Nghĩa địa tàu ngầm hạt nhân của Hải quân Mỹ

Thứ Bảy, 30 Tháng Mười Hai 20239:00 SA(Xem: 621)
Nghĩa địa tàu ngầm hạt nhân của Hải quân Mỹ

Ngày nay, hơn 130 thùng bê tông chứa lượng phóng xạ nguy hiểm từ tàu ngầm hạt nhân ngừng hoạt động đang được lưu trữ ở Trench 94.

Các thùng chứa phóng xạ nguy hiểm ở Trench 94. Ảnh: Jurgenhess Photography/Columbia Insight

Các thùng chứa phóng xạ nguy hiểm ở Trench 94. Ảnh: Jurgenhess Photography/Columbia Insight

Hải quân Mỹ sản xuất vô số tàu ngầm hạt nhân, tuy nhiên, sau khi tàu ngừng hoạt động, lò phản ứng cần chuyển tới nơi tập kết, trong trường hợp này là Hanford, một cơ sở liên bang ở bang Washington. Ngày nay, hơn 130 thùng bê tông với lượng bức xạ nguy hiểm được lưu trữ ở Trench 94, và số lượng sẽ tăng lên trong vài thập kỷ tới, theo Popular Mechanics.

Hải quân Mỹ đưa vào hoạt động tàu ngầm hạt nhân đầu tiên là USS Nautilus vào năm 1954. Năng lượng hạt nhân cách mạng hóa tàu ngầm theo hai cách. Đầu tiên, tàu ngầm chạy nhờ năng lượng nguyên tử có tầm hoạt động không giới hạn, cho phép tàu chạy tới bất cứ nơi đâu trong đại dương mà không cần cân nhắc về nhiên liệu. Thức ăn và sức chịu đựng của con người là những yếu tố hạn chế duy nhất. Lò phản ứng trên tàu ngầm có thể hoạt động gần hai thập kỷ với nguồn cung cấp nhiên liệu hạt nhân ban đầu và tiếp nhiên liệu khi ở ụ khô là một tùy chọn.

Lợi thế thứ hai của tàu ngầm hạt nhân nằm ở độ bền dưới nước. Tàu ngầm diesel phải chạy bằng pin khi ở dưới nước do không có đủ không khí để động cơ diesel hoạt động. Bộ pin này phải sạc định kỳ và cách duy nhất để tàu ngầm làm điều đó là vận hành động cơ. Kết quả là tàu ngầm diesel - điện phải thường xuyên nhô lên mặt nước hoặc dùng ống kín đáo để lấy không khí sạch. Trong chiến tranh, nhu cầu ngoi lên mặt nước định kỳ là một nhược điểm lớn đối với tàu lặn diesel - điện, thường là hai ngày một lần. Năm 1959, Hải quân Mỹ đưa vào hoạt động USS Blueback, tàu ngầm diesel - điện cuối cùng. Từ sau đó, mọi tàu ngầm của Mỹ đều chạy bằng năng lượng hạt nhân, có thể lướt dưới nước với vũ khí hạt nhân mà không bị phát hiện.

Trong hơn 4 thập kỷ qua, điều này dẫn đến một nguồn tàu ngầm hạt nhân ngừng hoạt động gia tăng đều đặn. Trong quá trình dỡ bỏ, nhiên liệu hạt nhân bị gỡ ra và chuyển tới Phòng thí nghiệm quốc gia Idaho, để lại lò phản ứng bị ô nhiễm nặng. Tàu ngầm được cắt thành nhiều đoạn, loại bỏ phần chứa lò phản ứng, bao gồm vỏ thép, tấm chắn chì của lò và hợp kim kim loại chống bức xạ và nhiệt độ cao.

Quá trình dỡ bỏ diễn ra tại xưởng đóng tàu hải quân Puget Sound ở Bremerton, Washington. Sau đó, những "thùng khô" hình trụ đã cắt gọn gàng trải qua hành trình cuối cùng bằng phà xuôi theo vùng ven biển, qua sông Columbia. Chúng được tháo dỡ ở cảng Benton và chở bằng xe tải tới Hanford. Hanford, cơ sở do Bộ Năng lượng Mỹ điều hành, được thành lập vào năm 1943 để hỗ trợ dự án Manhattan. Hanford là cơ sở sản xuất plutonium đầu tiên trên thế giới, dùng cho thử nghiệm Trinity, vụ nổ hạt nhân đầu tiên, và quả bom Fat Man thả xuống Nagasaki, Nhật Bản.

Sau khi tới Hanford, các thùng được chuyển vào Trench 94, một rãnh lộ thiên dài 305 m. Tính đến nay, có 136 thùng có thể quan sát bằng Google Maps, mỗi thùng là vết tích của một tàu ngầm hạt nhân, sắp xếp gọn gàng theo 5 hàng. Mang tên High Integrity Containers (HIC), các thùng được thiết kế để chứa lò phản ứng trong 300 năm và chịu được tổn hại khi rơi từ độ cao 10 m. Theo Hải quân Mỹ, mỗi lò phản ứng chứa khoảng 25.000 curie phóng xạ, đủ để giết chết một người trong vài giây tiếp xúc. Số curie giảm dần do phân rã phóng xạ, nhưng mỗi thùng vẫn còn 250 curie sau 1.000 năm.

Số lượng thùng ở Trench 94 tăng dần qua các năm do Hải quân Mỹ ngừng sử dụng thế hệ tàu ngầm hạt nhân đầu tiên. Những thùng mới đến từ dòng tàu ngầm lớp Los Angeles bị thay thế bởi lớp Virginia mới hơn. Tổng cộng, Trench 94 sẽ có thêm khoảng 50 thùng mới trong 20 năm tới.

An Khang (Theo Popular Mechanics
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn