Tân cố vấn an ninh Mỹ rắn đến đâu?

Chủ Nhật, 25 Tháng Ba 20188:15 SA(Xem: 7118)
Tân cố vấn an ninh Mỹ rắn đến đâu?
John Bolton Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Việc bổ nhiệm John Bolton với tư cách đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc gây tranh cãi thời chính quyền Tổng thống Bush

John Bolton, một người thuộc phe bảo thủ với những chính sách đối ngoại hiếu chiến, nổi lên từ thời chính quyền cựu Tổng thống George W Bush, sẽ trở thành Cố vấn An ninh Quốc gia mới của Tổng thống Donald Trump.

Một nhà bảo vệ cứng rắn cho quyền lực của Hoa Kỳ và ủng hộ củng cố sức mạnh Mỹ ở nước ngoài, ông Bolton chưa từng ngại bày tỏ quan điểm cá nhân - dù là với tư cách nhân viên chính phủ, trên các trang báo hay bàn phỏng vấn của Fox News.


Dưới đây là năm điều ông tin tưởng.

1. Tấn công phủ đầu Bắc Hàn là hoàn toàn thỏa đáng

Quan điểm của ông Bolton về vấn đề Bắc Hàn sẽ được quan tâm nhiều sau khi ông vào Tòa Bạch Ốc, trước cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và Kim Jong-un được trông đợi sẽ diễn ra vào tháng Năm.

Ông Bolton khẳng định Bắc Hàn và chương trình hạt nhân của nước này mang đến một ''mối đe dọa trông thấy'' cho Mỹ, đồng thời bác bỏ ý kiến cho rằng Washington vẫn còn thời gian cho đàm phán ngoại giao.

''Với những lỗ hổng của tình báo Hoa Kỳ về Bắc Hàn, chúng ta không nên chờ đợi đến những giây phút cuối cùng,'' ông viết trên tờ Wall Street Journal hồi tháng Hai về khả năng tấn công phủ đầu có thể xảy ra.

''Sẽ hoàn toàn hợp pháp nếu Mỹ sử dụng tấn công phủ đầu để đáp trả lại mối đe dọa từ chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn.''

John Bolton Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption John Bolton và Tổng thống George W Bush năm 2006

2. Đánh bom Iran có lẽ cũng ổn

Tổng thống Donald Trump đã sa thải ngoại trưởng Rex Tillerson do những quan điểm trái ngược về thỏa thuận hạt nhân tại Iran, điều mà ông Trump đặc biệt quan tâm.

Với John Bolton, ông Trump sẽ tìm được một người có quan điểm tương đồng hơn với ông.

Ông Bolton đã chỉ trích cựu Tổng thống Barack Obama khi đồng ý thỏa thuận chương trình vũ khí hạt nhân Iran hồi năm 2015.

Năm ngoái, ông Bolton viết rằng ngôn từ của thỏa thuận ''tạo ra những lỗ hổng lớn, và Iran giờ đây lái các chương trình tên lửa và hạt nhân bay thẳng qua những lỗ hổng này."

Tháng 3/2015, một vài tháng trước khi thỏa thuận hạt nhân Iran được k‎ý kết, ông Bolton lập luận trên tờ Thời báo New York rằng chỉ có hành động quân sự mới đủ.

''Thời gian rất ngắn, nhưng đánh bom vẫn có thể thành công,'' ông viết để bày tỏ hậu thuẫn cho hành động của Israel.

''Một cuộc tấn công như vậy phải đi cùng với sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ cho phe đối lập của Iran, nhằm mục đích thay đổi chế độ ở Tehran.''


3. Không là người ủng hộ Liên Hợp Quốc

''Không có Liên Hợp Quốc,'' ông Bolton tuyên bố trong bài phát biểu năm 1994. "Có một cộng đồng quốc tế mà đôi khi có thể được lãnh đạo bởi quốc gia quyền lực thực sự duy nhất còn lại trên thế giới, và đó là nước Mỹ, khi điều đó phù hợp với lợi ích của chúng ta và chúng ta có thể thuyết phục các nước khác nghe theo".

Phát ngôn này đã được đưa ra cách đây hơn một thập kỷ, trước khi ông được chính quyền Tổng thống George W Bush bổ nhiệm là đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc. Nhưng ông Bolton vẫn hoài nghi về một cơ quan toàn cầu không chịu trách nhiệm về bất cứ chủ quyền của quốc gia nào.

Tờ The Economist gọi ông là ''đại sứ gây tranh cãi nhất mà Hoa Kỳ gửi đến Liên Hợp Quốc'', nhưng ông cũng giành được một số lời khen ngợi, khi mạnh mẽ thúc đẩy việc cải tổ tổ chức quốc tế này.

John Bolton Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption John Bolton, Cố vấn An ninh Quốc gia mới của Tổng thống Trump

4. Chiến tranh Iraq không phải là một sai lầm

Chỉ vài tuần trước, ông Trump gọi cuộc tấn công Iraq năm 2003 là ''quyết định tồi tệ nhất được đưa ra''. Cùng thời điểm 2003, ông John Bolton, người từng ủng hộ mạnh mẽ cuộc chiến Iraq, từ chối lên án nó.

''Khi anh cho rằng lật đổ Saddam Hussein là một sai lầm, nói thế đơn giản quá,'' ông nói trong một lần xuất hiện trên kênh tin tức Fox News.

Năm 2016, khi đang cân nhắc liệu có ra tranh cử chức ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, ông Bolton dè dặt hơn.

''Nếu bạn biết mọi thứ bạn làm hôm nay, chắc hẳn bạn sẽ đưa ra những lựa chọn khác, nhưng tôi vẫn sẽ lật đổ Saddam Hussein vì ông ta là một mối đe dọa với hòa bình và sự ổn định trong khu vực," tờ Washington Post dẫn lời ông nói.


5. Nga cần phải được xử lý mạnh tay

Ông Bolton miêu tả sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 là một ''hành động chiến tranh thực sự, và Washington sẽ không bao giờ dung thứ'.

Tháng 7 năm 2017, khi ông Trump gặp ông Putin và nhà lãnh đạo Nga bác bỏ sự can thiệp của Nga, ông Bolton viết rằng ông Putin "nói dối sau khi đã qua các khóa huấn luyện tốt nhất của KGB."

Gần đây, sau vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripial tại Anh- một cuộc tấn công được cho là do Nga gây ra - ông Bolton cho rằng phương Tây nên đáp trả lại với ''một câu trả lời cứng rắn''.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn