Có thể đạt một thỏa thuận với ông Putin hay không?

Thứ Năm, 28 Tháng Tư 20226:45 CH(Xem: 1562)
Có thể đạt một thỏa thuận với ông Putin hay không?
voatiengviet.com

Có thể đạt một thỏa thuận với ông Putin hay không?

VOA News

Khi cuộc chiến tranh Nga gây ra tại Ukraine bước sang tháng thứ ba, các câu hỏi xoay quanh việc liệu một giải pháp thương lượng với Tổng thống Nga Vladimir Putin có khả thi hay không.

Ông Kenneth Dekleva, một bác sĩ tâm lý trước đây từng làm việc với Bộ Ngoại giao Mỹ, bác mọi suy đoán rằng ông Putin không ổn định và do đó không thể đối phó.

Ông Dekleva nói: “Ông ấy không điên. Ông ấy là người duy lý, và trong đầu óc ông, ông ta biết rõ điều mình đang làm. Ông ta là một người rất hiểu biết, là nhà lãnh đạo rất sắc sảo và tàn bạo, người hiện đã nắm quyền hơn 22 năm.”

Ông Dekleva, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Sáng hội George H. W. Bush về Quan hệ Mỹ-Trung ở Texas, đã nghiên cứu về cựu nhân viên tình báo Nga này trong 20 năm. Ông mô tả ông Putin là người chuyên tâm, kiên trì, là bậc thầy trong việc thao túng người khác và siêu tập trung, nhờ được đào tạo như một sĩ quan KGB.

Tuy nhiên, ông Putin, nay đã 69 tuổi và những hành động gần đây của ông có thể cho thấy một phong cách lãnh đạo kém linh hoạt hơn mà đôi khi thường thấy ở các nhà lãnh đạo lớn tuổi.

Ở tuổi này, ông Dekleva nói, “Bạn cứng nhắc hơn. Bạn nhìn mọi thứ rạch ròi trắng đen, và bạn ít dung chấp cho những sắc thái và sự mơ hồ”.

Chìa khóa để đàm phán với một người như ông Putin, ông Dekleva nói, là cố gắng hiểu lối suy nghĩ của ông ấy và đồng cảm, ngay cả khi bạn không đồng ý với ông ấy.

Đối với ông Jason Pack, một nhà phân tích cao cấp tại Quỹ Đại học Quốc phòng NATO ở Ý, đạt được thỏa thuận với ông Putin đòi hỏi phải có hành động quyết đoán.

Ông Pack nói: “Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải cực kỳ táo bạo, tới ngưỡng của những sự việc mà chúng ta có thể nghĩ rằng sẽ gây ra một sự leo thang lớn ... như tham gia vào một cuộc chiến tranh mạng táo bạo.”

“Giống như kiểu ‘Này, chúng tôi sẽ tắt đèn ở St.Petersburg trong hai giờ và thương lượng sau ... Lần tiếp theo, sẽ tăng lên thành hai ngày nếu không đáp ứng yêu cầu.”

Ông Pack nói rằng ông Putin có mọi lý do để tin rằng phương Tây sẽ lùi bước nếu ông xâm lược Ukraine, dù phương Tây có ‘sức mạnh quân sự và kinh tế chuyên quyết hơn.’

Ông chỉ ra cuộc xâm lược năm 2008 của Nga tại Georgia, trước đây là một phần của Liên bang Xô viết và hiện là một nước cộng hòa độc lập, dẫn đến việc Nga chiếm 20% diện tích nước này. Và ông Putin đã chiếm vùng Crimea phía nam của Ukraine vào năm 2014.

“Ông ấy dường như tôn vinh vũ lực, và không coi trọng việc chỉ nói chuyện suông. Tôi thậm chí không tin là ông nghĩ chúng ta sẽ thực hiện các chế tài đã đe dọa nếu ông xâm lược, bởi vì nó giống như, “Đây chỉ là nói chuyện, nói chuyện, nói chuyện,” ông Pack nói và cho biết ông không tin ông Putin sẽ thực hiện một hành động hạt nhân thảm khốc.

“Ông ấy muốn sống. Ông ấy sợ hãi COVID. Ông ấy cách các cố vấn 6 mét. Vì vậy, tôi không nghĩ rằng có nguy cơ ông ấy sẽ làm nổ tung thế giới chừng nào chúng ta còn tuân theo các quy tắc về việc không có nhân sự NATO nào chiến đấu ở Ukraine.”

Ông Putin kiên quyết chống lại Ukraine, một nước cộng hòa thuộc Xô Viết cũ, gia nhập NATO. Ông đã phàn nàn về việc phương Tây áp sát quá gần biên giới Nga.

“Mục tiêu chính của ông là chiếm Kyiv và không sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để cố gắng chiếm Kyiv”, ông Pack nói. “Ông đã phơi bày ở một mức độ là một con hổ giấy. Ông nghĩ rằng chúng ta sẽ lùi bước. Ông muốn sống. Ông không muốn bị lật đổ bên trong nước Nga. Ông đã có sự phối hợp tồi tệ với các tướng lĩnh. Họ không có kế hoạch chiến đấu.”

Ông Dekleva nói rằng các cuộc đàm phán để chấm dứt xung đột ở Ukraine phải đồng thời giải quyết các nhu cầu an ninh và chủ quyền của Ukraine, đồng thời giải quyết nhận thức của Putin về mối đe dọa của việc NATO mở rộng tới biên giới Nga. Ông nghĩ rằng một trung gian hòa giải thứ ba rất cao cấp mà cả ông Putin lẫn phương Tây đều có thể tin tưởng - có thể từ Trung Quốc, Ấn Độ hoặc Israel - có thể hữu ích cho tiến trình này. Và ông rất rõ ràng về những gì không nên xảy ra.

“Việc các lãnh đạo cao cấp phương Tây, kể cả Tổng thống Mỹ Joe Biden bêu xấu tên tuổi-gọi ông Putin là điên rồ hoặc gọi ông ấy là côn đồ, kẻ giết người, hoặc tội phạm chiến tranh-không giúp ích được gì hết,” ông Dekleva nói. “Việc này không phải là cách để đưa đối tác thương thuyết của bạn đến bàn đàm phán.”

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn