Phúc Lai - Vài gạch đầu dòng về cuộc xâm lược Ukraine của Nga Putox ngày 26/02/2024

Thứ Hai, 26 Tháng Hai 20241:05 CH(Xem: 528)
Phúc Lai - Vài gạch đầu dòng về cuộc xâm lược Ukraine của Nga Putox ngày 26/02/2024

pl_408

1. Tình hình Robotyne

Bác NTT hôm kia nhắn cho tôi là Nga tấn công Robotyne dữ quá, có thể quân Ukraine không giữ được. Tôi trả lời do mấy hôm bận viết bài tổng kết hai năm chiến tranh nên không theo dõi tình hình cụ thể. Tuy nhiên để phát triển kết quả có được sau The Battle of Avdiivka thì chúng nó tấn công mạnh là đúng rồi.

Tôi lên mạng thì thấy cũng nhiều nhiều tin về Robotyne. Anh phi công Denys Davydov bảo: Nga tấn công vào làng theo hai hướng: tây nam và chính nam, nhưng bị quân Ukraine đón đánh bằng UAV cùng pháo kích ngay cổng làng nên bọn Nga như bị sập bẫy, liên tục bị tiêu diệt hết đợt này đến đợt khác.

Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Liên bang Nga – Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng Liên bang Nga, Đại tướng Valery Gerasimov đã đến thăm sở chỉ huy Tập đoàn quân vũ trang tổng hợp số 58 của Quân khu phía Nam trong khu vực hoạt động quân sự đặc biệt.

Tại đây, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Liên bang Nga tại sở chỉ huy đã nghe báo cáo của tư lệnh Tập đoàn quân vũ trang số 58 về tình hình khu vực trách nhiệm của quân đội và mệnh lệnh hành động tiếp theo của Tập đoàn quân. Tướng Valery Gerasimov đã trao tặng Huân chương Dũng cảm, các huy chương “Vì lòng dũng cảm” cho những quân nhân xuất sắc nhất và cảm ơn họ vì lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng đã thể hiện trong chiến đấu.

Bình loạn : Vậy là hắn vẫn chưa chết, đã xuất hiện. Hôm trước tôi có đọc ở trên một diễn đàn online có một câu hỏi: “Tại sao người Ukraine không ám sát các tướng lĩnh cấp cao của Nga mà chỉ đánh các đòn tiêu diệt từ xa vào các sở chỉ huy của chúng?”

Việc đánh vào sở chỉ huy tiêu diệt một số lượng kha khá sĩ quan cấp trung cấp và cả cao cấp, trong đó có nhiều sĩ quan tham mưu sẽ làm tê liệt hoạt động của cả đơn vị trong một thời gian. Thậm chí rất nhiều giấy tờ, tài liệu tham mưu khác, các hệ thống máy móc, trong đó có máy tính… bị tiêu hủy sẽ làm ảnh hưởng lâu dài đến hoạt động của đơn vị đó và các đơn vị bên cạnh nó nữa. Vì vậy ở đây người Ukraine tập trung vào tấn công hệ thống chỉ huy, chứ không phải cá nhân con người.

Trong cuộc chiến tranh này, quân đội Nga đã bộc lộ ra một điều rằng các chỉ huy của chúng khá bất tài và vô dụng, kể cả cấp bộ trưởng quốc phòng (nguyên soái ván ép Shoigu) và ngay cả Gerasimov, vốn nổi tiếng với học thuyết “chiến tranh lai” (hybrid warfare) cũng khiến quân đội Nga vỡ mồm vì cái mô hình BTG tức Cụm tác chiến cấp tiểu đoàn của mình.

Không hiểu sao tôi không thấy hào hứng với việc bọn Shoigu với Gerasimov này bị chầu trời. Cứ để đó, lợi hơn.

2. Tiếp tục nhìn lại hai năm qua của quân đội Nga với những hoạt động của chúng trong “Chiến dịch quân sự đặc biệt”

Chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật: đúng, quân đội Nga cực kỳ đáng sợ, đúng là một con hổ. Nhưng cái đáng sợ của chúng là từ lượng vũ khí rất lớn, sức hủy diệt cao đặc biệt được sử dụng bởi những kẻ có sự tàn bạo theo kiểu ngu ngốc kỳ lạ. Nhưng rõ ràng trong cuộc chiến này, chúng đang bị đánh bại bởi một quân đội Ukraine nhỏ và yếu hơn nhiều.

Vì thế, Quân đội Nga là một con hổ giấy. Nó đủ mạnh để tự vệ một cách hiệu quả và gây ra mối đe dọa cũng như đủ mạnh để can thiệp hạn chế nhưng thực sự là, các lực lượng vũ trang Nga thiếu sức mạnh mà mọi người cho rằng chúng vẫn có. Quân đội Nga có những yếu kém nghiêm trọng, tất cả đều đã bộc lộ trong cuộc xung đột này.

2.1. Yếu kém về mặt hậu cần

Nga vốn là nước có hệ thống đường sắt rất phát triển. Với diện tích rất rộng lớn của Nga, nước này cần có một mạng lưới đường sắt phức tạp và tiên tiến để mọi thứ hoạt động được.

Quân đội Nga đã tận dụng tối đa mạng lưới đường sắt này để cung cấp cho lực lượng vũ trang của mình. Thành thật mà nói, họ rất giỏi trong việc duy trì nguồn cung cấp cho lực lượng chiến đấu, miễn là họ có mạng lưới đường sắt để sử dụng.

Nhưng vào thời kỳ đầu chiến tranh, không có tuyến đường sắt nào mà Nga có thể sử dụng ở Ukraine. Điều đầu tiên mà người Ukraine đã làm là phá hủy tất cả mạng lưới đường sắt của Nga đi sang Ukraine, làm cho quân Nga phải cung cấp cho binh lính của mình bằng xe tải, điều này khó khăn hơn nhiều.

Nhìn chung, nguồn cung được đưa đến các bãi cung cấp ở biên giới chủ yếu bằng tàu hỏa cũng như đường hàng không. Sau đó, những nguồn cung cấp này được chất lên các xe tải tạo thành đoàn xe và lái lên tiền tuyến để tiếp tế cho các đơn vị chiến đấu. Tuy nhiên, Nga không có đủ xe tải. Điều đó nghe có vẻ đơn giản nhưng đó là sự thật. Nga có thể đưa lực lượng và hàng tiếp tế đến biên giới Ukraine rất nhanh nhưng sau đó lại gặp khó khăn trong việc đưa số hàng tiếp tế đó ra mặt trận. Ngay trong tuần đầu tiên của cuộc chiến, sự thật này đã khiến toàn thế giới sửng sốt.

Hàng đống xe tăng và xe bọc thép chiến đấu tiên tiến (và đắt tiền) của Nga bị bỏ lại bên đường vì hết nhiên liệu. Các đơn vị Nga đơn độc lang thang khắp vùng nông thôn Ukraine để tìm kiếm nguồn cung cấp. Toàn bộ Quân đoàn Nga tê liệt vì thiếu tiếp tế, không thể duy trì hiệu quả chiến đấu. Quân đội Nga cướp bóc Ukraine để lấy những nhu yếu phẩm cơ bản như thực phẩm, sau đó lính Nga chết đói đầu hàng Ukraine.

Tôi còn nhớ, những ngày đầu chiến tranh tôi đã hình dung điều này: Lính Nga đi xin ăn, xe tăng Nga phải chôn xuống đất để tự bảo vệ mình do thiếu nhiên liệu, chỉ còn đủ chút điện trong ắc-quy để quay tháp pháo. Sau đó, lính Nga bỏ lại cả cái xe tăng, đi bộ về. Ai cũng nhớ đoàn xe khổng lồ của Nga dài đến 64 ki-lô-mét buộc phải dừng lại nhiều lần vì thiếu nguồn cung cấp.

Thực tế, các đơn vị của Nga được trang bị đủ để hoạt động độc lập trong khoảng 3 – 5 ngày. Sau thời điểm đó, họ cần nguồn cung tiếp tế. Các chuyên gia quân sự quốc tế nhận ra rằng các đơn vị của Nga không thể hoạt động hiệu quả ở khoảng cách hơn 140 ki-lô-mét tính từ bãi hàng tiếp tế. Đây là lý do tại sao Nga buộc phải chiếm Kyiv. Kiev với nhiều sân bay sẽ đóng vai trò là kho tiếp tế khổng lồ cho lực lượng Nga khi họ tiến sâu hơn vào Ukraine.

Ukraine biết điều này và đó là lý do tại sao họ đang tập trung toàn bộ nhân lực để bảo vệ Kyiv. Ngoài ra, các lực lượng đặc biệt của Ukraine đã tấn công các đoàn xe hậu cần của Nga và cả dân thường Ukraine cũng tham gia nhiệt tình nhiệm vụ này. Ukraine nhận thức rõ điểm yếu này và tận dụng triệt để nó.

Các đơn vị của Nga sử dụng hệ thống hậu cần “dựa trên lực đẩy” so với Mỹ sử dụng hệ thống “dựa trên lực kéo”. Dựa trên “cơ chế lực kéo” có nghĩa là các đơn vị yêu cầu tiếp tế và những nguồn cung cấp đó sẽ được gửi đi, nghĩa là nguồn cung cấp sẽ được gửi đến nơi chúng đang được sử dụng theo yêu cầu thực tiễn. Hệ thống “cơ chế lực đẩy” có nghĩa là nguồn cung cấp được điều khiển bởi lệnh trung tâm và được gửi đến bất cứ nơi nào chỉ huy cấp cao thấy cần thiết. Điều này có nghĩa là một số đơn vị được ưu tiên hơn những đơn vị khác.

Đây là lý do tại sao một số đơn vị Nga cực kỳ cơ động và tích cực trong khi những đơn vị khác (như xung quanh Sumy) lại chết chìm trong nước.

Tóm lại Nga có nguồn tài dồi dào và họ có thể đưa tài nguyên đến biên giới bằng mạng lưới đường sắt phát triển cao của mình. Tuy nhiên, Nga thiếu xe tải và khả năng chiến thuật để đưa những nguồn cung cấp đó từ biên giới ra mặt trận. Năm thứ hai, tình hình chỉ được cải thiện chút ít từ nửa năm sau trở đi.

Bình loạn : Hồi đó lực lượng đóng vai trò quan trọng trong tàn phá hậu cần quân Nga là máy bay không người lái TB-2 “Bayraktar” vì giai đoạn đầu của cuộc chiến tổ chức xen kẽ cài răng lược sâu sắc, các hệ thống phòng không của Nga chưa được triển khai kịp theo các đơn vị tiền phong của mặt trận. Hiện nay chiến tuyến giữa hai bên được hình thành rõ ràng, các hệ thống phòng không được triển khai nhiều khiến máy bay không người lái cỡ lớn dạng này ít còn được sử dụng.

2.2. Thất bại trong huấn luyện

Nga đã đặt mục tiêu phải theo kịp quân đội Mỹ trong một thời hạn nhất định. Đây là một điều rất khó khăn vì Nga chi 10 % số tiền Mỹ chi cho quân sự hàng năm. Vì vậy, lãnh đạo quân sự Nga bắt buộc phải xoay sở bằng cách ăn bớt. Một số Quân đoàn không được cung cấp đầy đủ, các thiết bị cũ hiếm khi bị loại bỏ, đồ đạc được sản xuất với giá rẻ, các đơn vị phụ thuộc nhiều hơn vào vũ khí rẻ tiền, công nghệ thấp hơn và Nga tiếp tục sử dụng số lượng lớn lính nghĩa vụ.

Lính nghĩa vụ là những người bị buộc phải vào quân đội. Những người này hầu như không được đào tạo, chỉ được trả 30 – 40 USD mỗi tháng và cung cấp cho họ luôn thiếu thốn. Nhiều lính Nga ở mặt trận hiện nay là lính nghĩa vụ – bất chấp việc đây là một chuyện vi hiến, Hiến pháp Nga không cho phép sử dụng loại lính này cầm súng chiến đấu trực tiếp. Tất nhiên, kết quả của nó là: chẳng có ai ngạc nhiên khi những người lính này đầu hàng nhanh chóng và cực kỳ kém hiệu quả.

Hoa Kỳ sử dụng một đội quân hoàn toàn tình nguyện, nghĩa là mọi người trong Quân đội đều có mặt ở đó theo sự lựa chọn tự do của cá nhân. Điều này có nghĩa là quân đội Mỹ hoạt động hiệu quả hơn rất nhiều chỉ nhờ tinh thần.

Bình loạn : Có một câu hỏi gửi cho tôi rằng, tại sao Nga lại sử dụng lính nghĩa vụ để chiến đấu? Bọn cầm đầu quân sự Nga dùng rất nhiều cách để ép buộc những người lính đó cầm súng chiến đấu. Chẳng hạn thi hành những biện pháp kỷ luật hà khắc để sau đó họ bị trừng phạt bằng cách đưa đến các đơn vị chiến đấu, một dạng các đơn vị trừng giới của Hồng quân trong Chiến tranh Vệ quốc, sử dụng những binh lính là phạm binh. Còn có rất nhiều những biện pháp ám muội khác được sử dụng, và người lính nghĩa vụ Nga bây giờ gần như cầm chắc trước sau cũng sẽ sang đơn vị chiến đấu. Để trốn tránh, đã có chế độ… phong bì, tất nhiên với người Nga thì đưa trực tiếp tiền mặt cũng được, không cần phong bì.

Lý do của việc đó, chủ yếu là do thiếu – dù đã áp dụng nhiều biện pháp dụ dỗ bằng tiền đối với những người dân nghèo, nếu được trả rất nhiều tiền trong khi họ không biết làm gì, ở quê chỉ biết uống vodka và samogon (самогон, rượu quê, cuốc lủi…), thậm chí nhiều người khi lên đường vợ mở cờ trong bụng vì tiễn được thằng nát rượu chỉ biết quánh vợ.

Xã hội Nga nói chung tin rằng những người đàn ông này sẽ chiến đấu hết mình nếu quê hương của họ bị đe dọa (như trong Chiến tranh Vệ quốc). Điều này có thể đúng, nhưng càng ngày càng lộ rõ rằng, Nga không bị đe dọa mà thay vào đó đang xâm chiếm một quốc gia có chủ quyền và lý do thì hoàn toàn bố láo. Vì vậy, những người lính đói khát và chưa được huấn luyện này đang bối rối, tức giận và sợ hãi, hầu hết họ không biết họ đến Ukraine chiến đấu vì mục đích gì.

2.3. Thiếu khả năng chiến thuật

Nếu nhìn lại hai cuộc chiến tranh Chechnya, thì Nga đã thua trong cuộc “Chiến tranh Chechnya lần thứ nhất” khi dân quân Chechnya chiếm lại thủ đô Grozny từ quân Nga và buộc chúng phải ngừng bắn.

Khi Putox lần đầu tiên lên nắm quyền đã tuyên bố chiến tranh tổng lực và xâm chiếm Chechnya. Hắn ta phát động một chiến dịch tàn bạo và chậm rãi, trong đó các đơn vị Nga từ từ di chuyển về phía nam qua Chechnya trong khi không quân của chúng ném bom hủy diệt mọi thành phố, thị trấn và làng mạc. Nga chỉ giành chiến thắng khi Chechnya tan hoang, ra gạch vụn gần hết.

Nhưng đó là Chechnya – một khu vực bé tí với dân số dưới 1 triệu người vào thời điểm đó. Trong khi đó, Ukraine là một quốc gia hiện đại rộng lớn với 45 triệu dân. Khi mới bắt đầu cuộc chiến, Nga hy vọng rằng một vài cuộc tấn công mang tính “phẫu thuật” với các đơn vị được huấn luyện bài bản sẽ khiến lực lượng Ukraine sụp đổ. Trên thực tế, người Ukraine đã mạnh mẽ bảo vệ đất nước của họ và kế hoạch của Nga nhằm giành chiến thắng nhanh chóng mới là thứ bị sụp đổ.

Vì thế bây giờ Nga phải tiến hành một cuộc chiến tranh truyền thống quy mô lớn – sự thật phũ phàng và đau đớn cho tất cả những người yêu mến đến mức cuồng si sức mạnh quân sự Nga. Không giống như Chechnya, Nga không thể san bằng toàn bộ thành phố, đặc biệt là các thành phố lớn, dù trong lịch sử họ đã từng làm như thế với Kharkiv, Kyiv, sau đó là Berlin. Lần này nếu làm như vậy gần như chắc chắn sẽ thúc đẩy cộng đồng quốc tế có những hành động quân sự quyết liệt.

Vì vậy, các lực lượng Nga không được cung cấp đầy đủ và chưa được đào tạo bài bản giờ đây phải đối phó với những lực lượng phòng thủ kiên cường của Ukraine. Các đơn vị Nga đã bị đẩy lùi trên một số mặt trận và đối mặt với tổn thất nặng nề nhưng quân đội Nga vẫn đang tiến về phía trước và đã đạt được một số lợi ích trong tuần thứ ba của tháng Hai năm 2024. Nói Nga thua cuộc sẽ dễ vấp phải sự phản đối, Nga thực sự chưa thua trận, vì những thất bại đó chưa đủ để ngăn bước họ, hoặc dẫn đến đổ vỡ lớn trên toàn chiến tuyến.

Tuy nhiên, cho đến nay, Nga đã mất rất nhiều quân và thiết bị. Chẳng hạn, nếu cho rằng Ukraine thổi phồng thiệt hại của đối phương, thì ngay báo cáo của Nga (mà chúng ta biết thừa là không nên tin một tí nào) thì khoảng 500 binh sĩ Nga đã thiệt mạng chỉ trong tuần đánh chiếm Avdiivka. Nếu so sánh con số này với cuộc chiến ở Iraq của Mỹ, đã có 197 binh sĩ Liên quân thiệt mạng trong 6 tuần giao tranh đầu tiên.

Thực tế, con số báo cáo của Ukraine khi được xem xét với những tính toán khách quan, có thể cho rằng số lượng lính Nga thiệt mạng cỡ 30.000 đến 32.000 và tính cả số bị thương thì tổng số thương vong có thể đạt 50.000. Chỉ để chiếm một “thành phố” – chính xác là một thị trấn nhỏ ở phía tây thành phố Donetsk. Bọn Shoigu nếu muốn chiến thắng với các mục tiêu của Putox: trung lập hóa Ukraine (Chính phủ Zelenskyy phải ra đi hoặc đầu hàng) phi quân sự hóa Ukraine và “phi phát-xít hóa” Ukraine, thì quân đội Nga còn một chặng đường dài phía trước để chinh phục Ukraine. Nếu với sự phản kháng của Ukraine như hiện tại cái giá phải trả của Nga chắc chắn sẽ nhiều hơn nhiều so với mức hiện nay – hơn 400.000 lính thiệt mạng. Điều đó sẽ dẫn đến sự sụp đổ chắc chắn của nước Nga.

Bình loạn : Các máy bay chiến đấu F-16 của Ukraine đã sẵn sàng, nhưng có thể chúng mới chỉ xuất trận ở một số trận đánh thử có tính thí điểm. Khi nó chính thức ra quân, sẽ đem lại khả năng làm chủ bầu trời của Ukraine, trong đó có nhiệm vụ chế áp các giàn phòng không còn sót lại chưa thanh toán được hết. Từ đó, các máy bay không người lái TB-2 đã được sản xuất tại Ukraine lại xuất hiện. Khi đó tất cả các xe tải của Nga đang tiếp tế cho chiến trường sẽ bị diệt hết. Quân Nga chính thức chết đói, tình thế trước đây lại lặp lại.

pl_409

3. Thiệt hại trong hai năm chiến tranh của Ukraine

Tổng thống Ukraine Zelenskyy đã báo cáo 31.000 binh sĩ thiệt mạng trong cuộc chiến với Nga

Trong diễn đàn “Ukraine. Năm 2024” ở Kyiv, Tổng thống Zelenskyy nhấn mạnh rằng con số thương vong này đều thể hiện sự hy sinh đáng kể đối với Ukraine. Đây là lần đầu tiên Kyiv thừa nhận mức độ thương vong kể từ khi Nga phát động cuộc chiến toàn diện chống lại Ukraine vào ngày 24/02/2022.

Bình loạn : Chắc chắn bọn pro-Putox sẽ cho rằng đây là lời nói dối, nhưng tôi cho rằng chẳng có lý do gì để nói dối cả – trong giai đoạn hiện tại một con số lớn chắc chắn sẽ gây ấn tượng hơn chứ. Nhưng trận đánh Avdiivka đã nói lên tất cả: các chiến binh Ukraine hy sinh khoảng hơn 1.000 người, trong khi để đổi lấy chiến thắng Nga đã vứt vào lò đến 32.000 mạng lính. Một tỉ lệ kinh khủng.

4. Tại sao thằng say Mít-vi-đíp lại tuyên bố bọn chúng sẽ kéo đến Kyiv?

Chính xác, hắn nói “để đạt được mục tiêu của chiến dịch đặc biệt, chúng tôi sẽ phải đến được Kyiv.” Theo hắn ta, nếu lực lượng Kẩm-ling không làm được bây giờ thì chúng “sẽ làm sau một thời gian nữa”. Mít-vi-đíp cũng tuyên bố rằng Kyiv là “mối đe dọa đối với sự tồn tại của Nga” nhưng sau đó lại nhấn mạnh rằng “Kyiv là một thành phố của Nga.”

Bình loạn : Gọi thằng này là loạn thần thì bị phê bình là quá đáng, nhưng rõ ràng là bảo nó loạn thần còn nhẹ, nó phải là bị điên, mà là điên nặng. Không rõ tại sao một thành phố của nước Nga lại là mối đe dọa cho chính nó?

Nguyên nhân của sự xuất hiện điên loạn này, là do cuộc trả lời phỏng vấn của Putox với Tucker Carlson, hóa ra là không hiệu quả cho lắm, nếu không muốn nói là phản tác dụng. Tucker vốn là “người đề cao mạnh mẽ nhất cho “Chủ nghĩa Trump””, và là “tiếng nói có ảnh hưởng nhất trong giới truyền thông cánh hữu, không có người đứng thứ hai”. Carlson được biết đến với việc truyền bá những ý tưởng cực hữu vào chính trị và diễn ngôn chính thống.

Hắn ta đã quảng bá các thuyết âm mưu về các chủ đề như thay thế nhân khẩu học, COVID-19, cuộc tấn công vào Điện Capitol Hoa Kỳ ngày 6 tháng 1 và vũ khí sinh học của Ukraine. Carlson đã bị ghi nhận vì những tuyên bố sai sự thật và gây hiểu lầm về những chủ đề này và các chủ đề khác. Những nhận xét của Carlson về chủng tộc, nhập cư và phụ nữ, bao gồm cả những lời nói xấu mà hắn ta nói trên sóng từ năm 2006 đến năm 2011 – đã bị một số người mô tả là phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính.

Một buổi phỏng vấn như vậy sẽ nhằm vào 4 nhóm đối tượng chính: (1) Công luận thế giới nói chung, đặc biệt là châu Âu (2) Dư luận dân chúng Hoa Kỳ (3) Dân chúng Nga và (4) Nhân dân Ukraine.

Với châu Âu, cả trước và sau cuộc phỏng vấn vẫn có những động thái mạnh mẽ đoàn kết với Ukraine từ một số nguyên thủ: Pháp, Đức, Đan Mạch, Cộng hòa Séc… và sẽ còn nữa. Với dư luận dân chúng Hoa Kỳ, như trên đây tôi viết tác động của nó chưa thể đánh giá được, nhưng có thể nó có tác dụng với một số thành phần cực đoan, cuồng tín đệ tử của chủ nghĩa Trump; nhưng với phần lớn dân chúng còn lại sẽ phản tác dụng.

Ở đây có một nhóm đối tượng “phụ” nhưng quan trọng, là các nghị sĩ Hoa Kỳ ở lưỡng viện. Vì chính chương trình “Tucker Carlson Tonight” là “chương trình có thể là chương trình phân biệt chủng tộc nhất trong lịch sử tin tức truyền hình cáp - và theo một số thước đo, thành công nhất.” Cái gọi là THÀNH CÔNG của Carlson gắn với tiếng tăm “lẫy lừng” của hắn ta, một dạng “phản tuyên truyền” tức đạt được số lượng người theo dõi lớn nhưng theo kiểu “để xem thằng này nguy hiểm đến cỡ nào”. Vì vậy bất cứ sự ủng hộ nào với hắn từ các chính trị gia, đều tiềm tàng khả năng nguy hiểm cho chính chính trị gia đó.

Sau khi cuộc trả lời phỏng vấn Putox không gây được ấn tượng với cả 4 nhóm trên, đặc biệt khi theo dõi báo chí thế giới về cuộc phỏng vấn, kết quả như sau: khi search Google và lúc 19:00 ngày 26/02/2024 với cụm từ khóa “tucker carlson interview putox” thì được 38.200.000 kết quả. Trong đó các kênh YouTube chiếm rất nhiều, trong khi các trang tin, trang báo lớn trên thế giới không quá quan tâm hoặc có bài thì lại là bài… bóc mẽ, phân tích huỵch toẹt những luận điệu dối trá của Putox.

Vì vậy, thằng say lại phải xuất hiện để thực hiện nhiệm vụ dọa nạt mọi khi của nó. Còn quái gở hơn, hắn gọi Odesa là “một thành phố của Nga” và cầu xin: “Odesa, hãy trở về nhà đi, chúng tôi đang chờ đợi Odesa ở Liên bang Nga”.

Đại loại như thằng điên nào hôm trước, nghị sĩ Duma quốc gia à, tuyên bố phải đòi lại Alaska từ Hoa Kỳ ấy mà.

5. Trong khi đó, Zelenskyy thông báo “Ukraine vẫn có kế hoạch phản công vào quân Nga”

Bình loạn : Tôi thấy trên một diễn đàn quân sự của Nga chúng nó kháo thế này: “Số lữ đoàn được chuẩn bị cho phản công mùa hè 2023 gần như còn nguyên (hồi đó mới có 4 lữ đoàn tham gia tấn công, với các đơn vị thành phần khoảng 10 đại đội). Do vậy lực lượng Ukraine để cho các hoạt động sắp tới còn khá nguyên vẹn. Trong thời gian qua, khi Nga tấn công mạnh, ông Zaluzhnyi yêu cầu sử dụng những lữ đoàn đó để phòng thủ ở các hướng, nhưng Zelenskyy đã không đồng ý vì “kế hoạch hậu chiến.” Do vậy Zaluzhnyi yêu cầu tuyển thêm quân để các đơn vị đang phòng thủ được nghỉ, Tổng thống Zelenskyy yêu cầu họ cố gắng giữ tiếp. Đó là mâu thuẫn chính.”

Tôi không biết tin này có đáng tin hay không, nhưng theo bình luận của bọn thành viên diễn đàn người Nga thì khá lo lắng. Một nguồn thông tin khác trên mạng xã hội thì “Zelenskyy nói rằng phản công năm ngoái thất bại vì nó đã nằm trên bàn của Kẩm-linh.”

Cá nhân tôi thì thấy những khó khăn của Ukraine đang đạt đáy rồi. Nhưng nếu nói có lập được đáy mới hay không – tức là đi xuống nữa, thì phải có đổ vỡ lớn, và Nga chiếm được một thành phố lớn, mà ở đây là Kramatorsk, thì chính Nga cũng hết hơi và không có khả năng. Vì vậy tình trạng cái đáy này có thể đi ngang một thời gian, và bọn Nga này có thể chiếm thêm được vài làng hoặc thị trấn, nhưng như thế là hết. Nếu kéo dài đến cuối năm thì Nga sụp trước.

PHÚC LAI 26.02.2024

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn