Khủng hoảng Ukraina : Trung Quốc tính gì khi ủng hộ Nga ?

Thứ Sáu, 04 Tháng Hai 20228:00 SA(Xem: 3329)
Khủng hoảng Ukraina : Trung Quốc tính gì khi ủng hộ Nga ?
rfi.fr

Khủng hoảng Ukraina : Trung Quốc tính gì khi ủng hộ Nga ?

Minh Anh

Vào lúc căng thẳng xung quanh Ukraina vẫn dai dẳng và các cuộc đàm phán đang diễn ra vẫn chưa có tiến triển, thì một tác nhân mới ngoài châu Âu – không phải là nhỏ - bắt đầu can dự vào cuộc khủng hoảng : Trung Quốc.

Thông thường tỏ ra kín đáo – nhưng lại hoạt động rất tích cực ở hậu trường – trong nhiều cuộc khủng hoảng quốc tế, xa vùng ảnh hưởng của mình, cường quốc châu Á hôm 27/01 khẳng định ủng hộ Nga khi tuyên bố « những mối bận tâm của Nga trên phương diện an ninh phải được xem xét nghiêm túc ». Giới quan sát diễn giải như thế nào về lập trường này của Trung Quốc ?

Năm 2014 : Cột mốc quan trọng cho quan hệ Nga - Trung

Trả lời RFI Tiếng Việt, nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (FRS) trước hết nhắc lại Bắc Kinh trước nỗi ám ảnh về sự toàn vẹn lãnh thổ của chính mình nên vào năm 2014, đã không ủng hộ việc Matxcơva cho sáp nhập bán đảo Crimée và cũng chưa bao giờ công nhận vụ sáp nhập này, đồng thời ra sức phát triển quan hệ thương mại với Kiev.

Nhưng năm 2014 cũng là một cột mốc quan trọng. Vào lúc Nga tìm cách giảm thiểu thế cô lập trên trường quốc tế sau những căng thẳng với Ukraina, thì Trung Quốc nhận thấy rằng họ có thể tiến hành một cuộc đàm phán về quan hệ song phương với Nga trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như năng lượng.

Cũng vì thế mà quan điểm của Trung Quốc trong hồ sơ Ukraina cũng dần có những tiến triển. Những căng thẳng giữa Nga và phương Tây còn làm cho Nga và Trung Quốc xích lại gần hơn. Lập trường của Trung Quốc cũng thay đổi và thậm chí đi đến hậu thuẫn trực tiếp dù không luôn là chính thức. 

Nhà nghiên cứu Trung Quốc học, Antoine Bondaz, thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược FRS, với RFI Tiếng Việt.

« Nhất là lập trường của Trung Quốc về cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ukraina là cực kỳ kín đáo. Đương nhiên mục tiêu là không gây rắc rối cho Nga. Câu hỏi thật sự đặt ra là nếu như xảy ra một cuộc khủng hoảng quân sự giữa Nga và Ukraina, Trung Quốc sẽ có quan điểm ra sao ? Dĩ nhiên Nga có thể hy vọng rằng Trung Quốc chí ít sẽ không nói gì cả, thậm chí mong Bắc Kinh chỉ trích các trừng phạt nước ngoài nếu có nhắm vào Nga. Giờ đây phải chờ xem sự ủng hộ đó có sẽ đi xa hơn nữa không ? Nhất là liệu Bắc Kinh có sẽ hậu thuẫn một cuộc can thiệp quân sự của Nga hay không ? »

Ukraina : Một trắc nghiệm cho Mỹ đối với vấn đề Đài Loan, Biển Đông

Từ bao lâu nay, Trung Quốc lặng lẽ theo dõi cuộc khủng hoảng Ukraina. Với Bắc Kinh, việc Kiev rơi trở lại vào vùng ảnh hưởng của Matxcơva sẽ tạo ra một tiền lệ chỉ có thể biện minh cho một sự « hợp nhất » Đài Loan với Trung Quốc. Báo Pháp Le Monde nhắc lại năm 2009, trong một báo cáo được đệ trình lên Nghị Viện Đài Loan, cơ quan an ninh quốc gia của đảo tự trị đánh giá rằng « đảng Cộng Sản Trung Quốc sao chép những phương pháp được Nga sử dụng để sáp nhập bán đảo Crimée, nhằm chống lại Đài Loan ».

Về điểm này, chuyên gia Antoine Bondaz lưu ý có một sự khác biệt cơ bản giữ vấn đề Đài Loan và Crimée cũng như là giữa Đài Loan và Ukraina. Điều quan trọng ở đây là thành công hay thất bại từ những nỗ lực trừng phạt của Mỹ nhắm vào Nga trong trường hợp leo thang căng thẳng. Đây sẽ là một bài trắc nghiệm để biết xem Mỹ có thể sẽ làm điều gì đó tương tự tại châu Á, nhất là trong hồ sơ Đài Loan, các tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Chuyên gia Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược, với RFI Tiếng Việt:

« Điều quan trọng đối với Bắc Kinh chính là phản ứng của phương Tây, cụ thể là Mỹ, phản ứng của Liên Hiệp Châu Âu. Trung Quốc muốn biết xem những nước này cuối cùng rồi có trừng phạt được Nga hay không. Nếu như những điều đó được bảo đảm, thì chúng khẳng định tính chính đáng của Hoa Kỳ và sẽ được áp dụng cho Trung Quốc.

Bởi vì, từ nhiều tháng nay, Bắc Kinh cho rằng Washington bị mất uy tín, rằng tính chính đáng của Mỹ trên trường quốc tế đối với các đối tác và các đồng minh tại vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng như là ở châu Âu cần được xem xét. Giờ thì người ta thấy ngược lại, có một sự phối hợp chưa từng có giữa Mỹ và nhiều nước châu Âu khác nhau. Đây thật sự là một tin xấu cho Trung Quốc.

Hơn nữa có một sự khác biệt cơ bản giữa Ukraina và Đài Loan. Hoa Kỳ chưa hề có một bảo đảm an ninh nào đối với Ukraina trong khi điều này rất là rõ trong trường hợp của Đài Loan. »

Trung Quốc và hai quan điểm « chinh phục thế giới »

Tuy nhiên, sử gia người Pháp, Roland Lombardi, và cũng là một cố vấn về địa chính trị, chuyên gia về Trung Đông, trên trang mạng thông tin độc lập FILD đưa ra một giải thích khá thú vị về sự thay đổi lập trường này của Trung Quốc. Trước hết ông lưu ý rằng, ngay tại những nước độc tài chuyên chế và tập trung quyền lực nhất, lúc nào cũng có những bất đồng về các chiến lược đối ngoại cần thông qua, mà Trung Quốc là một ví dụ điển hình. Cường quốc châu Á này có hai tầm nhìn đối lập nhau về việc « chinh phục thế giới ».

Phe thứ nhất, chiếm thiểu số thì cho rằng cứ để cho những cường quốc phương Tây đối thủ - từ Hoa Kỳ, châu Âu thậm chí là cả Nga nữa – « ẩu đả » nhau, và tự hủy diệt lẫn nhau trong một cuộc xung đột vũ trang. Nhưng đối với phe chiếm đa số, thì chiến lược này là nhiều rủi ro và nguy hiểm cho quyền lực của Bắc Kinh dù cho rằng Hoa Kỳ và phương Tây nhìn chung đang hồi thoái trào.

« Đối với nhiều chiến lược gia Trung Quốc, cường quốc Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu, đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế, văn hóa (wokisme), bản sắc, hiện sinh, văn minh và không còn chút can đảm cũng như là thiện chí để ngăn chặn những cuộc khủng hoảng di dân. Những nước này giờ đang « thối nát từ bên trong » và sẽ tự sụp đổ do những tầng lớp lãnh đạo yếu kém và tham nhũng. Vấn đề còn lại là thời gian.

Nhưng trong khi chờ đợi, cần phải ưu tiên chuyện làm ăn bằng cách tiếp tục đặt các nền kinh tế phương Tây thậm chí kinh tế thế giới dưới sự ảnh hưởng của Trung Quốc. Vì vậy, chiến tranh là điều không được tán thành. Chính vì thế mà Bắc Kinh mới nhập cuộc tham gia vào giải quyết khủng hoảng Ukraina. »

Roland Lombardi, sử gia, cố vấn địa chính trị, chuyên gia về Trung Đông, trên trang mạng FILD.

Từ những phân tích này, nhà sử học Roland Lombardi chỉ trích nhiều nhà quan sát và truyền thông phương Tây đã ít quan tâm và không đánh giá đúng mức những tuyên bố gần đây của Trung Quốc về cuộc khủng hoảng Ukraina. Ông Lombardi cho rằng những phát biểu đó có thể để lại nhiều hậu quả to lớn hơn là người ta nghĩ.

Đại dịch đã bị lãng quên ở Trung Quốc và Đế chế Trung Hoa này đang trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết trên trường thương mại và chính trị thế giới. Trong khi phương Tây còn đang vật vã chống chọi với cuộc khủng hoảng dịch tễ và những hậu quả kinh tế thảm hại, thì Bắc Kinh ý thức được rằng họ có thể dựa vào sức mạnh tài chính ngoại hạng, giới vận động hành lang, tầm ảnh hưởng và nhất là sự hiện diện mỗi lúc vượt trội của mình trong các nền kinh tế của Mỹ và phương Tây, nhằm dẹp yên mọi mầm mống của các đối thủ không những chống lại chính Trung Quốc mà cả các đồng minh của nước này, như với nước Nga trong hồ sơ Ukraina.

Cũng theo vị chuyên gia về Trung Đông, thì với cấp độ sức mạnh đã đạt được, Trung Quốc đã có thể gây ảnh hưởng chính trị tại ít nhất 80 quốc gia trên khắp hành tinh. Cùng với những khoản đầu tư ồ ạt và các hoạt động mua lại nợ công, Bắc Kinh có thể « tự sắm » cho mình bất kể một chư hầu nào hay một con nợ chính trị nào trên thế giới, kể cả tại châu Âu.

Trung Quốc : Một tác nhân không thể thiếu trong khủng hoảng Ukraina ?

Trong bối cảnh này, trả lời câu hỏi RFI Tiếng Việt, nhà nghiên cứu Antoine Bondaz cảnh báo rằng Bắc Kinh luôn tìm cách làm mất uy tín mô hình điều hành dân chủ phương Tây và cho đó không phải là một mô hình thay thế như của Trung Quốc hiện nay. Tất cả những điều đó còn củng cố hơn nữa an ninh chính trị cũng như là tính chính đáng cho chế độ cộng sản Trung Quốc . 

« Vấn đề thật sự đặt ra ở đây không phải là chuyện Mỹ suy thoái hay không. Bởi vì, ngày nay, người ta thấy rõ là Hoa Kỳ vẫn là một cường quốc đáng tin cậy. Chính vì lý do này mà chính quyền Canberra đã ký kết thỏa thuận AUKUS với Washington, rồi châu Âu vẫn tiếp tục tin tưởng và "tin" vào những bảo đảm an ninh của Mỹ. Do vậy, ý tưởng có một sự đoạn tuyệt quan hệ xuyên Đại Tây Dương, ý nghĩ về một sự thoái trào không thể cưỡng lại của Mỹ đương nhiên là hơi bị thổi phồng. »

Nhà nghiên cứu Antoine Bondaz (FRS), trên đài RFI Tiếng Việt.

Câu hỏi lớn đặt ra : Liệu có một sự phối hợp nào đó giữa Nga và Trung Quốc để chống Mỹ và phương Tây hay không ? Về điểm này, nhà Trung Quốc học Antoine Bondaz giải thích vấn đề này đã được đặt ra từ nhiều năm qua. Một điều chắc chắn là trên bình diện chính trị, sự phối hợp này đã có từ cuối những năm 1990 khi lãnh đạo hai nước có nhiều tuyên bố chung chỉ trích thế bá quyền của Mỹ. Mối liên hệ này giờ càng được củng cố nhiều hơn kể từ năm 2014. Điều đáng lo nhất hiện nay chính là việc hình thành một liên minh quân sự Nga – Trung.

« Người ta thấy là sự hợp tác này đã được tăng cường những năm gần đây với việc Trung Quốc tham gia tuần tra chung, hay nhiều cuộc tập trận lớn của Nga như tập trận không quân trên biển Địa Trung Hải, biển Baltic. Hay như vào tháng 12/2020, đôi bên tiến hành tuần tra chung trên biển Nhật Bản với các chiếc oanh tạc cơ. Đúng là có một sự hợp tác quân sự mỗi lúc một gia tăng giữa Nga và Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là sự hợp tác này đã được thúc đẩy đến mức nào, thì rủi thay, vấn đề này chúng tôi lại không có đầy đủ thông tin. »

Antoine Bondaz, với RFI Tiếng Việt.

Chính vì lý do này mà ông Chris Miller, giám đốc Foreign Policy Research Institute, trên chính trang mạng của cơ quan tư vấn này của Mỹ cho rằng Trung Quốc giờ không còn xem một pha chiến tranh mới ở Ukraina như là một vấn đề ngoại vi trong chính sách đối ngoại, dù rằng về mặt cơ bản Trung Quốc không có vấn đề thách thức nào đối với Ukraina.

Chỉ có điều, « các quyết định trừng phạt của phương Tây nếu được ban hành sẽ còn đẩy Nga xích lại gần hơn với Trung Quốc và còn làm gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Matxcơva cũng như trên thế giới », theo như khẳng định của ông Antoine Bondaz với RFI Tiếng Việt.  

Như kết luận của ông Chris Miller, quyết định của Trung Quốc hoặc tham gia vào những biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Nga – một điều mà nhà nghiên cứu Antoine Bondaz không tin là sẽ xảy ra – hoặc giúp Nga tránh các đòn phạt chắc chắn sẽ định hình các xu hướng leo thang và sẽ định đoạt quy mô của việc cô lập kinh tế cũng như là chính trị do các biện pháp trừng phạt đặt ra.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn