“Cô Hằng mãi đỉnh” “Con chó cái” “Điều 331”

Thứ Hai, 02 Tháng Mười 202310:00 SA(Xem: 2243)
“Cô Hằng mãi đỉnh” “Con chó cái” “Điều 331”
rfa.org

“Cô Hằng mãi đỉnh” “Con chó cái” “Điều 331”

Bình luận của Nguyễn Cam Lai

Quý vị không đọc lầm, nhưng coi chừng quý vị đọc lộn đó nhé.

Những từ ngữ này vang lên trước khu vực có nhà ở của bà Đặng Thị Hàn Ni đêm 02/3/2022, từ một đám đông đến khoảng hai, ba ngàn người (theo một số YouTuber tại hiện trường).

Một số trong đó là fans của bà Nguyễn Phương Hằng. Một số là người phản đối bà. Một số tò mò. Số còn lại là YouTuber, chớp lấy một cơ hội kiếm tiền từ “cô Hằng”.

Hôm đó, dường như bà Hằng và bà Hàn Ni có cuộc hẹn với nhau vào lúc 9h đêm.

Cụm từ đầu tiên, fans bà Hằng kêu lên trong suốt thời gian bà Hằng có mặt tại đây, khoảng gần mười phút.

Cụm từ thứ hai, những người đó ném vào bà Đặng Thị Hàn Ni.

Bà Hằng không hề có động thái gì ngăn cản hành vi đó, ngược lại tỏ vẻ rất vui thích.

“Con khỉ đột mang giày cao gót”

Trên kia là chuyện ở Việt Nam.

Còn dưới đây là chuyện ở Mỹ.

Năm 2016, bà Michelle Heren, một phụ nữ da trắng tóc vàng (không rõ nhuộm hay tóc thật), bác sĩ gây mê hồi sức tại khoa Nhi, Trung tâm y tế Denver, bang Colorado, kiêm trợ lý giáo sư tại trường Y thuộc Đại học Colorado bình luận trong trang Facebook của một người khác về Đệ nhất phu nhân nước Mỹ bấy giờ là bà Michelle Obama. Dưới tấm ảnh bà Obama đang phát biểu, bà Heren miệt thị, chê bai giọng Anh của bà Obama là âm giọng châu Phi tồi tệ và “mặt khỉ”.

Một người dùng Facebook đọc được lời bình luận xúc phạm này liền gửi nó đến Đại học Colorado.

Bà Heren bị Đại học Colorado và Trung tâm y tế Denver đình chỉ công việc ngay sau đó, “Quan điểm cá nhân của bà Denver trái với sứ mệnh và các giá trị” của họ.

Sau đó bà Heren đã xin nghỉ việc. Tuy nhiên, trả lời báo chí, bà ta vẫn bao biện rằng bình luận của bà đã bị hiểu vượt ra ngoài ngữ cảnh và bà không biết từ “mặt khỉ” là phân biệt chủng tộc.

Cũng trong năm đó, Jane Allen, một phụ nữ da trắng tóc vàng khác, trợ giảng tại một trường tiểu học ở thị trấn Gainesville, phía đông bắc Atlanta, cũng chia sẻ một bài báo đả kích bà Michelle Obama về trang mạng cá nhân. Người phụ nữ này viết bình luận kèm theo, gọi bà Obama là “con khỉ đột đáng thương”.

Cách gọi miệt thị này đã được Allen dùng đi dùng lại đến hai lần trên trang cá nhân.
Sau đó cô ta dường như nhận ra mình sẽ gặp rắc rối nên đã xóa luôn tài khoản Facebook.

Nhưng nhiều người đã kịp chụp lại lời bình luận trên và chia sẻ trên mạng xã hội, kèm theo sự phẫn nộ và nghi ngờ khả năng giảng dạy của cô này.

Ngay sau đó, trường học đã sa thải Allen vì hành vi phân biệt chủng tộc và đối xử kỳ thị.

Tiếp tục, Giám đốc Công ty phát triển hạt Clay, bang West Virginia, bà Pamela Ramsey Taylor cũng gọi bà Obama là “con khỉ đột đi giày cao gót” trên Facebook. Thị trưởng hạt Clay, bà Beverly Whaling vui vẻ bình luận tán thành dưới status này.

Cả hai đã làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ trên báo chí, mạng xã hội và công luận tại địa phương. Nhiều người dân yêu cầu cả hai đều phải từ chức.

Mặc dù cả hai bà Taylor và Whaling đã đóng tài khoản Facebook đồng thời đưa ra lời xin lỗi bằng văn bản đến báo chí và trên trang cá nhân ở chế độ riêng tư, nhưng không xoa dịu được dư luận.

Thị trưởng Whaling từ chức. Giám đốc Taylor bị sa thải.

Liên quan gì đến Việt Nam?

Trở lại với cuộc hẹn gặp của bà Phương Hằng và bà Hàn Ni.

Một Youtuber vừa phát trực tiếp vừa tường thuật. Xin trích nguyên văn:

“Đây là nhà của bà Hàn Ni nha mọi người. Ở phía trong này tắt đèn rồi, mở nhạc nhỏ nhỏ hơn hồi nãy tí xíu rồi. Hồi nãy tình hình có hơi căng thẳng, ở ngoài chửi vô, ở trong thì mở nhạc ầm ầm ra. HIỆN TẠI BÂY GIỜ LỰC LƯỢNG AN NINH RẤT LÀ ĐÔNG LUÔN. Cô Phương Hằng thì đang trên đường tới, ít phút nữa sẽ tới đây. Lực lượng an ninh cũng bắt đầu đuổi mọi người không cho đứng nữa nhưng mọi người vẫn đứng đây rất là đông luôn. Hồi nãy ở trong mở nhạc, nhảy, ở ngoài chửi vô. Tình hình vẫn an ninh trật tự bình thường tại vì ở đây đến mấy chục chiến sĩ. Công an rất là đông, có cả xe Jeep, cả hình sự, (cả cảnh sát) mặc thường phục… Ở phía bên kia lực lượng cảnh sát giao thông đứng rất là đông luôn. HỒI NÃY CŨNG XẢY RA MỘT SỐ GAY CẤN. Ở BÊN NGOÀI NGƯỜI TA CHỬI RỦA THẬM TỆ. ĐÓ BÊN BỂN NGƯỜI TA BẮT ĐẦU CHỬI RỦA Á MỌI NGƯỜI, NGƯỜI TA CHỬI QUÁ TRỜI CHỬI LUÔN. CÀNG NGÀY NGƯỜI DÂN ĐỔ VỀ CÀNG ĐÔNG. Mọi người kêu mở cửa đón cô Phương Hằng. Sáng giờ (nhà Hàn Ni) đóng cửa, không mở cửa luôn. Đông quá không giải tỏa nổi, nãy công an kêu giải tỏa một lần rồi nhưng giờ vỡ trận rồi, công an cũng đứng nhìn không à. Hiện giờ lực lượng đông tới rồi, cỡ hai ba ngàn người”.

Đám đông bao vây nhà bà Hàn Ni gây nghẽn cả một đoạn đường .

Trong khi anh YouTuber tường thuật, có nhiều người bắt loa tay chửi vọng vô nhà bà Hàn Ni. Một người đàn ông khoảng hơn 30 tuổi, trông vẻ người lao động bình dân, rất hăng hái chửi to và nhiều lần: “Con chó cái”.

Khi nhóm của bà Hằng đến thì đám đông áp sát vây quanh, tay giơ cao điện thoại quay qua cửa xe từ tất cả mọi phía. Cả đàn ông, phụ nữ, nhiều người giơ tay nhảy múa trước xe, hô to nhiều lần: “Cô Hằng đã đến” “Cô Hằng mãi đỉnh”.

Anh YouTuber tường thuật tiếp: “Cô Hằng đi bốn năm chiếc xe, có vệ sĩ đi theo đông lắm nha mọi người nữa. Có cựu chiến binh đi xe 16 chỗ”.

Đám khán giả bên ngoài, có người nói: “Đó mình muốn là nó chết liền”.

Câu này có lẽ nhằm vào bà Hàn Ni.

Đám đông áp sát tận cửa nhà bà Hàn Ni. Một phụ nữ trẻ là nhân viên của bà Hằng bấm chuông cửa liên tục, sau đó bà Hằng cũng đến bấm chuông. Nhưng ngôi nhà bà Hàn Ni không có dấu hiệu mở cửa. Tiếng nhạc vẫn mở to, dàn đèn trang trí bên ngoài lầu 1 nhấp nháy, nhưng lát sau có một người đi ra từ ban công lầu 2, cầm điện thoại quay xuống đám đông bên dưới.

Sau chốc lát, bà Hằng trở lại xe và đứng nói chuyện với lực lượng công an. Đoạn này không nghe tiếng nhưng có vẻ bà Hằng đang giải thích gì đó. Sau đó, nhóm bà Hằng rời đi dưới sự giám sát của cảnh sát giao thông.

Còn đám đông vẫn tụ tập trước nhà bà Hàn Ni. Cảnh sát hình sự phải đứng ngay trước đoạn lề đường trước nhà bà, không cho người dân tiến vào.

Vẫn tường thuật của anh YouTuber:

“Người ta còn la làng người ta khiêu khích kêu Hàn Ni ra kìa (nghe rõ những lời chửi bới tục tĩu-người viết). Hên là công an đuổi chớ công an không đuổi là vỡ trận thiệt luôn (…) Có uýnh lộn giữa mấy người đàn bà, cái chị kia nói phe lươn phe lẹo gì đó, cái chị bên đây chỉ binh cô Phương Hằng chỉ xúc luôn” (cái chị bên đây chị ấy bênh cô Hằng, chị ấy đánh luôn). 

Một người đàn ông khoảng trên 60 tuổi đeo khẩu trang nói việc bà Hàn Ni không mở cửa nhà là hành vi quá coi thường người dân: “Ở dưới này có ba ngàn người, nó mở nhạc khiêu khích, nó ra ngoài lan can nó có những hành vi như vậy là không thể chấp nhận được. Nó hẹn chị Hằng 9 giờ tới mà nó không xuống nó đứng trên đó quay phim xuống là quá mất dạy rồi. Nếu đàng hoàng thì mở cửa hỏi chị kiếm tôi có việc gì (…) Nhà báo này móc ngoặc với các thành phần khác cản trở sự phát triển của đất nước. Nếu hội cựu chiến binh đến đây thì rất tuyệt vời vì những người này rất yêu nước”

“Chị Hằng rất được lòng dân, tuy nói về lý thì có khả năng chưa đủ lý, chưa đủ bằng chứng để lôi đầu những người kia ra trước pháp luật, nhưng về tình thì tất cả người dân ủng hộ”-người này nói tiếp.

Đám đông chỉ chịu giải tán khi lực lượng an ninh và công an quyết liệt yêu cầu.

Điều 331

Trong tất cả các cộng đồng loài người đều có các quy ước về phát ngôn và tự do ngôn luận.

Điều 19 của Tuyên ngôn thế giới về Nhân quyền (UDHR) 1948 quy định: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến; kể cả tự do bảo lưu quan điểm mà không bị can thiệp; cũng như tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền bá các ý tưởng và thông tin bằng bất kỳ phương tiện truyền thông nào, và không có giới hạn về biên giới”.

Còn Điều 29 UDHR quy định: “ Khi hưởng thụ các quyền và tự do của mình, mọi người phải tuân thủ những hạn chế do luật định, nhằm mục đích bảo đảm sự công nhận và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác, cũng như nhằm đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ” và “Trong mọi trường hợp, việc thực hiện các quyền tự do này cũng không được trái với các mục tiêu và nguyên tắc của Liên hiệp quốc”.

(Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Công Giao và Nguyễn Đình Đức, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội).

Mấy hôm nay, mạng xã hội Việt Nam lại nháo lên với vụ đầu bếp Võ Quốc công khai lên trang cá nhân chửi “đám nhà báo ăn c.”.

Sau khi bị chụp lại màn hình và share nhiều lượt trên mạng xã hội khiến hứng chịu làn sóng chỉ trích dữ dội, đầu bếp Võ Quốc chống chế kêu bị hack Facebook, sau đó xóa status.

Nhưng dân Luật đã kịp đọc, phân tích và có những ý kiến cho rằng Võ Quốc đã phạm vào Điều 331 Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Điều 331 cũng chính là điều luật đưa bà Nguyễn Phương Hằng đến cái án ba năm tù.

Điều luật này quy định như sau: Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Năm 2021, bà Hằng tổ chức hàng chục buổi live stream, buổi đông nhất có đến hơn 300.000 mắt xem trên Facebook và hơn 160.000 mắt xem trên YouTube, chưa kể qua TikTok và các kênh khác, tổng cộng lượt xem trực tiếp đến hơn 1,3 triệu.  Nội dung cuộc này là tố cáo danh hài Hoài Linh có dấu hiệu ăn chặn 14 tỷ đồng cộng đồng quyên góp hỗ trợ đồng bào miền Trung bị bão lũ.

Trong những buổi live về sau, bà Hằng không còn nhiều nội dung mới để chia sẻ. Thay vào đó, bà… chửi những người (nổi tiếng) không đồng tình với bà.

Một số buổi live stream như thế vẫn hút rất đông lượng người xem.

Một số người bị chửi bèn chửi lại.

Hòn đá ném đi hòn chì ném lại, ông bà ta nói không sai.

Cuộc chửi nhau online ngày càng phong phú về hình ảnh, ngôn ngữ và các phép so sánh. Từ những người có quen biết ít nhiều hoặc hoàn toàn xa lạ, họ bỗng nhiên đòi làm phụ huynh của nhau. Người nào cũng gọi người kia là con (hoặc thằng).

Rồi từ trên mạng, họ bước ra đòi tay đôi với nhau ngoài đời.

Cuộc hẹn gặp với bà Hàn Ni đã miêu tả ở trên kia là một trong những lần bà Hằng đi “thực chiến” với các đối thủ.

Quý vị có thử đặt mình vào vị trí của bà Hàn Ni đêm ấy? Suốt từ sáng, một đám đông người xa lạ đến vây quanh nhà mình, lăm lăm chĩa máy vào mọi góc độ và khe hở của nhà mình để quay, chụp lại từng giây, và cùng lúc đó là chửi bới, nguyền rủa, đe dọa không ngừng.

Những người ủng hộ bà Hằng tự gọi họ là “fans chính nghĩa”. Nhưng cái mà họ tạo ra là một buổi săn mồi tập thể, một khung cảnh kinh khủng và man rợ.

Nếu không có hàng chục cảnh sát hình sự, an ninh, cảnh sát giao thông và dân quân tự vệ đứng sát nhà bà Hàn Ni, tôi đoán chắc những kẻ quá khích sẽ bắt đầu ném đá và phá cổng.

Bà Hằng chính là người gián tiếp tạo ra sự kiện vô thiên vô pháp đó, với cách bà loan truyền thông tin, thách thức “tỷ thí” ngoài đời, kêu gọi fans theo dõi, hay thái độ vô cùng sung sướng khi những người ủng hộ mình hăm dọa, bao vây nhà ở của “đối thủ”.

Bà không chỉ chửi mà còn nhục mạ nhiều người trên live stream và các “fans chính nghĩa” đều nhất mực ủng hộ.

Nếu như ở nước Mỹ, tôi nghĩ bà Hằng đã phải tắt hình tắt tiếng và xin lỗi từ rất sớm. Doanh nghiệp của bà cũng phải trả giá đắt vì hình ảnh bạo lực, tục tằn và vô học từ người chủ.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn