Nguyễn Gia Việt - Mùng 3 Tết cúng gà và bánh tét

Thứ Hai, 12 Tháng Hai 202411:48 SA(Xem: 491)
Nguyễn Gia Việt - Mùng 3 Tết cúng gà và bánh tét

ga_01

Hôm nay mùng 3 là ngày dân Nam Kỳ mần gà trống cúng Tết nhà, Tết vườn.

Mùng 3, nhà nào cũng có ít nhứt một đòn bánh tét có nếp dẻo thơm ngon. Dân Miền Nam nấu bánh tét vào đêm mùng 2 Tết đặng mùng 3 có bánh cúng. Người Lục Tỉnh mình có tục cúng gà luộc và sau đó xé phay ra trộn gỏi, không chặt gà ra miếng như người Bắc.

Mùng 3 là chánh thức hết Tết, các gia đình Nam Kỳ sẽ làm một mâm cơm tươm tất để cúng tiễn ông bà. Dân gian gọi là kiếu ông bà, kiếu là tiễn, từ đây không còn cúng cơm ngày hai bận nữa.

Cúng gà cũng là cúng Tết nhà, Tết vườn cho viên mãn. Phải có một con gà trống luộc còn nguyên đầu cẳng cánh. Con gà này khi cúng phải để nó ngóc cái đầu lên cao, cặp giò có các ngón phải chúm kín đáo lại, còn đầy đủ bộ đồ lòng của con gà trên dĩa cúng.

Bày lên bàn giữa cúng một tô cháo lớn hoặc múc ra năm cái chén. Có thêm dĩa rau sống, dĩa bún tươi, dĩa muối gạo, một dĩa trầu cau, chung rượu trắng, một cây bông mới, giấy tiền vàng bạc.

Cúng mùng 3, ngoài con gà luộc, cây bông, trầu cau, hai khoanh bánh tét …ta còn thấy có dĩa muối gạo nữa, sau khi cúng xong người ta lấy muối và gạo rải ra đường.

Cúng muối gạo là tục xưa. Muối và gạo là hai loại gắn với cuộc sống của con người. Nó rất quan trọng, hầu như ăn uống hàng ngày. Thiếu gạo và muối coi như chết chắc. Người Miền Nam có tục Tết là nhà nào cũng dằn hũ gạo và hũ muối đầy nhóc hết. Thành ra cúng là có dĩa muối gạo tượng trưng cho may mắn, sức khỏe, tài lộc, đủ đầy.

Cúng xong rải muối gạo ra đường hàm ý bỏ cái xui, rước cái hên về nhà, một năm an vui, no đủ. Nên nhớ người Miền Nam không cúng xôi theo con gà như người Bắc nghen ! Người Miền Nam không xắt lá chanh nhuyễn vô con gà luộc, Nam Kỳ cúng và ăn với muối tiêu.

Không thể thiếu là một đòn bánh tét, và phải tét ra khoanh mà cúng. Bánh tét và gà tượng trưng cho sung túc, no đủ. Có nhiều gia đình cúng xong thì treo cặp chưn gà lên trên cánh cửa. Rồi có tục cắt giấy hình trái bầu dán lên cửa, bàn, tủ, buồng, cầu mong sự sung túc trong năm tới.

Sau lễ cúng này thì gia đình sẽ không cúng cơm ông bà nữa, đã kiếu cho ông bà về nghỉ ngơi. Hẹn Tết năm sau.

Người Nam Kỳ gốc Việt cúng gà trống, gốc Hoa cúng gà mái, thể hiện hai quan niệm khác nhau của hai dân tộc.

Người Hoa trọng thương mãi, giỏi bán buôn nên cúng gà mái, gà đẻ trứng vàng với mong muốn mua may bắn đắt trong năm mới. Còn người Nam Kỳ thì bộc trực, khẳng khái, thẳng thừng, tín nghĩa, gốc lưu dân chưn cứng đá mềm, tay phảng tay mác tạo dựng nên nhưng không coi buôn bán là sở trường mà cần sự mạnh dạn, can trường nên cúng gà trống.

"Lòng qua như đinh sắt

Nguyện nói chắc một lời

Qua không có dạ đổi dời như ai"

Nam Kỳ là đất mới, hình ảnh người khẩn hoang đầu đội trời chưn đạp đất, đầu tắt mặt tối, luôn đối diện với thú dữ và hiểm nguy, hình ảnh con người Nam Kỳ hùng dũng cũng như một con gà trống vậy.

Qua mùng 3 bắt đầu phần lễ hội bên ngoài. Đó là mùa cúng đình, đi hành hương đình chùa miếu mạo khắp nơi. Dân Nam Kỳ lục tỉnh thường đi là núi Bà Đen ở Tây Ninh và Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc.

Nói tới miền Lục Tỉnh thì muốn nói hoài nói hủy mà không hết chuyện. Rất tự hào về văn hóa của ông bà mình! Vùng châu thổ đó sanh ra những con người rất kỳ lạ, người Miền Nam, nơi đó có cách sống, suy nghĩ, phong tục tập quán, văn hóa xã hội có nhiều nét khác nhiều vùng còn lại.

"Tính cách Miền Nam" hình thành một nếp văn hóa rặc ròng Nam Kỳ. Đó là những người Miền Nam gốc, những người đã bày ra và giữ riết cái riêng của Miền Nam mình tới tận cùng.

Bữa nay mùng 3, chúng ta sẽ ăn gà xé phay và bánh tét.

NGUYỄN GIA VIỆT 12.02.2024

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn