Chiến tranh thương mại : Trump thắng hiệp đầu, Tập chờ phục hận

Thứ Bảy, 01 Tháng Chín 201810:34 CH(Xem: 5212)
Chiến tranh thương mại : Trump thắng hiệp đầu, Tập chờ phục hận

Trong bài « Khi con rồng Trung Quốc lấy lại sức », Le Point nhận định, cuộc tấn công của Donald Trump đã mang lại kết quả trong trận chiến thương mại giữa hai cường quốc. Tuy nhiên Bắc Kinh vẫn đang ra sức triển khai kế hoạch bành trướng của mình.

Hôm 23/08/2018, Hoa Kỳ loan báo tăng thuế hải quan 25% lên 279 mặt hàng Trung Quốc, có tổng giá trị 16 tỉ đô la. Mục tiêu tấn công là kế hoạch « Made in China 2025 » tập trung vào chất bán dẫn, lãnh vực công nghệ và phụ tùng thay thế. Bắc Kinh lập tức ăn miếng trả miếng, nhắm vào các sản phẩm có thể gây tác động chính trị. Tổng cộng 100 tỉ đô la hàng hóa bị ảnh hưởng, thương mại quốc tế bị sụt giảm 0,5%. Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét tăng thuế 10% lên 200 tỉ đô la hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào mùa thu này.

Le Point nêu ra ba vấn đề. Thứ nhất là công nghệ : Hoa Kỳ sống lại cú sốc như hồi năm 1957 - Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik lên vũ trụ - khi phát hiện những tiến bộ của Trung Quốc trong lãnh vực không gian, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo. Thứ hai là tài chính, khi Broadcom muốn mua Qualcomm. Vấn đề thứ ba mang tính chiến lược : kế hoạch bành trướng thông qua việc tài trợ các dự án đầu tư, giúp Bắc Kinh kiểm soát được nhiều cơ sở hạ tầng và tài sản quan trọng, thậm chí nắm trong tay được cả một đất nước, nhờ lượng ngoại hối dự trữ lên đến 3.200 tỉ đô la.

Cuộc tiến công của Donald Trump đã đạt hiệu quả. Tăng trưởng Trung Quốc không thể vượt mức 6%, thị trường chứng khoán Thượng Hải sụt mất 20%, vốn đầu tư đổ xô chạy ra khỏi Hoa lục. Nhiều dự án trong khuôn khổ « Con đường tơ lụa mới », nhất là ở Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ethiopia vấp phải khó khăn tài chính. Trong nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc, nổi lên những chỉ trích đối với Tập Cận Bình về tham vọng trở thành siêu cường lãnh đạo thế giới, và bộ mặt đế quốc không che giấu.

Ông Tập không còn có thể theo đuổi mục tiêu cải cách mô hình kinh tế, giảm bớt công nợ, mà buộc lòng phải nới lỏng chính sách tiền tệ, mở van tín dụng cho các chính quyền địa phương và doanh nghiệp quốc doanh. Những món vay mới tăng lên 75% chỉ trong vòng một năm, trong khi nợ công Trung Quốc đã vượt quá 250% GDP.

Hiện thời Trung Quốc vẫn chưa dùng đến những vũ khí khác như trả đũa các công ty Mỹ, bán ra trái phiếu Mỹ, không bán đất hiếm…Bắc Kinh vẫn bị lệ thuộc vào công nghệ Mỹ, mà vụ ZTE là bằng chứng.

Tuy nhiên theo L’Express, chưa hẳn là Bắc Kinh thua cuộc trong trận chiến thương mại Mỹ-Trung. Nền kinh tế nước này chiếm 19% GDP toàn cầu, sở hữu những tài sản khổng lồ trên thế giới, và đang thống trị khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Về địa chính trị, Trung Quốc nhảy vào thay chân ở những nơi bị ông Trump trừng phạt, và xây dựng một trục thù địch với Mỹ, thông qua liên kết với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran.

Tờ báo kết luận, trong một thế giới tăng trưởng chậm hơn, bất ổn hơn, chiến lược của ông Donald Trump đi ngược lại với Nixon và Kissinger trong thập niên 70. Tổng thống Mỹ hiện nay làm phương Tây chia rẽ, tách rời nước Mỹ khỏi các đồng minh. Bắc Kinh thích ứng ngay, đẩy nhanh tiến trình trở thành đệ nhất đại cường của thế kỷ 21. Phía sau « One Belt, One Road » (Một vành đai, một con đường) hơn bao giờ hết là một mưu đồ đế quốc « One world, one China, China number one » (Một thế giới, một Trung Quốc, Trung Quốc là số một).

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn