Bàn cờ thế cuộc

Chủ Nhật, 06 Tháng Hai 20227:58 CH(Xem: 2107)
Bàn cờ thế cuộc

Tạ Duy Anh

Từ năm 1957, trong cuốn “Chính đề Việt Nam”, của Tùng Phong (nghe nói là bút danh của ông Ngô Đình Nhu) tác giả đã đưa ra tiên đoán trước sau nước Nga cũng sẽ quay lại châu Âu, như trở về đại gia đình văn hóa của mình.

Năm 1991, điều này đã xảy ra.

Nhưng 30 năm sau dưới thời Pu-tin, nước Nga lại phải tìm đến Trung Quốc, kẻ thù lịch sử của mình, bằng thái độ nhún nhường, cầu cạnh của kẻ dưới. Thực sự thì Nga đang dung dưỡng một con hổ luôn đói mồi ngay trong nhà. Giới tinh hoa của nước Nga sẽ khó mà nuốt trôi viên thuốc đắng này.

Vì đâu nên nỗi?

Hẳn Pu-tin, một cáo già chính trị, biết rất rõ câu trả lời.

Nếu ông đã đọc cuốn “Sự trả thù của địa lý”, chắc cũng sẽ đồng ý với kiến giải của tác giả vì sao tổ tiên của ông cứ phải mở rộng lãnh thổ ra đến mênh mông như vậy?

Tuyên bố chung Nga-Trung, nghe thì hùng hồn, hùng hồn từ cái đầu đề, nhưng vẫn không che đậy được sự sáo rỗng, đầy tính tạm bợ, cảnh giác nhau của hai con sói. Cảnh giác nhất là không để mày kéo tao đối đầu với Mỹ! Quân sự thì chả ai thua ai, nhưng chỉ kẻ nào dại dột mới chối bỏ miếng bánh Chúa ban cho riêng Hoa Kỳ!

Ngày mai nếu Nga tiến quân vào Kiev và bị lãnh hậu quả, Trung Quốc sẽ cười thầm theo kiểu ngư ông đắc lợi. Tình huống khác, nếu Trung Quốc huy động một triệu quân vượt eo biển Đài Loan, đối đầu với liên minh Mỹ-Nhật, Nga sẽ chờ xem thằng nào chết chìm để nâng cốc!

Bỗng nhớ Nguyễn Trần Bạt, khi ông bảo rằng, trên thế giới chỉ có vài kẻ chơi cờ, còn lại thì đều là quân cờ, đều là những kẻ “lon ton” (nguyên văn lời ông) chạy theo phía sau. Lãnh đạo của những nước thân phận quân cờ đừng cố phỉnh rằng mình cũng phải là kẻ chơi cờ, mà nên tìm cách để làm sao mình không phải là con tốt gỉn, không bị thí khi kẻ chơi cờ bí nước, hoặc khi họ tạm thời hoãn chiến!

Người Việt cứ cảm tính, hồn nhiên ủng hộ Nga chiếm Crưm, mà quên rằng mình cùng cảnh ngộ với U-crai-na: Oằn mình sống bên cạnh một nước lớn còn lâu mới văn minh.

Thủ tướng Ba Lan mới đây nói rằng: “Ở bên cạnh nước Nga, chả khác nào ở dưới chân núi lửa!” Ông chỉ nhắc lại-theo cách của ông- một câu ngạn ngữ của người Mê-hi cô: “Chúa ở xa còn nước Mỹ ngay sát nách”.

Người Việt thì ngàn đời nay vẫn truyền nhau: “Con ơi nhớ lấy câu này/ thằng tây nó tếch, thằng Tầu nó sang”.

“Nó sang”, vì nó ở ngay bên kia rặng rào.

Ba Lan đã “thoát Nga” và đang đầy kiêu hãnh trở về với thế giới văn minh, một bài học hay nhưng cực khó. Mê-hi-cô thì vừa ghét Mỹ vừa cần Mỹ, chấp nhận số phận với may mắn lớn là dù sao nước Mỹ cũng không củ chuối như Nga hay Tầu. U-crai-na thì đang vật vã giữa hai sự lựa chọn: Thần phục Nga thì yên thân, nhưng mãi mãi sống thân phận chư hầu. Thoát khỏi Nga về với châu Âu dân chủ, có thể phải đổ máu, đất nước có thể tan hoang, nhưng may ra còn thấy tương lai?

Nhưng luôn sẵn một câu hỏi khó trả lời hơn nhiều, dành cho giới tinh hoa U-crai-na: Ngay cả khi chấp nhận rủi ro lớn, thì liệu có thực sự thoát được Nga và thoát bằng cách nào?

Lựa chọn Tự do chưa bao giờ thoát khỏi cảnh khốn nạn. Ở đâu và bao giờ cũng thế. Nhưng thiếu Tự do, thì sống (dù sống trong nhung lụa) cũng không bằng chết!

Ý kiến bạn đọc
Thứ Tư, 16 Tháng Hai 20222:10 SA
Khách
Truoc khi the chien cham dut.Cac cuong quoc da hop nhau de : phan chia chien loi pham ! Vay thi, " Muon hoa binh,phai sua soan chien tranh ".Tai sao N.Korea, cac nuoc trung dong phai lan mo che tao vu khi nguyen tu ? Tai sao cac cuong quoc lai ngan de cac nuoc nho che tao va lam chu vu khi nguyen tu ,ma chinh minh lai day kho cac loai vu khi nguyen tu ? Mau chot van de an ninh the gioi nam o day !
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn