Trung Quốc: Những nam giới độc thân và phụ nữ không muốn có con

Thứ Sáu, 09 Tháng Bảy 20217:00 SA(Xem: 2080)
Trung Quốc: Những nam giới độc thân và phụ nữ không muốn có con

A Chinese man carries his future bride's dress while taking pictures in advance of their wedding in Beijing.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Với số nam nhiều hơn nữ hàng triệu người, một số người sẽ khó tìm được vợ

Một cuộc điều tra dân số diễn ra mỗi thập niên cho thấy tỷ lệ sinh ở Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ những năm 1960 - dẫn đến lời kêu gọi chấm dứt các chính sách kiểm soát sinh sản.

Nhưng một số người ở Trung Quốc nói rằng những chính sách này không phải là thứ duy nhất ngăn cản họ.

Mặc dù bị mẹ càu nhàu về chuyện này, Lili *, dân Bắc Kinh không định sớm có con.

Lili 31 tuổi, kết hôn được hai năm, muốn "vui sống" mà không phải "thường xuyên lo lắng" khi nuôi con.

"Tôi có rất ít bạn bè đồng trang lứa có con, và nếu có, họ bị ám ảnh về việc tìm được bảo mẫu tốt nhất hoặc đăng ký cho bọn trẻ vào những trường tốt nhất. Nghe có vẻ mệt mỏi."

Lili nói chuyện với BBC với điều kiện giấu tên, lưu ý rằng mẹ cô sẽ rất đau khổ nếu biết con gái mình nghĩ thế nào về việc sinh con.

Nhưng sự khác biệt về quan điểm giữa các thế hệ phản ánh thái độ thay đổi của nhiều thanh niên thành thị Trung Quốc với việc sinh con.

Dữ liệu đã nói lên điều này.

Kiểm kê dân số của Trung Quốc, công bố đầu tháng này, cho thấy khoảng 12 triệu trẻ sơ sinh được sinh ra vào năm ngoái - giảm đáng kể so với con số 18 triệu năm 2016 và là con số thấp nhất được ghi nhận kể từ những năm 1960.

Trong khi dân số nói chung tăng, nó tăng với tốc độ chậm nhất trong nhiều thập kỷ, gây lo ngại rằng Trung Quốc có thể đối mặt với sự suy giảm dân số sớm hơn dự kiến.

Việc thu hẹp dân số là một vấn đề do cấu trúc tuổi đảo ngược, với số người già nhiều hơn người trẻ.

Khi điều đó xảy ra, sẽ không có đủ lao động trong tương lai để hỗ trợ người cao tuổi và nhu cầu về chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng.

Ning Jizhe, người đứng đầu Cục Thống kê Quốc gia, nói tại một buổi thuyết trình của chính phủ rằng tỷ lệ sinh thấp hơn là kết quả tự nhiên của sự phát triển kinh tế và xã hội của Trung Quốc.

Khi các quốc gia trở nên phát triển hơn, tỷ lệ sinh có xu hướng giảm do giáo dục hoặc các ưu tiên khác như nghề nghiệp.

Ví dụ, các nước láng giềng như Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã chứng kiến tỷ lệ sinh giảm xuống mức thấp kỷ lục trong những năm gần đây mặc dù chính phủ có nhiều biện pháp khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con.

Mất cân bằng giới tính nghiêm trọng

Nhưng các chuyên gia cho rằng tình hình của Trung Quốc có thể trở nên trầm trọng hơn một cách đặc biệt do số lượng đàn ông gặp khó khăn trong việc tìm vợ, chứ chưa nói đến xây dựng một gia đình.

Xét cho cùng, tình trạng mất cân bằng giới tính ở Trung Quốc đang diễn ra nghiêm trọng - năm ngoái, số nam nhiều hơn nữ 34,9 triệu người.

Đây là kết quả của chính sách một con nghiêm ngặt của Trung Quốc, được đưa ra vào năm 1979 để làm chậm tốc độ tăng dân số.

Trong một nền văn hóa có lịch sử thích con trai hơn con gái, chính sách này đã dẫn đến việc buộc phải phá thai và một số lượng lớn bé trai chào đời từ năm 1980 trở đi.

Tiến sĩ Mu Zheng, khoa xã hội học của Đại học Quốc gia Singapore, nói: "Điều này đặt ra nhiều vấn đề cho thị trường hôn nhân, đặc biệt là đối với những người đàn ông có ít nguồn lực kinh tế xã hội hơn.

Năm 2016, chính phủ chấm dứt chính sách này và cho phép các cặp vợ chồng sinh hai con.

Tuy nhiên, cuộc cải cách đã không thể đảo ngược tỷ lệ sinh đang giảm của đất nước mặc dù đã tăng ngay sau đó hai năm.

'Ai dám có con trong tình huống này?'

Các chuyên gia cho rằng giảm sinh là do việc nới lỏng chính sách không đi kèm với những thay đổi khác hỗ trợ cuộc sống gia đình - chẳng hạn như hỗ trợ tiền cho giáo dục hoặc tiếp cận các cơ sở chăm sóc trẻ em.

