Nhà văn Vũ Thư Hiên đón sinh nhật lần thứ 90 tại Hà Nội

Thứ Sáu, 20 Tháng Mười 20232:00 CH(Xem: 1191)
Nhà văn Vũ Thư Hiên đón sinh nhật lần thứ 90 tại Hà Nội

Huy Đức

19-10-2023

Anh-man-hinh-2023-10-19-luc-09.49.01
Ảnh chụp màn hình

Hôm qua, nhà văn Vũ Thư Hiên tròn 90 tuổi [ông sinh ngày 18-10-1933]. Lần đầu tiên sau ba mươi năm, ông đón sinh nhật tại Hà Nội với đầy đủ vợ và con cháu.

Nhưng, hôm qua, tôi không nghĩ chỉ là sinh nhật của một cá nhân. Trong khoảng sân nhỏ, ấm áp dưới tán một cây khế, nhà văn Vũ Thư Hiên ngồi bên giáo sư Chu Hảo. Cha họ, cụ Vũ Đình Huỳnh và cụ Chu Đình Xương, đều là những người sát cánh bên cạnh Hồ Chí Minh trong những ngày Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đang “ngàn cân treo sợi tóc”.

Trong tiết Thu đầy đặn, bạn tù Tân Lập, ca sĩ Lộc Vàng hát, con trai nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đệm đàn. Bên cạnh là họa sĩ Văn Thao, con trai nhạc sĩ Văn Cao. Con trai thị trưởng Hà Nội Thẩm Hoàng Tín của Việt Nam Quốc Gia [1950-1952] ngồi bên con trai thị trưởng Hà Nội Trần Duy Hưng của Việt Nam Cộng Sản [1945-1946; Chủ tịch UBHC Hà Nội 1954-1977]. Và, con trai KTS Trịnh Hữu Ngọc, người làm trang trí nội thất đầu tiên của Việt Nam, dịch giả Trịnh Lữ.

Một Hà Nội như lắng lại.

Cha của họ đều chơi với nhau, đều là những trí thức tiêu biểu của Hà Nội. Hà Nội cũng như Nam Bộ, trước 1945, đã bắt đầu xuất hiện một tầng lớp trung lưu, một đội ngũ trí thức uyên bác và yêu nước.

Đặc biệt, trong cuộc gặp mừng sinh nhật này, có ông Nguyễn Văn Nhẩm, người coi tù của trại Tân Lập, khi nhà văn Vũ Thư Hiên, ca sĩ Lộc Vàng bị giam ở đó. Thời gian đó, ông Nhẩm đã dành những tình cảm và sự chăm sóc đặc biệt cho nhà văn Vũ Thư Hiên. Sở dĩ, người cán bộ công an này có những đối xử đặc biệt ấy là vì, trong số 4.000 tù nhân của trại Tân Lập, ông thấy Vũ Thư Hiên đi lại với phong thái đĩnh đạc không phải của một người tù.

Khi một người tư duy tự do, không có gông cùm nào có thể tước đi tự do của họ. Và, chỉ khi một người có tư duy tự do, lòng yêu nước của họ mới được đưa trở về đúng chỗ và những đóng góp của họ mới là những điều giá trị nhất và cần cho đất nước nhất.

Lớn hơn những năm tháng oan khuất mà họ phải chịu đựng, tôi nghĩ, những nhà văn trong sáng của Đảng như Vũ Thư Hiên, Bùi Ngọc Tấn bị đưa vào tù như là một “sự phân công”. Không có họ ở đó [Vũ Thư Hiên 9 năm; Bùi Ngọc Tấn 5 năm] lịch sử mà ta biết sẽ có rất nhiều khoảng trống. Không có họ ở đó, nhiều thế hệ có thể đi trong bóng đêm mà vẫn tưởng ban ngày.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn