Ông Trần Huỳnh Duy Thức kêu gọi ủng hộ ba tù nhân chính trị đang tuyệt thực ở Trại giam Số 6

Thứ Ba, 01 Tháng Mười 20246:00 SA(Xem: 589)
Ông Trần Huỳnh Duy Thức kêu gọi ủng hộ ba tù nhân chính trị đang tuyệt thực ở Trại giam Số 6

Ông Trần Huỳnh Duy Thức, một cựu tù nhân lương tâm nổi tiếng vừa bị “cưỡng bức đặc xá” khỏi Trại giam số 6, lên tiếng kêu gọi mọi người ủng hộ ba tù nhân chính trị đang tuyệt thực tại trại giam này.

Việc tuyệt thực được gia đình tù nhân chính trị Trịnh Bá Tư cho RFA hay trong ngày 27/9. Cụ thể, ông Bá Tư cùng Bùi Văn Thuận và Đặng Đình Bách bắt đầu tuyệt thực từ ngày 28/9. 

Mục đích là yêu cầu nhà nước Việt Nam phải thả hết các tù nhân chính trị, đồng thời phản đối chế độ giam giữ khắc nghiệt của cán bộ Trại giam số 6, Thanh Chương (Nghệ An).

Trong ngày 29/9, RFA đã có cuộc phỏng vấn với cựu TNLT Trần Huỳnh Duy Thức. Đây là cuộc phỏng vấn chính thức của ông Thức với RFA kể từ sau khi ông bị “cưỡng bức đặc xá” hôm 20/9. 

Cao Nguyên: Xin chào ông, ông có biết những dự định về cuộc tuyệt thực của ba TNLT ở Trại giam số 6 hay không?

Ông Trần Huỳnh Duy Thức: Tôi có biết. Tại vì ở trong đó hầu hết là chúng tôi nói chuyện thật to qua cửa sổ phía sau để cho mọi người nghe. 

Nếu như tôi không ra tù vào ngày 20/09 thì hôm nay tôi đã cùng với anh em tuyệt thực rồi. Tôi sẽ dẫn dắt mọi người ở đó. Chúng tôi đã bàn bạc với nhau là nên kêu gọi cái gì và nên làm vào lúc nào. Nói chung là việc đó công khai hết mà.

Cao Nguyên: Ông có lời nhắn nào tới mọi người và các tổ chức nhân quyền Quốc tế  về cuộc tuyệt thực này?

Ông Trần Huỳnh Duy Thức: Thưa mọi người, bạn bè trong nước và quốc tế, hiện nay đang có ba con người dũng cảm ở Trại giam số 6 đang cùng nhau tuyệt thực tập thể để kêu gọi, thứ nhất là nhà nước cần phải phóng thích tù nhân chính trị để mở đường cho một cuộc dân chủ hoá, đưa đất nước bước đến một cuộc chuyển mình vĩ đại. Tôi nghĩ rằng đó là một thông điệp đánh thức sự quan tâm của mọi người cho vận nước.

Thứ hai, nó ảnh hưởng đến cuộc sống của rất nhiều người ở trong tù hiện nay và chẳng đặng đừng thì các anh em ở đấy mới phải sử dụng tới biện pháp tuyệt thực để đòi hỏi điều kiện sống cơ bản, quyền cơ bản mà luật pháp bảo vệ. 

Mà tôi nói đây là luật pháp Việt Nam chứ chưa nói tới luật pháp quốc tế, nhưng mà kể cả luật pháp Việt Nam hiện nay cũng đang bị chà đạp một cách nghiêm trọng bởi những người đứng đầu phân trại 1, Trại giam số 6. Điều đó thực sự không phải là điều dễ dàng gì mà các anh em đó đã quyết tâm cùng nhau tuyệt thực tập thể.

Dù tôi đã ra khỏi trại giam một cách bị cưỡng bức thì các anh em vẫn làm tiếp, như vậy thì tôi biết rằng các điều kiện ở đó sau khi tôi về nó không có gì cải thiện cả.

Khi tôi bị cưỡng chế, người ta khiêng tôi ra khỏi trại giam thì tôi đã nói rất to cho các anh em nghe và các anh em đều lên tiếng phản đối rất quyết liệt. 

Tôi không biết là sau đó có gì xấu hơn cho điều kiện sống của anh em trong đó hay không, còn nếu nó được cải thiện thì tôi không nghĩ là anh em đã phải tiếp tục làm như vậy.

Cho nên, tôi rất là mong muốn mọi người hãy cùng nhau lên tiếng, đánh động lương tâm đến tất cả. Làm sao để những tiếng nói của chúng ta lên được các cấp quản lý, lãnh đạo của đất nước này và yêu cầu Trại giam số 6 phải thực hiện cho đúng luật pháp để bảo vệ quyền con người, cụ thể là cho từng người, kể cả những người đang phải thi hành án phạt tù. 

Cao Nguyên: Là người từng ở đây trước khi ra tù hôm 20/9, ông có thể chia sẻ về điều kiện giam giữ của trại giam này?

Ông Trần Huỳnh Duy Thức: Tôi ở Trại giam Số 6 hơn tám năm nay. Bảy năm trước đó thì cũng không tới nỗi, cũng có vấn đề này vấn đề kia nhưng mà sau khi chúng tôi đấu tranh thì họ biết lắng nghe phần nào và họ điều chỉnh.

Tôi về Trại giam số 6 là vào tháng 5/2016. Từ thời điểm đó trở đi, sau khi tôi đấu tranh thì mọi người được ra ngoài chơi với nhau vào thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật và vào những ngày lễ công cộng của đất nước. Mọi người, từ sáng đến chiều, được vui chơi với nhau, trao đổi với nhau, đánh cờ hoặc chơi thể thao vào những ngày đó.

Việc đó đã kéo dài rất lâu. Mãi đến tháng tám năm ngoái thì phân trại 1 của Trại giam số 6 có một phó giám thị mới là ông thượng tá Thái Văn Thủy. Từ khi ông ấy về thì ông ấy bắt đầu có hàng loạt các biện pháp mà chúng tôi cho rằng là trấn áp và trả thù, trả đũa và trù dập.

Ví dụ, cá nhân tôi có những cái máy chăm sóc sức khỏe như máy đo đường huyết, huyết áp, máy đo SPO2…, và tôi đã xài từ bảy năm trước rồi. Bỗng dưng từ khi ông ấy về là ông ấy cho lệnh vào với danh nghĩa xét buồng để lấy đồ cấm, nhưng lại lấy tất cả đồ của chúng tôi ra, kể cả cái đèn để đọc sách vào ban đêm thì cũng bị lấy ra hết.

Vấn đề là họ lấy ra mà không hề lập biên bản thu giữ đồ cấm theo đúng quy định. Họ lấy ngang nhiên ra vậy thôi. Chúng tôi đã phản đối và không cho phép lấy thì họ dùng vũ lực, rất đông người vào và cứ thế họ lấy thôi. Chúng tôi yêu cầu lập biên bản thu giữ để có căn cứ làm khiếu nại nhưng mà họ cứ làm thôi và họ chả cần phải trả lời gì cả.

Trước khi ông Thái Văn Thuỷ về thì những chuyện đó chưa bao giờ xảy ra cả. Chúng tôi phản đối rất là nhiều dẫn tới chuyện trù dập, đàn áp rất nhiều thứ. Kể cả cho những người tù hình sự cầm dao vào để đe dọa chúng tôi, chặt phá những cái cây đu đủ hoặc những hoa màu mà mấy anh em trồng ở trong đó thì họ phá nát hết.

Nói chung, tôi thấy cái việc đó nó không những vô nhân tính mà nó còn vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng. Đó là một trong rất nhiều chuyện mà tôi và các anh em ở trong đó đã phải trải qua.

Sau đó, khi mọi người phản đối quá thì ông ta đã cắt nước sôi. Trước đó, từ khi tôi về trại giam này là người ta cấp nước sôi đầy đủ ba buổi, lúc nào cũng có. 

Ông Thái Văn Thủy về là ông ấy cắt hết tất cả nước sôi và anh em phải ăn mì lạnh, mì gói mà chế nước lạnh vào, trong một thời gian dài cũng phải 4 - 5 tháng. Anh em phản đối quá thì cuối cùng cũng phải cấp lại nước sôi nhưng mà họ bán và mọi người phải trả tiền. Có người không có tiền thì làm sao mà mua. Nói chung là anh em cũng phải chia sẻ, san sẻ với nhau để mà sống.

Rồi chúng tôi lại phản đối về chuyện chất lượng ăn uống khẩu phần cấp phát. Chúng tôi yêu cầu phải kiểm soát việc cấp phát khẩu phần và cuối cùng kết quả chúng tôi nhận được đó là cái “chuồng cọp”.

Tôi cần phải nói một chút để mọi người hiểu cái “chuồng cọp” là như thế nào.

Cái buồng ngủ của chúng tôi bị khóa từ 5:30 chiều cho tới khoảng 5:30 sáng, là khoảng hơn 12 tiếng đồng hồ ở trong cái buồng nhỏ. Mà trời ở ngoài, nhất là mùa hè thì nóng khủng khiếp. Gió lào thổi vào kín trong cái phòng là khủng khiếp lắm. Chờ cho qua một đêm 12 tiếng là đã rất mệt mỏi rồi, chỉ chờ cho tới 5:30 sáng người ta mở cửa cho mình đi ra ngoài. 

Từ cái cửa buồng giam của mình cho tới ra ngoài là một khoảng sân khoảng chừng hai ba chục mét vuông. Mọi người trong buồng đều có thể đi lại trong cái khoảng sân đó để tập thể dục, thậm chí là còn có một khoản đất nhỏ để nếu người nào thích thì có thể trồng rau để ăn.

Nhưng mà từ ngày 18/4 vừa rồi, lệnh của ông Thái Văn Thủy là đóng cái cửa “chuồng cọp”. Từ buồng ngủ của chúng tôi đi ra gặp thêm một cái hàng rào song sắt (gọi là cửa “chuồng cọp" - PV). Diện tích của mỗi ô vuông bằng sắt đó chỉ có một mét vuông thôi. Cái cửa đó lâu nay không có đóng nhưng mà hôm đó ông ta đã ra lệnh đóng cái “chuồng cọp” đó lại và chúng tôi, sau hơn 12 tiếng ở trong buồng giam, không thể ra ngoài được.

Nó rất là bức bách và những chế độ để cho anh em có thể gặp nhau trao đổi riêng tư hoặc chơi cờ trong những ngày thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ là bị hủy bỏ luôn.

Tôi yêu cầu ông ta là muốn làm gì thì phải ban hành một cái văn bản công bố cho rõ ràng, chế độ như thế nào, dựa vào căn cứ luật pháp như thế nào để mọi người căn cứ trên đó mà thực hiện.

Nếu nó không đúng căn cứ pháp luật, nếu dẫn cứ không đúng về pháp luật chúng tôi còn có thể dựa trên đó mà khiếu nại. Mặc dù mọi người yêu cầu nhưng vẫn không có văn bản nào cả.

Từ ngày 18/4 thì tôi nhận thấy rất rõ là sức khỏe của nhiều người xuống rất trầm trọng. Có những người ở trong đó đã gần 80 tuổi rồi, cũng có những người đủ thứ bệnh mà ở trong một không gian bí bách như vậy thì thực sự là kinh khủng.

Sau đó đấu tranh quá thì họ cũng mở cho một ngày ra khỏi cái “chuồng cọp” được một vài tiếng để trồng rau. Nói chung là nó cũng chả có một cái lịch cụ thể nào cả, vô lối lắm.

Tôi nghĩ rằng nếu muốn kể hết những câu chuyện vô lối, vô luật ở đó thì nếu nói như thế này tôi phải mất 10 tiếng đồng hồ cũng chưa nói hết.

Cao Nguyên: Ông có biết ở trong đó hiện giam giữ khoảng bao nhiêu tù nhân chính trị? 

Ông Trần Huỳnh Duy Thức: Thời điểm tôi ra khỏi tù là tôi ở buồng số 1 cùng với một ông tù hình sự. Buồng số 2 là có anh Trịnh Bá Tư và  Đặng Đình Bách. Buồng số 4 là có ba người trong đó có anh Bùi Văn Thuận. 

Ở phân trại trại 1 là khoảng chín người. Lúc tôi đi họ không bổ sung ai hết thì còn lại tám người. Còn ở bên phân trại 2, tôi có nghe anh Bùi Văn Thuận nói anh ấy chuyển từ phân trại 2 qua từ tháng 4 năm nay thì tôi nghe nói là có 8 người. 

Nhưng mà, đặc biệt là cùng một cái trại giam, anh Thuận vừa chuyển từ bên trại K2 về thì họ mở cửa suốt họ không có bất kỳ một sự hạn chế nào cả. Nó kỳ lạ như vậy.

Bên đó không có cửa “chuồng cọp”, cũng không có các bức tường ngăn giữa hai khoảng sân của các buồng với nhau. Tức là ra khỏi buồng ngủ là mọi người vẫn có thể gặp nhau hàng ngày nhưng ở trại K1 của chúng tôi thì mọi người chỉ có thể gặp nhau vào thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ, trước khi đóng cái “chuồng cọp” đó thôi.

Ý tôi muốn nói là việc áp dụng pháp luật rất tùy tiện và nó tùy thuộc vào con người. Ở đây không ai cho phép một chế độ giam giữ như vậy cả và nó mang tính cá nhân và trù dập con người.

Cao Nguyên: Đối với một số người ở bên ngoài, việc nhịn ăn dù chỉ hai ba ngày đã rất khó khăn rồi, huống hồ gì đối với các tù nhân chính trị phải tuyệt thực trong dài ngày. Theo kinh nghiệm của ông thì khó khăn nhất trong việc tuyệt thực của các tù nhân chính trị là gì và động lực nào giữ các ông đi đến cùng để đạt được mục đích của mình? 

Ông Trần Huỳnh Duy Thức: Tôi nghĩ khó khăn nhất là vượt qua những hành động lẫn không hành động có thể tác động đến tinh thần của con người. 

Sau đó phải rèn luyện được một khả năng để thu nhận năng lượng không phải qua ăn uống. Đây là một phương pháp, mà vì tôi đã trải qua nhiều rồi và tôi đã biết và đã trao đổi lại với anh em.

Tôi đã từng trải qua tuyệt thực rất là nhiều lần. Tôi biết rằng con người không chỉ nhận năng lượng qua thực phẩm, mặc dù đó là cách thức phổ biến nhất cho con người nhưng nó vẫn có những cách thức đặc biệt mà chúng ta có thể nhận năng lượng qua những người ủng hộ mình. Đủ để chúng ta duy trì ở trong một trạng thái mà chúng ta tiêu thụ năng lượng ít nhất và điều đó nó đã diễn ra rồi.

Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là mục tiêu, lý tưởng và ý chí giúp cho những người tù chính trị chúng tôi khi tuyệt thực có được sức mạnh tinh thần rất là lớn để vượt qua được những khó khăn. 

Cơn đói ở những ngày đầu tiên là nó ghê gớm nhất, trong khoảng từ bảy đến 10 ngày. Nhưng khi chúng ta đã vượt qua được rồi thì cái trạng thái năng lượng của chúng ta tiêu thụ rất ít và ta có thể tập được. Khi đạt được trạng thái cân bằng thì với nguồn năng lượng mà chúng ta nhận được tiếp dẫn từ bên ngoài có thể giúp chúng ta duy trì được vài chục ngày. 

Một lần nữa tôi vẫn nói rằng đó là một điều mà tôi rất mang ơn những người đã ủng hộ tôi trong thời gian qua đã giúp tôi. Đặc biệt là gia đình, bạn bè, các tổ chức đã ủng hộ và đồng hành cùng tôi và đó là một nguồn năng lượng rất là lớn.

Nó không phải là một cái điều gì đó phản khoa học đâu. Nó là một điều mà khoa học chưa hiểu hết được mà những người như tôi đã trải qua rồi và hiểu được.

Cao Nguyên: Lúc tuyệt thực như vậy thì sự chăm sóc y tế của trại giam đối với mình như thế nào? Họ có kiểm tra sức khỏe mình mỗi ngày không hay là họ bỏ mặt mình?

Ông Trần Huỳnh Duy Thức: Về nguyên tắc thì họ phải vào thăm. Họ đề nghị kiểm tra sức khỏe. Nhưng mà, kiểm tra sức khỏe của họ đơn giản chỉ là vào cân và đo huyết áp rồi họ lập một biên bản để nói là vẫn đủ điều kiện để thi hành án.

Bao nhiêu lần họ đều làm như vậy. Cho nên, bây giờ tuyệt thực, khi họ vào hỏi là các anh có cần khám sức khỏe không thì ai cũng trả lời là không. Bởi vì nó chả có tác dụng gì ngoài việc để cho họ lập một cái biên bản là đủ điều kiện để thi hành án.

Cao Nguyên: Ông thấy việc tuyệt thực dài ngày ảnh hưởng như thế nào đối với sức khỏe của những người tuyệt thực như các tù nhân chính trị?

Ông Trần Huỳnh Duy Thức: Tôi nghĩ là nó phụ thuộc vào rất nhiều vào khả năng rèn luyện của từng người. Nếu mà chúng ta chưa có sự rèn luyện tốt thì tôi nghĩ là chưa có cách để nhận năng lượng đặc biệt thì tuyệt thực có thể sẽ gây cho chúng ta nhiều tác hại. 

Tuy nhiên nếu như chúng ta rèn luyện được thì nó cũng có những điểm tốt. Lúc đó là lúc để cơ thể chúng ta thanh lọc hết. Chúng ta không phải nạp vào một số chất không tốt cho mình. Đó là lúc để chúng ta đào thải những chất mà không tốt cho cơ thể.

Tôi thì đã nhiều lần tuyệt thực rồi, có lần mọi người cho là khủng khiếp, nhưng sau những lần như vậy tôi đều có thể phục hồi rất nhanh và rất tốt. Sau những lần như vậy tôi thấy kể cả thể chất lẫn tinh thần của tôi đều lên hết.

Cao Nguyên: Một lần nữa, chân thành cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
VIDEO HNPD
Video HNPD 

"Vietnam ! Việtnam !", tài liệu được giải mã. (phụ đề Việt ngữ)

          (muốn phóng hình lớn, click vào ô vuông bên phải phía dưới khung hình)



n đài VOA (Bấm để xem thêm)
Giao Kèo
Web tham khảo