GS Nguyễn Mạnh Hùng - ĐHỴK Huế Trường Xưa

Thứ Sáu, 09 Tháng Hai 20247:22 SA(Xem: 1335)
GS Nguyễn Mạnh Hùng - ĐHỴK Huế Trường Xưa



GS Nguyễn Mạnh Hùng – ĐHYK Huế Trường Xưa. Phần 1.

  

YKHuế 1971. Thầy, trò vận quốc phục Việt Nam, áo dài, khăn đóng, cổ quàng huy hiệu.

Lễ Tốt nghiệp - Ngồi, từ trái qua: Trần Thị Thiết Tranh YKH4, Nguyễn Thị Phong Thư YKH4, GS Nguyễn Mạnh Hùng mang kính đen (Dược lý), GS Nguyễn Văn Hồng (Bệnh viện Sản Từ Dũ, Sài Gòn), GS khoa trưởng Bùi Duy Tâm (Sinh hóa), GS Nguyễn Văn Ba (Đông Y, Sài Gòn), Huỳnh Thị Thương YKH5, Nguyễn Thị Loan YKH5. Hàng đứng có các bác sĩ tân khoa YKH4 và YKH5.

____

 

Thật khó tưởng tượng ở Huế thời thập niên 1960, địa đầu giới tuyến, thời cuộc bất trắc khó lường, sống ở Huế vui vẻ chỉ có đám con dân Huế và miền Trung kế cận thì trong đội ngũ giảng huấn chính thức của trường ĐH Y khoa lại có giáo sư người miền Bắc.

Phải có sự kiện thật nghiêm trọng tác động thì điều này mới có thể xẩy ra, và cũng lẻ loi. Lẽ thường thì dù giàu thiện chí đến mấy các giáo sư bác sĩ danh tiếng thời đó, nếu chịu bay ra Huế giảng dạy thì chỉ ở lại một đôi ngày là nhiều, lập tức lo trở về lại Sài Gòn, luôn được cấp vé máy bay, đưa đón, lưu trú.

 

Năm 1963 bộ Giáo dục ra quyết định cho phép trường YK Huế mở kỳ thi tuyển chọn Giảng nghiệm viên lần đầu tiên. Chánh và phó chủ khảo là các giáo sư thạc sĩ Lê Tấn Vĩnh, khoa trưởng ĐHYK Huế và H.G. Krainick, trưởng đoàn Y khoa thuộc Đại học Freiburg, CHLB Đức. Hội viên gồm các giáo sư Pháp, Đức và Đại tá Vương Quang Trường, Giám đốc Nha Quân Y. Bộ Quốc phòng đồng ý cho phép các bác sĩ đang ở trong quân ngũ dự thi nếu trúng tuyển sẽ được biệt phái về trường Y Huế.

 

Năm đó trong số bảy bác sĩ trúng tuyển có bốn vị gốc khác miền Trung. Hai vị về trường nhưng không ở lại, hai vị kia là Y sĩ Trung úy Vũ Công Thưởng (Bắc) và Phùng Hữu Chí (Nam) về trường, được gởi đi Anh và Đức tu nghiệp. BS PH Chí sau các năm du học về ở lại Sài Gòn, BS VC Thưởng về lại Huế với gia đình song sau biến cố Tết Mậu Thân 1968 theo trường di tản tạm vào Nam rồi ở luôn. Cả 2 thầy có cơ sở, thỉnh thoảng ra Huế dạy. GS Bùi Duy Tâm, khoa trưởng cũng sống ở Sài Gòn khiến họ yên trí. Vẫn còn hơn được cử du học rồi ở lại nước ngoài! Đến như có thầy đúng con dân Huế, yêu Huế, giữa chừng còn rời bỏ Huế vào Nam các năm 68, 72, nữa là!

  

Trong bối cảnh đó GS NM Hùng đưa gia đình từ Sài Gòn ra sống tại Huế, nhà ở số 10 đường Quỳnh Lưu, nay là Nguyễn Khuyến, cạnh nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, 142 đường Nguyễn Huệ, không xa sông An Cựu. Bich Vân, trưởng nữ là cựu sinh viên YKH #12 song bỏ học ít lâu sau năm 1975. Em trai tên Trung cũng học trường Y Huế.

 

Tại trường ĐH YKhoa Huế, GSTS Nguyễn Mạnh Hùng (1931-1995) là Trưởng khu (bộ môn) Dược lý liên tục từ năm 1964 cho đến năm1975. Dược lý là một môn học chính giảng dạy ở Y khoa năm thứ 5 nên các sinh viên YK Huế khóa #1 trước khi tốt nghiệp cũng đã được học môn này với ông.

 

Lúc xưa GS NM Hùng học Dược ở Hà Nội và nguyên là Dược sĩ Trung úy hiện dịch. Thế thì ông tất thuộc khóa đầu của trường Quân Y (1951-1975). Được cử sang Pháp du học, sau khi lấy bằng Tiến sĩ Dược khoa, GS Hùng về nước giảng dạy môn Hóa hữu cơ tại trường ĐH Dược khoa Sài Gòn, địa vị và triển vọng thăng tiến vững chắc.

 

Lý do ông ra Huế, tất nhiên không phải do nguyện ý mà được giải thích, trích từ bài viết  “Trường Dược và tôi” của GS Tô Đồng đăng trên Diễn đàn Cựu sinh viên Quân Y – 2010. Sau ngày đảo chánh 1/11/1963 thì GS Trương Văn Chôm, Tiến sĩ Dược khoa, Khoa trưởng đầu tiên của trường ĐH Dược khoa Sài Gòn từ chức vì có liên hệ đảng phái với chính quyền cũ. GS Tô Đồng (1933-2012) là khoa trưởng cuối cùng năm 1975. Ông cũng là cựu Dược sĩ Trung úy hiện dịch khóa 3 (niên khóa 1953-54), cùng khóa với GS Bùi Duy Tâm, Y sĩ Trung úy hiện dịch, cựu khoa trưởng Y khoa Huế.

 

GS Tô Đồng viết:

“Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng dạy Hóa Hữu Cơ. Ông yêu nghề, giỏi và rất tận tâm. Ông đến sớm, viết dàn bài trên bảng, và giảng đủ loại cơ chế phản ứng…

Câu chuyện trên bắt đầu từ lúc giáo sư Chôm không trở về trường nữa. Khi bác sĩ Vương Quang Trường lên làm Giám đốc Nha Quân y (1963-65), thì giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng được yêu cầu trở lại quân đội, vì ông nguyên là Dược Sĩ Trung Úy hiện dịch.

Lý do chính là sinh viên không mấy ưa thích lối giảng dạy và hỏi thi của ông. Nhưng cũng có nhiều sinh viên ký kiến nghị giữ ông ở lại.

Rút cục nhóm yêu cầu ngưng chức ông thắng thế và quân cảnh đã dẫn độ ông về quân y. Ông phải đi phục vụ tại vùng Bến Hải, rồi sau được Tướng Nguyễn Chánh Thi đưa về làm giáo sư của Đại Học Huế…”  [Lưu ý: Trong đoạn này cố GS Tô Đồng viết: Khi bác sĩ Vương Quang Trường lên làm Tổng trưởng bộ Y Tế… được chúng tôi sửa lại: lên làm Giám đốc Nha Quân Y (1963-65)…].

 

Trung tướng Nguyễn Chánh Thi (1923-2007) hồi ấy đang giữ chức Tư lệnh Quân đoàn 1, kiêm chức vụ Đại biểu Chính phủ tại Trung phần.

Trong thời gian này, tướng NC Thi còn bổ nhiệm BS Nguyễn Văn Mẫn thuộc trường ĐH YKHuế giữ chức vụ Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế giữa năm 1965, thay thế BS Nguyễn Duy Chi nghe nói chỉ vì vô tình đã làm ông phật ý và ít tháng sau lại đưa BS Mẫn vào làm Thị trưởng Đà Nẵng. BS Tô Đình Cự lên làm Giám đốc Bênh viện.

GS NM Hùng thì dạy tại trường YK Huế, đồng thời ông cũng là giáo sư tại trường ĐH Khoa học.

 

GSTS Võ Đăng Đài Trưởng Khu Sinh hóa trường ĐHYK Huế trong bài viết “Tính Sổ Một Đoạn Đường” đăng trên Tập san YK Huế Hải ngoại, có đoạn viết về Khu Dược lý của trường như sau:  

“Nhắc đến những giáo sư của trường vốn là Dược sĩ còn có Thầy Nguyễn Mạnh Hùng, Thầy là nhân viên giảng huấn có tước vị Giáo sư diển giảng đầu tiên của Trường Y khoa Huế. [Chú thích của chúng tôi: Đúng ra phải là GS Lê Tấn Vĩnh, Khoa trưởng đầu tiên của trường Y khoa Huế]. Thầy có bằng tiến sĩ Dược khoa ở Pháp, ban đầu về giảng dạy cho Đại học Dược khoa ở Sàigòn sau đó vì lý do đặc biệt được chuyển về làm cho Y khoa Huế. Thầy là Giáo sư Trưởng khu Dược lý của Trường đồng thời phụ trách môn Hóa hữu cơ của Đại học Khoa học Huế. Thầy là người đầu tiên áp dụng việc cho phép sinh viên đem sách vào phòng thi để tham khảo trong kỳ thi cuối năm .

Sau 73 Thầy dời vào Sàigòn và lâu lâu mới ra Huế dạy. Ở Sàigòn Thầy làm cho hãng bào chế Vanco, tiếp tục làm ở đó và rất được trọng dụng sau 75. Thầy mất ở Saìgòn… Cô Hạnh Phước, dược sĩ làm cho Thầy Nguyễn Mạnh Hùng ở Khu Dược lý. Khi qua Mỹ Cô Hạnh Phước đã đỗ Tiến sĩ và dạy Đại học… “

 

Đúng vậy sau biến cố Mùa hè Đỏ lửa Quảng Trị 1972, năm 1973 GS NM Hùng chuyển dần gia đình vào lại Sài Gòn và chỉ bay ra Huế để giảng dạy, tại trường YKhoa lẫn trường ĐH Khoa học. Lúc ấy cũng có tin đồn cho rằng bà vợ của ông dàn dựng một vụ tai tiếng, đến trường đánh ghen với nữ nhân viên dưới quyền, lấy cớ bất khả kháng buộc ông rời Huế. Phu nhân GS NM Hùng, bà Ngân Hà (hiện ở Phú Nhuận, Sài Gòn) cũng gốc Bắc, là một nữ danh ca tài sắc nổi danh song sau khi lập gia đình thì từ bỏ sự nghiệp.

 

Một cựu sinh viên YK Huế khóa #8 viết trên diễn đàn YKH Hải ngoại:

To: BanBienTapYKHHN,YKhoaHue. Tue, Nov 28 at 2:29 p.m.

“Đọc bài viết của chị Bích Vân … không cần nhìn ảnh cũng biết đó là thầy Nguyễn Mạnh Hùng. Thầy còn có dáng đi khệ nệ, kiểu bất cần, tay luôn luôn có cặp và sách… ném mạnh lên bàn khi vào lớp... giọng nói thầy sang sảng rõ ràng…

Học thầy phải ghi chép những gì thầy giảng ... vì sau này sẽ dùng để thi...

Khi thi… thầy cho đem theo mọi tài liệu để tra cứu… nhưng đó là trap cho những học sinh lười biếng (không ghi chép) và ỷ lại (vì cho đem tài liệu mà không ôn tập)… là chết..

Vì học sinh sẽ không đủ thì giờ để tra cứu… và vì thầy chỉ hỏi những gì thầy dạy nhiều khi không có trong sách vở.” - From: loidaivo. 

 

Bà Bích Vân hiện sống ở Đức là trưởng nữ của GS NM Hùng. Là một nữ nhà văn, bà là tác giả bài viết “Bố Tôi, Thầy Hùng”, viết theo yêu cầu đăng trong ĐS YK Huế Hải ngoại.

 

Một bạn khóa #2 viết: “’Trong thời gian làm giáo sư YKH Thầy Hùng thường có những buổi gặp mặt với SV sau giờ học, tạo nên không khí vui nhộn Thầy-Trò” (Ton that Son).

 

Một bạn khác: “Năm tôi học SPCN (Dự Bị Y Khoa, 1969-1970), học Hoá Hữu Cơ với Thầy Nguyễn Mạnh Hùng. Lớp rất đông sinh viên nên học tại giảng đường C trường Đại Học Khoa học. Thầy mở lời tự giới thiệu trong giờ đầu tiên: “Tôi, Nguyễn Mạnh Hùng… Tôi chỉ thích các cô, các cậu nào học giỏi. Khi thi cử, cứ tự do mang tài liệu vào tra cứu, muốn mang vào bao nhiêu cũng được....”.  

Nói tóm lại Thầy Hùng rất giỏi và rất Ngầu! (Loi Tran).

 

Nếu khi thi sinh viên được mang theo tài liệu để tra cứu thì ắt được điểm cao vì tất nhiên họ mang theo cả sách lẫn sổ ghi chép những gì thầy dạy. Không nghe nói thầy cho sinh viên thi theo lối trắc nghiệm, chọn câu trả lời nhanh và đúng. Ở Huế GS NM Hùng dạy môn Dược lý song trước đó lúc ở trường Dược Sài Gòn thì ông dạy môn Hóa hữu cơ và cách ông cho thi cũng tương tự.

 

Về sự kiện thi cử được sử dụng tài liệu mang theo, điển hình là thi Thạc sĩ thời đó. 

Năm 1962 ở Huế bắt gặp tôi đang đọc cuốn Encyclopédie Médico- Chirurgicale gọi tắt là EMC (Bách khoa Toàn thư Nội-Ngoại khoa) tại thư viện, GS Séror; người Pháp, gốc Do Thái liền kể cho tôi nghe câu chuyện ông dùng cuốn EMC lúc thi Thạc sĩ Y khoa để có tước vị giáo sư Thạc sĩ (professeur agrégé/associate professor). Hồi đó học vị cao nhất về y khoa là Thạc sĩ Y khoa, thầy dạy các bác sĩ, là các “Tiến sĩ Y khoa”.

 

Văn bằng bác sĩ được ghi “Tiến sĩ Y khoa Quốc gia” vì học bác sĩ Y khoa tối thiểu mất 7 năm Đại học và trình luận án, ngang thời gian học lấy bằng Tiến sĩ Luật, Văn chương, Khoa học v.v… tất nhiên vào thời đó. Hiện nay học vị Thạc sĩ Y khoa có nghĩa thấp hơn. Bác sĩ Y khoa không còn danh nghĩa Tiến sĩ Y khoa, học kỳ cũng ngắn hơn.

 

GS Séror giải thích thi Thạc sĩ trước tiên phải trình bày các tước vị và công trình nghiên cứu khoa học của mình, là các tiêu chuẩn tiên quyết. Sau đó có môn thi quan trọng là trình bày trong 1 tiếng đồng hồ và trả lời các chất vấn của Hội đồng giám khảo về một đề tài y học được bốc thăm và được phép vào thư viện soạn trước để trình bày vào sáng hôm sau. Thi cử như thế này thì có khác gì sinh viên được GS NM Hùng cho phép mang tài liệu vào phòng thi!!

GS Séror cho biết khi soạn bài thi Thạc sĩ để trình bày thì ông cũng như tất cả mọi người  đều chỉ dùng độc nhất cuốn EMC để tra cứu. Cuốn này có nhiều tập và luôn được cập nhật vì được đóng theo kiểu dễ dàng tháo gỡ các tờ rời để thay thế.

 

BS Lê Tấn Vĩnh người miền Nam, giáo sư Thạc sĩ về Nhi khoa tại Paris, Pháp, là vị khoa trưởng đầu tiên của trường Đại học Y Khoa Huế.

Năm 1954 chia vĩ tuyến, hai giáo sư thạc sĩ Đặng Văn Chung (khoa Nội) và Vũ Công Hòe (Giải phẫu bệnh) ở lại Hà Nội. Các giáo sư thạc sĩ Phạm Biểu Tâm (Ngoại, Phẫu), Nguyễn Hữu (Cơ thể học) và Trịnh Văn Tuất (Răng Hàm Mặt) thì vào Sài Gòn, đã có sẵn GS Thạc sĩ Trần Quang Đệ (Ngoại, Phẫu) tại đó. Từ 1954 đến 1964 trường YK Sài Gòn gởi các bác sĩ qua Pháp soạn thi và đỗ thêm được 12 Thạc sĩ Y khoa đủ mọi ngành.

 

Trường YK Huế sinh sau đẻ muộn, nhưng có ngay trên mười bác sĩ con dân Huế từ Pháp trở về Huế. Hai BS Nguyễn Khoa Mân và Thân Trọng An đều có vợ đầm, đi tu nghiệp thêm, sau 1975 đều trở thành giáo sư thạc sĩ? về khoa Tiết niệu và Ngoại Phẫu tại Pháp.

 

Các trường Y Hà Nội, Sài Gòn và Huế khi thành lập, tất cả đều sở cậy các giáo sư người Pháp hoặc Đức giảng dạy, chuyển ngữ là tiếng Pháp, Anh. Các bác sĩ người Việt phụ tá, trợ giảng được đào tạo, có tước vị, thay thế dần.

 

Lê Bá Vận.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn