Từ cậu bé thời chiến đến chủ nhân giải Nobel

Thứ Năm, 14 Tháng Mười 20217:00 SA(Xem: 2851)
Từ cậu bé thời chiến đến chủ nhân giải Nobel

Lớn lên trong cuộc nội chiến Lebanon dai dẳng, Ardem Patapoutian - chủ nhân giải Nobel Y sinh 2021, không ngờ mình sẽ sống một cuộc đời cho khoa học.

Ardem Patapoutian, nhà khoa học sinh năm 1967 tại Beirut, Lebanon. Ảnh: Twitter/Nobel Prize

Ardem Patapoutian, nhà khoa học sinh năm 1967 tại Beirut, Lebanon. Ảnh: Twitter/Nobel Prize

Nghiên cứu khoa học từng là điều Ardem Patapoutian, chủ nhân giải Nobel Y sinh 2021, không hề nghĩ tới, chưa kể đến gặt hái được thành tựu lớn như vậy. "Khi đó, tôi chắc chắn không thể tưởng tượng ra ngày hôm nay. Tôi không thể hình dung việc sống một cuộc sống cho khoa học...Tôi còn không biết đó là một nghề nghiệp", Patapoutian chia sẻ với tờ San Diego Union-Tribune khi hồi tưởng về thời thơ ấu của mình ở Lebanon.

Ardem Patapoutian sinh ra tại Beirut, Lebanon, năm 1967. Ông là con út trong ba người con của một gia đình gốc Mỹ. Mẹ ông là giáo viên tiểu học còn cha là nhà văn kiêm kế toán. Patapoutian lớn lên trong cuộc nội chiến Lebanon dai dẳng và đầy tai họa. Cuộc nội chiến kéo dài từ năm 1975 đến năm 1990, khiến hơn 100.000 người thiệt mạng. Patapoutian thậm chí từng bị những người lính mang vũ khí bắt giữ.

Năm 18 tuổi, Patapoutian cùng anh trai chạy sang Mỹ. Để trang trải cho cuộc sống ở California và đủ tiền học đại học, ông làm nhiều công việc khác nhau trong một năm như giao pizza và viết bài tử vi hàng tuần cho một tờ báo Armenia. "Tôi đến với rất ít tiền và gần như không thể nói được ngôn ngữ ở đây", Patapoutian kể lại.

Tại Đại học California Los Angeles (UCLA), khi chuẩn bị nộp đơn vào trường y, ông tham gia một phòng thí nghiệm để giáo sư có thể viết cho mình lời giới thiệu tốt, theo New York Times. "Tôi làm việc trong một phòng thí nghiệm và bắt đầu yêu thích nghiên cứu. Kể từ đó, nghiên cứu là cuộc sống và cũng là niềm vui của tôi", Patapoutian chia sẻ.

Ông lấy bằng cử nhân khoa học sinh học ở UCLA năm 1990 và bằng tiến sĩ sinh học tại Viện Công nghệ California (Caltech) năm 1996. Sau đó, Patapoutian trở thành nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học California San Francisco (UCSF). Ông làm việc ở đó cho đến năm 2000 thì chuyển tới Viện nghiên cứu Scripps, một trong những viện nghiên cứu y sinh phi lợi nhuận được xếp hạng cao nhất nước Mỹ, và trở thành giáo sư.

Ardem Patapoutian cùng con trai Luca theo dõi buổi họp báo sau khi biết tin nhận giải Nobel Y sinh. Ảnh: Nancy Hong

Patapoutian cùng con trai Luca theo dõi buổi họp báo sau khi biết tin nhận giải Nobel. Ảnh: Nancy Hong

Patapoutian cùng các đồng nghiệp tại Scripps bắt đầu giải quyết một câu hỏi mà lần đầu ông nghĩ đến là khi còn ở UCSF: Điều gì cho phép cơ thể người cảm nhận áp lực dưới mọi hình thức, từ cú chích của một mũi kim cho đến chiếc bụng no căng sau bữa tối? Ông muốn tập trung vào nghiên cứu xúc giác và cảm giác đau vì những cơ chế này vẫn còn rất nhiều bí ẩn. "Khi tìm thấy một lĩnh vực chưa được hiểu rõ, đó là cơ hội tuyệt vời để bạn đào sâu", ông nói.

Giới khoa học đã nắm được nhiều điều về cách hoạt động của thị giác và vị giác, nhưng còn nhiều vấn đề về đến xúc giác chưa có lời giải. Để tìm kiếm cơ sở phân tử của xúc giác, Patapoutian phải nghiên cứu một loạt gene có thể liên quan. Ông và các cộng sự lần lượt làm bất hoạt các gene cho đến lúc xác định được gene duy nhất mà khi nó bị vô hiệu hóa, các tế bào không còn nhạy cảm với cú chọc của một chiếc ống hút nhỏ.

Niềm đam mê nghiên cứu với những nỗ lực không ngừng nghỉ cuối cùng đã mang lại cho ông thành quả xứng đáng. Ông cùng David Julius trở thành hai nhà khoa học được vinh danh trong buổi công bố giải Nobel Y sinh năm 2021 hôm 4/10 nhờ những phát hiện quan trọng liên quan tới cơ chế thụ cảm nhiệt độ và xúc giác.

Công trình của họ làm sáng tỏ cách giảm đau mạn tính và cấp tính liên quan đến một số bệnh tật, chấn thương và phương pháp điều trị. Julius sử dụng capsaicin, một hợp chất cay từ ớt, gây cảm giác nóng, để xác định cách đầu dây thần kinh của da phản ứng với nhiệt. Trong khi đó, Patapoutian dùng tế bào nhạy cảm với áp suất để khám phá ra một phản ứng khác với kích thích cơ học trên da và cơ quan nội tạng.

"Tôi cảm thấy hơi choáng ngợp, nhưng vô cùng hạnh phúc", Patapoutian chia sẻ vài tiếng sau khi biết tin đoạt giải. Ông cùng David Julius sẽ chia đôi giải thưởng trị giá khoảng 1,15 triệu USD.

Trong buổi phỏng vấn qua điện thoại với Adam Smith, giám đốc khoa học tại Nobel Media, khi được hỏi về bí quyết cho môi trường nghiên cứu thành công của mình, ông cho rằng đó là môi trường, những người xung quanh và sự tập trung vào những câu hỏi lớn có thể giải đáp. "Trong khoa học, nhiều khi chúng ta tập trung vào những câu hỏi lớn, nhưng bạn phải hỏi chúng vào đúng lúc đúng chỗ, khi có các công cụ để tìm ra câu trả lời", Patapoutian chia sẻ.

Thu Thảo (Tổng hợp)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Hai, 05 Tháng Hai 20187:00 CH
Các nhà khoa học đã khép lại nghiên cứu kéo dài nhiều thập kỷ qua về xác ướp bí ẩn được khai quật ở Thụy Sĩ của một phụ nữ qua đời từ thế kỷ XVIII
Thứ Sáu, 26 Tháng Giêng 20189:00 CH
Thay vì ngồi đối diện, trợ thủ kinh tế đắc lực của ông Tập Cận Bình đã chuyển lên ngồi bàn Chủ tich, ngay bên cạnh Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ trong 1 hội nghị cấp cao.
Thứ Hai, 30 Tháng Mười 20179:19 SA
Thượng nghị sĩ John McCain mới đánh dấu dịp kỷ niệm 50 năm ngày ông bị bắt tại Việt Nam,
Thứ Hai, 30 Tháng Mười 20176:09 SA
Tổng thống Lyndon B. Johnson tin rằng người tiền nhiệm John F. Kennedy đứng đằng sau vụ ám sát cựu Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm vài tuần trước khi ông qua đời và vụ ám sát ông Kennedy là sự báo ứng,
Thứ Năm, 26 Tháng Mười 20175:21 CH
Mỹ hôm thứ Năm áp đặt các biện pháp chế tài đối với bảy cá nhân và ba thực thể Triều Tiên về điều mà Mỹ gọi là những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, bao
Thứ Ba, 24 Tháng Mười 20178:27 CH
Cuộc đời của người được xem là có IQ cao nhất thế giới cho thấy chỉ số này không phải là yếu tố đảm bảo thành công.
Chủ Nhật, 22 Tháng Mười 201711:55 CH
Indonesia gửi một công hàm tới ngoại trưởng Mỹ và triệu tập phó đại sứ Hoa Kỳ ở Jakarta để yêu cầu giải thích lý do vì sao người đứng đầu quân đội nước này lại bị từ chối visa vào Mỹ.