Elon Musk và Trung Quốc, mối liên hệ nguy hiểm cho an ninh Mỹ ?

Thứ Tư, 08 Tháng Sáu 20222:17 CH(Xem: 2264)
Elon Musk và Trung Quốc, mối liên hệ nguy hiểm cho an ninh Mỹ ?
rfi.fr

Elon Musk và Trung Quốc, mối liên hệ nguy hiểm cho an ninh Mỹ ?

Anh Vũ

Việc Elon Musk ngỏ ý mua lại Twitter gây lo ngại cho giới chuyên gia Mỹ về vấn đề an ninh quốc gia, theo quan sát của nhật báo Washington Post. Lý do : Các mối liên hệ giữa tập đoàn Tesla của nhà tỷ phú Mỹ và Trung Quốc. Theo các chuyên gia, thương vụ này có nguy cơ biến Twitter thành chiếc loa tuyên truyền chống Mỹ của Bắc Kinh.

Hồi giữa tháng 4, khi Elon Musk nhất định muốn mua Twitter nhân danh « tự do ngôn luận », nhiều người nghi ngại Trung Quốc có thể sẽ lợi dụng lúc ông chủ Tesla và Space X này trở chủ nhân của Twitter. Vụ chuyển nhượng này có thể sẽ tạo thành « mối đe dọa cho an ninh nước Mỹ », hơn một chục thành viên của cơ quan phụ trách kiểm soát đầu tư nước ngoài ở Hoa Kỳ đã khẳng định như vậy khi trả lời nhật báo Washington Post hôm 02/06/2022.

« Do khối lượng thông tin, số lượng người sử dụng có ảnh hướng và số lượng dữ liệu cá nhân nhạy cảm mà Twitter nắm giữ, mọi khả năng ảnh hưởng của nước ngoài trong thương vụ này đều sẽ được xem xét rất kỹ », Richard Sofield, từng làm việc trong Ủy ban đầu tư nước ngoài (CFIUS) dưới thời tổng thống Barack Obama và Donald Trump, đã khẳng định như vậy với Washington Post. 

Nhà máy khổng lồ tại Trung Quốc, gót  chân Achille của Tesla ?

Mối lo ngại chủ yếu là về những mối liên hệ của Tesla và Trung Quốc. Ủy ban đầu tư nước ngoài không phải là cơ quan đầu tiên lên tiếng báo động. Jeff Bezos, chủ tịch của Amazon, hôm 26/04 vừa qua, đã thắc mắc liệu « Bắc Kinh sẽ có được thêm một chút phương tiện gây áp lực đối với mạng Twitter nhờ thương vụ này? ». Nhưng vào khi đó các nhà quan sát chủ yếu nhận thấy ở phát biểu này như một đòn ngầm phá bĩnh của một trong nhưng đối thủ cạnh tranh chính của Elon Musk trong cuộc đua trên không gian. Jeff Bezos, chủ công ty Blue Origin, có thể đã cố tình nêu ra yếu tố Trung Quốc, luôn nhạy cảm với chính quyền Mỹ.

Tuy nhiên, khó có thể coi nhẹ sự lệ thuộc của Tesla vào Trung Quốc. « Năm 2019, Tesla trở thành công ty nước ngoài đầu tiên sở hữu 100%  nhà máy của mình ở Trung Quốc và Elon Musk đã tận dụng để xây một nhà máy siêu lớn đang hoạt động rất tốt », Jean François Dufour, giám đốc văn phòng tư vấn DCA Chine-Analyse, lưu ý.

Bắc Kinh đã trải thảm đỏ đón ông chủ đến từ Mỹ, cho ông được hưởng « các ưu đãi giá đất để đặt nhà máy tại Trung Quốc trị giá lên tới nhiều tỷ đô la, vay vốn với lãi suất thấp và nhiều khoản giảm thuế », nhật báo The New York Times nhắc lại.

Đổi lại, Elon Musk đã biến nhà máy đó thành hậu cứ để bành trướng, không chỉ ở Trung Quốc, mà còn trong toàn vùng châu Á. Bằng chứng về tầm quan trọng của cơ sở sản xuất xe điện lớn nhất thế giới này: năm 2021, một nửa số xe hơi do Tesla sản xuất trên thế giới đã được lắp ráp ở đây. Riêng thị trường Trung Quốc đã mang lại hơn 13 tỷ đô la cho hãng xe Mỹ, tức là hơn một phần tư thu nhập của hãng, theo báo The Wall Street Journal.

Những món lợi đó có thể mau chóng trở thành gót chân Achille của Tesla, nếu như Bắc Kinh quyết định sử dụng nó như là phương tiện gây áp lực. « Chính quyền có thể hạn chế xe hơi Tesla tiếp cận thị trường Trung Quốc, nếu Elon Musk làm họ thất vọng theo cách này hay cách khác », Jean-François Dufour nhận định.

Tiền lệ 2019

Một kịch bản như vậy không phải là quá phí lý : Năm 2019, Bắc Kinh đã từng yêu cầu Tesla gửi những dữ liệu mà các loại xe hơi có kết nối thu thập được về người sử dụng Trung Quốc. Dưới áp lực, tập đoàn của Elon Musk đã phải mở một trung tâm dữ liệu tại Thượng Hải 2 năm sau đó. Theo chuyên gia Jean-François Dufour, cuộc đấu để giành quyền kiểm soát dữ liệu cá nhân thể hiện « quyết tâm của Bắc Kinh muốn đánh dấu lãnh thổ và khẳng định lại quyền lực của mình đối với các tác nhân nước ngoài hiện diện trên đất của họ ».

Elon Musk thì cũng đã có thể thấy được Bắc Kinh có khả năng trả đũa thế nào đối với những doanh nghiệp không biết chiều theo ý chế độ. Ví dụ, hãng quần áo H&M đã bị loại khỏi trang bán hàng qua mạng internet nổi tiếng  Alibaba, chỉ vì năm 2021 đã quyết định tẩy chay sử dụng bông có nguồn gốc từ vùng Tân Cương, do các tố cáo Bắc Kinh sử dụng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ trên những cánh đồng bông ở đó.

Nhà máy khổng lồ của Tesla tại Thượng Hải không phải là nguồn lệ thuộc kinh tế duy nhất vào Trung Quốc. Việc sản xuất các động cơ trang bị cho xe hơi của Tesla cũng bị tương tự. Trong một báo cáo hồi tháng 5/2022 về các chi tiết phụ tùng sử dụng để sản xuất xe hơi của mình, Tesla ghi nhận đa số phụ tùng xe đến từ các nhà cung cấp Trung Quốc và phụ thuộc vào các nguyên vật liệu cơ bản chủ yếu được khai thác ở Trung Quốc, hoặc do các tập đoàn Trung Quốc khai thác.

« Tesla không chỉ lệ thuộc vào các nhà cung ứng Trung Quốc hơn bất kỳ một nhà sản xuất xe điện nào khác, mà do ảnh hưởng của Elon Musk, Bắc Kinh có thể sử dụng thứ vũ khí này chống lại Tesla được nhiều hơn là là đối với General Motor hay Volkswagen », theo chuyên gia Jean-François Dufour.

Ý thức được sự lệ thuộc đó, Tesla đã nêu khả năng nhảy vào công nghiệp khai khoáng, nhưng « việc đó cần phải mất hơn bảy năm mới đạt được », Gavin Montgomery, chuyên gia về nguyên vật liệu cơ bản thuộc văn phòng Wood Mackenzie của Mỹ nhận định với Washington Post.

Con ngựa thành Troie của Trung Quốc để làm gì ?

Những lo ngại của chính quyền Mỹ việc Elon Musk nếu mua lại Twitter sẽ biến thành con ngựa thành Troie của Trung Quốc, là do «ông chủ doanh nghiệp này hay có những phát ngôn rất tích cực đối với Trung Quốc và những lợi ích của nước này », ông Jean-François Dufour ghi nhận.

Elon Musk đã bình tĩnh chấp nhận Bắc Kinh cho đóng cửa nhà máy của mình ở Thượng Hải vào thời điểm phong tỏa thủ đô hồi tháng Ba vừa rồi. Trong khi đó, Elon Musk kêu ca ầm ĩ khi chính quyền bang California có quyết định tương tự với nhà máy của ông ở Fremont hồi đầu đại dịch, tháng 4/2020. Khi đó ông còn dọa di dời toàn bộ cơ sở sản xuất sang bang Texas.

Trung Quốc có những cách để Elon Musk phải ngoan ngoãn. Nhưng việc mua Twitter có gì là nguy cơ đối với an ninh của nước Mỹ ? Trước tiên, « hiển nhiên là vấn đề tiếp cận các dữ liệu cá nhân người sử dụng mạng Twitter » một cựu cố vấn của Barack Obaman giấu tên, khẳng định với nhật báo Washington Post.

« Trung Quốc hiển nhiên sẽ tận dụng hoàn cảnh đó để yêu cầu cung cấp những thông tin của những người chỉ trích Bắc Kinh trên Twitter », theo ông Murong Suecun, một nhà văn Trung Quốc đã bị chính quyền thẩm vấn hồi năm 2019 sau khi khi đưa lên Twitter hai bình luận phê phán Tập Cận Bình.

« Nếu Twitter bị cấm ở Trung Quốc, chắc chắn là bởi vì Bắc Kinh nhận ra rằng đó có thể là công cụ tuyệt vời để gây ảnh hưởng », ông Jean-François Dufour nhận định. Theo chuyên gia này, chế độ Trung Quốc dự tính sẽ tận dụng việc Elon Musk thực sự nắm giữ mạng xã hội này.. Mối lo ngại là ở chỗ Twitter có thể trở thành cái loa phóng thanh cho tuyên truyền Trung Quốc.

Trung Quốc đã là bậc thầy về tuyên truyền trên mạng xã hội, thường là dùng để chỉ trích Mỹ. Nhưng Twitter đến giờ vẫn đang cố gắng giảm bớt hiện tượng bóp méo thông tin bằng cách đóng những tài khoản giả được sử dụng duy nhất để khuếch đại diễn văn chính thức của Trung Quốc, theo báo The Wall Street Journal. Quan điểm « tự do ngôn luận tuyệt đối » được Elon Musk bảo vệ công khai và mạnh mẽ  lại có thể kết hợp rất tốt với tham vọng Trung Quốc là đưa tiếng nói của mình vang và xa hơn trên trường quốc tế.

Chính quyền Mỹ thiếu phương tiện để ngăn cản thương vụ mua bán này nhân danh an ninh quốc gia. Ủy ban đầu tư nước ngoài không có chức năng ngăn chặn một giao dịch giữa hai công ty Mỹ như trường hợp của Twitter và Elon Musk. Hy vọng duy nhất của họ là ông chủ của Tesla cuối cùng tự quyết định không mua lại mạng xã hội này nữa.

(Theo france24.com)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn