• Bùi Thư
  • BBC News Tiếng Việt

BBC

Tình báo Mỹ cho biết, Trung Quốc đang xây dựng năng lực quân đội có thể thôn tính Đài Loan vào năm 2030, nhưng liệu điều này có khả thi?

Hồi đầu tháng 5, Avril Haines, Giám đốc tình báo quốc gia Hoa Kỳ, cho biết mối đe dọa mà Trung Quốc gây ra đối với Đài Loan từ đây đến năm 2030 là "cực kỳ nghiêm trọng".

Bà nói thêm rằng Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa hiện không đủ năng lực để xâm lược Đài Loan, nhưng Bắc Kinh đang xây dựng một quân đội có thể thôn tính Đài Loan vào năm 2030.

Đó là một suy đoán dựa trên các nghiên cứu về việc mở rộng và hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của CHND Trung Hoa.

Trả lời BBC News Tiếng Việt, ông Sean King, chuyên gia của công ty tư vấn Park Strategies ở New York, Hoa Kỳ, cho rằng khả năng Trung Quốc tấn công Đài Loan trong tương lai gần là rất thấp:

"Liên minh ba bên Mỹ, Úc và Nhật Bản đã họp bàn về việc làm sao cùng nhau giải quyết mối đe dọa tiềm tàng với Đài Loan."

"Miễn là Đài Loan không chủ động khiêu khích, chúng ta sẽ thấy rất có thể có sự can dự lẫn ủng hộ của Mỹ, Nhật Bản cùng Úc. Chưa kể, việc Trung Quốc tấn công Đài Loan đã là khó, chiếm giữ hòn đảo còn khó hơn."

"Tập Cận Bình sẽ suy tính lâu dài và kĩ lưỡng trước khi đẩy chế độ của mình vào hiểm cảnh," ông Sean King nói.

Đài Loan 'khác với Ukraine'

Cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine cũng làm dấy lên lo ngại về khả năng Trung Quốc sẽ thôn tính Đài Loan trong tương lai gần.

Trong chuyến thăm Đông Bắc Á vừa rồi, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cảnh báo rằng Trung Quốc đang "vờn với mối nguy" (flirting with danger) xung quanh vấn đề Đài Loan, đồng thời tuyên bố sẽ can thiệp quân sự để bảo vệ hòn đảo này nếu bị tấn công.

Cụ thể, khi được hỏi trực tiếp rằng, liệu Mỹ có bảo vệ Đài Loan về mặt quân sự nếu như Trung Quốc xâm lược, vì Mỹ không làm như vậy trong vụ Nga xâm lược Ukraine.

Ông Biden đã trả lời: "Có... đó là cam kết mà chúng tôi đã đưa ra."

Nhưng người đứng đầu Nhà Trắng cũng khẳng định, chính sách của Hoa Kỳ đối với Đài Loan là "không thay đổi" và thừa nhận chính sách Một Trung Quốc.

Ông Sean King nhận định với BBC, việc Mỹ hiện diện mạnh mẽ ở khu vực sẽ khiến cho Bắc Kinh phải kiêng dè nếu muốn thử bất kỳ điều gì.

Mỹ có 50.000 quân đóng ở Nhật Bản, 28.500 quân ở Hàn Quốc và vài trăm thủy quân lục chiến ở Đài Loan với mục đích tập luyện.

Nhiều người cho rằng, Đài Loan và Ukraine có tình cảnh khá giống nhau vì cả hai đều là vùng lãnh thổ độc lập nằm bên cạnh quốc gia có sự tương đồng về mặt văn hóa nhưng to lớn và quyền lực hơn nhiều.

Tuy nhiên, ông Sean King lại dẫn chứng, không giống như Ukraine vốn nằm sát Nga với đường biên giới chung dài khoảng 2.000 km, Trung Quốc và Đài Loan cách nhau eo biển với khoảng cách gần nhất giữa lãnh thổ Trung Quốc và hòn đảo là khoảng 130 km. Ông nói:

"Điều này đồng nghĩa Trung Quốc sẽ phải đi qua vùng biển khó nhằn để đến hòn đảo, và phải đối mặt với một dân số đầy quả cảm và sẵn sàng chiến đấu, được truyền cảm hứng từ người Ukraine."

"Thêm nữa, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng, Ukraine không phải là thành viên của Nato và Mỹ không thể nhúng tay khi Nga xâm lược Ukraine. Và buồn thay, đây lại là bật đèn xanh cho Nga."

"Nhưng với Đài Loan, Mỹ luôn để trống một khả năng, được gọi là "mơ hồ về chiến lược", và bỏ ngỏ khả năng họ sẽ can thiệp quân sự trong trường hợp Trung Quốc tấn công Đài Loan," chuyên gia này phân tích.

Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng vẫn bán vũ khí cho hòn đảo này như một phần của Đạo luật Quan hệ với Đài Loan - tức Mỹ phải cung cấp cho Đài Bắc các phương tiện để tự vệ.

Mỹ cũng liên tiếp hiện diện quân sự tại eo biển này để thể hiện cam kết của Mỹ nhằm thúc đẩy một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Đơn cử, tháng 2/2022, tàu chiến USS Ralph Johnson lớp Arleigh Burke mang theo tên lửa dẫn đường đi qua eo biển Đài Loan. Còn năm ngoái, các tàu chiến Mỹ vẫn đi qua khu vực này với tần suất khoảng một tháng/lần.

Chụp lại hình ảnh,

Tần suất máy bay PLA xâm phạm vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan ngày càng nhiều, bất chấp sự răn đe của Mỹ

Ông Sean King lưu ý, CHND Trung Hoa chưa bao giờ kiểm soát Đài Loan, chưa có lực lượng quân đội nào đặt chân đến hòn đảo.

"Trung Quốc đã lỡ mất cơ hội chiếm Đài Loan suốt cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), sau khi chiếm lại toàn bộ lãnh thổ vào 1949, họ đáng ra đã có thể tiếp tục thôn tính Đài Loan nhưng lại điều quân đến Bắc Hàn để ủng hộ cuộc chiến của Kim Nhật Thành."

Tầm quan trọng của Đài Loan

Đài Loan là hòn đảo nằm cách bờ biển phía đông nam Trung Quốc khoảng 100 hải lý.

Hòn đảo nằm trong chính sách gọi là "chuỗi đảo đầu tiên" có ý nghĩa quan trọng với chính sách ngoại giao của Mỹ từ những năm 1950, bao gồm các vùng lãnh thổ thân thiện với Hoa Kỳ.

Trong khi đó, sự tiếp cận tự do ra vùng biển lớn hơn của Trung Quốc lại bị kiềm hãm bởi "chuỗi đảo thứ nhất", bao gồm hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ kéo dài từ Quần đảo Nhật Bản, Okinawa và Philippines, đến đảo Borneo, Sumatra.

Những nhóm đảo này được coi là "tuyến phòng thủ đầu tiên" vì chúng nằm ở vị trí án ngữ, có thể kiểm soát chuyển động của Hải quân Trung Quốc và Mỹ có đồng minh hoặc có sức ảnh hưởng đến những quốc gia nằm trong "chuỗi đảo đầu tiên" này.

Theo chuyên gia Sean King, Đài Loan đóng vai trò cực kỳ quan trọng với một số quốc gia với nhiều lý do vì các nước đều có chương trình nghị sự của riêng mình, đặc biệt với Trung Quốc:

"Nếu Bắc Kinh chiếm được Đài Loan, sẽ phá vỡ cái gọi là "Chuỗi đảo đầu tiên", để cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có thể tiếp cận tự do và phát triển sức mạnh ở các phần rộng lớn của Thái Bình Dương, thậm chí có thể đe dọa các căn cứ quân sự ở xa của Mỹ như Guam và Hawaii."

"Đây sẽ là bước lật ngược thế cờ, với chiến lược "chống tiếp cận/chống xâm nhập", Bắc Kinh có thể chặn đứng sự tiếp cận và đẩy lực lượng Mỹ lẫn Nhật Bản vào khu vực Biển Đông. Đây sẽ là điều tồi tệ với Việt Nam."

Bên cạnh đó, sáp nhập thành công Đài Loan khi đang tại vị là một trong những tham vọng chính trị của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Tháng 7/2021, ông Tập lần nữa nhấn mạnh:

"Giải quyết câu hỏi Đài Loan và hiện thực hóa sự thống nhất hoàn toàn Trung Quốc là sứ mệnh lịch sử và là cam kết không gì lay chuyển được của Đảng Cộng sản Trung Quốc".

Theo nhiều nhà quan sát, ông Tập muốn được nhìn nhận là người có công "thu non sông về một mối" của Trung Quốc vì những người tiền nhiệm đã đạt những công trạng như vậy.

Mao Trạch Đông xâm lược và sáp nhập thành công Tây Tạng. Đặng Tiểu Bình bảo đảm được việc Hong Kong và Macau sẽ quay về dưới trướng Trung Quốc. Và ông Tập muốn là người thực hiện "bước cuối cùng" - sáp nhập Đài Loan.

Bài học từ Nga

Có nhiều lo ngại rằng, Trung Quốc sẽ nhân cơ hội cả thế giới đang đổ dồn sự chú ý vào những gì đang diễn ra ở Ukraine để tiến hành âm mưu thôn tính Đài Loan. Cũng có người ý kiến, Trung Quốc sẽ phải thận trọng dò xét phản ứng của các cường quốc và thế giới tự do nói chung để tính đường cho mình.

Về vấn đề này, ông Sean King nói, ông không nhìn thấy mối liên kết giữa Ukraine và Đài Loan vì đó là hai trường hợp rất khác biệt.

"Tôi đã theo dõi và quan ngại về Đài Loan 30 năm nay, không có gì thay đổi bởi cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine. Tập Cận Bình và Đảng cộng sản Trung Quốc xem mình là một cường quốc đang trở lại, trong khi họ coi Nga là cường quốc chết dần chết mòn. Không có điều gì mà Putin đang làm sẽ đẩy Bắc Kinh vào hành động mà họ chưa sẵn sàng."

Tuy nhiên, Trung Quốc có thể rút ra cho mình bài học từ Nga.

"Họ đang học hỏi từ sự bành trướng của Nga, nghiên cứu kỹ lưỡng sai lầm, kinh nghiệm của Nga cũng như cách phản ứng của thế giới tự do đối với cuộc chiến, để tìm cho mình lối thoát nếu như rơi vào thế bí," ông Sean King phân tích.

Ông đưa ra một cách nhìn mới, cho rằng tình hình hiện nay có vẻ khả quan hơn:

"Thực tế những gì đang diễn ra, đặc biệt là sự tập hợp thế giới tự do và khi tôi đang ở Thụy Điển, ai nghĩ đến việc Thụy Điển và Phần Lan sẽ thoát khỏi tình thế hiện tại bằng cách đệ đơn gia nhập Nato."

"Nga sẽ ra khỏi cuộc chiến với hai bàn với tay trắng. Vì thế, không đời nào ông Tập lại đẩy nhanh tiến trình dựa vào những gì Putin làm. Nhưng ít nhất, ông Tập sẽ dè chừng và cuộc chiến Ukraine sẽ là lời cảnh báo đối với Bắc Kinh trong vấn đề Đài Loan, và là lời cảnh tỉnh cho người dân Đài Loan nếu ngày đó tới."

Theo suy đoán của ông Sean King, trong ngắn và trung hạn, Trung Quốc sẽ gây sức ép khiến Đài Loan bị cô lập trên trường quốc tế và làm cho người Đài Loan cảm thấy vô vọng như thể chỉ có còn cơ hội và có tương lai duy nhất là hợp nhất với CHND Trung Hoa.

"Ý tưởng Bắc Kinh sẽ thu phục người Đài Loan như mật ngọt cho bầy ong bay về tổ, tôi không nghĩ nó có hiệu quả vì cho đến nay, mỗi ngày trôi qua, người Đài Loan cảm thấy bản sắc Đài Loan trong mình hơn là Trung Quốc và hòn đảo có những giá trị như dân chủ, tự do báo chí, bình đẳng hôn nhân... vốn là những điều tốt đẹp mà thế giới ca ngợi." ông Sean kết luận.