Phúc Lai - Về tình hình Kupyansk, liệu có bị Nga tái chiếm hay không

Thứ Năm, 10 Tháng Tám 20231:53 CH(Xem: 1123)
Phúc Lai - Về tình hình Kupyansk, liệu có bị Nga tái chiếm hay không

kupyansk_01

Từ hôm kia đến giờ có rất nhiều câu hỏi gửi đến cho tôi về tình hình Kupyansk. Nhiều ý kiến cho rằng “Kupyansk nguy ngập đến nơi” và đề nghị tôi viết vài câu quanh vấn đề này.

Tôi cũng phải trả lời rằng: tôi cũng hóng như các bác thôi, chẳng biết gì hơn mấy đâu. Cơ mà cũng có những ý kiến tiêu cực quá, như trong ảnh 1 tôi gửi kèm theo bài này đây. Nhìn chung về các vị trí địa lý mà chúng ta nghe tin tức rồi xác định lại trên bản đồ, thì thấy có vẻ như cũng đúng là… nguy ngập thật.

Hôm qua bác NTT cũng hỏi và tôi dùng một bản đồ chụp lại từ Google Maps, cho thấy rằng từ vị trí được cho là quân Nga đã tiến lên được đến đâu đó ở tây nam Lyman Pershyi (12 km về phía đông bắc của Kupyansk), nếu đo trên bản đồ đến điểm gần nhất của ranh giới Kupyansk, khoảng 6 ki-lô-mét. Xin các bác xem bản đồ số 0.

pl_176

Như vậy là những lo ngại không sai. Vậy thực tế là như thế nào?

pl_177

Ngày hôm nay, theo cập nhật trên bản đồ số của ISW, mà tôi chụp lại một đoạn đánh số là bản đồ số 1, thì lo ngại vẫn giữ nguyên và các thông tin chắc chắn nhất của câu chuyện, chính là việc quân Nga được cho là đã chiếm được Novoselivske (cách Svatove 15 km về phía tây bắc). Điều đáng kể nhất để tung hô việc này là nó nằm trên con đường R-07 chạy từ Kupyansk xuống Kreminna. Tất nhiên con đường này vẫn đứt đoạn nên Nga không dùng được nhưng một kết quả như thế, hoàn toàn cho phép bọn chúng hô rầm trời lên là “một chiến thắng chói lọi huy hoàng.”

Điều dẫn đến lo ngại là do, một thằng blogger người Nga nào đó tuyên bố rằng các lực lượng Nga đang giải phóng các vị trí của Ukraine gần Lyman Pershyi. Hiện nay thông tin này chưa được kiểm chứng, nhưng phía Ukraine cũng không cung cấp thông tin để bác bỏ nó nên tất cả các bản đồ của những nhà phân tích quân sự quốc tế đều tạm giả định điều đó là đúng.

Hôm qua khi bác NTT hỏi ý kiến tôi và tôi gửi lại bác ấy bản đồ số 0, do trước đó bác ấy gửi tôi bản đồ 1b, trong đó thể hiện rõ quân Nga có một mũi tấn công nữa. Mà trước khi xem nó tôi đã nghĩ, nếu quân Nga tấn công từ Lyman Pershyi xuống phía nam, thì chắc chắn chúng phải có một mũi tấn công nữa ở đâu đó về phía nam, nếu không quân Ukraine sẽ có thể mở một mũi phản kích vào sườn mũi Lyman Pershyi. Suy tính này của tôi đã tỏ ra là đúng, khi trên bản đồ quân Nga tổ chức một mũi tấn công nữa ở Tokarivka, xin các bác xem bản đồ 1b.

pl_178

Vậy câu hỏi được đặt ra sẽ là, tại sao quân Nga lại tấn công ở Lyman Pershyi xuống phía nam? Vì khoảng cách từ đó đến phần phía đông của thị xã Kupyansk là khá gần, và đúng như những lo ngại dấy lên trong vài ngày qua, quân Nga thực sự tiến lên được. Ngoài ra họ còn thu được những kết quả khác, nói chính xác là họ tuyên bố tiến lên được trên một chiến tuyến dài 21 đến 22 ki-lô-mét từ Lyman Pershyi đến Yahidne và chiều sâu khoảng 5 đến 6 ki-lô-mét. Các con số này phù hợp với báo cáo của kênh Noelreports là diện tích quân Ukraine để Nga chiếm lại trong những ngày qua ở hướng đông bắc (Kupyansk) là 31,05 ki-lô-mét vuông trên bản đồ số 1b.

Tất nhiên những điều này căn cứ trên tuyên bố của các blogger quân sự Nga, chứ không có xác nhận của phía Ukraine, còn quân đội Nga thì tuyên bố diện tích kiểm soát còn lớn hơn.

Nếu vừa qua quân Nga tổ chức tấn công như vậy thì đúng là về lý thuyết, nó ở tầm Tập đoàn quân (một Sư đoàn của Nga thường được phân công phụ trách 5 – 6 ki-lô-mét tùy địa hình và lực lượng cụ thể của sư đoàn), đúng là một kế hoạch đáng kể.

Đọc đến đây các bác có thấy bi quan không ạ?

pl_175

Bây giờ, chúng ta cần nhìn lại thời điểm quân Ukraine giải phóng thị trấn vào ngày 10/09/2022 và 6 ngày sau, ngày 16/09 quân Ukraine giải phóng nốt Kupyansk-Vuzlovyi, thị trấn song sinh với Kupyansk mà vẫn thường bị nhầm là “phần thị trấn Kupyansk bên tả ngạn.” Có thể đánh giá, việc quân Ukraine sang sông Oskil chiếm Kupyansk-Vuzlovyi và tiến khoảng 25 ki-lô-mét sang phía đông đến tận địa giới hành chính của hai tỉnh Kharkiv và Luhansk, nghĩa là một phần của con đường R-07 đi Svatove, bị quân Ukraine chiếm mất. Điều đó cũng có nghĩa là quân Ukraine vô hiệu hóa tuyến đường sắt Kupyansk – Lyman làm suy giảm nghiêm trọng khả năng hậu cần của quân Nga trên tuyến Kupyansk – Kreminna.

Ở phía nam, cũng có thể coi là một bộ phận của chiến dịch phản công mùa thu của người Ukraine, sau khi chiếm Izyum thì họ chiếm được nốt cả Lyman. Việc quân Ukraine làm chủ được một dải đất dài và hẹp suốt từ trục Kupyansk-Vuzlovyi – Pershotravneve phía bắc xuống trục Lyman – Torske ở phía nam, nghĩa là vượt sông Oskil sang bên tả ngạn là một thắng lợi chiến lược rất lớn. Thắng lợi này không những tạo một bàn đạp rất quan trọng bên tả ngạn sông Oskil để sau này có những kế hoạch phản công tiếp theo, nó còn làm chủ rất nhiều đoạn trên trục đường R-07 – R-66 từ Kupyansk đi Kreminna và Lysychansk – Severodonetsk. Ngoài ra dải đất này cho phép quân Ukraine dùng pháo binh (HIMARS) tấn công sâu thêm vào hậu phương của quân Nga.

Tuy vậy, việc làm chủ một dải đất dài này ở bên tả ngại của sông Oskil đối với quân Ukraine vừa thuận lợi về chiến dịch – chiến lược nhưng vẫn có những khó khăn về chiến thuật, vì hậu cần cho lực lượng phòng thủ sẽ phải đưa qua sông. Chẳng hạn, hiện nay tuyến hậu cần quan trọng nhất là cầu Horokhovatka sang Borova ở bên kia – cầu này bị đánh gãy tháng Năm 2022. Ngoài ra bắc qua sông này còn có các cầu Senkove vốn bị đánh gãy ngày 25/02/2022 để ngăn bước tiến của quân Nga. Với thời gian gần một năm vừa qua thì hai cây cầu này chắc chắn được sửa chữa.

Hồi đó việc quân Nga chiếm được một diện tích lớn phía đông của tỉnh Kharkiv bên hữu ngạn sông Oskil, là do các mũi tấn công rất nguy hiểm “xẻ nách” đi thẳng vào phía đông thành phố Kharkiv, theo các hướng Velykyi Burluk - Chuhuiv và Kupyansk – Izyum. Đó cũng là điều đáng lo sợ nhất nếu thời điểm hiện tại của tháng Tám 2023 mà quân Nga có đủ khả năng tổ chức được một vài mũi tấn công mạnh tương tự như vậy. Và đây cũng sẽ là căn cứ để loại bỏ luôn dạng ý kiến trên báo chí rằng “quân Nga có khả năng tiến đến Kyiv.” Cứ tiến được đến Kharkiv đi đã.

Tôi xin nhắc lại câu tôi đã viết năm ngoái, vào đầu chiến tranh: “Kharkiv còn chưa chiếm được thì Kyiv, quân Nga làm thế nào mà chiếm được thành phố?”

pl_179

Xin quay lại với Kupyansk. Cần phải xem xét để đưa ra một nhận xét chính xác rằng, khu vực này của mặt trận là dựa trên phòng tuyến thiên nhiên sông Oskil. Chẳng hạn, nếu các bác xem bản đồ số 2 vùng tô màu vàng, ISW quy định là vùng “Nga tuyên bố kiểm soát” ở gần làng Dvorichna nhưng từ nhiều tháng nay chúng ta hoàn toàn không thấy có thông tin chiến sự ở đây, cũng như những thông tin dạng “quân Nga vượt sông tấn công…” Điều này cho phép chúng ta dự đoán được rằng, hoặc là hai bên sử dụng sông Verkhnyaya Dvurechnaya làm chiến tuyến tự nhiên (thực chất đây chỉ là một con suối không khó vượt cho cả hai bên) hoặc tuyên bố của Nga là lừa bịp, sự thật là quân đội của chúng vẫn ở bên kia sông Oskil, tức là làm chủ làng Hryanykivka.

Do tính chất của khu vực mà quân Ukraine làm chủ bên tả ngạn sông Oskil như tôi mô tả: dài và hẹp, đồng thời ít đường qua lại từ đông sang tây của sông, việc bố trí nhiều lực lượng của Ukraine cũng không phải là đơn giản. Trong khi đó vùng đông bắc của tỉnh Kharkiv này rất gần đất Nga – chẳng hạn gần trục giao thông đường bộ - đường sắt Valuyki Troitske.

Vì vậy tình thế ở khu vực này có thể cho phép chúng ta rút ra một số nhận xét như sau:

• Cách đây khoảng ba tuần, cô thứ trưởng quốc phòng Ukraine cho biết “trục Kupyansk – Lyman quân Nga có 100.000 quân và trong hai ngày qua (khoảng các ngày 15 đến 17/07) đã diễn ra các trận đánh ác liệt theo hướng Kupyansk.” Điều này tôi đã báo cáo trong bài viết hôm 17/07, đúng ngày cầu Kerch bị tấn công lần thứ hai.

Và như vậy trong vòng 3 tuần, quân Nga theo tuyên bố của họ chiếm lại được khoảng 31 ki-lô-mét vuông – hơn 10 ki-lô-mét vuông trong một tuần. Nếu so sánh thì tốc độ trung bình tính theo tuần của quân Ukraine vào cỡ 18 đến 20 ki-lô-mét vuông trong một tuần. Tất nhiên không nên làm so sánh dạng như thế này, vì đó chỉ là những con số thuần túy. Ở Kupyansk, quân Nga tấn công ở mức độ Tập đoàn quân mà chỉ chiếm được 31 ki-lô-mét vuông, thì đó mới là điều đáng nói.

- Thứ nhất, chưa cho thấy họ có khả năng vượt sông ở đâu, hay nói cách khác chúng ta chưa thấy thông tin có cuộc tấn công vượt sông của quân Nga trong khu vực.

- Thứ hai, trước mắt họ tập trung vào nhiệm vụ chiếm một số điểm dân cư bên bờ trái của sông Oskil và mới chỉ tiến được mỗi hướng khoảng 5 đến 6 ki-lô-mét là nhiều.

- Thứ ba, do tôi đã phân tích về tính “dài và hẹp” của dải đất tả ngạn sông Oskil mà quân Ukraine kiểm soát suốt 11 tháng qua. Với diện tích khoảng 2.300 ki-lô-mét vuông từ Kupyansk-Vuzlovyi – Pershotravneve ở phía bắc xuống trục Lyman – Torske ở phía nam, việc tập trung lực lượng lớn khi chưa có kế hoạch phản công cụ thể, với quân Ukraine là không cần thiết và thực sự không nên làm. Vì vậy khả năng cao nhất của Bộ chỉ huy Ukraine là để cho các lực lượng tại chỗ tổ chức phòng ngự, làm sao cầm chân quân Nga càng lâu càng tốt.

Với tốc độ tiến quân như vậy của quân Nga, cá nhân tôi nhận thấy sức mạnh các đơn vị của chúng đã yếu đi nhiều và đặc biệt là không còn sức mạnh hỏa lực pháo binh như trước đây. Như năm ngoái chúng ta đã chứng kiến khi họ còn có được sức mạnh hỏa lực pháo binh, thì quân Ukraine có kiên cường đến mấy cũng phải rút, bỏ điểm dân cư lại cho Nga chiếm chỉ sau 1 tuần hoặc 10 ngày tấn công.

Nếu phía Ukraine tiếp tục duy trì đều đặn những đòn đánh phá vào các cây cầu ở miền nam, như cầu Chongar thì sẽ đến lúc Bộ chỉ huy Nga phải để dành cầu phao như năm ngoái, thời gian cầu Antonovsky bị quân Ukraine dùng HIMARS bắn. Vì nếu quân Nga cứ cố vượt sông dưới hỏa lực pháo binh của Ukraine, thì câu chuyện năm ngoái, người Nga vượt sông Siversky Donets nhiều lần và họ đã tốn rất nhiều cầu phao vào đó. Cuối cùng thì họ vẫn vượt được sông nhưng tổn thất rất lớn.

pl_180

Nếu năm nay mà người Nga lại cố vượt sông Oskil để sang bên kia (chiếm phần bên hữu ngạn sông của thị trấn Kupyansk chẳng hạn), thì đầu tiên là lại tiêu tốn một lượng cầu phao lớn, sau đó là tổn thất cực kỳ lớn. Đó là điều tôi cho rằng, họ không có nhiều khả năng thực hiện trong thời điểm hiện tại. Các bác có thể xem bản đồ số 3, sông Oskil là một dải màu xanh và hiện nay quân Nga vẫn đang cố gắng tiến đến sông ở nhiều chỗ trong khu vực Kupyansk.

Vì vậy nếu nỗ lực tối đa, người Nga có thể tiến chiếm được Kupyansk-Vuzlovyi là cùng. Còn ở phía nam chiếm Borova là hoàn toàn không có khả năng, vì vậy kế hoạch chia cắt – bao vây lực lượng Ukraine trên dải đất Kupyansk – Lyman là không thể thực hiện được trong thời điểm hiện tại.

Trong một vài ngày tới chỉ khi nào có những tin tức “quân Nga vượt sông tấn công” thì chúng ta mới có những căn cứ lo ngại cho thị trấn Kupyansk. Mà đầu tiên thường phải có những tin như vượt sông chiếm làng Dvorichna trước đã, đó là bàn đạp thuận lợi để tấn công Kupyansk.

Còn tình hình thực tế nguy ngập đến đâu? – Trong báo cáo của mình, ISW viết hôm qua (09/08): Các nguồn tin Nga tuyên bố rằng mục tiêu của các hoạt động tấn công của Nga theo hướng Kupyansk là thu hút các lực lượng Ukraine từ các khu vực khác của mặt trận đến khu vực Kupyansk, và cho rằng mục tiêu hoạt động rộng lớn hơn là đánh lạc hướng quân đội Ukraine thay vì giành được lãnh thổ đáng kể. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Malyar báo cáo rằng các lực lượng Nga đã chịu tổn thất nặng nề ở hướng Kupyansk trong tuần qua.

Như vậy có thể suy đoán rằng do không có nhiều kết quả, người Nga tìm cách giải thích với lý lẽ “mục tiêu của các hoạt động tấn công của Nga theo hướng Kupyansk là thu hút các lực lượng Ukraine từ các khu vực khác của mặt trận đến khu vực Kupyansk, và cho rằng mục tiêu hoạt động rộng lớn hơn là đánh lạc hướng quân đội Ukraine thay vì giành được lãnh thổ đáng kể.”

Ngày hôm nay, một số “nhà phân tích quân sự” người Việt Nam đã đưa tin huyện Kupyansk thông báo cho dân chúng sơ tán. Đây là một hoạt động bình thường, cần phải có khi chiến sự lan đến gần, nhưng nếu được đưa với giọng điệu tiêu cực thì sẽ gây hoảng sợ cho người đọc. Đó cũng là những cách tiếp cận không đúng đắn của một số người, muốn tỏ ra mình là người quan trọng và thậm chí, cố chứng minh bản thân là người bình luận “khách quan.” Nếu chiến dịch này của quân Nga kết thúc với kết quả chiếm được Kupyansk-Vuzlovyi, thì tôi vẫn đang đúng. Còn nếu quân Nga cố gắng vượt sông để chiếm Kupyansk, thì chắc chắn chúng ta sẽ chứng kiến các phiên bản vượt sông mới của họ, và chúng sẽ rất đẫm máu. Tôi vẫn nghiêng về phương án cho rằng điều này sẽ không xảy ra.

Cuối cùng, về ý kiến cá nhân của bác NTT cho thấy bác ấy thất vọng, vì “… (hơi thất vọng) ở chỗ cứ nghĩ ta đến được giai đoạn mà chỉ có ta đánh chúng, còn chúng không đánh ta được nữa mà chỉ có những cú phản kích cục bộ (localized counter attack).” Câu trả lời của tôi là thế này, hơi quá ngắn gọn vì muốn để hôm nay viết vào bài cho kỹ: “Quân Nga tấn công lại là tốt.”

Trước đây tôi đã viết trong vài báo cáo: Nga không có khả năng duy trì một cường độ chiến tranh mạnh mẽ trong thời điểm hiện tại, vì vậy để cho họ duy trì quân đội trên chiến trường ở trạng thái phòng thủ và nếu quân Ukraine ít hoạt động, thì đó là điều người Nga muốn. Nhưng nếu người Ukraine không để cho người Nga được yên bằng cách tấn công ở trên nhiều mặt trận, cả ở tiền tuyến lẫn sâu trong hậu phương, là một cách để quân đội Nga chảy máu đến mất sức.

Một cách nữa, là khi quân Nga tổ chức tấn công và quân Ukraine phòng thủ - với quân phòng thủ sao cho giữ được lực lượng dự bị cho đến khi quân tấn công mất hết sức chiến đấu thì sẽ phản công, khi đó sẽ đạt được thắng lợi. Với chiến dịch tấn công của quân Nga hiện nay trên tuyến Kupyansk – Kreminna, nó thua xa các chiến dịch tấn công của họ trước đây và nếu họ càng nỗ lực, thì càng thất bại nặng. Đó chính là ý của tôi khi trả lời bác NTT.

pl_181

Đến đây, tôi sẽ xin dừng bài viết, và cũng xin đính kèm hai bài báo của ngành báo chí nước nhà, cho thấy cùng một vấn đề nhưng với cách tiếp cận khác nhau, sẽ cho thái độ khác nhau của độc giả. 

pl_182

Bản thân bài báo với tiêu đề “Cách Nga đối phó với đạn chùm sát thương cao của Mỹ cung cấp cho Ukraine” đã có vẻ nỗ lực đem lại cho độc giả cảm giác lạc quan, nhưng khi đọc thì giải pháp hóa ra là quân Nga đào hầm thật sâu để tránh đạn chùm. Trong khi đó, bài báo kia “Đạn chùm Mỹ giúp Ukraine giữ đà phản công” thì lại đưa ra phương pháp sử dụng đạn chùm là kích thích cho quân Nga phản kích tái chiếm vị trí vừa bị quân Ukraine chiếm, rồi quân Ukraine lùi lại để cho đạn chùm làm nhiệm vụ. Về bản chất, có thể thấy hai bài báo này như sự tiếp nối của nhau, và hoàn toàn có thể ghép chúng làm một bài được.

PHÚC LAI 10.08.2023

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn