Khủng hoảng Ukraine thử thách tầm nhìn đối ngoại Biden

Thứ Năm, 10 Tháng Hai 20227:58 CH(Xem: 1672)
Khủng hoảng Ukraine thử thách tầm nhìn đối ngoại Biden

Khủng hoảng Ukraine và năng lực đoàn kết đồng minh ứng phó Nga trở thành phép thử nặng ký cho chính sách đối ngoại Mỹ thời Biden.

Khủng hoảng Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khi phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby hôm 9/2 cho hay Mỹ tiếp tục phát hiện Nga tăng thêm quân đến biên giới phía tây, trong khi nỗ lực ngoại giao của các lãnh đạo châu Âu đến nay chưa thu được kết quả đột phá.

Giới quan sát đánh giá đây sẽ là phép thử nặng ký đối với năng lực lãnh đạo và tầm nhìn đối ngoại của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Cuộc khủng hoảng cũng sẽ kiểm nghiệm khả năng Mỹ duy trì đoàn kết giữa các đồng minh phương Tây trong cuộc đối đầu căng thẳng với một đối thủ tầm cỡ như Nga.

Quân nhân Ukraine huấn luyện tình nguyện viên tại Kiev cách cầm súng tại một nhà máy bỏ hoang, ngày 30/1. Ảnh: AFP.

Quân nhân Ukraine huấn luyện tình nguyện viên cách cầm súng tại một nhà máy bỏ hoang tại Kiev ngày 30/1. Ảnh: AFP.

Khi Donald Trump nắm quyền, Mỹ gần như từ bỏ vai trò dẫn dắt phương Tây đối trọng với Nga. Suốt 4 năm tại nhiệm, Trump nhiều lần thể hiện sự ngưỡng mộ dành cho người đồng cấp Nga Vladimir Putin, khiến chính sách đối ngoại Mỹ nảy sinh nhiều rắc rối. Chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Trump cũng làm Washington xa cách với đồng minh NATO, khoét sâu rạn nứt nội bộ phương Tây.Biden đã cam kết sẽ tiếp cận quan hệ Nga - Mỹ với tâm thế rất khác so với Trump. Tuy nhiên, ông cũng kỳ vọng khiến mối quan hệ đó trở nên ổn định và dễ dự đoán hơn, tạo môi trường quốc tế thuận lợi để tập trung giải quyết thách thức chiến lược từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, động thái của Putin gia tăng áp lực lên sườn đông NATO ngay sau cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến với Biden vào tháng 12/2021 đã khiến Tổng thống Mỹ rơi vào thế bị động. "Tối hậu thư" từ Điện Kremlin yêu cầu Washington và đồng minh cam kết không cho Ukraine gia nhập NATO đã bó hẹp đường lùi của các bên.

Vừa rút chân khỏi Trung Đông để xoay trục sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chưa được bao lâu, Mỹ đã phải vội vã tập trung nguồn lực trở lại châu Âu đối phó với mối đe dọa từ Nga.

Cách Biden phản ứng với thách thức mới khiến giới quan sát bất ngờ, khi ông thể hiện thái độ quyết liệt như đang giải quyết khủng hoảng an ninh trong kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh.

Một mặt, Biden điều quân đội tăng viện cho sườn đông NATO như một động thái răn đe "xung đột nóng". Mặt khác, chính quyền của ông đã thực hiện hơn 200 cuộc tiếp xúc ngoại giao với đồng minh và đối tác nhằm tạo ra phản ứng thống nhất từ phương Tây trước sức ép của Moskva, theo tiết lộ tuần qua từ Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Kritenbrink chuyên trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương.

Mỹ thuyết phục hầu hết đồng minh châu Âu nhất trí rằng Nga phải chịu trừng phạt kinh tế nặng nề nếu tấn công Ukraine, nước đang là đối tác an ninh với NATO dù chưa phải là thành viên.

Biden nỗ lực tham vấn và phối hợp với Ukraine cùng các đồng minh gần như trên mọi phương diện của cuộc khủng hoảng. Cách làm này không chỉ là nền tảng của chính sách đối ngoại thời Biden, mà còn cho thấy Washington đã rút được bài học "xương máu" sau những hỗn loạn trong chiến dịch rút quân tại Afghanistan.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng tháng trước. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng tháng trước. Ảnh: AFP.

Kết quả cuộc đối đầu giữa NATO và Nga có thể định hình cán cân quyền lực ở châu Âu, đồng thời xác minh liệu Mỹ còn đủ sức dẫn dắt phương Tây ứng phó với những đối thủ như Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Iran hay không.

Trong phát biểu chính sách đối ngoại vào tháng 2/2021, Tổng thống Biden tuyên bố "những ngày Mỹ làm ngơ trước cách hành xử hung hăng từ Nga đã chấm dứt". Ông cam kết chính quyền của mình sẽ không ngần ngại buộc Nga trả giá đắt nếu đe dọa lợi ích then chốt của đất nước và người dân Mỹ. Lời hứa đó đang đối diện thử thách lớn nhất từ khi Biden nhậm chức đến nay.

"Câu chuyện không chỉ dừng lại với cách hành xử của Nga trong vấn đề Ukraine, mà còn bao trùm mọi phương diện khác. Tôi không chắc Tổng thống và chính quyền ông có dự báo được cuộc khủng hoàng lần này sẽ đi về đâu hay không. Tuy nhiên, nếu Mỹ muốn đương đầu với những hành vi quyết liệt của đối thủ, họ cần chứng tỏ được sức mạnh thay vì nói suông", Heather Conley, chủ tịch tổ chức nghiên cứu Quỹ German Marshall, nhận định.

Mức phản ứng quyết liệt và phối hợp chặt chẽ cùng đồng minh của chính quyền Biden có thể đã nằm ngoài tính toán của Điện Kremlin, theo cựu đại sứ Mỹ Daniel Fried.

"Có lẽ ông ấy nhìn vào nội tình Mỹ và nghĩ rằng chúng tôi bắt đầu thoái trào. Tuy nhiên, bảo vệ Afghanistan trong tình cảnh Mỹ đã thất thế và bảo vệ châu Âu là hai vấn đề khác nhau. Thất bại ở Afghanistan không đồng nghĩa Mỹ sẽ tiếp tục vấp váp ở châu Âu. Putin có lẽ đã suy diễn quá mức", Fried nhận định.

Sau thời gian dài bị Mỹ chỉ trích và hoài nghi dưới thời Trump, NATO giờ đây sôi động trở lại với sứ mệnh ban đầu được hồi sinh: bảo vệ châu Âu trước thách thức an ninh từ Nga. Tổng thống Biden đang củng cố đoàn kết xuyên Đại Tây Dương với mức độ có lẽ Điện Kremlin không ngờ tới. Lời kêu gọi đoàn kết từ Washington thêm hiệu quả khi Nga không ngừng gia tăng hiện diện quân sự sát NATO.

Binh sĩ Mỹ tập hợp ở căn cứ không quân Pope, Bắc Carolina ngày 3/2 trước khi tới châu Âu. Ảnh: AFP.

Binh sĩ Mỹ tập hợp ở căn cứ không quân Pope, Bắc Carolina ngày 3/2 trước khi tới châu Âu. Ảnh: AFP.

Dù vậy, Putin khó chấp nhận rút quân nếu Mỹ chưa đáp ứng yêu cầu an ninh quan trọng nhất: Cam kết ngăn Ukraine gia nhập NATO. Đảm bảo mọi quốc gia châu Âu đủ điều kiện được quyền tham gia NATO là chính sách mà Mỹ và các đồng minh coi là "không thể nhượng bộ".

Những người từng tham gia hoạch định chính sách đối ngoại Mỹ lo ngại kịch bản Washington đáp ứng yêu cầu an ninh từ Moskva, cho rằng nó không khác gì chấp nhận từ bỏ thành quả sau Chiến tranh Lạnh. Cựu đại sứ Daniel Fried kêu gọi chính quyền Biden "nói đi đôi với làm" khi răn đe những đối thủ như Putin.

"Nếu Mỹ làm ngơ trước cách hành động của Nga, họ sẽ đối mặt những hệ quả nghiêm trọng ở châu Á. Quyết định đó có thể phát đi thông điệp Mỹ không sẵn sàng duy trì trật tự tự do và khuyến khích Trung Quốc hành xử tương tự", Kori Schake, giám đốc nghiên cứu chính sách đối ngoại và quốc phòng cho Viện Doanh nghiệp Mỹ, cảnh báo.

Rachel Rizzo, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Đại Tây Dương, đánh giá cao cách chính phủ Mỹ xoay trục nguồn lực tùy theo yêu cầu tình hình của từng khu vực địa chính trị. Tuy nhiên, nguy cơ một cuộc chiến tranh nổ ra ở châu Âu khiến một số chuyên gia lo ngại Biden mất tập trung vào tình hình Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không chỉ về ngắn hạn. Schake cảnh báo sau thời gian dài bị cắt giảm nguồn lực, quân đội Mỹ khó thực thi hiệu quả chiến lược an ninh quốc gia cùng lúc hai mặt trận ở châu Âu và châu Á.

"Đây là thời điểm kiểm nghiệm uy tín và năng lực của Mỹ trên trường quốc tế. Vấn đề là liệu Mỹ đã sẵn sàng hay chưa và chính quyền Biden có đủ sức đưa ra lựa chọn khó khăn trong thử thách hay không", chuyên gia Conley đánh giá.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn