2 người Canada kể về thời gian bị giam tại Trung Quốc

Chủ Nhật, 03 Tháng Hai 20196:00 SA(Xem: 5416)
2 người Canada kể về thời gian bị giam tại Trung Quốc
bc.com
By Jessica Murphy BBC News, Toronto

Cặp vợ chồng người Canada Kevin và Julia Garratt bị bắt giam tại Trung Quốc vào năm 2014 và bị buộc tội gián điệp trong bối cảnh hận thù leo thang giữa Canada và Trung Quốc và các cáo buộc giam giữ người của nhau để trả thù.

Hai vợ chồng nhà Garratt nói với BBC về thời gian ở tù của họ - và làm sao họ đã trở được về nhà.

Kevin Garratt nhớ rất rõ đêm ông và Julia bị bắt ở Đông Bắc Trung Quốc.

Ông nhớ lại việc bị kéo đi khỏi vợ khi họ đi qua sảnh của một nhà hàng ở tầng dưới, và bị đẩy vào phía sau chiếc xe mui kín màu đen chứa đầy những sĩ quan vạm vỡ.

Ông nghĩ toàn bộ sự việc là một lầm lẫn khủng khiếp nào đó.


Julia, bị buộc vào một chiếc xe riêng, thấy mình run rẩy vì sợ hãi và sốc trước sự kiện bất ngờ, trong khi chiếc xe lao vào bóng tối.

Bà nghĩ: "Đây sẽ là đêm cuối cùng trong đời mình."

"Tôi không nghĩ rằng mình đã từng cảm thấy sợ hãi và hoảng loạn đến độ như vậy trước đó. Và cũng chỉ thấy buồn cho gia đình và các con tôi, vì không có cảnh báo nào trước, và sẽ không có cơ hội để nói lời tạm biệt."

Gia đình nhà Garratts đã sống ở Trung Quốc từ năm 1984, và từ năm 2008 mở một quán cà phê được khách nước ngoài và khách du lịch phương Tây ở Đan Đông, một thành phố ở biên giới Bắc Triều Tiên, rất ưa chuộng, trong khi vẫn tiếp tục thực hiện công việc từ thiện của Kitô giáo.

Nhưng điều mà cả hai không biết, là vào đầu năm 2014 và cách nơi họ ở hàng ngàn dặm, chính quyền Mỹ đã tung ra một chiến dịch truy quét gián điệp không gian mạng Trung Quốc. Một trong những người đàn ông trong tầm ngắm của họ là Su Bin, một cư dân Trung Quốc làm việc tại Canada.

Tháng 6 năm đó, chính quyền Canada bắt Su, người bị buộc tội ăn cắp dữ liệu về các dự án quân sự và bán cho Trung Quốc, để dẫn độ về Mỹ.

Trong khi Trung Quốc phủ nhận cáo buộc này, các quan chức và quan sát viên của Canada tin rằng việc bắt giữ hai vợ chồng Garratts là một vụ bắt giam ăn miếng trả miếng và một nỗ lực gây áp lực buộc Canada phải trả tự do cho Su.

Đại sứ Canada tại Bắc Kinh lúc bấy giờ, Guy Saint-Jacques, mô tả hai vợ chồng Garratt là "một vài nhà truyền giáo người Canada đã ở Trung Quốc 30 năm làm việc thiện".

Ông nói với BBC rằng việc họ bị bắt "là trường hợp đầu tiên cho chúng tôi thấy sự trả đũa rõ ràng cho điều gì đó đã xảy ra ở Canada".

Khi gặp các đối tác tại Bộ Ngoại giao về vụ án, Saint-Jacques nhớ lại: "Họ không bao giờ nói ra trực tiếp 'chúng ta hãy trao đổi.' Nhưng rất rõ ràng đây là những gì họ muốn. "

Vào đêm bị bắt giữ - khởi đầu của những tháng ngày bị giam cầm của hai vợ chồng Garratts - họ được một người bạn của một người bạn mời đi ăn tối, họ nói với cặp vợ chồng này là muốn nói về con gái họ đang đi du học ở Canada.

Nhưng một cái gì đó về bữa ăn tối này có vẻ kỳ lạ.

"Nó không có vẻ chân thật và người con gái không bao giờ đến", Kevin nói.

Julia nói rằng chỉ sau đó họ mới nhận ra toàn bộ buổi tối là một sự dàn dựng cho vụ bắt giữ họ.

"Việc bắt giữ chúng tôi đã được suy nghĩ rất kỹ lưỡng và lên kế hoạch trước. Chúng tôi hoàn toàn không nghi ngờ gì," bà nói.

Vào tháng 12, giám đốc điều hành viễn thông Trung Quốc, bà Mạnh Vãn Chu, 46 tuổi, bị giam giữ tại Vancouver vì cáo buộc vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

Tuần này, Hoa Kỳ đã đệ đơn tố cáo Huawei và bà Mạnh, và đang tìm cách dẫn độ bà. Cả Huawei và bà Mạnh đều bác bỏ các cáo buộc.

Sau vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu là những mối đe dọa về "hậu quả nghiêm trọng" từ Trung Quốc nếu người thừa kế công nghệ và giám đốc tài chính tại Huawei, công ty tư nhân lớn nhất của Trung Quốc, không được trả tự do.

Vào giữa tháng 12, hai người Canada - nhà cựu ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor - đã bị bắt giữ tại Trung Quốc với cáo buộc làm tổn hại an ninh quốc gia.


Giống như trong trường hợp của hai vợ chồng Garratts, việc giam giữ họ bị nhiều nhà phân tích Trung Quốc xem là một sự trả thù.

Kinh nghiệm của vợ chồng Garratts trong nhà tù Trung Quốc tương đương với những gì giới chức Canada và những người khác gợi ý là cảnh Kovrig và Spavor đang trải qua - bị nhốt trong một căn phòng có đèn chiếu sáng cả ngày lẫn đêm, và những cuộc thẩm vấn hàng ngày.

"Tôi không biết những gì họ đã làm hoặc không làm, nhưng tôi biết những gì họ đang phải trải qua trong lúc này," Julia nói.

Vợ chồng Garratts nói rằng họ không bao giờ bị tổn hại về thể xác nhưng bị lính gác theo dõi suốt ngày đêm và phải yêu cầu những nhu yếu phẩm cơ bản nhất khi cần.

"Bạn muốn uống nước, họ phải đi lấy cho. Đánh răng, họ cũng đi lấy bàn chải cho bạn. Thủ tục được xếp đặt để tạo sự sợ hãi và kiểm soát bạn, "Kevin nói.


Julia cho biết trong vài đêm đầu tiên, cô đắp chăn lên mắt để chặn ánh sáng, nhưng người bảo vệ kéo nó xuống.

"Tôi nghĩ: 'Đó là một quy tắc, tôi không thể che mặt để ngủ trong bóng tối, họ cần cho ánh sáng chiếu vào mặt tôi.'Họ có quy tắc rất nghiêm ngặt. "

Họ cũng trải qua các cuộc thẩm vấn hàng ngày kéo dài có khi đến sáu giờ đông hồ.


Những cuộc bắt giữ ăn miếng trả miếng

• Khoảng 200 người Canada bị bắt giữ tại Trung Quốc

• Trường hợp của Michael Spavor, Michael Kovrig và Robert Lloyd Schellenberg có thể liên quan đến sự nổi giận của Trung Quốc khi bà Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ

• Kovrig, một nhà ngoại giao nghỉ phép, và Spavor, một doanh nhân có quan hệ mật thiết với Triều Tiên, bị cáo buộc tham gia vào các hoạt động gây tổn hại đến an ninh quốc gia Trung Quốc

• Schellenberg bị kết án vào năm ngoái về tội buôn lậu ma túy và bị kết án tử hình vào tháng 1

• Canada đã cáo buộc Trung Quốc "hành động tùy tiện" trong tuyên án tử hình Schellenberg

• Nước này đã cập nhật tư vấn du lịch cho Trung Quốc sau khi Schellenberg bị tuyên án, kêu gọi người dân phải thận trọng do có nguy cơ "thực thi luật pháp địa phương tùy tiện"


Các thẩm vấn viên của hai vợ chồng Garretts đã có một thập kỷ chi tiết về thời gian họ sống ở Trung Quốc, những chuyến đi của họ, và hỏi đi hỏi lại về những chi tiết vụn vặt trong hoạt động của họ - tại sao, khi nào và ở đâu. Và họ gặp gỡ những ai.

"Họ sẽ hỏi những câu hỏi tương tự hai tháng sau đó và so sánh các câu trả lời," Julia nói. "Nó rất, rất mệt mỏi."

Bản quyền hình ảnh Reuters
Image caption Kevin Garratt is reunited with his wife Julia in Vancouver Ông Kevin Garratt đoàn tụ với vợ ở Vancouver

Khoảng bốn năm sau, hai vợ chồng Garretts ghi lại kinh nghiệm của họ trong một cuốn sách "Two Tears on the Window" - Hai giọt nước mắt trên cửa sổ - được xuất bản vào tháng 11.

Là các Kitô hữu sùng đạo, họ nói lời cầu nguyện và sự hỗ trợ của cả gia đình và cộng đồng nhà thờ rộng lớn hơn đã giúp họ vượt qua thời gian bị giam giữ.

"Tôi có cảm giác rằng sự an bình của tôi không thể bị đánh cắp, tự do thực sự của tôi không thể bị đánh cắp. Và tôi nghĩ rằng suy nghĩ này cho mình một tâm trạng thoải mái, " Julia nói.

Julia được tại ngoại vào tháng 2 năm 2015, chờ ngày xét xử. Vào tháng 1 năm 2016, khi vẫn bị giam giữ, Kevin bị buộc tội ăn cắp bí mật nhà nước.

Một tháng sau, Su từ bỏ dẫn độ và đến Mỹ, nơi vào tháng 3, ông ta đã nhận tội đột nhập vào các nhà thầu quốc phòng lớn của Mỹ, đánh cắp tài liệu quân sự nhạy cảm và gửi những tài liệu này đến Trung Quốc.

Đại sứ Canada Saint-Jacques nói rằng giới chức Trung Quốc dường như bị bất ngờ trước quyết định của Su trong việc thỏa thuận với giới chức Mỹ.

Ông tin rằng bước ngoặt của sự kiện, kết hợp với chuyến thăm Trung Quốc của Justin Trudeau, trong thời gian đó, Thủ tướng mới đắc cử của Canada nêu lên trường hợp của Kevin, là công cụ đảm bảo cho việc Kevin được trả tự do.

Kevin bị trục xuất đến Canada vào tháng 9 năm 2016 sau 775 ngày bị giam giữ tại Trung Quốc và đoàn tụ với Julia, đã rời khỏi nước này vào đầu năm đó.

Trong khi đó, trường hợp của bà Mạnh Vãn Chu tiếp tục làm căng thẳng mối quan hệ của Trung Quốc với Canada và Mỹ.

Giới chức Trung Quốc đã gọi việc bắt bà là một "sai lầm nghiêm trọng", cáo buộc Canada về tiêu chuẩn kép và "chủ nghĩa tự cao tự đại và quyền lực tối cao của phương Tây".

Bà Mạnh Vãn Chu được tại ngoại và bị quản thúc tại Vancouver, nơi bà có nhiều tài sản. Bà sẽ ra tòa vào ngày 6 tháng 3, nhưng vụ án có thể kéo dài trong nhiều năm.

Việc bà Mạnh bị bắt xẩy ra trong bối cảnh sự giám sát ngày càng tăng ở các nước phương Tây với Huawei, công ty hàng đầu thế giới về cơ sở hạ tầng viễn thông, đặc biệt là thế hệ mạng điện thoại di động tiếp theo, được gọi là 5G.

Mối lo ngại về bảo mật công nghệ của công ty đã tăng lên, đặc biệt là ở Mỹ, Anh, Canada, Úc và Đức, vì nỗi lo sợ sản phẩm của họ có thể được sử dụng để làm gián điệp, một cáo buộc mà Huawei phủ nhận.


Trong tranh chấp ngoại giao, Canada đã nỗ lực tập hợp các đồng minh quốc tế đứng về phe mình.

Đầu tháng này, hơn 140 nhà ngoại giao - bao gồm Saint-Jacques - và nhiều học giả đã ký một bức thư ngỏ tới Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi trả tự do cho Kovrig và Spavor.

Canada cũng sa thải đại sứ John McCallum vào Chủ nhật sau những bình luận gây tranh cãi mà ông đưa ra về trường hợp dẫn độ của bà Mạnh Vãn Chu.

Đối với gia đình Garratts, mặc cho tầm quan trọng quốc tế của các trường hợp giống như của họ, điều quan trọng cần nhớ là nhiều cá nhân và gia đình của họ đã bị cuốn vào cuộc tranh chấp.

"Tổn hại về mặt con người rất lớn. Đó là thiệt hại lớn nhất mà những cá nhân bị trực tiếp ảnh hưởng phải trả, những liên quan thật bất công bởi những điều lớn lao này, " Julia nói.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn