“Nhát dao” của Trung Quốc vào sân sau của Mỹ

Thứ Tư, 27 Tháng Mười Hai 20178:00 SA(Xem: 6686)
“Nhát dao” của Trung Quốc vào sân sau của Mỹ
photo1513756669006-1513756669006

Theo South China Morning Post (SCMP), nếu “gật đầu” đồng ý, đất nước nổi tiếng với các loại gia vị và bãi biển này sẽ là chính phủ đầu tiên trên thế giới chịu áp dụng hoàn toàn kế hoạch phát triển của Trung Quốc, đánh dấu một sự gia tăng ảnh hưởng lớn của Bắc Kinh ở khu vực!

Nhiều “khoảng tối”

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi tháng rồi cho biết Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) sẽ giúp Grenada thảo một chiến lược phát triển quốc gia, theo yêu cầu từ nước này.

Theo đó, chính phủ Grenada khẳng định đảm bảo chịu trách nhiệm chính với sự phát triển của đất nước mình và Trung Quốc sẵn sàng cung cấp những hỗ trợ cần thiết dựa trên yêu cầu phát triển kinh tế và xã hội của Grenada.

Ông Wang Yingjie, nhà nghiên cứu dẫn đầu công cuộc phác thảo kế hoạch chiến lược phát triển quốc gia Grenada nói với SCMP rằng kế hoạch đã hoàn thành gần đây và sẽ trao tay chính phủ Grenada.

Bản kế hoạch của Bắc Kinh tập trung vào xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ cho đất nước nhiệt đới nhỏ bé với dân số chưa đầy 100.000 người này. Trong đó bao gồm xây dựng một đường cao tốc nối các thị trấn lớn với đảo chính của Grenadia và một hệ thống đường sắt bao quanh.

Cũng theo kế hoạch này, các cảng nước sâu được xây dựng để có thể điều tiết số lượng lớn các tàu hàng và du thuyền, một trang trại gió lớn sẽ thay thế các máy phát điện chạy bằng nhiên liệu diesel, bên cạnh đó còn có một sân bay hiện đại hóa với nhiều đường băng hơn. Nó cũng mở rộng tương lai cho Grenada như một thiên đường thuế nước ngoài cho các công ty và cá nhân.

Trang web của văn phòng cố vấn thương mại và kinh tế tại Đại sứ quán Trung Quốc tại Grenada nói rằng các chuyên gia Trung Quốc liên quan tới dự án đã tới thăm Grenada vào tháng 8-2016 và gặp các quan chức chính phủ liên quan tới các lĩnh vực ngoại giao, phát triển kinh tế, du lịch, nông nghiệp, công nghiệp và giáo dục.

Các công ty Trung Quốc cũng đã tham gia vào nhiều dự án hạ tầng của quốc đảo xinh đẹp này, trong đó có xây dựng sân vận động thể thao quốc gia và các dự án nhà ở, sửa chữa, khắc phục hậu quả sau bão.

Ông Wang –vốn là một nhà nghiên cứu của Viện Khoa học Địa lý và Tài nghiên thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc tại Bắc Kinh, nói rằng kế hoạch của Trung Quốc dựa trên mức độ phát triển kinh tế hiện tại của Grenada và các mục tiêu đều dự tính đạt được trong một thập niên.

Tuy nhiên, nhiều phần của kế hoạch lại được giữ bí mật. “Không thể thảo luận công khai các chi tiết của kế hoạch mà không có sự bật đèn xanh của chính phủ”- ông Wang nói.

Bộ Ngoại giao Grenada và Đại sứ quán Grenada tại Bắc Kinh đều không trả lời những chất vấn từ SCMP.

Nhạy cảm chính trị

Một viên quản lý khách sạn ở Grenada cho hay không có nhiều du khách Trung Quốc tại nước này, phần lớn du khách đến từ châu Âu, Mỹ hoặc Canada. Nhưng cư dân quốc đảo này nói chung không khó nhận ra “dấu ấn” của Trung Quốc khi rất nhiều dự án hạ tầng trong nước đều đang có bàn tay của đầu tư Trung Quốc.

Theo lời người này, cư dân địa phương muốn bất cứ thỏa thuận song phương nào cũng phải minh bạch và sòng phẳng, và phần lớn đều không hay biết Trung Quốc đã phác thảo kế hoạch phát triển quốc gia cho Grenada.

“Chúng tôi không thể chấp nhận một thỏa thuận trừ khi nó dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và hai bên cùng có lợi”- ông này nói.

Nhát dao của Trung Quốc vào sân sau của Mỹ - Ảnh 1.

Người dân Grenada muốn các thỏa thuận phải minh bạch. Ảnh: Telegraph

Trong khi đó, tài liệu của nhóm chuyên trách của Trung Quốc về kế hoạch phát triển này được chia sẻ tại một hội thảo học thuật trong nước mới đây cho thấy nhóm này đã cảnh báo rằng viễn cảnh phát triển vạch ra trong kế hoạch sẽ không thể đạt được trừ khi chính phủ Grenada có các biện pháp mạnh tay và hiệu quả để đảm bảo và bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài.

Trung Quốc đang cực kỳ tích cực tham gia vào các dự án hạ tầng ở nhiều quốc gia Caribe khác.

Hồi đầu năm, Công ty Xây dựng Viễn thông Trung Quốc vừa ký một hợp đồng 1 tỉ USD với chính phủ Panama xây dựng một cảng nước sâu, trong khi hãng Công trình Cảng Trung Quốc và chính quyền Jamaica ký kết một thỏa thuận xây dựng siêu cảng trị giá 1,5 tỉ USD.

Guyana, Barbados và Bahamas cũng đều nhận viện trợ và đầu tư trực tiếp từ nền kinh tế số 2 thế giới trong những năm gần đây.

Tiến sĩ Tan Daoming, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Mỹ Latinh thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung quốc tại Bắc Kinh, nhận định Grenada đóng vai trò nhạy cảm trong chính trị khu vực.

“Grenada là một trong những nạn nhân lớn nhất của sự can thiệp quân sự Mỹ trong những thập kỷ gần đây. Họ đã thúc đẩy sự nổi lên của các đảng cánh tả và quan điểm chống Mỹ đã lan rộng ở hầu khắp các nước Mỹ Latinh”- ông Tan cho biết.

Năm 1983, Nhà Trắng của chính phủ Reagan coi việc xây dựng một sân bay ở nút phía Nam đảo chính của Grenada – cách TP Miami của Mỹ hơn 2.500km, là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ. Dự án này do Anh (Grenada là thuộc địa cũ của Anh) đề xuất và Canada thiết kế, nhưng lại được xây dựng với sự trợ giúp của các nhân công xây dựng Cuba.

Chính phủ Mỹ lo ngại đường băng dài 3 km của dự án này đủ dài để một chiếc máy bay chở hàng của Liên Xô lúc đó hạ cánh với các mặt hàng chiến lược sẽ giúp mở rộng tầm ảnh hưởng của Liên Xô trong khu vực.

Sáu ngày sau khi thủ tướng Grenada lúc đó – ông Maurice Bishop – bị xử tử sau một cuộc đảo chính quân sự, Tổng thống Mỹ lúc đó Ronald Reagan đã phát động chiến dịch Urgent Fury ngày 25-10-1983 với tuyên bố ông muốn bảo vệ sinh viên và công dân Mỹ trên hòn đảo.

Hơn 7.000 binh lính Mỹ đã được huy động tới Grenada trong chiến dịch do Mỹ dẫn đầu vốn còn có sự tham gia của một số nước Caribe khác.

Hơn 100 quốc gia, trong đó có nhiều đồng minh lâu đời của Mỹ như Anh, Canada, đều lấy làm tiếc sâu sắc vì cuộc xâm lược vũ trang này trong một nghị quyết thông qua tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thang 11-1983.

Lời hứa của Trung Quốc

Theo phân tích của ông Wang, diễn biến này chính là một trong những lý do quan trọng nhất phía sau những thay đổi kịch tính trong bức tranh chính trị ở Mỹ Latinh từ những năm 1990.

Nhà nghiên cứu này cho biết Trung Quốc nay tới với tiền và một lời hứa không can thiệp vào chính trị trong nước và sẵn sàng chia sẻ những bài học phát triển kinh tế thần tốc với các nước Mỹ Latinh.

Tuy nhiên, nhà sử học Jared Ward thuộc ĐH Akron – chuyên nghiên cứu quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Caribe trong Chiến tranh lạnh, cảnh báo rằng sự gia tăng hiện diện của Trung Quốc ở các vấn đề ở Caribe có thể là một nhát dao luồn lách vào sự ảnh hưởng của Mỹ ở Bán cầu Tây vào thời điểm mà Washington đang đẩy mạnh sức ép lên Bắc Kinh ở biển Đông.

“Vào lúc mà Washington đang cáo buộc Trung Quốc bắt nạt các nước nhỏ hơn ở biển Đông, Bắc Kinh luôn nêu cao vấn đề các nước Caribe như minh chứng cho chủ nghĩa nước lớn trong lịch sử của Mỹ” – ông Ward viết trong bài báo trên trang Jamestown Foundation hồi tháng 7.

“Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang là mục tiêu của những chỉ trích từ những nỗ lực tương tự của họ ở các quốc gia đang phát triển. Các công ty địa phương thường không có cửa trong các dự án (của Trung Quốc), tất cả các hợp đồng đều dành cho các công ty Trung Quốc thông qua một quy trình hết sức bí mật. Thêm vào đó, những hứa hẹn tạo việc làm từ các dự án Trung Quốc thường không đi đến đâu và rồi họ chỉ dùng chủ yếu nhân công Trung Quốc” – ông Ward chỉ rõ.

theo Người Lao Động

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn