào “túi thầy”, “chùa thầy”. Xã hội, quần chúng sẽ phát triển thế nào với loại thuốc ngủ độc hại này? Sẽ thế nào khi quần chúng chỉ lo cúng dường, bố thí, tụng kinh mà không lo chăm chỉ làm việc?

4. Nhân quả cụ thể nhất và chính xác nhất chính là: Tay làm thì hàm nhai.

5. Quá mức đề cao vai trò của phước báu từ bố thí, cúng dường, và cái bánh vẽ về một kiếp sau tươi sáng, về bản chất là một loại tà kiến. Nó không giúp Phật tử giải thoát – giác ngộ, mà khiến họ tưởi tẩm hạt giống tham lam của bản ngã – tham lam phước báu.

Ngược lại, vẻ đẹp lung linh của Đức Phật và Đạo Phật chính là:

– Đức Phật là một con người – là Phật đã thành, còn chúng ta là Phật chưa thành. Nghĩa là trong mỗi chúng ta đều có Phật tính, đều có hạt giống giác ngộ. Ai cũng có thể tự mình giác ngộ.

– Để thành Phật, để giác ngộ, thì chúng ta có thể tự mình nỗ lực, quay về soi sáng bản thân, thì tự động chúng ta có thể giác ngộ. Giác ngộ ngay bây giờ, ngay lúc này, chứ không phải kiếp nào khác.

– Pháp của Đức Phật là hiện trú tức là cái thấy biết sáng suốt ở thời điểm hiện tại, chứ không lo lắng về quá khứ hay tưởng đến tương lai.

– Đức Phật cũng không bao giờ khuyến khích chúng ta lễ bái, cầu xin gia hộ, trông mong vào tha lực mà chủ yếu phải tự thắp đuốc lên mà đi.

– Bố thí, cúng dường đúng pháp là tất cả những gì chúng ta làm với lòng từ bi, vô ngã hàng ngày. Phật nào chờ chúng ta cúng tiền, cúng vàng, cúng USD để ban phước báu? Ma tăng mới chờ đợi và khát khao hút đến đồng cuối cùng của Phật từ.

Tiến trình tham gia vạch mặt xàm tăng này, cũng là lúc mình tự phản biện các giáo lý của Phật giáo để tự soi sáng.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn