Người đàn bà trong bóng tối

Thứ Năm, 08 Tháng Ba 201810:00 SA(Xem: 6115)
Người đàn bà trong bóng tối

Cách đây 7 năm, bà Penelope Fillon từng tuyên bố trên nhật báo Anh Sunday Telegraph: “Tôi chưa bao giờ làm phụ tá cho chồng”.

Penelope không thể ngờ tuyên bố đó giờ trở thành một chứng cứ chống lại bà.

Năm 2007, tên tuổi phu nhân ông Francois Fillon, ứng cử viên sáng giá của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2017, ít được biết đến. Cuộc phỏng vấn diễn ra trong bối cảnh ông Fillon mới được bổ nhiệm làm thủ tướng Pháp. Lúc đó, không ai thắc mắc bà Penelope có phụ việc cho chồng như bà Cherie Booth, phu nhân Thủ tướng Anh Tony Blair hay không.

“Cực kỳ kín đáo”

Theo luật sư riêng của bà Penelope nhân dịp đặc phái viên đài truyền hình TF1 tại London nhắc lại câu nói vạ miệng kể trên hôm 2-2, bà chỉ muốn thể hiện quan điểm khác bà Cherie Booth. Vị luật sư này lên án báo chí bóp méo thông tin bằng cách trích dẫn câu nói nhưng không nêu rõ ngọn nguồn khiến khán - thính giả hiểu sai bản chất sự việc.

Trở thành người của công chúng một cách bất đắc dĩ trong mấy tuần qua, tâm trạng bà Penelope hiện không được tốt. Đáp ứng sự tò mò của công chúng, truyền thông Pháp thi nhau mô tả cuộc đời và sự nghiệp luật sư của bà Penelope, người phụ nữ mắt xanh đến từ Xứ Wales - Vương quốc Anh, mỗi cơ quan mỗi kiểu, tùy theo xu hướng chính trị.

Tờ La Parisienne gọi bà Penelope là “Người đàn bà trong bóng tối”. Báo Le Figaro mô tả bà là một người “cực kỳ kín đáo”. Nói chung, trước khi nổ ra vụ Penelope Gate, bà là cái bóng âm thầm và lặng lẽ của ông Fillon. Hồi tháng 10 năm ngoái, bà còn khẳng định: “Đến lúc này, tôi chưa bao giờ can thiệp vào đời sống chính trị của chồng”.

Đó là một phát ngôn kỳ lạ bởi thực tế, tên bà Penelope nằm chình ình trên bảng lương phụ tá nghị sĩ và hằng tháng, số lương “khủng” - có lúc lên đến 10.153 euro (sau thuế), theo tờ Con Vịt buộc (Le Canard enchaîné) - được chuyển vào tài khoản ngân hàng của bà. Trong khi đó, lương phụ tá nghị sĩ trung bình chỉ 2.900 euro (sau thuế).


Bà Penelope chung vui với chồng hồi năm 2007 nhân dịp ông Fillon nhậm chức thủ tướng Ảnh: SIPA

Bà Penelope chung vui với chồng hồi năm 2007 nhân dịp ông Fillon nhậm chức thủ tướng Ảnh: SIPA

Là người kín đáo, dù có bằng tiến sĩ luật nhưng bà Penelope chỉ thích làm nội trợ, chăm sóc con để “chồng toàn tâm toàn ý với sự nghiệp chính trị”. Bà tránh xa báo chí và các sự kiện chính trị. Tuy nhiên, dù muốn hay không, bà cũng trở thành tâm điểm của truyền thông 2 lần, trước khi nổ ra vụ Penelope Gate.

Lần đầu vào ngày 17-5-2007, bà Penelope xuất hiện bên cạnh chồng tại dinh thủ tướng Matignon khi ông Fillon được Tổng thống Nicolas Sarkozy bổ nhiệm làm thủ tướng. Lần thứ hai, bà xuất hiện trong một chương trình phát sóng hôm 11-6-2016 trên đài truyền hình M6 nói về khát vọng chính trị của chồng trong khuôn khổ cuộc vận động tranh cử của ông Fillon. Cũng trong khuôn khổ cuộc vận động này, bà xuất hiện thêm vài lần trước công chúng, hô hào cử tri bỏ phiếu cho chồng. Điều đó cho thấy nỗ lực to lớn, hy sinh quyền lợi cá nhân của bà vì sự nghiệp chính trị của chồng.

Các bài báo nói về bà Penelope xuất hiện nhiều hơn từ ngày ông Fillon bất ngờ chiến thắng tại vòng bầu cử sơ bộ hồi tháng 11-2016 và trở thành ứng cử viên chính thức của Đảng Cộng hòa. Khi ông Fillon dẫn đầu mọi cuộc thăm dò dư luận, công luận chờ đón một đệ nhất phu nhân gốc Anh sau cuộc bầu cử vào tháng 4 tới, còn bây giờ là cơn bão truyền thông xung quanh vụ Penelope Gate.

Chuyện tình người con gái Xứ Wales

Penelope Kathryn Clarke chào đời vào mùa hè 1955 tại làng Llanover, Xứ Wales; là con gái thẩm phán George Clarke và bà Cladys. Bà Penelope gặp ông Fillon năm 1974 trong một bữa ăn tối ở TP Mans - Pháp. Lúc đó, bà học cao học năm cuối khoa văn Trường ĐH Sorbonne danh giá ở Paris, còn ông Fillon học khoa luật.

Không có tiếng sét ái tình trong lần gặp gỡ đầu tiên ấy nhưng khi trở về Anh để hoàn tất bằng tiến sĩ luật tại ĐH Bristol thì Penny (tên gọi thân mật của bà Penelope) thấy nhớ chàng sinh viên Pháp. Chính chàng trai hào hoa người Pháp là người theo đuổi Penelope đến cùng. Fillon thường xuyên đi tàu lửa vượt đường hầm eo biển Manche đến thăm người yêu.

Ngày 28-6-1980, họ đăng ký kết hôn ở Sarthe - quê hương của chú rể, còn lễ cưới theo nghi thức tôn giáo diễn ra tại Xứ Wales. Vài năm sau, 2 họ Clarke và Fillon càng thêm khắng khít khi Jane - em gái bà Penelope - lấy Pierre, em trai ông Francois.

Sinh sống ở Pháp nhưng bà Penelope vẫn giữ lối sống truyền thống của gia đình: kín đáo và bình dị kiểu gái quê tại quê chồng ở Solesmes, tỉnh Sarthe. Bà chưa bao giờ hành nghề luật sư, chỉ lo chăm sóc 5 đứa con (1 gái, 4 trai) sau 35 năm chung sống với ông Fillon trong một tòa biệt thự bề thế. Năm 2002, bà mới lên Paris ở, theo yêu cầu của chồng.

Nhập tịch Pháp và từ bỏ Anh giáo để theo Công giáo bên chồng nhưng bà Penelope thỉnh thoảng vẫn nhớ đau đáu Xứ Wales. Penelope cảm thấy không thoải mái lắm với người Pháp mà bà nhận xét là có xu hướng tự coi “cao hơn các dân tộc khác”, “hành xử thiếu tế nhị khi tham gia giao thông” - như bà từng chia sẻ trên tờ The Telegraph năm 2007.

Bà Penelope, năm nay 61 tuổi, nếm trải cảm giác bất an lần đầu tiên khi trở thành phu nhân thủ tướng năm 2007. Bà nhớ lại: “Lúc đó, người ta hỏi vai trò mới của tôi là gì. Tôi trả lời “chẳng có vai trò nào cả”. Sau một tuần chộn rộn, mọi việc trở lại bình thường. Tôi có thể ra đường mà không ai nhận ra. Tôi thích như thế vì nếu không thì sẽ rất hãi hùng”.

Tuy vậy, cũng có lúc danh vọng chính trị đến với bà Penelope một cách ngọt ngào và quyến rũ. Đó là vào năm 2014, khi lần đầu tiên bà tham chính và đắc cử cố vấn Hội đồng xã Solesmes, tỉnh Sarthe - nơi thường trú của bà từ khi lấy ông Fillon.

Điềm gở

Xuất thân từ một gia đình có truyền thống sống ẩn dật, không thích khoe khoang, bà Penelope đã bị sốc nặng sau một lần tỏa sáng trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đó là vào năm 2013. Vượt ra khỏi nguyên tắc “muốn hạnh phúc, hãy sống ẩn dật”, ông bà Fillon mở cửa tòa lâu đài của mình ở Solesmes, đón chào ê-kíp phóng viên tuần báo Paris-Match. Một bài phóng sự hoành tráng đã được thực hiện, mô tả chi tiết cuộc sống hạnh phúc của gia đình Fillon. “Cây đinh” trong bài phóng sự là bức ảnh chụp toàn thể gia đình 7 người (ông bà Fillon và 5 người con) rạng rỡ hạnh phúc trên bãi cỏ xanh mướt trước tòa lâu đài bề thế kèm theo chú thích đại loại “Muốn trị quốc phải tề gia”.

Tại địa phương, hình ảnh đại gia đình hạnh phúc này đã giúp bà Penelope trở thành cố vấn Hội đồng xã Solesmes nhưng trên bình diện cả nước, tiếng khen thì ít mà lời chỉ trích thì nhiều, kiểu “chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”!

 

NGUYỄN CAO
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Hai, 05 Tháng Hai 20187:00 CH
Các nhà khoa học đã khép lại nghiên cứu kéo dài nhiều thập kỷ qua về xác ướp bí ẩn được khai quật ở Thụy Sĩ của một phụ nữ qua đời từ thế kỷ XVIII
Thứ Sáu, 26 Tháng Giêng 20189:00 CH
Thay vì ngồi đối diện, trợ thủ kinh tế đắc lực của ông Tập Cận Bình đã chuyển lên ngồi bàn Chủ tich, ngay bên cạnh Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ trong 1 hội nghị cấp cao.
Thứ Hai, 30 Tháng Mười 20179:19 SA
Thượng nghị sĩ John McCain mới đánh dấu dịp kỷ niệm 50 năm ngày ông bị bắt tại Việt Nam,
Thứ Hai, 30 Tháng Mười 20176:09 SA
Tổng thống Lyndon B. Johnson tin rằng người tiền nhiệm John F. Kennedy đứng đằng sau vụ ám sát cựu Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm vài tuần trước khi ông qua đời và vụ ám sát ông Kennedy là sự báo ứng,
Thứ Năm, 26 Tháng Mười 20175:21 CH
Mỹ hôm thứ Năm áp đặt các biện pháp chế tài đối với bảy cá nhân và ba thực thể Triều Tiên về điều mà Mỹ gọi là những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, bao
Thứ Ba, 24 Tháng Mười 20178:27 CH
Cuộc đời của người được xem là có IQ cao nhất thế giới cho thấy chỉ số này không phải là yếu tố đảm bảo thành công.
Chủ Nhật, 22 Tháng Mười 201711:55 CH
Indonesia gửi một công hàm tới ngoại trưởng Mỹ và triệu tập phó đại sứ Hoa Kỳ ở Jakarta để yêu cầu giải thích lý do vì sao người đứng đầu quân đội nước này lại bị từ chối visa vào Mỹ.