Nhiều người chỉ đơn giản là không có khả năng nuôi con trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.

"Nhiều người lưỡng lự sinh con không phải do việc sinh đẻ mà là điều gì xảy ra sau đó", Tiến sĩ Mu nói.

Bà thêm rằng quan niệm về điều gì giúp người ta thành công cũng đã thay đổi ở Trung Quốc - ít nhất là với những người sống ở các thành phố lớn.

Nó không còn được định nghĩa theo cách truyền thống như kết hôn và sinh con - thay vào đó, nó là về sự phát triển cá nhân.

Đặc biệt, phụ nữ vẫn được coi là người chịu trách nhiệm chính trong chăm sóc con cái do quan niệm về giới tính.

Trong khi trên lý thuyết, Trung Quốc có 14 ngày cho cha mẹ nghỉ phép khi sinh con, nhưng nam giới ít khi lấy ngày phép này - và thậm chí hiếm nam giới nào làm cha toàn thời gian.

Những lo sợ như vậy có thể dẫn đến việc phụ nữ không muốn có con nếu họ cảm thấy rằng điều đó có thể làm giảm triển vọng nghề nghiệp của họ, Tiến sĩ Mu nói.

Trên mạng xã hội Trung Quốc, vấn đề này đang là một chủ đề nóng, với hashtag "tại sao thế hệ thanh niên này không muốn có con" được đọc hơn 440 triệu lần trên Weibo.

"Thực tế là không có nhiều công việc tốt ngoài kia dành cho phụ nữ, và những phụ nữ có công việc tốt sẽ muốn làm bất cứ điều gì cần thiết để giữ việc. Ai dám có con trong hoàn cảnh này?" một người đặt câu hỏi.

Trong khi một số thành phố đã mở rộng quyền lợi nghỉ thai sản trong những năm gần đây, cho phép phụ nữ lựa chọn xin nghỉ phép ngoài 98 ngày tiêu chuẩn, người ta nói rằng nó chỉ góp phần vào việc phân biệt giới tính tại nơi làm việc.

Vào tháng 3, một nữ giới đi xin việc ở Trùng Khánh đã bị một nhà tuyển dụng tiềm năng buộc phải đảm bảo rằng cô ấy sẽ nghỉ việc ngay khi mang thai.

Có quá muộn để đảo ngược tình thế?

Các chính sách hạn chế sinh sản dự kiến sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn trong tương lai gần. Các nguồn tin nói với Reuters rằng nó có thể xảy ra trong 3-5 năm tới.

Nhưng một số người đã kêu gọi Trung Quốc hủy bỏ các chính sách kiểm soát sinh sản ngay lập tức.

"Việc tự do hóa sinh đẻ nên xảy ra ngay bây giờ khi một số người dân vẫn muốn có con nhưng không được phép," các nhà nghiên cứu tại ngân hàng trung ương Trung Quốc viết trong bài báo đăng trên trang web của họ.

"Tự do hóa sinh đẻ là vô ích khi không ai muốn có con... chúng ta không nên chần chừ."

Nhưng một số chuyên gia cho rằng cần thận trọng khi chỉ ra sự chênh lệch quá lớn giữa người dân thành phố và người dân nông thôn.

Nhiều phụ nữ sống ở các thành phố đắt đỏ như Bắc Kinh và Thượng Hải có thể muốn trì hoãn hoặc tránh sinh con, những người ở nông thôn có thể vẫn theo truyền thống và muốn có gia đình lớn, họ nói.

Một người trong ban chính sách nói với Reuters: "Nếu chúng ta giải phóng chính sách, người dân ở nông thôn có thể sẵn sàng sinh con hơn so với người ở thành phố và có thể có những vấn đề khác."

Có vẻ như không có giải pháp chung cho tất cả, nhưng chuyên gia nhân khẩu học, Tiến sĩ Jiang Quanbao từ Đại học Giao thông Tây An lạc quan rằng Trung Quốc vẫn có thể đảo ngược tình trạng khủng hoảng dân số của mình.

Trong khi tỷ lệ sinh đang giảm, nó có tính "đàn hồi" vì nó vẫn là tiêu chuẩn xã hội đối với người Trung Quốc: kết hôn và sinh con, ông nói.

Ông nói thêm rằng điều kiện là phải có thêm các biện pháp hỗ trợ gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ, chẳng hạn, thì mới có hy vọng thay đổi: "Vẫn chưa muộn".

Ngay cả Lili * cũng có thể bị thuyết phục để thay đổi ý định.

"Nếu bọn trẻ không phải cạnh tranh nhiều để có được những nguồn lực cần thiết, tôi có thể cảm thấy sẵn sàng hơn về mặt tinh thần và bớt căng thẳng hơn về việc có con. Mẹ tôi sẽ rất vui khi nghe điều này," cô nói.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn