Hợp đồng tầu ngầm Úc - Mỹ làm liên minh phương Tây chống Trung Quốc rạn nứt?

Thứ Sáu, 17 Tháng Chín 20218:00 SA(Xem: 4326)
Hợp đồng tầu ngầm Úc - Mỹ làm liên minh phương Tây chống Trung Quốc rạn nứt?
rfi.fr

Hợp đồng tầu ngầm Úc - Mỹ làm liên minh phương Tây chống Trung Quốc rạn nứt?

Thu Hằng

Úc ưu tiên đối tác chiến lược với hai đồng minh truyền thống Mỹ và Anh, chấp nhận mang tiếng « nuốt lời » với Pháp khi hủy hợp đồng đóng 12 tầu ngầm quy ước trị giá 66 tỉ đô la. Paris thất vọng vì quyết định gây tổn hại đến quan hệ trong lúc tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden không ngừng thúc giục đồng minh lập mặt trận chung chống ảnh hưởng của Trung Quốc.

Điểm quan trọng trong thỏa thuận AUKUS giữa ba nước Úc, Anh, Mỹ là Canberra sẽ được trang bị đội tầu ngầm hạt nhân theo công nghệ Hoa Kỳ mà cho đến giờ Washington mới chỉ chia sẻ với Luân Đôn. Trong buổi họp báo trực tuyến chung ngày 16/09/2021 cùng với đồng nhiệm Anh và tổng thống Mỹ, thủ tướng Scott Morrison tự hào vì thỏa thuận này "phản ánh cấp độ tin tưởng và tình hữu nghị sâu đậm giữa chúng ta (ba nước)".

Thiên vị giữa các đồng minh

Thủ tướng Úc, cũng như bộ trưởng Quốc Phòng Anh Ben Wallace khi trả lời đài Times Radio ngày 16/09, đều biện minh là "chương trình mua tầu ngầm chạy điện và diesel hiện nay có lẽ không mang lại được tầm chiến lược và tiêu chí không phát hiện được là cần thiết cho hiệu quả răn đe của Úc", dù không nêu đích danh Trung Quốc. Thủ tướng Úc cho rằng Paris sẽ có quyết định tương tự với Canberra trong trường hợp cấp bách.

Nhưng phải chăng thỏa thuận đối tác chiến lược ba bên là lý do chính để Úc "nuốt lời" với Pháp ? Theo thông tín viên RFI Grégory Plesse tại Sydney, có rất nhiều bình luận về "hợp đồng thế kỷ" trị giá 66 tỉ đô la giữa Paris và Canberra, như chậm trễ và chi phí phụ trội. Trong khi đó, tập đoàn Naval Group khẳng định đã hoàn tất mọi điều khoản bắt buộc trong hợp đồng, từ giá cả đến thời hạn, cũng như việc sản xuất tại Úc.

Một điều cay đắng khác cho Paris là công trường đóng tầu ngầm theo công nghệ Mỹ sẽ được đặt ở thành phố Adelaide, đúng vị trí dự kiến đóng tầu ngầm quy ước lớp Barracuda của Naval Group.

Thỏa thuận chiến lược mang tính "lịch sử", theo một quan chức Nhà Trắng, sẽ gắn kết Úc, Anh, Mỹ "trong nhiều thế hệ" nhưng lại là cú sốc cho bên thứ tư là Pháp.

Những phát biểu liên tiếp trên truyền thông sáng 16/09 của hai bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Pháp, có thể cho thấy Paris đã bị bất ngờ, "niềm tin bị phản bội" và "bị nuốt lời". Và "giữa các đồng minh không làm như vậy".

Liệu còn tin được vào đồng minh Mỹ ?

Sẵn sàng ưu tiên một hợp tác trong chiến lược chung bất chấp phải giẫm chân đồng minh, liệu có nên tiếp tục tin vào đồng minh Mỹ, đặc biệt là tổng thống Joe Biden với khẩu hiệu "nước Mỹ trở lại" ? Bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Jean-Yves Le Drian không ngần ngại so sánh quyết định của tổng thống Joe Biden không khác gì người tiền nhiệm Donald Trump, "đơn phương, đột ngột và không đoán định được".

Ông Joe Biden huy động đồng minh châu Âu chuyển hướng chiến lược sang Ấn Độ-Thái Bình Dương, khu vực Trung Quốc nổi lên như một mối đe dọa cho hòa bình, ổn định trong khu vực. Cùng với Pháp, Đức cũng điều chiến hạm đến bảo vệ tự do hàng hải. Chỉ cách đây hai tuần, hội nghị 2+2 giữa bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao Pháp - Úc còn dự kiến khả năng lính Pháp đồn trú thường trực ở Úc. Tháng 04/2021, Liên Hiệp Châu Âu cũng thông qua chiến lược chung về Ấn Độ-Thái Bình Dương do lo ngại những căng thẳng địa chính trị "tác động trực tiếp đến các lợi ích của Liên Hiệp Châu Âu".

Báo Pháp Le Figaro nhận định, với thỏa thuận ba bên AUKUS, Pháp và rộng hơn là Liên Hiệp Châu Âu, dường như đã bị gạt khỏi khu vực trọng điểm của thế kỷ 21. Bộ trưởng Quân Lực Florence Parly cay đắng cho rằng Pháp giờ phải "minh mẫn hơn về cách Hoa Kỳ đánh giá các đồng minh và đối tác". Còn thông cáo của bộ Ngoại Giao Pháp nhấn mạnh đến "sự thiếu liên kết" và mâu thuẫn trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ. Washington kêu gọi đoàn kết những lại sẵn sàng "gạt một đồng minh và một đối tác châu Âu như Pháp khỏi đối tác chiến lược với Úc, vào lúc chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương".

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Tư, 08 Tháng Mười Một 20171:00 SA
Dường như đã mâu thuẫn với cả thế giới, nhưng Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump lại một lần nữa gợi lên khả năng xảy ra xung đột thương mại với Trung Quốc
Thứ Ba, 07 Tháng Mười Một 20176:00 CH
Hồ sơ lớn được các tạp chí hay tuần báo Pháp chú ý và nêu trên trang bìa rất tản mạn, mỗi tờ mỗi vẻ : Le Point với ảnh một cây cổ thụ, chạy hàng tựa ngắn « Cây cối »
Thứ Ba, 07 Tháng Mười Một 201711:59 SA
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đến thăm Trung Quốc từ ngày 8/11 với một trong các mục tiêu quan trọng là gây sức ép với Bắc Kinh nhằm kiềm chế mối đe dọa từ Triều Tiên.
Thứ Hai, 06 Tháng Mười Một 20174:00 CH
Vào cuối tháng Mười vừa qua đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức đại hội toàn quốc lần thứ 19. Đảng tổ chức những đại hội như thế này mỗi năm năm một lần, từ năm 1977
Thứ Hai, 06 Tháng Mười Một 20178:30 SA
(HNPD) Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn, Ông Nolting, hết phương gỡ rối. Báo cáo được tới tấp gửi về Hoa Thịnh Đốn, và Bộ ngoại giao Mỹ liên tục phúc trình tình hình nguy ngập tại Sài Gòn với yêu cầu phải thay thế ngay Ông Diệm bằng một người khác.
Thứ Hai, 06 Tháng Mười Một 20178:00 SA
(HNPD) "Ai ra lệnh giết ông Ngô Đình Diệm thì nhiều người cũng vẫn trả lời là: Mỹ ra lệnh giết, Cabot Lodge hay CIA ra lệnh giết chớ còn ai vào đó nữa ! Câu chuyện không đơn giản như thế!
Thứ Hai, 06 Tháng Mười Một 20174:00 SA
Ngày 5.8.2017, Ngoại trưởng các nước ASEAN, trong lần gặp đầu tiên của hội nghị thường niên, đã nhóm họp tại Manila (Philippines)
Thứ Hai, 06 Tháng Mười Một 20172:00 SA
Từng ngọn đèn bị dập tắt. Nguồn sáng chiếu rọi từ bốn phương biến mất. Thế giới đa sắc màu, tươi đẹp rực rỡ của chúng ta bỗng chốc biến thành một màu đen thê thảm.
Chủ Nhật, 05 Tháng Mười Một 201710:04 CH
Một đánh giá của Lầu Năm Góc tuyên bố cách duy nhất để loại trừ toàn bộ chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn là tấn công thực địa.
Chủ Nhật, 05 Tháng Mười Một 20177:00 CH
Vào tháng Bảy vừa qua, ông Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt cóc tại Berlin, một ngày trước khi ông có cuộc gặp với quan chức của Đức để xin tị nạn chính trị.