Ông Brian Niccol sẽ chính thức trở thành CEO Starbucks vào tháng 9/2024

Nguồn hình ảnh, Getty Images/BBC

Chụp lại hình ảnh, Ông Brian Niccol sẽ chính thức trở thành CEO Starbucks vào tháng 9/2024
  • Tác giả, João da Silva, Charlotte Edwards
  • Vai trò, Phóng viên Kinh doanh, BBC News

Giám đốc điều hành mới của Starbucks, ông Brian Niccol, bị chỉ trích khi có thông tin tiết lộ rằng ông đi làm bằng máy bay riêng với khoảng cách 1.600 km từ nhà riêng ở thành phố Newport Beach (bang California) đến trụ sở công ty ở thành phố Seattle (bang Washington, Mỹ).

Trên mạng xã hội, nhiều người đã chỉ ra sự thiếu nhất quán giữa quan điểm công khai của công ty về các vấn đề môi trường và lối sống của các giám đốc điều hành cấp cao.

Ông Niccol dự kiến sẽ đảm nhận vai trò đứng đầu chuỗi cửa hàng cà phê lớn nhất thế giới vào ngày 9 tháng 9.

Một người phát ngôn của Starbucks nói với BBC rằng ông Niccol sẽ làm việc tại Seattle khi không phải "gặp gỡ đối tác và khách hàng" ở những nơi khác trên thế giới.

Trong lời đề nghị của Starbucks dành cho Niccol, ông không bị yêu cầu phải chuyển đến sinh sống gần trụ sở của công ty, nhưng ông phải đi từ nơi cư trú đến văn phòng ở Seattle để làm việc.

Tài liệu mô tả công việc nêu rõ rằng ông có đủ điều kiện sử dụng máy bay công ty để "di chuyển vì mục đích công việc" và "đi lại giữa nơi cư trú và trụ sở của công ty".

Starbucks cũng cho biết sẽ thiết lập một văn phòng nhỏ từ xa ở Newport Beach để ông Niccol có thể làm việc ở đó.

Starbucks có chính sách làm việc kết hợp (hybrid), nghĩa là nhân viên phải có mặt tại văn phòng ít nhất ba ngày một tuần.

Công ty chưa xác nhận liệu quy tắc tương tự có áp dụng cho ông Niccol hay không hoặc liệu việc ông làm việc tại văn phòng từ xa mới ở California có đáp ứng được các yêu cầu đó hay không.

Chuỗi cà phê này cho biết thêm ông Niccol sẽ mua một căn nhà ở Seattle nên có thể không cần phải di chuyển giữa Seattle và Newport Beach mỗi ngày để đi làm.

Bản đồ đi làm của ông Niccol

Dan Coatsworth, một nhà phân tích đầu tư tại AJ Bell, chia sẻ với BBC rằng "trên danh nghĩa" thì ông Niccol phải làm theo "quy định làm việc kết hợp tương tự như các nhân viên văn phòng khác".

"Tuy nhiên, điều gây ra tiêu cực trong dư luận là ý tưởng ông ấy có thể sử dụng máy bay riêng để bay quãng đường 1.000 dặm (1.600 km) giữa California và Seattle," ông Coatsworth nói thêm.

Ông Coatsworth cho rằng việc sử dụng máy bay riêng không chỉ gây hại cho môi trường, gửi đi thông điệp xấu đến khách hàng và nhân viên, mà còn "không phải là cách thực tế để điều hành một doanh nghiệp trị giá 105 tỷ USD với khoảng 400.000 nhân viên".

"Một nhà lãnh đạo cần phải làm việc sát sao với doanh nghiệp, chứ không phải ngồi trên bãi biển để tận hưởng đặc quyền của mình," ông nói.

"Việc ông Brian Niccol được đưa vào để mang lại một khởi đầu mới cho Starbucks cho thấy rằng ông ấy đang đứng trước một thách thức lớn. Đây không phải là việc nắm quyền điều hành một doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả; đây giống như công việc sửa chữa nên người thợ phải luôn có mặt trong phòng máy."

Chủ đề về nơi làm việc đã được tranh luận trong những năm gần đây khi nhiều ngành nghề đang khổ sở không biết có nên tiếp tục cho nhân viên làm việc từ xa như thời kỳ Covid hay không.

Andrew Speke, người phát ngôn của High Pay Centre, một tổ chức chuyên theo dõi mức lương của các giám đốc điều hành, nói rằng điều quan trọng đối với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp là "nhân viên có thể thấy rằng quy tắc cho họ và cho sếp của mình là giống nhau".

'Một quy tắc cho họ, một quy tắc khác cho chúng ta'

Điều khoản tuyển dụng giữa Starbucks và ông Niccol đã gây ra phản ứng dữ dội trên mạng xã hội.

"Tuyệt vời... sự tiện nghi cho người tài giỏi nhất! Nhưng hy vọng chúng ta sẽ không thấy quá nhiều quảng cáo mới của Starbucks liên quan đến 'bền vững' và 'môi trường' nữa," một người dùng mạng xã hội X viết.

"CEO mới của Starbucks đang 'di chuyển siêu xa' 1.600 km đến Seattle bằng máy bay riêng để đi làm, vì vậy đừng quá khắt khe với cô phục vụ đã đưa cho bạn ống hút nhựa khi bạn không muốn," một người khác viết.

Một số ngành, chẳng hạn ngân hàng, đã báo hiệu sớm rằng họ mong nhân viên quay trở lại văn phòng toàn thời gian. Trong khi những ngành khác, thường trong lĩnh vực công nghệ, cho biết sẽ cho phép nhân viên làm việc từ xa vô thời hạn. Nhiều ngành nghề thì chọn cách kết hợp linh hoạt.

Những người khác bàn tán mức lương mà ông Niccol dự kiến ​​sẽ nhận cho công việc mới.

"Tại sao chúng ta không bao giờ nói về mức lương của CEO khi bàn về giá cả tăng cao?" cựu Bộ trưởng Lao động Mỹ Robert Reich viết trên mạng xã hội.

Theo các điều khoản, lương cơ bản hằng năm của ông Niccol sẽ là 1,6 triệu USD. Ngoài ra, ông có thể nhận được tiền thưởng tùy theo hiệu quả công việc lên tới 7,2 triệu USD và số tiền tối đa 23 triệu USD mỗi năm từ cổ phiếu của Starbucks.

Starbucks đã lên tiếng bảo vệ điều khoản này, nói rằng ông Niccol là "một trong những nhà lãnh đạo hiệu quả nhất trong ngành của chúng tôi" và rằng mức lương của ông "liên quan trực tiếp đến hiệu suất của công ty và thành công chung của tất cả các bên liên quan".

Một báo cáo của Liên Hợp Quốc trong năm 2021 cho thấy 1% người giàu nhất thế giới tạo ra lượng khí thải carbon gấp đôi 50% người nghèo nhất.

Vào tháng 8/2024, Starbucks thông báo ông Niccol sẽ thay thế ông Laxman Narasimhan cho vị trí giám đốc điều hành.

Động thái được đưa ra khi chuỗi cà phê đang tìm cách thúc đẩy doanh thu vốn đang giảm sút.

Ông Niccol từng lãnh đạo chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Chipotle của Mexico kể từ năm 2018, giúp công ty phục hồi sau cuộc khủng hoảng liên quan tới ngộ độc thực phẩm.

Trong thời gian ông Niccol làm CEO Chipotle, doanh thu công ty đã tăng gấp đôi và giá cổ phiếu từ dưới 7 USD/cổ phần tăng vượt mức 50 USD.

Chipotle cũng mở thêm 1.000 cửa hàng và áp dụng các công nghệ mới để tự động hóa khâu chế biến thực phẩm.

Trong những tháng gần đây, Chipotle được xem là điểm sáng trong ngành nhà hàng - ngành mà nhiều doanh nghiệp đang chứng kiến khách hàng cắt giảm chi tiêu.