Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là một hình mẫu lý tưởng về người trí thức hiện đại

Thứ Hai, 27 Tháng Mười Một 20234:00 SA(Xem: 863)
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là một hình mẫu lý tưởng về người trí thức hiện đại

Thái Hạo

26-11-2023

Qua một số comment, thấy có những người mới chỉ lần đầu tiên nghe đến cái tên Tuệ Sỹ. Nhân đây, xin được gạch vài đầu dòng, theo sự hiểu biết hạn hẹp của bản thân [dành riêng cho các bạn này, ai đã biết đến thầy Tuệ Sỹ thì xin bỏ qua].

– Ở Việt Nam hiện có hai “giáo hội” là Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) và Giáo hội Phật giáo Việt Nam THỐNG NHẤT. Giáo hội thứ hai không được chính quyền thừa nhận chính thức và luôn chịu nhiều áp lực suốt từ sau 1975 đến nay. Thầy Tuệ Sỹ là người thuộc Giáo hội này.

– Thầy là một tu sĩ Phật giáo, người có kiến văn quảng bác cả về tư tưởng Đông phương lẫn triết học và văn hóa Tây phương. Là một trí tuệ lớn đã nối tiếp hòa thượng Thích Quảng Độ lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cho đến khi viên tịch vào ngày 24.11.2023.

– Trước 1975, lúc mới 25 tuổi, Thầy đã là giáo sư đại học Vạn Hạnh lừng lẫy ở miền Nam, và là một trong những tên tuổi có ảnh hưởng lớn bậc nhất ở Tạp chí Tư Tưởng – một ấn phẩm đã đóng góp to lớn cho nền văn hóa Việt Nam hiện đại.

– Năm 1988, Thầy bị kết án tử hình với cáo buộc “âm mưu lật đổ chính quyền”. Với sự đấu tranh của tăng ni, Phật tử, trí thức và các tổ chức nhân quyền quốc tế, án được giảm xuống 20 năm tù giam. Sau 14 năm bị giam cầm, Thầy được thả trong tư thế bất khuất, tuyệt thực và không xin ân xá như đề nghị.

– Thầy để lại một sự nghiệp văn hóa đồ sộ về thơ ca, triết học, Phật học và những lớp học trò trực tiếp và gián tiếp chịu ảnh hưởng sâu sắc của mình. Nhân cách và trí tuệ của Thầy là một tấm gương sáng chói về tinh thần tự học phi thường, thông thạo 12 ngôn ngữ, tinh tường cả hai nền văn hóa Đông – Tây, sống một đời giản dị thanh bần nhưng là một biểu tượng cao đẹp của tinh thần “uy vũ bất năng khuất”.

***

Với tôi, thầy Tuệ Sỹ trước hết và quan trọng nhất, là một hình mẫu lý tưởng về người trí thức hiện đại. Nếu chỉ biết đến Thầy như một nhà tu hành thì có lẽ sẽ là điều khiếm khuyết. Bằng tài năng, trí tuệ, nhân cách và thái độ dấn thân “ngã nguyện vô cùng”, thầy đã thị hiện một chân dung toàn vẹn của người tu sĩ Phật giáo chân chính bên cạnh hình ảnh trí thức và thái độ của một công dân nặng trĩu trách nhiện với xã hội, đất nước và dân tộc.

Hình ảnh của thầy trái ngược hẳn với những kẻ đang “ôm giữ chùa tháp”, liên minh và quỳ sụp dưới chân quyền lực thế tục để mưu lợi tầm thường và đáng hổ thẹn, đang nhan nhản trong thời buổi này.

Thầy cũng là một tiếng nói xa lạ với những người luôn rao giảng về “buông bỏ”, về “tỉnh thức”, về “lánh đục”; xa lạ với những lời ngụy tín của “năng lượng tích cực”, của “việc của mình là xanh”, của “tròn ngay tự trong tâm”…, để đứng sừng sững như một ngọn núi lớn giữa bão táp mưa sa của quyền lực đen tối và những thế lực đang phá hoại chánh pháp, hủy hoại nền văn hóa dân tộc.

Sống chết là lẽ tự nhiên của đời người. Với một bậc chân tu như thầy Tuệ Sỹ, cái chết có lẽ chỉ như việc thả mình vào một giấc ngủ bình yên, đến đi như hơi thở. Tuy nhiên, có lẽ đối với Phật giáo và văn hóa, tinh thần Việt Nam, sự ra đi của Thầy là một mất mát sẽ để lại khoảng trống lớn, không gì bù đắp được.

Điều khiến cá nhân tôi bất an nhất chính là một sự đứt gãy khó hàn gắn trong dòng chảy vốn đã mỏng manh và đầy bất trắc này. Nguyện cho điều lo lắng ấy sẽ chỉ là thừa thãi, bởi những thế hệ nối tiếp của Thầy đã được chuẩn bị đến nhuần thấm nhân cách và có đầy đủ trí tuệ như thầy mình…

Việc ngưỡng mộ Thầy có lẽ quan trọng và chỉ thực sự có ý nghĩa khi mỗi người gắng học và sống như công hạnh của Thầy, được chút nào hay chút ấy…

Có thể tìm hiểu về thầy Tuệ Sỹ ở đây: https://tuesy.net/

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn