Lễ Giáng sinh bị hủy bỏ ở chính quê hương của Jesus

Thứ Ba, 26 Tháng Mười Hai 202312:30 CH(Xem: 619)
Lễ Giáng sinh bị hủy bỏ ở chính quê hương của Jesus

Washington Post

Vương hậu Jordan Rania Al Abdullah

Cù Tuấn, dịch

23-12-2023

Bethlehem thường trở nên sống động vào dịp Giáng sinh. Năm nay không như vậy. Tại Thánh địa này, các lễ kỷ niệm đã bị hủy bỏ: không diễu hành, không chợ phiên, không thắp đèn cây nơi công cộng. Tại đất nước Jordan của tôi, nơi Jesus chịu phép rửa tội, cộng đồng Kitô giáo của chúng tôi cũng đã chọn làm điều tương tự.

Tại Bờ Tây bị chiếm đóng, một nhà thờ ở Bethlehem đã sửa cảnh Chúa giáng sinh, đặt Jesus Hài Đồng giữa đống đổ nát của một tòa nhà bị đánh bom. Việc này phản ánh các câu chuyện được chiếu trên màn hình ở khắp mọi nơi: những hình ảnh khủng khiếp về sự tàn phá của Gaza, và đặc biệt là những đứa trẻ đầy máu và tả tơi ở đó.

Tôi xem video một người cha ở Gazan vuốt ve khuôn mặt con gái mình và bảo ai đó hãy nhìn xem cháu xinh đẹp biết bao. Cháu bé trông như đang ngủ nếu không có tấm vải liệm màu trắng.

Tôi lướt tiếp và thấy một cậu bé đang vật lộn trong mưa và những con đường ngập lụt, mang theo thi thể của một đứa trẻ thậm chí còn bé hơn mà cậu bé đã không chịu bỏ lại phía sau. Một người mẹ ôm chặt cơ thể mềm nhũn của con gái mình: “Hãy để trái tim của con vào trái tim mẹ”, bà nói với con và khóc ngất khi những người khác cố gắng đưa xác đứa bé đi. Người mẹ vẫn chưa sẵn sàng để xa con.

Chúng ta cần nhìn thấy trên khuôn mặt của những đứa trẻ này khuôn mặt của chính chúng ta. Mỗi video này là một lời cầu xin tuyệt vọng để thế giới cảm nhận tính nhân văn và sự tổn thương của họ.

Người dân Gaza đã không mất hy vọng vào lòng nhân đạo của người khác – ngay cả khi rất nhiều người không nhìn thấy được lòng nhân đạo của họ.

Kể từ ngày 7 tháng 10, phần lớn thương vong ở Israel, Bờ Tây và Dải Gaza đều là dân thường. Dù bị giết, bị bắt cóc hay bị giam giữ oan uổng, mỗi người đều để lại một khoảng trống không thể lấp đầy. Không có sự khác biệt giữa nỗi đau của các bà mẹ Palestine và Israel khi mất con.

Mỗi ngày trôi qua mà không có lệnh ngừng bắn thì lại có thêm nhiều người bị chết đi một cách bi thảm.

Chỉ trong hơn hai tháng, Israel đã biến Gaza thành địa ngục. Gần 20.000 người chết. Ít nhất 8.000 là trẻ em – nhiều hơn số người chết ở Trân Châu Cảng, vụ tấn công ngày 11 tháng 9 và cơn bão Katrina cộng lại.

Khoảng 2 triệu trong số 2,2 triệu người ở Gaza đã phải di dời – gần như toàn bộ dân số đã chuyển sang tị nạn. Hơn 50.000 người Gaza bị thương nhưng chỉ có 8 trong số 36 bệnh viện còn hoạt động.

Trên hết là nạn đói. Gần một nửa số người ở Gaza đang chết đói. Trong hơn hai tháng, số viện trợ mà họ nhận được chỉ đủ dùng trong chưa đầy một tuần. Làm sao việc bỏ đói người dân lại có thể được coi là một hình thức tự vệ hợp pháp?

Các tổ chức quốc tế hiện đang gọi Gaza là nghĩa địa của trẻ em. Thật là nghịch lý khi Thánh địa lại được mô tả thành một cái gì đó vô cùng xấu xa.

Điều này đã trở thành một cơn ác mộng nhân đạo rõ ràng. Mỗi ngày trôi qua, ngưỡng của những gì có thể chấp nhận được lại giảm xuống mức thấp mới, tạo tiền lệ đáng sợ cho cuộc chiến này và các cuộc chiến khác sắp tới.

Cho dù bạn ủng hộ bên nào, bạn vẫn có thể yêu cầu ngừng bắn, thả con tin và người bị giam giữ cũng như tiếp cận viện trợ không hạn chế.

Một số người sẽ coi đây là một lời cầu xin vô ích, và cho rằng lệnh ngừng bắn ngay lập tức không mang tính chiến lược cũng như không có tính bền vững. Đó là một bản cáo trạng cho thời đại rằng lời kêu gọi lấy lại sự tỉnh táo có thể bị coi là đa cảm. Chúng ta cũng nghe nhiều người nói về hòa bình ngày sau như thể là chúng ta thoát khỏi trách nhiệm phải hành động ngay bây giờ.

Lệnh ngừng bắn chỉ là sự khởi đầu. Chúng ta cũng phải bắt tay vào quá trình nhân bản hóa đầy khó khăn – nhận ra bản chất con người của người khác và hành động dựa trên cảm nhận chung đó.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn