Câu trả lời gây bất ngờ của người cao tuổi nhất thế giới

Thứ Ba, 26 Tháng Ba 20241:00 CH(Xem: 543)
Câu trả lời gây bất ngờ của người cao tuổi nhất thế giới

Khi được hỏi về bí quyết sống thọ, cụ bà Maria Branyas chỉ lắc đầu và nói: "Tôi chẳng làm điều gì đặc biệt để sống được đến độ tuổi này".

Bà Branyas sống trong viện dưỡng lão ở phía đông bắc Tây Ban Nha và gần đây đã tổ chức sinh nhật lần thứ 117 của mình với một chiếc bánh và buổi họp mặt gia đình nho nhỏ, theo El Páis.

Cụ bà Maria Branyas.
Cụ bà Maria Branyas.

Rosa Moret, con gái út đã 80 tuổi của bà, cho biết: "Gia đình chia ra khi đến thăm mẹ vì bà không thích ở gần nhiều người". Tinh thần của bà Branyas "tụt dốc" trong vài tháng qua. Con gái nói rằng bà không đau nhưng "đang yếu đi".

Bà Branyas hoàn toàn nhận thức được mọi thứ xung quanh, mặc dù bị mất thính lực và suy giảm khả năng vận động. Khi mọi người không ngừng thắc mắc việc sống thọ hơn trăm tuổi sẽ như thế nào, bà Branyas khá bình lặng, dường như không để ý đến sự ồn ào của giới truyền thông bên ngoài viện dưỡng lão.

Bộ gene tốt và thói quen lành mạnh

Vào tháng 1/2023, sau khi bà Lucile Randon (người Pháp) qua đời ở tuổi 118, bà Branyas, lúc đó 115 tuổi, trở thành người già nhất còn sống trên thế giới.

Giới truyền thông đã gõ cửa nhà. Thành phố nơi bà sinh ra - San Francisco (California, Mỹ) - vinh danh người con xa quê. Gia đình nhận hàng chục cuộc điện thoại, con rể của bà lập một tài khoản Twitter (hiện là X). Nhà làm phim Sam Green đến phỏng vấn để thực hiện phim tài liệu.

Mọi thứ đột nhiên thay đổi. Người đến thăm hỏi quá đông khiến gia đình phải từ chối tiếp. "Cụ bà không còn đủ sức làm việc đó nữa", họ nói.

Mùa xuân năm 2023, chuyên gia về ung thư Manel Esteller liên lạc với viện dưỡng lão của bà Branyas và yêu cầu được nói chuyện với gia đình của cụ già hơn 110 tuổi. Ông muốn nghiên cứu tế bào của một người đã đạt đến độ tuổi xưa nay hiếm.

"Chúng tôi chưa bao giờ chạm tay vào tế bào của một người 117 tuổi. Nó rất hiếm", Esteller nói.

Ở Tây Ban Nha, gần 20.000 người trên 100 tuổi, trong đó có 758 người vượt qua mốc 105. Viện Thống kê Quốc gia không thể tiết lộ số liệu chính xác về những người trên 110 tuổi vì luật bảo mật thông tin. Theo LongeviQuest, Tây Ban Nha có ít nhất 3 "supercentenarian" (người siêu thọ có thể trên 110 tuổi) còn sống nhưng cơ quan chỉ liệt kê những người đã tự nguyện chia sẻ thông tin cá nhân.

Maria Branyas là người sống thọ nhất thế giới hiện nay.Maria Branyas là người sống thọ nhất thế giới hiện nay.

"Cụ còn điều gì mong muốn ở cuộc sống này?", Esteller hỏi cụ bà. "Cái chết", bà Branyas đáp.

Bà Branyas không bị ung thư, thoái hóa thần kinh hay các vấn đề về tim. Bà nhận ra rằng cứ mỗi ngày trôi đi, cuộc sống trở nên khác thường hơn, cái chết cũng chẳng còn là chủ đề cấm kỵ. "Tôi cảm thấy như mình đã sống lâu hơn mong đợi. Cái chết giống như người bạn cũ mà bạn biết sẽ ghé thăm bất cứ lúc nào. Tôi đã sẵn sàng được một lúc rồi và tôi nghĩ 'bạn ấy' sẽ sớm đến gõ cửa thôi. Tôi chỉ muốn có được sự thanh thản để đương đầu với bất cứ điều gì xảy đến với mình và đủ hạnh phúc để tận hưởng những điều tốt đẹp. Tôi sẽ không bao giờ trở nên đau khổ, cho dù cuộc sống có ném vào tôi điều gì đi nữa", bà cho biết.

Esteller lấy mẫu máu, nước tiểu của bà Branyas. Ông nói: "Chúng tôi sẽ nghiên cứu bộ gene, vi khuẩn, protein và quá trình trao đổi chất để khám phá manh mối giải thích về tuổi thọ cao và điều tra bất kỳ đột biến gene nào".

Ngay cả khi không có kết quả thuyết phục, nhà khoa học này cũng đã có một số dữ liệu: tế bào của bà Branyas trẻ hơn khoảng 10 năm so với tuổi thật của chúng. Esteller, người ví gene di truyền với những lá bài, cho biết: "Đó là vì bà Branyas đã được chia những lá bài tuyệt vời và đã chơi bài rất giỏi trong 117 năm".

Gene cũng như lá bài có thể tốt hoặc xấu nhưng phải "biết chơi tốt" thì mới có thể tồn tại lâu dài. "Nếu bạn có những lá bài tốt nhưng không biết chơi thì bạn sẽ không thể gặp may. Trong trường hợp của bà Branyas, có vẻ như bà ấy đã 'trúng số' nhờ bộ gene tốt và thói quen lành mạnh".

Nhưng sự hao mòn của 117 năm có thể được nhìn thấy rõ ràng bằng kính hiển vi. "Các tế bào của cụ bà không còn các đầu nhiễm sắc thể giống như một chiếc mũ trùm đầu bảo vệ. Và bà hầu như không còn lại tế bào gốc và tế bào hệ thống miễn dịch nào nữa".

Cây gia phả của Branyas cho thấy số lượng người trên 80 tuổi cao hơn mức trung bình. "Con gái cụ bà cũng trẻ hơn tuổi 80", Esteller nói. Khi nói chuyện điện thoại, bà Rosa có vẻ chắc chắn và quyết đoán. Bà trả lời nhanh, cụ thể và đôi khi có chút hài hước.

Không bao giờ gấp gáp

Bà Rosa nhớ lại cuộc sống gia đình điển hình, nơi mẹ bà chủ yếu ở nhà. "Mẹ tôi là bà nội trợ có cuộc sống bình lặng, ít áp lực công việc. Bà nghĩ cuộc sống ngày nay thật khó khăn, nhưng có lẽ đó chỉ là câu chuyện cũ của mọi thế hệ".

Bà Branyas đi mua sắm, đan lát, dọn dẹp nhà cửa và nấu ăn. Bà chưa bao giờ gấp gáp khi làm việc gì. "Ngày nay, giới trẻ ưa chuộng đồ ăn nhanh hoặc đồ ăn sẵn. Nhưng không phải chúng tôi. Ngày trước, bữa tối luôn là rau hoặc có thể là món trứng tráng khoai tây. Bây giờ người ta gọi đó là chế độ ăn Địa Trung Hải".

Bà Branyas đã sống sót sau Covid-19 và thời gian phong tỏa gần 4 năm trước. "Mọi người phàn nàn về việc bị mắc kẹt ở nhà, nhưng chúng tôi có điện, điện thoại, TV, thức ăn, nước nóng và một mái nhà che nắng. Ngày trước chúng ta còn không có những thứ này. Nhân loại đã vượt qua và tôi chưa bao giờ đánh mất niềm đam mê cuộc sống", bà chia sẻ trong thời đại dịch.

Đây không phải là lần đầu tiên bà đối mặt nghịch cảnh. Cha bà qua đời trên biển khi trở về Barcelona từ Mỹ, và bà sống sót sau trận cúm Tây Ban Nha, hai cuộc chiến tranh thế giới, nội chiến Tây Ban Nha. Tất cả những điều đó khiến bà mạnh mẽ hơn. Esteller nói: "Thực tế là những người đã trải qua nạn đói có lợi thế hơn khi sống sót".

 Branyas chưa bao giờ cầu mong hay chuẩn bị cho việc sống thọ ngoài 110 tuổi.
Branyas chưa bao giờ cầu mong hay chuẩn bị cho việc sống thọ ngoài 110 tuổi.

Tây Ban Nha đứng thứ 5 toàn cầu về tuổi thọ trung bình (83 tuổi), sau Nhật Bản, Thụy Sĩ, Hàn Quốc và Singapore. Nhật Bản là quốc gia duy nhất có vùng xanh - khu vực địa lý có tỷ lệ mắc bệnh mạn tính thấp hơn và tuổi thọ cao hơn.

Chỉ có một người đàn ông trong số 40 người siêu thọ đầu tiên được Nhóm Nghiên cứu Lão khoa công nhận, nơi cung cấp dữ liệu về tuổi thọ đã được xác thực cho Sách Kỷ lục Guinness Thế giới. "Đó có thể là một cơ chế tiến hóa, phụ nữ có thể sống thọ hơn do quá trình mang thai", Esteller nói.

Thái độ sống của bà Branyas phù hợp với đặc điểm tâm lý của những người siêu thọ. Lola Merino, giáo sư tâm lý học tại Đại học Complutense Madrid và là nhà nghiên cứu về tuổi thọ, phát hiện ra rằng những người từ 100 tuổi trở lên rất giỏi tận hưởng những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống và đón nhận những cảm xúc tích cực.

Merino tin rằng các khía cạnh tâm lý cùng với di truyền, chế độ ăn uống và hoạt động thể chất đóng vai trò quan trọng trong tuổi thọ. "Sống thọ là do nhiều yếu tố. Người trăm tuổi hình thành mối liên kết chặt chẽ với những người khác. Họ cảm thấy được yêu thương và thể hiện tình cảm, điều này rất quan trọng".

"Ngày tôi phải ra đi vĩnh viễn, tôi hy vọng một số người sẽ vẫn mong muốn tôi ở lại bên cạnh họ thêm một chút. Đó là tất cả những gì tôi ước", bà Branyas, người phụ nữ chưa bao giờ cầu mong trở thành người già nhất thế giới, cho hay.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn