Phúc Lai - Kỷ niệm hai năm cuộc chiến tranh của Putox ở Ukraine (4)

Thứ Sáu, 23 Tháng Hai 20243:07 CH(Xem: 355)
Phúc Lai - Kỷ niệm hai năm cuộc chiến tranh của Putox ở Ukraine (4)

av_19

av_19

PHẦN 4: TRIỂN VỌNG CHIẾN THẮNG CỦA NHÂN DÂN UKRAINE

• Một số diễn biến của cuộc chiến qua các đoạn video trên mạng xã hội hôm qua 22/02/2024:

- Một đoạn phim góc quay từ ghế xạ thủ của một chiếc xe tăng do Thụy Điển sản xuất bắn vào phòng tuyến của Nga.

- GLSDB lao vào Bộ chỉ huy của Nga ở Bờ Đông Kherson.

- Cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào một APC (xe bọc thép chở quân) lặc lè quá tải đầy ặc quân Nga, bọn chúng “bay lên trời”.

- Cảnh quay từ drone một quả đạn pháo của Ukraine rơi thẳng vào chiến hào của Nga.

- Vụ nổ điên cuồng của một chiếc APC của Nga, chắc hẳn nó được dùng để chở đạn dược tiếp tế.

- Cảnh quay đáng kinh ngạc về các hoạt động của HIMARS pháo kích vào vị trí của Nga ở Avdiivka. Thị trấn tiếp tục vẫn là địa ngục, nhưng bây giờ đã đổi vai, người Ukraine ở ngoài và quân Nga ngồi trong đống đổ nát.

pl_403

 

pl_404


pl_405

Ảnh 1,2,3: Chiến sĩ của nhóm chiến đấu “Neptune” Ukraine. Nhóm này thường xuyên làm những nhiệm vụ đặc biệt, đột kích vào ban đêm sâu sau chiến tuyến vào hậu phương của Nga.

pl_406

Ảnh 4: Các chiến sĩ từ nhóm chiến đấu số 3 trong lực lượng vũ trang Ukraine, đại đội “Bashkortostan”.

pl_407

Ảnh 5: Các chiến sĩ đại đội này khi mới được thành lập năm ngoái: “Đầu tiên chúng tôi chiến đấu vì tự do của Ukraine, sau đó là Bashkortostan!” – Những người lính Bashkirs và Tatars chiến đấu vì Ukraine trong “Rota Bashkort” (Đại đội Bashkort tức Bashkortostan) cảm ơn các tình nguyện viên Ukraine đã quyên góp phương tiện cho mục đích của họ.

1. “Chiến thắng Avdiivka” là công lao của Gerasimov?

Cuối tuần trước, ngay sau khi có tin chính thức về việc Bộ chỉ huy Ukraine quyết định cho rút quân khỏi Avdiivka, tôi đã thở phào: vậy là trận đánh đã kết thúc. Tôi thực sự thấy nhẹ nhõm, mặc dù nếu nói ra điều này nhiều người không đồng ý, vì cho rằng Avdiivka nếu giữ được lâu hơn nữa thì sẽ tiêu tốn của quân Nga nhiều nguồn lực hơn nữa, đặc biệt về nhân sự.

Nhưng quý vị cũng biết rằng tôi là người theo chủ nghĩa hòa bình. Việc Nga cố chiếm thị trấn này bằng sức người, có nghĩa là bọn chỉ huy Nga dám tung vào trận chiến những thành phần quân nhân có chất lượng thấp nhất về khả năng tác chiến – thực sự đó là những thành phần cực kỳ đáng thương của xã hội. Vì vậy việc người Ukraine rút khỏi đó, như một quân nhân Ukraine nhắn cho tôi, tôi cho rằng là hợp lý: “Tránh đổ thêm máu cho cả hai bên, mà bên họ là chủ yếu.”

Việc Nga ném bom lượn vào thị trấn ngay cả trong lúc đang giao tranh vì pháo binh của chúng không còn được áp đảo như trước, cũng làm cho rất nhiều lính Nga chết oan.

Cũng do sự kiện rút quân này, mà bạn Facebook của tôi, bác NTT có ý kiến (đoán) rằng “Chỉ huy đánh Avdiivka là Gerasimov.” Tuy nhiên cho đến nay, sau sự kiện ở Crimea, lão này vẫn biến mất một cách bí ẩn.

Trong một bài bình luận gần đây có tựa đề “Bí ẩn về nơi Tướng Gerasimov đang ở” được đăng trên tờ Kyiv Post, Đại tá quân đội Hoa Kỳ đã nghỉ hưu Jonathan Sweet và cựu nhà kinh tế Mark Toth bày tỏ sự tò mò về việc hiện tại Gerasimov đang ở đâu. Họ đề cập rằng mặc dù khó có khả năng ông ta đã chết, nhưng điều thú vị là ông đã vắng mặt trước công chúng và Điện Kẩm-linh vẫn giữ im lặng về tình trạng của ông này. Các tác giả nhận thấy điều kỳ lạ là Điện Kẩm-linh đã không phản hồi trước những tin đồn cho rằng Gerasimov đã bị giết ở Crimea.

Chúng ta sẽ nhận thấy có chi tiết đặc biệt khi đặt hai câu chuyện cạnh nhau: Gerasimov và Viktor Sokolov. Trong khi Nga đã có những nỗ lực phi thường để phủ nhận cái chết của Đô đốc Viktor Sokolov, chỉ huy cũ của Hạm đội Biển Đen, đến mức gần đây hắn ta còn bị cách chức nhân sự kiện một tàu Nga bị đánh chìm – chuyện này lại giáng một cái tát vào mặt bọn nhà báo xứ phía Đông nước Lào đang cố chứng minh việc đánh chìm là không có thật. Trong khi đó, Gerasimov thì biến mất mà không cần phải cải chính.

Điều đó làm dấy nên nghi ngờ rằng, chính hắn ta trốn đâu đó để thúc đẩy cho chiến dịch đánh chiếm Avdiivka “cho nó xong đi”. Nhưng cũng có những ý kiến cho rằng, hắn ta phải trả giá cho cái “trò mèo” BTG hay Cụm tác chiến cấp tiểu đoàn của mình. Tuy nhiên, nếu đúng Gerasimov là tên tướng chỉ huy đánh Avdiivka thật, thì điều này vừa đáng sợ, vừa đáng mừng.

Đáng sợ, vì hắn hay tên nào đó làm chỉ huy cao nhất phía Nga, đã có những nỗ lực phi thường để đưa bom lượn FAB vào sử dụng trong cuộc chiến. Đáng mừng, vì chỉ như thế là hết: Chúng sẽ cố gắng chiếm thêm nhiều thị trấn tương tự như Avdiivka như vậy nữa, và bây giờ chúng sẽ sử dụng phương pháp ném bom nát mục tiêu, rồi xua quân tiến chiếm. Phải chăng người Ukraine bó tay trước vấn đề này?

Nếu có ai tên là bó tay, thì người đó là chúng ta, còn người Ukraine thì không. Cho đến nay có những thông tin về việc Nga sử dụng bom lượn FAB ở Ukraine như sau:

Mặc dù bom này có thể được ném từ hầu hết các loại máy bay của Xô-viết trước đây và Nga ngày nay – chẳng hạn các loại hiện có như Tu-95, Tu-160 hay Tu-22M, nhưng gần đây chúng ta thấy chủ yếu chúng phải dùng Sung-khui 34 và 35 để ném. Sau đó, trên mạng xuất hiện video mang tính ca ngợi khả năng tác chiến tài tình của không quân Nga “Thả bom FAB-500SHN từ độ cao cực thấp bằng máy bay Su-34 ở Ukraine” ở đây:

Tại sao đã có những tính năng “có thể được thả chính xác từ khoảng cách 40 ki-lô-mét vì được dẫn đường bằng vệ tinh” mà nay lại phải bay ở độ cao thấp để thả nó? Ai cũng hiểu rằng để nó bay được 40 ki-lô-mét xa, máy bay cần phải bay ở độ cao nhất định với một tốc độ nhất định, thì nó mới lượn đi xa được như thế. Câu trả lời duy nhất cho trường hợp này là: nó không được chính xác như quảng cáo, vì vậy muốn ném chính xác thì phải bay thật gần và ném ở độ cao thấp thôi. Khi đó thì cần tài nghệ của phi công Nga.

Như thế, khả năng đánh phẫu thuật của loại vũ khí này, cũng vừa phải thôi, nhưng chắc chắn để tàn phá một thành phố với những tòa nhà chung cư khá to cao (so với quả bom 500 cân thì rất to) thì không khó. Vì vậy nguy cơ rất lớn đối với Ukraine hiện nay, là chúng sẽ ném tiếp vào các thành phố khác nữa để gây ra mức độ tàn phá lớn. Mới nhất, chúng chế tạo loại FAB-1500M-54-UGCM nặng một tấn rưỡi và độ chính xác (được quảng cáo là dưới 12 mét), nhưng căn cứ vào cánh lượn và một số cơ cấu thô sơ của nó, cũng như việc dẫn đường bằng GLONASS ọp ẹp, thì chắc chắn độ chính xác này là bốc phét. Nhưng với khối lượng 1500 cân thì cần gì độ chính xác.

Cũng “vì vậy,” chuyện Gerasimov đem vào đây là chỉ để có chuyện mà nói, và như vậy chúng ta có thể kết luận: Gerasimov cũng chỉ đến như vậy là chấm hết. Bài của chúng bây giờ đã rõ – người Ukraine cũng đã nỗ lực để bắn rụng Sung-khui rồi, nhưng chắc chắn là chưa đủ. Kiểu này có thể chúng ta sẽ thấy những cú luồn sâu của biệt kích đánh vào sân bay và kho bom thì vừa.

2. Bọn chỉ huy Nga, đứng đầu là tổng tư lệnh tối cao Putox có hiểu rằng chúng là “bên thua cuộc” hàng đầu thế giới về số binh sĩ thiệt mạng trong cuộc xâm lược Ukraine không?

Không. Nướng quân trên quy mô lớn từ lâu đã là một phần trong học thuyết quân sự của Nga. Trước đây, Stalin đã nói rằng “số lượng có chất lượng riêng của nó”, ông ta không chỉ nghĩ đến số lượng súng bộ binh và xe tăng chất lượng thấp được sản xuất hàng loạt mà còn nghĩ đến quân số của cái quân đội này (Hồng quân). Sau đó thì có thể có chút thay đổi ít nhất cho đến năm 1975, nhưng trong cuộc chiến của chúng ở Ukraine, thì hóa ra mọi chuyện chẳng có gì thay đổi cả. Dù những kẻ hâm mộ đã từng tưởng cú “cải tổ quân đội” theo học thuyết Gerasimov đã đưa quân đội Nga lên hàng thứ nhì thế giới.

Tôi thất vọng, cũng như nhiều fan hâm mộ của cái quân đội vẫn duyệt binh đẹp đẽ trên Hồng trường đó, cũng thất vọng. Đến The Battle of Avdiivka, đã bộc lộ quân đội Liên bang Nga được thiết kế và xây dựng dựa trên triết lý đơn giản này: “Số lượng, số lượng và số lượng.” Nhiều pháo binh. Nhiều xe tăng. Nhiều quân lính. Và bây giờ là nhiều bom lượn. Và bom thật to.

Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu chỉ giỏi ở hai điều, lòng trung thành với Putox và khả năng thúc đẩy hoạt động sản xuất vũ khí, và thế là quá đủ. Chuyện những loại vũ khí này hoạt động ọc ạch với tỉ lệ cao, hoặc một số binh lính thiếu thức ăn, mặc quần thủng đít và thiếu áo ấm, thậm chí không có cả giấy chùi ass có thể là điều chắc chắn sẽ khiến nhiều ông tướng ông tá ở phương Tây bị sa thải thậm chí bóc lịch, nhưng xét về tổng thể thì điều đó không thành vấn đề ở nước Nga.

Đây là điều mà phương Tây không hiểu, chúng ta không hiểu. May mà có người Ukraine hiểu.

Chiến lược xây dựng lực lượng vũ trang của Nga dựa trên triết lý “số lượng đánh bại chất lượng”. Tại sao phải tốn tiền huấn luyện nếu binh sĩ nếu như họ có tuổi thọ trung bình ngoài mặt trận chỉ vài ngày? Các đơn vị Quân đội Nga sử dụng các chiến thuật đơn giản nhất – những làn sóng người trong các trận đánh chiếm Bakhmut và Avdiivka, vì cách tiếp cận này mang lại một số lợi thế rõ ràng. Bất kỳ đơn vị quân đội phương Tây nào mất hơn 40 % nhân lực sẽ không thể tiếp tục hoạt động nhưng do sử dụng chiến thuật và mệnh lệnh rất đơn giản, quân Nga có thể đối phó với tỉ lệ thương vong 80 % và thậm chí cao hơn. Hơn thế nữa, sử dụng chiến thuật này không yêu cầu quân đội Nga phải mất quá nhiều công sức để đào tạo đội ngũ chỉ huy, sĩ quan sơ cấp và trung cấp. Để chỉ huy chiến thuật đó đâu có cần trình độ?

Vậy chất lượng, trình độ cao của vũ khí Nga có không, và dùng để làm gì? Không phải người Nga không thử cách tiếp cận “chất lượng cao” của phương Tây nhưng chúng không giỏi về chuyện đó. Xe tăng T-14 “Armata” siêu phức tạp và đắt tiền hóa ra lại hoàn toàn vô dụng trong khi bom lượn FAB-500 cổ lỗ lại đang hoành hành khi được ném số lượng lớn vào các thành phố Ukraine. Ngay cả các tên lửa hành trình vốn được ca ngợi của họ khi được bắn vào các mục tiêu ở Ukraine, cũng bị bắn hạ theo cách là “cần bắn hạ là nó bị bắn hạ, nó chỉ không bị bắn hạ khi nó không nhắm vào mục tiêu quan trọng.”

Tôi hoàn toàn không có ý làm nhân vật của “AQ chính truyện”, nhưng phải nói mọi chiến dịch của Nga ở Ukraine đều thất bại hoàn toàn, kể cả hai trận đánh chiếm Bakhmut và Avdiivka. Riêng với Avdiivka, tôi còn cho rằng người Ukraine thích phản công ngay khi quân Nga tràn vào cũng làm thừa sức, nhưng việc đó là không cần thiết.

Vì vậy, con số gần 50.000 “kiện hàng 200” của Nga để đổi lấy mảnh đất 31 ki-lô-mét vuông, chưa nói đến hàng trăm xe tăng, cả nghìn xe bọc thép và một tá máy bay chiến đấu đắt tiền, chúng ta nghe thì sợ, nhưng với Nga là… bình thường. Người Nga đang làm những gì họ giỏi nhất, như tôi viết là ném lính vào cối xay. Thế nên, nếu chúng ta nói với một người Nga rằng họ đang là “bên thua cuộc lớn nhất mọi thời đại về số binh sĩ thiệt mạng trong cuộc xâm lược Ukraine”, hắn ta sẽ cười vào mũi chúng ta. Mất hàng trăm nghìn người là một phần trong kế hoạch của Putox.

3. Cần hiểu những nỗ lực của truyền thông bẩn có nguồn từ truyền thông Nga quanh sự kiện Avdiivka như thế nào?

Nếu như ai đó còn nhớ, trước đây đã từng có câu chuyện 60 lính đánh thuê người Pháp bị tiêu diệt ở Kharkiv, chắc cách đây khoảng 1 tháng. Chuyện này có thật hay không? Đúng, có một số người Pháp và nhiều người nước ngoài khác đang làm việc ngoài tiền tuyến ở Ukraine, với nhiều nhiệm vụ khác nhau, nhưng không bao giờ có chuyện họ tụ tập vào một chỗ để trở thành “một đơn vị lính đánh thuê” như vậy cả. Vì vậy lại càng không bao giờ có chuyện họ ở lại trong một tòa nhà nào đó (dạng như khách sạn) ở giữa thành phố Kharkiv để bị tấn công. Vậy tại sao có chuyện đó? Vì cùng thời gian này, Tổng thống Pháp Macron tuyên bố rằng chính phủ của ông sẽ gửi thêm một lô 40 tên lửa hành trình SCALP-EG tới cho Ukraine.

Quyết định này rơi đúng vào giai đoạn chiến dịch tuyên truyền của Điện Kẩm-linh, rằng phương Tây đã buông xuôi, bỏ rơi Ukraine. Ấy thế mà cái anh chàng Macron này tự nhiên tò tò gửi thêm cho Ukraine, mà gửi gì, bông băng thuốc đỏ thì không gửi, gửi đúng thứ bọn chúng sợ nhất hiện nay: tên lửa hành trình, thứ đã tiễn cả Bộ chỉ huy hạm đội Biển Đen lẫn Cụm lực lượng Kherson về chầu trời. Vì vậy chúng sáng tác ra câu chuyện lính Lê Dương Phú-lãng-sa, nhằm hai mục đích. Mục đích thứ nhất, động viên dân chúng trong nước rằng, Pháp là con muỗi, nếu cần bọn anh trả đũa ngay. Mục đích thứ hai, dằn mặt nội bộ nước Pháp: người Nga có thể giết hàng chục người Pháp lúc nào cũng được. Macron tuổi gì mà dám ủng hộ Ukraine?

Với Avdiivka cũng thế. Trước thềm cuộc bầu cử đương nhiên là Putox cần chiến thắng, mặc dù hồi trả lời trực tuyến hắn đã lừa chúng ta và lừa luôn cả ISW, để tất cả chúng ta tưởng rằng hắn và bộ sậu không quan tâm gì đến cuộc chiến tranh ở Ukraine, cuộc chiến này chỉ là vớ vẩn thôi… Hóa ra không phải như vậy. Sau Avdiivka, hôm thứ Ba (20/02) hắn gào lên đe dọa rằng “Quân đội Nga sẽ tiến sâu hơn vào Ukraine để phát huy thành công trên chiến trường sau khi thị trấn Avdiivka thất thủ,” và còn trơ trẽn mô tả “Quân đội Ukraine đã buộc phải chạy trốn trong hỗn loạn.”

Tất nhiên, với những người hiểu biết, thì chuyện này không dọa được. Nó cũng cho thấy họ đã trở nên thất vọng và bất lực như thế nào, và để khỏa lấp sự thất vọng và bất lực đó, chúng sẽ tổ chức tấn công bằng rất nhiều thịt người và bom lượn.

4. Putox nghĩ gì khi mọi thành phố mà hắn san bằng ở Ukraine đều là thành phố mà hắn ta sẽ phải xây dựng lại nếu biến Ukraine thành một phần của Nga?

Chẳng lẽ sẽ trả tiền cho điều đó? Hay hắn ta sẽ để cho cái thứ “nước Nga” dạng này trong đống đổ nát?

Có, hắn có xây dựng lại, nhưng là với tốc độ hết sức… thần kỳ như ở Mariupol, là để quay phim chụp ảnh. Sau đó, có những báo cáo của tình báo Ukraine cho biết, chúng chôn hàng trăm nạn nhân trong những hố tập thể, rồi trồng cây và làm nhà cao tầng lắp ghép lên trên. Chính thời điểm cuộc chiến đi qua được hai năm này, vẫn chỉ thấy thành phố dừng lại ở đó. Không bao giờ quay lại được quá khứ của thành phố xinh đẹp đó, đã bị phát-xít Nga giã nát.

Các cuộc chiến tranh ở Nga đang biến các thành phố Ukraine thành đống đổ nát, trong khi nền kinh tế chiến tranh và các ngành công nghiệp năng lượng của chính nước này đang làm tăng dòng đồng rúp cho các ngành công nghiệp quân sự và công nghiệp, ngược lại làm suy giảm kinh tế dân sự, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của đa số dân chúng, những người không bước chân được vào công nghiệp quốc phòng và cũng không muốn đi lính cho Putox.

Vì vậy đến nay chúng ta chưa thể hình dung ra được Putox sẽ xây lại tất cả những nơi hắn biến thành gạch vụn đó như thế nào. Cũng không rõ rằng, tại sao với khẩu hiệu đi “giải phóng” với “phi phát-xít hóa” mà hắn lại có hành động hủy diệt của chính lũ quốc xã như vậy. Thực chất, Putox không có thời gian. Mục tiêu của hắn là phải chiếm Ukraine và biến Kyiv trở lại và là một phần của Nga. Sau đó, nó có đổ nát đói khổ hơn “đất Nga chính” thì cũng là hợp lý. Suy nghĩ của loài quỷ dữ chỉ có thể là không cho phép những nơi khác được phồn vinh hơn chỗ của mình.

Đúng, bây giờ chắc chắn Putox không thể nghĩ gì đến việc hắn có đủ tiền, nguồn lực để xây dựng lại tất cả hay không. Vì chính hắn cũng không tin vào chiến thắng của hắn – nói chính xác là hắn không thể hình dung ra chiến thắng của hắn sẽ như thế nào. Hắn đang thi hành chiến tranh vì mạng sống của chính mình. Điều này làm cho những “chiến thắng” của hắn cho đến nay, từ Sievierodonetsk đến Bakhmut và bây giờ là Avdiivka, vô nghĩa cả.

5. Triển vọng chiến thắng cuộc chiến của người Ukraine

Cách đây 2 năm, khi cuộc chiến tranh này mới nổ ra, được hỏi “nghĩ sao, ai sẽ thắng trong cuộc chiến?” thì tôi trả lời: “Tôi không biết người Ukraine có thể thắng được hay không, nhưng chắc chắn Nga Putox sẽ thua.” Và chỉ sau cái ngày 24 tháng Hai một tuần, tôi viết: “Người Ukraine giữ được chính quyền, là không thua, mà không thua thì đã là thắng rồi.” Đã từng có lúc chúng ta phải ngồi bàn soạn với nhau những chuyện động trời: người Ukraine rút lên vùng núi Carpat để kháng chiến, vài năm sau may ra mới quay lại đánh đuổi quân Nga đi được.

Rồi đến đoàn xe dài 64 ki-lô-mét kéo đến Kyiv – ai cũng tưởng chúng chở quân và vũ khí để đánh chiếm thủ đô Kyiv. Ai dè chúng chở quân phục để duyệt binh, con dấu và bảng tên của các cơ quan chính quyền ngụy quyền chúng định lập nên. Và sau đó các đơn vị xe tăng của chúng bị đốt cháy ở ngoại vi Kyiv, Chernihiv, Sumy… ôm đầu máu chạy về. Nhưng chúng chưa chịu thua, quyết chiến thêm trận nữa: The Battle of Donbas.

Lúc này chúng ta đã lo lắng đến một kịch bản nước Ukraine bị chia cắt – và ở đâu: theo con sông Dnipro, nghĩa là toàn bộ tỉnh Kharkiv, Donbas bị chiếm và có thể là Sumy, Poltava… nhìn chung tất cả phía đông và nam của Ukraine bị chiếm hết. Nhưng chúng chỉ chiếm được có hai thành phố Sievierodonetsk và Lysychansk, sau khi biến Sievierodonetsk thành gạch vụn. Chúng ta hãy cùng nhìn lại:

Ngày 24/02/2022 sẽ đi vào sử sách giống như ngày 01/08/1914 hay ngày 01/09/1939. Nga trở thành nước đầu tiên dấn thân vào cuộc chiến tranh xâm lược trong thế kỷ 21. Việc chiếm đóng Ukraine chỉ là mục tiêu trung gian của Putox: Bằng việc bắt đầu chiến tranh, hắn ta đã thách thức phương Tây trong nỗ lực thay đổi trật tự thế giới hiện có và cho thấy sự yếu kém, thiếu hiệu quả của các thể chế siêu quốc gia của phương Tây.

Hầu hết các nước trên thế giới không tin rằng Ukraine sẽ đứng vững, cho Lực lượng vũ trang Ukraine nhiều nhất là vài ngày, và một số quốc gia thân mật với Putox đã mơ thấy Ukraine thất thủ. Quân Nga tiến về từ 9 hướng khác nhau từ phía bắc, phía đông và phía nam. Tổng cộng có ít nhất 220.000 quân Nga đã tham gia vào cuộc xâm lược. Đó là một cuộc chiến tranh xâm lược được một quốc gia khủng bố lên kế hoạch cẩn thận.

Trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến, quân Nga, vốn có lợi thế về quân số gấp 10 lần quân phòng thủ Ukraine, đã bị tổn thất nặng nề gần Kyiv khi cố gắng đổ bộ xuống sân bay Gostomel, nhưng chiến dịch bất ngờ đột kích thọc sâu của chúng đã thất bại hoàn toàn. Vào ngày 25 tháng Hai năm 2022, đường băng của sân bay bị phá hủy và vào ngày 2 tháng Tư năm 2022, Lực lượng vũ trang Ukraine đã giải phóng Gostomel.

Ngay vào ngày 27 tháng Hai năm 2022, khi số người Nga thiệt mạng vượt quá 5.000 người và Kyiv vẫn đứng vững, rõ ràng là kế hoạch chớp nhoáng chiếm được toàn bộ Ukraine của Putox đã hoàn toàn sụp đổ. Và vào đầu tháng Tư năm 2022, Lực lượng vũ trang Ukraine đã giải phóng các khu vực phía bắc Ukraine – Kyiv, Zhytomyr, Chernihiv và Sumy.

Chỉ khi đó, thế giới mới bừng tỉnh. Ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới ủng hộ Ukraine. Những lời kêu gọi giúp đỡ Lực lượng vũ trang Ukraine trở thành xu hướng chủ đạo ở phương Tây trong bối cảnh nhận thức được mối đe dọa ngày càng tăng từ Liên bang Nga, quốc gia đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu kéo dài nhiều năm.

Vào tháng Bảy năm 2022, trong điều kiện vô cùng khó khăn, Ukraine đã khôi phục được xuất khẩu ngũ cốc, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Trong thời gian từ tháng Năm đến tháng Bảy năm đó, hầu hết các cơ quan đại diện ngoại giao đã được sơ tán ngay trước cuộc xâm lược toàn diện đã quay lại tiếp tục công việc của mình ở Ukraine.

Ukraine đã giải phóng hơn 50 % lãnh thổ bị chiếm đóng sau ngày 24/02/2022. “Quân đội Thế giới thứ hai” hóa ra chỉ là một huyền thoại được tuyên truyền của Nga được dựng lên và bồi đắp trong nhiều năm.

Tính đến giữa tháng Hai năm 2024, tổng thiệt hại về nhân lực trong quân đội Nga đã vượt quá 403.000 người. Lực lượng vũ trang Nga cũng mất: 6.498 xe tăng, 12.232 xe bọc thép, 9.733 hệ thống pháo, 986 súng phòng không, 674 hệ thống phòng không, 336 máy bay, 325 trực thăng, 25 tàu thuyền và 1 tàu ngầm. Đây là những tổn thất lớn nhất mà Liên Xô / nước Nga hậu Xô-viết phải gánh chịu trong tất cả các cuộc chiến tranh sau năm 1945.

Sau hai năm chiến tranh toàn diện với Nga, quân đội Ukraine là quân đội giàu kinh nghiệm nhất ở châu Âu và là quân đội duy nhất có kinh nghiệm chiến tranh với Liên bang Nga. Ukraine đã làm được điều quan trọng nhất: tiêu diệt lực lượng dự bị tốt nhất và có năng lực nhất của quân đội Nga, và nếu phương Tây tiếp tục hỗ trợ toàn diện cho Ukraine, thì mối đe dọa Nga mở rộng sang châu Âu sẽ không thể xảy ra trong nhiều thập kỷ.

Vậy đó, xuất phát điểm của chúng ta hai năm trước đã từng là: “Nếu Ukraine không thua, tức là chiến thắng.” Và bây giờ thì sao? Các cuộc chiến ban đầu có vẻ tốt cho những đội quân chiến thắng, nhưng lại không tốt cho những đội quân đã sa lầy trong nhiều năm mà không thu được lợi ích gì, hoặc chỉ đạt được những lợi ích không đáng kể trong khi tiêu tốn quá nhiều nguồn lực vào đó. Và đó chính là tình hình lâu dài đối với lực lượng vũ trang Nga trong cuộc chiến của Putox ở Ukraine. Nga đã tiêu tốn nhiều nguồn lực và mất đi binh lính, thiết bị, đạn dược và vũ khí kể từ năm 2014 đến tháng 2/2022, cả năm 2022 và 2023 và bây giờ đã là năm 2024.

Năm 2024 đến với Putox ở một vấn đề: hắn không thể cứ thế “rời khỏi” Ukraine. Hắn đã to mồm, đã cam kết với bàn dân thiên hạ và cả bản thân hắn về đủ các thứ, nhưng bây giờ thì chúng ta có thể đảm bảo với nhau rằng, hắn đang không chắc mục tiêu của mình là gì nữa. Lại vẫn “phi phát-xít hóa” “trung lập hóa Ukraine” – nhưng sau đó rồi là sao? Có một điều hắn không muốn và không dám nhắc đến (và đây là điều tôi nợ từ bài trước, bây giờ mới viết) …

Khi comment vào bài phần 3 của tôi, anh Chánh Văn có viết: “Đừng quên ta đã từng thống nhất với nhau rằng: động lực khách quan từ bên trong đưa đến cuộc chiến tranh này. Diễn biến tự nhiên của căn bệnh thể chế đến hồi phải vậy. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan là dưỡng chất nuôi sống chế độ Putox. Rồi đến lượt nó – chủ nghĩa dân tộc cực đoan này – lớn mạnh, trở thành một biến thể ăn thịt thể chế đó thông qua chiến tranh. Ngoài ra, bạo phát để bạo tàn còn là quy luật tiến hoá của xã hội tiến tới chân, thiện, mỹ.”

Nếu như tôi không nhầm, anh ấy đang đề cập đến chủ nghĩa dân tộc cực đoan mà ở suốt thời gian trước chuẩn bị cho cuộc chiến, nó được thể hiện ra ở nước Nga bằng “chủ nghĩa Đại Nga” (và cả Á – Âu của Dughin nữa chứ!). Nếu như tôi hiểu như vậy là đúng, thì xin bổ sung một ý nữa: “còn một động lực bên trong (khác) nữa, là mong muốn cháy bỏng của đa số người dân Ukraine hướng về Châu Âu.” 

Ukraine chiếm một vị trí nổi bật trong kế hoạch khôi phục đế chế Nga, mà hình thức bên ngoài là kế hoạch “khôi phục không gian Xô-viết” của Putox. Hắn ta đã chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh xâm lược trong nhiều năm, và cái gọi là “Thỏa thuận Minsk,” trong trường hợp được ký kết mà theo đó chính phủ Ukraine sẽ đầu hàng Mục-tư-khoa, sẽ dẫn đến kết quả là ông chủ Điện Kẩm-linh sẽ mặc nhiên chiếm đóng Ukraine mà không cần chiến tranh. Khi đó hắn chỉ cần những công cụ để thực hiện chính sách đô hộ là đủ.

Kế hoạch này của hắn dựa trên lý thuyết cho rằng người dân Ukraine gốc Nga sẽ nổi dậy, chào đón quân đội Nga và lật đổ chính quyền Zelenskyy. Từ đó, chính nhóm dân Ukraine gốc Nga ngày sẽ là lực lượng chính để đô hộ “Ukraine thuộc Nga”, thi hành chính sách đàn áp đối với những người “Ukraine gốc.” Về điều này, tôi đã viết một câu trích dẫn trong sách, từ một nhà văn Nga viết về cuộc Chiến tranh Vệ quốc 1941 – 1945 của Liên Xô, nay chưa có thời gian để xem lại ai và sách gì: “Một khi đã khác nhau về lý tưởng, thì sự hằn thù lẫn nhau giữa những người cùng dân tộc còn ghê gớm hơn những người khác dân tộc.”

Ông nhà văn này viết về sự hằn thù giữa người Nga căm thù chế độ Stalin với những người Nga theo cộng sản, còn kinh khủng hơn giữa người Đức và người Nga. Putox thì không hiểu điều đó – và thực tiễn cuộc chiến đã cho thấy rất rõ: Những người theo Nga, thì đã chiến đấu trong hàng ngũ ly khai từ 2014 và ngay khi chiến tranh bùng nổ đã bỏ sang Nga hết, còn lại là cả những người “dân tộc Nga quốc tịch Ukraine” nhưng với mong ước cháy bỏng về một nước Ukraine văn minh, đi cùng châu Âu. Với họ, nước Nga của Putox chỉ là cái máng lợn của độc tài chuyên chế. Putox thua, chắc chắn thua ở chỗ đó.

Trên đây tôi viết hai câu: “Putox không biết mình muốn gì” “Putox không dám nhắc đến một điều” – dù hắn nói xa nói gần, thậm chí tấn công trực diện vào phương Tây, coi đó là một công cụ để đàn áp niềm mong mỏi cháy bỏng của người dân Ukraine hướng về thế giới văn minh. Hắn không biết mình cần cái gì để đàn áp, dập tắt niềm mong mỏi đó. Hắn càng không dám nhắc đến điều đó – chưa bao giờ! Vì hắn biết hắn sẽ thua trước niềm mong mỏi đó. Và hắn bế tắc, vì dù có chiến thắng bằng quân sự chốc lát trong một vài tháng tới, cũng đồng nghĩa với việc hắn phải đàn áp tình cảm đó của người Ukraine – yếu tố chắc chắn sẽ dẫn tới diệt vong chế độ của hắn thậm chí làm tan rã nước Nga.

Như trong bài viết cách đây vài kỳ, tôi có viết sơ bộ về thế bế tắc. Đầu tiên, là Ukraine thiếu đạn dược và vũ khí. Cuộc chiến tổng lực do Nga phát động đã từng hiện thực hóa việc cung cấp vũ khí kịp thời cho Lực lượng vũ trang Ukraine, và bây giờ cần phải được tiếp tục. Quá trình đó không được phép gián đoạn bởi Điện Kẩm-linh chỉ hiểu ngôn ngữ vũ lực. Putox đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu lâu dài có thể kéo dài chừng nào hắn còn nắm quyền. Như vậy, việc cung cấp trang thiết bị quân sự, hệ thống phòng không, tên lửa tầm xa và đạn pháo chính là đóng góp tối ưu cho tương lai hòa bình của châu Âu. Nếu Lực lượng Vũ trang Ukraine không thể ngăn chặn nhà nước khủng bố Putox thì người Ba Lan, người Đức và người Áo sẽ phải làm điều đó.

Và câu trả lời đã lác đác vang lên. “Ukraine hiện đang yêu cầu chúng tôi cung cấp đạn dược và pháo binh. Chúng tôi, Đan Mạch, đã quyết định chuyển toàn bộ pháo binh của mình sang Ukraine. Vì vậy, xin lỗi các bạn, có thiết bị quân sự ở châu Âu, vấn đề không chỉ là sản xuất. Chúng ta có vũ khí, đạn dược, hệ thống phòng không mà chúng ta chưa sử dụng. Chúng phải được bàn giao cho Ukraine” – Mette Frederiksen, Thủ tướng Đan Mạch phát biểu.

“Cho đến nay, chúng tôi đã tìm thấy nửa triệu quả đạn pháo 155 mm và 3 triệu quả đạn pháo 122 mm, chúng tôi sẽ có thể vận chuyển đến Ukraine trong vài tuần nữa nếu tìm được nguồn tài trợ. Chúng tôi sẽ hướng tới các đối tác của mình ở Mỹ, Đức, Thụy Điển...” – Petr Pavel Tổng thống Cộng hòa Séc nói.

Vậy theo quý vị, người dân Ukraine có chiến thắng được không? Hãy quay lại với xuất phát điểm của chúng ta: “không thua là đã thắng rồi!” – Ukraine đã giải phóng được 50 % lãnh thổ bị Nga chiếm, chủ yếu là do một số kẻ phản bội dâng đất cho Nga. Còn lại, chiếm được chỗ nào, Nga bầm dập chỗ ấy. Sau trận đánh chiếm Avdiivka, Putox lớn tiếng dọa nạt sẽ tấn công tiếp – vậy có thể ném bom lượn được vào đâu đây, hả con quỷ? Suốt chiến tuyến, những chỗ để ném bom lượn hiệu quả là các “thành phố” đâu có còn nhiều? Vậy nếu viện trợ của nước Mỹ ngừng hẳn, người Ukraine cứ duy trì được chiến tuyến như hiện nay, thì Putox hy vọng được vào điều gì?

Khi hắn to mồm nhất, là hắn hy vọng nhất và cũng sẽ thất vọng nhất – hắn đang dọa để phương Tây ép Ukraine ngồi vào bàn đàm phán trước bầu cử… chưa hết, hắn yêu cầu thằng nghiện loạn thần Mét-vi-đíp dọa tiến đến Kyiv nữa chứ! Tiến đi, hai năm trước còn cách thủ đô chục cây số còn chẳng vào được, nữa là bây giờ.

Trong những ngày qua chúng ta nghe quá nhiều thông tin về việc phía Ukraine thiếu đạn dược, thậm chí báo chí xứ nào đó còn tung tin lính Ukraine kiệt quệ, mệt mỏi, chửi bới vang trời. Nhưng chỉ một ngày sau Avdiivka, liên tục những cú “lính Nga bay lên trời,” rồi các con số đây: 1050, 1080, 1290, 1230, 1130, 1160, 1000 – là số kiện hàng 200 tính từ ngày 17/02 đến 23/03 – kỳ lạ chưa – có kiểu “thiếu đạn” gì mà lạ thế?

Thằng nguyên soái ván ép Shoigu vừa tung tin Ukraine chuẩn bị 4 lữ đoàn để tấn công Crimea. Nếu chúng biết được là 4 lữ đoàn, thì thực tế phải là 14, 24, 34 lữ đoàn chứ không phải ít đâu. Vậy thắng hay thua, tôi xin nhường quý vị độc giả cho câu trả lời.

PHÚC LAI 23.02.2024

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn