6 lãnh đạo Hamas
  • Tác giả, Lina Alshawabkeh
  • Vai trò, BBC News

Hamas do ai lãnh đạo mà có thể đối đầu với Israel, một trong những lực lượng quân đội mạnh nhất thế giới? Bài viết dưới đây điểm qua một số nhân vật chủ chốt của tổ chức này.

Kể từ khi Hamas phát động loạt tấn công vào Israel rạng sáng thứ Bảy ngày 7/10/2023, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về những người lên kế hoạch và tổ chức chiến dịch mà họ gọi là "Cơn lũ Al-Aqsa". Theo các nhà quan sát và chuyên gia quân sự, đợt tấn công đã khiến Israel không kịp trở tay.

Nhiều nhân vật cấp cao nhất của Hamas, nhóm vũ trang Palestine đang kiểm soát Gaza, thường bịt mặt khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, trong khi những người khác dành phần lớn cuộc đời để trốn tránh nỗ lực ám sát của Israel.

Sau đây chúng ta cùng điểm mặt các thủ lĩnh Hamas nổi bật nhất đang nắm quyền, bao gồm các nhân vật chính trị và chỉ huy quân sự của Lữ đoàn Izz al-Din al-Qassam, cánh vũ trang của Hamas.

Mohammed Deif

Mohammed Deif

Nguồn hình ảnh, Media sources

Chụp lại hình ảnh,

Deif đã thiết kế xây dựng hệ thống địa đạo giúp các chiến binh Hamas xâm nhập Israel từ Gaza

Nhân vật này tên đầy đủ là Mohammed Diab Al-Masry, có biệt danh “Abu Khaled”, hay “Al-Deif”. Ông ta sinh ở Gaza năm 1965 và là chỉ huy Lữ đoàn Izz al-Din al-Qassam, nhánh quân sự của phong trào Hamas.

Palestine gọi Deif là “Quân sư”, còn người Israel gọi ông ta là “Kẻ gieo cái chết” hay “Chiến binh Chín mạng”.

Ông ta có bằng cử nhân sinh học tại Đại học Hồi giáo Gaza. Thời sinh viên, Deif được biết đến là người yêu sân khấu và diễn xuất, ông ta cũng đã lập một nhóm nghệ thuật trong thời gian này.

Khi Hamas được thành lập, Deif đã gia nhập mà không hề do dự. Ông ta bị chính quyền Israel bắt vào năm 1989 và bị giam giữ không xét xử trong 16 tháng vì tội làm việc cho bộ máy quân sự của Hamas.

Trong thời gian bị giam, Deif đã cùng với Zakaria Al-Shorbagy và Salah Shehadeh thành lập một phong trào độc lập với Hamas có mục đích bắt giữ binh lính Israel - tiền thân của Lữ đoàn Al-Qassam sau này.

Sau khi Deif ra tù, Lữ đoàn Izz al-Din al-Qassam bắt đầu hoạt động như một tổ chức quân sự. Từ đây, Deif nổi lên với tư cách là một trong những người sáng lập, bên cạnh các thủ lĩnh Qassam khác.

Deif là công trình sư của hệ thống đường hầm đưa chiến binh Hamas xâm nhập Israel từ Gaza, ông ta cũng là một trong những người ủng hộ chiến lược tăng cường phóng rocket.

Tuy nhiên, cáo buộc nặng nhất nhằm vào Deif là việc ông ta lên kế hoạch và giám sát loạt hành động trả đũa sau khi người chế tạo bom cho Hamas là Yahya Ayyash bị ám sát, bao gồm vụ đánh bom xe buýt khiến khoảng 50 người Israel thiệt mạng đầu năm 1996, cũng như việc ông ta tham gia vụ bắt và giết ba binh sĩ Israel vào giữa thập niên 1990.

Israel đã bắt và bỏ tù Deif vào năm 2000, nhưng ông ta trốn thoát trong thời gian phong trào “Intifada lần thứ hai” nổ ra. Kể từ đó, Deif gần như đã biệt tăm.

Có ba bức ảnh về Deif được biết đến: một bức đã rất cũ, bức thứ hai là ảnh trùm mặt, còn bức thứ ba chụp bóng của ông ta.

Vụ ám sát nghiêm trọng nhất nhằm vào ông ta là trong năm 2002: Deif thoát chết một cách thần kỳ, nhưng bị mất một bên mắt. Israel nói ông ta đã bị cụt một bàn chân và một bàn tay, ngoài ra còn gặp khó khăn khi nói chuyện sau khi là mục tiêu của một loạt vụ ám sát.

Năm 2014, trong cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza kéo dài hơn 50 ngày, quân đội Israel một lần nữa ám sát Deif bất thành, nhưng đã giết vợ và hai con của ông ta.

Deif được biết đến với biệt danh "Abu Khaled" nhờ vai diễn trong vở kịch có tên "The Clown" (“Thằng hề”), trong đó ông ta vào vai "Abu Khaled", một nhân vật lịch sử sống ở thời kỳ giữa hai vương triều Umayyad và Abbasid vào đầu thời Trung cổ.

Bản thân từ Deif trong tiếng Ả Rập có nghĩa là "khách", biệt danh được chọn vì ông ta không ở một nơi cố định trong thời gian dài, mỗi đêm ngủ một chỗ mới để trốn ám sát từ phía Israel.

Marwan Issa

Israel mô tả Marwan Issa là kiểu người “làm nhiều hơn nói” và rằng ông ta giỏi đến mức “có thể biến nhựa thành kim loại”

Nguồn hình ảnh, Media sources

Chụp lại hình ảnh,

Israel mô tả Marwan Issa là kiểu người “làm nhiều hơn nói” và rằng ông ta giỏi đến mức “có thể biến nhựa thành kim loại”

Marwan Issa được biết đến với biệt danh “người bóng tối” và là cánh tay phải của Mohammed Deif. Ông ta là phó tư lệnh Lữ đoàn Izz al-Din al-Qassam và là thành viên bộ máy chính trị và quân sự của phong trào Hamas.

Quân Israel đã giam giữ ông ta 5 năm trong thời kỳ “Intifada lần thứ nhất” do hoạt động liên quan đến Hamas, tổ chức mà ông ta gia nhập từ khi còn trẻ.

Israel nói rằng chừng nào Issa còn sống thì màn “cân não” giữa họ với Hamas còn tiếp tục. Israel mô tả Issa là kiểu người “làm nhiều hơn nói” và rằng ông ta giỏi đến mức “có thể biến nhựa thành kim loại”.

Issa được biết đến là một cầu thủ bóng rổ tài năng nhưng đã không theo nghiệp thể thao sau khi bị Israel bắt năm 1987 về tội tham gia phong trào Hamas. Chính quyền Palestine sau đó cũng đã bắt giam ông ta từ năm 1997 cho đến sau khi phong trào "Al-Aqsa Intifada" (Intifada lần thứ hai) nổ ra năm 2000.

Sau khi được chính quyền trả tự do, Issa đóng vai trò chủ chốt trong việc phát triển hệ thống quân sự cho Lữ đoàn Al-Qassam.

Do vị trí quan trọng của mình, Issa nằm trong danh sách truy nã gắt gao của Israel. Phía Israel đã cố gắng ám sát ông ta vào năm 2006 trong một cuộc họp của bộ tham mưu cùng với Deif và các thủ lĩnh chính của Lữ đoàn Al-Qassam. Issa bị thương nhưng mục tiêu trừ khử ông ta của Israel đã không đạt được.

Máy bay Israel cũng đã phá hủy nhà ông ta hai lần trong các cuộc tấn công Gaza vào năm 2014 và 2021. Một trong số đó đã giết chết người anh em ruột của ông ta.

Mặt thật của Issa từng là bí ẩn cho đến năm 2011, khi ông ta xuất hiện trong một bức ảnh tập thể chụp trong buổi trao trả tù nhân để đổi lấy binh sĩ Israel Gilad Shalit.

Còn được biết đến với bí danh Abu Al-Baraa, ông ta đóng vai trò lớn trong việc lập kế hoạch xâm nhập cho nhiều chiến dịch khác nhau, từ “Shale stones” (“Đá phiến”) năm 2012 đến “Cơn lũ Al-Aqsa” năm 2023.

Trong các chiến dịch trên, năng lực của Issa được thể hiện ở sức mạnh của các lực lượng lục quân, tình báo và kỹ thuật; mức độ tổ chức và tính chính xác của kế hoạch; cũng như việc tập trung tấn công nhằm vào các khu định cư và trụ sở an ninh.

Yahya Sinwar

Yahya Sinwar

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Tháng 9/2015, Mỹ đã đưa tên Sinwar vào danh sách “khủng bố quốc tế”

Yahya Ibrahim Al-Sinwar sinh năm 1962, là thủ lĩnh Hamas và người đứng đầu hệ thống chính trị của phong trào này ở Dải Gaza. Ông ta cũng là người sáng lập bộ phận an ninh của Hamas, được gọi là “Majd”. Bộ phận này chuyên quản lý các vấn đề an ninh nội bộ, bao gồm tiến hành điều tra các vụ tình nghi gián điệp Israel, cũng như theo dõi các sĩ quan tình báo và an ninh của Israel.

Sinwar đã bị bắt ba lần, lần đầu tiên vào năm 1982, khi ông ta bị quân Israel giam giữ không xét xử trong 4 tháng.

Năm 1988, Sinwar bị bắt lần thứ ba và lĩnh 4 án tù chung thân. Trong thời gian Sinwar thụ án, Hamas đã tập kích tên lửa nhằm vào xe tăng Israel, một binh sĩ trong xe là Gilad Shalit đã bị bắt làm con tin.

Shalit được coi là "người của nhân dân", nên Israel đã phải tìm mọi biện pháp để giải cứu ông. Sau đó, một thỏa thuận trao đổi tù nhân (phe kháng chiến gọi là “Lòng Trung thành của Người tự do”) đã được thông qua, bao gồm nhiều tù binh thuộc các phong trào Fatah và Hamas. Trong số đó có Yahya Sinwar, ông ta được thả vào năm 2011.

Sau khi được phóng thích, Sinwar trở lại vai trò thủ lĩnh và thành viên của ban chính trị Hamas.

Tháng 9/2015, Mỹ đã đưa tên Sinwar vào danh sách “khủng bố quốc tế”.

Ngày 13/2/2017, Sinwar được bầu làm thủ lĩnh chính trị của Hamas ở Dải Gaza, kế nhiệm Ismail Haniyeh.

Abdullah Barghouti

Abdullah Barghouti

Nguồn hình ảnh, AFP

Chụp lại hình ảnh,

Abdullah Barghouti, vị "kỹ sư" đã nghiên cứu sản xuất thiết bị nổ và chất độc từ khoai tây, cùng với việc chế tạo ngòi nổ

Barghouti sinh ra ở Kuwait năm 1972 và chuyển đến sống ở Jordan sau Chiến tranh vùng Vịnh lần hai vào năm 1990. Ông ta mang quốc tịch Jordan trước khi theo học kỹ thuật điện tử trong ba năm tại một trường đại học Hàn Quốc, cũng trong thời gian này ông ta học được cách chế tạo chất nổ. Sau khi xin được giấy phép vào Palestine, ông ta đã bỏ ngang việc học.

Những người gần gũi không hề biết về khả năng chế tạo chất nổ của Barghouti, cho đến một ngày ông ta đưa người anh em họ Bilal Al-Barghouthi đến một địa điểm vắng vẻ ở Bờ Tây và trình diễn kỹ năng của mình. Bilal đã báo lại với chỉ huy về những gì mình chứng kiến, sau đó, Abdullah Barghouthi được mời gia nhập Lữ đoàn Qassam.

Vị kỹ sư đã nghiên cứu sản xuất thiết bị nổ và chất độc từ khoai tây, cùng với việc chế tạo ngòi nổ. Barghouti đã mở một xưởng chuyên sản xuất thiết bị quân sự tại một nhà kho ở thị trấn của ông.

Barghouti tình cờ bị đặc nhiệm Israel bắt giữ vào năm 2003 và phải chịu thẩm vấn trong ba tháng.

Barghouti được cho là phải chịu trách nhiệm về cái chết của hàng chục người Israel. Trong phiên tòa thứ hai xử ông ta, nhiều người nhà của các nạn nhân đã tới dự.

Barghouti đã phải lĩnh bản án dài nhất trong lịch sử Israel - thậm chí có lẽ là án tù dài nhất từ ​​trước đến nay - với 67 án chung thân cộng thêm 5.200 năm.

Ông ta bị biệt giam trong một thời gian, nhưng đã được thôi sau khi ông ta tuyệt thực để phản đối.

Barghouti có biệt danh là “Hoàng tử Bóng tối” sau khi ông ta viết cuốn sách cùng tên từ trong tù. Trong sách, ông ta kể về cuộc đời mình và chi tiết các hoạt động mà mình đã thực hiện cùng các tù nhân khác - cách ông ta mang chất nổ qua các trạm kiểm soát của quân đội Israel, hay cách tiến hành các chiến dịch đánh bom từ xa, v.v.

Ismail Haniyeh

Ismail Haniyeh

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Ismail Haniyeh là thủ lĩnh chính trị của phong trào Hamas và là thủ tướng của chính phủ Palestine thứ 10

Ismail Abdel Salam Haniyeh, biệt danh là Abu Al-Abd, sinh ra trong một trại tị nạn của người Palestine. Ông ta là thủ lĩnh chính trị của phong trào Hamas và là thủ tướng của chính phủ Palestine thứ 10. Ông ta giữ chức vụ này từ năm 2006.

Năm 1989, Israel đã bỏ tù Haniyeh trong ba năm, sau đó ông ta bị trục xuất đến Marj al-Zuhur - một vùng đất không người nằm giữa Israel và Lebanon - cùng với một số thủ lĩnh Hamas khác. Tại đó, ông ta đã sống trong điều kiện thiếu thốn trong cả năm 1992.

Sau năm sống lưu vong này, Haniyeh đã trở lại Gaza. Năm 1997, ông được chỉ định làm người đứng đầu văn phòng của Sheikh Ahmed Yassin, thủ lĩnh tinh thần của phong trào Hamas, việc này đã giúp ông củng cố vị thế.

Một năm sau, Haniyeh bị Tổng thống Nhà nước Palestine Mahmoud Abbas cách chức sau khi Lữ đoàn Izz al-Din al-Qassam giành quyền kiểm soát Dải Gaza và trục xuất các đại biểu thuộc phong trào Fatah của Abbas trong một tuần lễ đầy bạo lực khiến nhiều người thiệt mạng.

Haniyeh chống lại quyết định bãi nhiệm, ông ta gọi nó là "vi hiến" và nhấn mạnh rằng "chính phủ của ông ta sẽ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ và sẽ không từ bỏ trách nhiệm quốc gia đối với người dân Palestine."

Kể từ đó, Haniyeh đã nhiều lần kêu gọi hòa giải với phong trào Fatah.

Vào ngày 6/5/2017, ông ta được bầu làm người đứng đầu ban chính trị Hamas.

Năm 2018, Bộ Ngoại giao Mỹ liệt Haniyeh vào danh sách khủng bố.

Khaled Meshaal

Khaled Meshaal

Nguồn hình ảnh, AFP

Chụp lại hình ảnh,

Meshaal là một trong những người sáng lập Hamas và là thành viên của cơ quan chính trị phong trào này kể từ khi thành lập

Khaled Meshaal 'Abu Al-Walid' sinh ra tại làng Silwad ở Bờ Tây vào năm 1956. Ông ta bắt đầu học tiểu học ở đó trước khi cùng gia đình di cư đến Kuwait, nơi ông ta hoàn thành chương trình tiểu học và trung học.

Meshaal được coi là một trong những người sáng lập Hamas và là thành viên của cơ quan chính trị phong trào này kể từ khi thành lập. Ông ta đảm nhận chức chủ nhiệm ban chính trị của Hamas từ năm 1996 đến năm 2017 và được bổ nhiệm làm thủ lĩnh phong trào sau cái chết của Sheikh Ahmed Yassin vào năm 2004.

Năm 1997, cơ quan tình báo Mossad của Israel đã tìm cách ám sát Meshaal dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ông Netanyahu đã yêu cầu người đứng đầu Mossad lên kế hoạch thực hiện vụ mưu sát.

Mười mật vụ Mossad đã nhập cảnh Jordan bằng hộ chiếu Canada giả. Khaled Meshaal, khi đó còn mang quốc tịch Jordan, đã bị tiêm thuốc độc khi đang đi bộ dọc một con phố ở thủ đô Amman.

Chính quyền Jordan đã phát hiện ra vụ ám sát và bắt giữ hai thành viên Mossad có liên quan. Cố Quốc vương Hussein của Jordan đã yêu cầu Thủ tướng Israel cung cấp thuốc giải cho chất độc đã tiêm vào Meshaal, nhưng Netanyahu ban đầu từ chối. Tính chính trị của vụ ám sát đã lên cao trào khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton can thiệp và buộc ông Netanyahu phải đưa ra thuốc giải.

Meshaal đến thăm Dải Gaza lần đầu tiên vào ngày 7/12/2012. Đó cũng là lần đầu ông ta trở lại lãnh thổ Palestine kể từ khi rời đi vào năm 11 tuổi.

Meshaal đã được chào đón bởi lãnh đạo quốc gia và thủ lĩnh các phe phái của Palestine khi ông ta đi qua cửa khẩu Rafah. Rất đông người Palestine đã tràn ra hai bên đường để đón ông ta cho đến tận thành phố Gaza.

Ngày 6/5/2017, Hội đồng Shura của Hamas đã bầu Ismail Haniyeh kế nhiệm Meshaal làm thủ lĩnh chính trị của phong trào.

Mahmoud Zahar

Mahmoud Zahar

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Mahmoud Zahar bị Israel bắt giữ chỉ sáu tháng sau khi phong trào Hamas thành lập

Mahmoud Zahar sinh năm 1945 tại thành phố Gaza, có cha là người Palestine và mẹ là người Ai Cập. Ông ta trải qua thời thơ ấu ở thành phố Ismailia, Ai Cập.

Zahar đã học tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở Gaza. Ông ta lấy bằng cử nhân y đa khoa tại Đại học Ain Shams ở Cairo năm 1971, sau đó lấy bằng thạc sĩ chuyên ngành ngoại tổng quát năm 1976. Sau khi tốt nghiệp, ông ta làm bác sĩ tại một số bệnh viện ở Gaza và Khan Younis cho đến khi bị chính quyền Israel sa thải do bất đồng quan điểm chính trị.

Zahar được coi là một trong những lãnh đạo chủ chốt của Hamas và là thành viên ban lãnh đạo chính trị của phong trào.

Năm 1988, Mahmoud Zahar bị Israel bắt giam trong sáu tháng, nửa năm sau khi phong trào Hamas thành lập. Ông ta nằm trong số những người bị Israel trục xuất đến Marj Al-Zuhur vào năm 1992 và đã ở đó trọn một năm.

Sau khi phong trào Hamas giành được đa số phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2005, Zahar đảm nhận chức vụ Ngoại trưởng trong chính phủ do Thủ tướng Ismail Haniyeh thành lập. Chính phủ này sau đó bị Tổng thống Mahmoud Abbas tuyên bố giải thể sau các sự kiện dẫn đến chia rẽ trong nội bộ Palestine.

Israel đã tìm cách ám sát Zahar vào năm 2003, khi chiếc chiến đấu cơ F-16 thả một quả bom - được cho là nặng đến nửa tấn - xuống nhà của ông ta trong khu phố Rimal ở thành phố Gaza. Vụ tấn công chỉ khiến ông ta bị thương nhẹ nhưng đã giết chết người con trai cả của ông ta là Khaled.

Ngày 15/1/2008, Hossam, người con trai thứ hai của Zahar và là thành viên của Lữ đoàn Qassam, là một trong số 18 người thiệt mạng trong một cuộc tập kích của Israel ở phía đông Gaza.

Zahar là tác giả của một số tác phẩm về tri thức, chính trị và văn học, bao gồm “Vấn đề của xã hội đương đại... Góc nhìn từ Kinh Koran” (“The Problem of Our Contemporary Society... A Quranic Study”) và “Không chốn dung thân” (“No Place Under the Sun”), tác phẩm là lời đáp lại cuốn tiểu thuyết “Trên vỉa hè" (“On the Pavement”) và một cuốn sách khác của Benjamin Netanyahu.