Hiểm họa khí hậu : Ngành ngân hàng thế giới tỉnh giấc

Chủ Nhật, 28 Tháng Mười 201811:00 SA(Xem: 4670)
Hiểm họa khí hậu : Ngành ngân hàng thế giới tỉnh giấc

mediaLũ lớn tại Villegailhenc, tỉnh Aude, miền nam nước Pháp, ngày 15/10/2018.ERIC CABANIS / AFP

Trận lũ lịch sử tại tỉnh Aude miền nam nước Pháp, sườn đông dãy Pyrénées - hiện đang tiếp diễn - là chủ đề trang nhất của hầu hết các nhật báo Pháp hôm nay, 16/10/2018. Các chuyên gia nói đến viễn cảnh mưa lớn và khô hạn sẽ ngày càng dữ dội và nhiều hơn tại vùng Địa Trung Hải, do biến đổi khí hậu. Chuyên san kinh tế của Le Monde có bài nhận định về sự thức tỉnh của ngành ngân hàng thế giới, trước nguy cơ biến đổi khí hậu gây tổn hại nặng nề cho kinh tế toàn cầu, và sẽ là quá trễnếu không hành động khẩn cấp.

Bài viết mang tựa đề « Thay đổi không khí trong ngành tài chính » của nhà báo Philippe Escande (1) mở đầu với « một biến chuyển đáng chú ý », cho dù chưa phải là « một bước ngoặt » (từ « climat » trong nhan đề bài viết, được dịch là « không khí », nhưng cũng có nghĩa là « khí hậu »). Hôm thứ Bảy, 13/10 vừa qua, trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh CBS, tổng thống Mỹ Donald Trump « lần đầu tiên khẳng định một cách rõ ràng » là « biến đổi khí hậu không phải là một chuyện lừa đảo» (2).

Đây là một thay đổi khác thường, bởi từ năm 2012 đến nay, Donald Trump liên tục bác bỏ thực tế này, và thậm chí từng gán cho Trung Quốc đã tìm mọi cách bịa chuyện để « phá hoại khả năng cạnh tranh của công nghiệp Mỹ ».

Theo nhà báo Le Monde, cho dù, trong các phát biểu hôm qua, tổng thống Mỹ chưa thừa nhận tác động của con người đến biến đổi khí hậu, và cam đoan là « sẽ không ném hàng tỉ đô la và hàng triệu chỗ làm của người Mỹ vào cuộc chiến không chắc chắn này », thế nhưng ắt hẳn ông ta sẽ thay đổi quan điểm. Bởi cùng với các trận bão, khô hạn lớn, và nhiều thiên tai kinh khủng khác đang ngày càng diễn ra dồn dập, thì áp lực của xã hội dân sự và toàn bộ nền kinh tế sẽ buộc Donald Trump phải thay đổi lập trường.

Đầu não kinh tế tư bản

Các áp lực buộc tổng thống Mỹ phải thay đổi đến ngay từ sự chuyển động của ngành tài chính – ngân hàng, đầu não của bộ máy kinh tế tư bản chủ nghĩa.

Hôm qua, thứ Hai 15/10, Ngân Hàng Trung Ương Anh Quốc (BoE) có kế hoạch ra lệnh cho các ngân hàng và các công ty bảo hiểm, mà BoE có trách nhiệm giám sát, phân công một thành viên ban lãnh đạo, phụ trách đánh giá những nguy cơ về dài hạn đối với các đầu tư, liên quan đến biến đổi khí hậu. Cho đến nay, theo BoE, chỉ có 10% ngân hàng, dưới quyền quản lý của BoE, là chú ý đến các tác động của biến đổi khí hậu. Một số ngân hàng đã quyết định thoái vốn khỏi than đá, khí đá phiến, dầu cát…, nhưng xét về toàn thể là không đủ mức.

Không chỉ có các ngân hàng Anh Quốc. Hôm 12/10, một mạng lưới 18 ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới (ngân hàng Mỹ không tham gia) ra báo cáo tái khẳng định hiểm họa tài chính do biến đổi khí hậu đòi hỏi phải hành động khẩn (3). Thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Pháp, ông François Villeroy de Galhau, đề xuất ý tưởng làm trắc nghiệm về « khả năng kháng cự » trước biến đổi khí hậu, tương tự như đã làm về khả năng kháng cự trước các kịch bản suy thoái, khủng hoảng kinh tế vĩ mô.

Theo nhà báo Le Monde, tâm lý lo ngại với Trái đất bị hâm nóng đang đè nặng lên nền tài chính thế giới, và chính tại Washington, không khí cũng đang « nóng lên ».

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn