Bút sắc, lòng trong, mắt nhắm

Thứ Sáu, 23 Tháng Sáu 20236:00 CH(Xem: 1123)
Bút sắc, lòng trong, mắt nhắm
rfa.org

Bút sắc, lòng trong, mắt nhắm

Bình luận của Viễn Hải

Từng có câu ca ngợi tóm tắt phẩm chất của nhà báo như thế: “Bút sắc, lòng trong, mắt sáng”.

Người làm báo chân chính phải có đủ ba phẩm chất tốt đẹp: trí tuệ và diễn ngôn phải sắc sảo, lương tri phải trong trẻo sạch sẽ, óc quan sát, tầm nhìn, nhận định, phân biệt phải trái đúng sai sáng rõ.

Nhưng từ cỡ hai chục năm nay, nhờ ơn các cấp trên và rất trên, cực kỳ trên, câu thiệu này phải đổi thành “Bút sắc, lòng trong, mắt nhắm”.

Vâng, đúng như thế!

Tôi tự hào nhà báo Việt Nam không thua kém bất kỳ đồng nghiệp nào trên thế giới về trí tuệ, tài năng sử dụng ngôn ngữ, cái gan to và tấm lòng trong sạch.

Nhưng đôi mắt của chúng ta đã bị buộc phải nhắm chặt.

Chỉ đơn thuần phản ánh

Hàng tuần, cấp trên đều đặn không mệt mỏi họp chỉ đạo, định hướng cho tất cả các báo về tất cả các vấn đề: Về chính trị phải đưa đậm thông tin gì, ý gì, ca ngợi điều gì, phản bác, chống lại điều gì. Về kinh tế phải khắc họa ca ngợi điển hình nào, phê phán hiện tượng nào. Về xã hội, về giáo dục, về văn hóa, về thể thao… tất cả đều có chỉ đạo cụ thể. Các báo Trung ương có Ban Tuyên giáo Trung ương theo dõi. Các báo địa phương, ngoài chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương thì còn phải nem nép nghe chỉ đạo của Ban Tuyên giáo tỉnh. Tuyên giáo cấp tỉnh luôn luôn muốn tốt khoe xấu che. Vả chăng tuyên giáo còn dưới quyền Bí thư, Chủ tịch tỉnh, nên mới có thực tế buồn cười là báo chí địa phương gần như không bao giờ dám đưa tin, hoặc đưa được tin về tình hình tham nhũng xảy ra ở địa phương đó. Nếu bức bối không chịu nổi, anh em báo chí địa phương chỉ có thể âm thầm viết bài nhưng giấu kín tên thật cho một tờ báo Trung ương, hoặc những tờ báo đoàn thể, tư nhân nhưng lại có sức bao trùm thị trường báo chí như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Lao Động, Tiền Phong, Pháp Luật, Vnexpress…

Tháng 1/2023, tại hội nghị Giao ban báo chí đầu Xuân Quý Mão, như thường lệ, hầu hết các lãnh đạo cấp trên và rất trên của báo chí toàn quốc lại trịnh trọng phát biểu chỉ đạo.

Rất thật thà, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo các báo một câu mang tinh thần động viên, nhưng chẳng khác gì chửi thẳng vào mặt họ.

Ông Hà nói: “… báo chí phải nhanh hơn, nhạy hơn, chính xác hơn, chuyên nghiệp hơn và sát với thực tiễn hơn. Theo đó, các cơ quan báo chí KHÔNG ĐƠN THUẦN LÀ PHẢN ÁNH mà phải (…)”.

Tức, trong suy nghĩ của ông Hà, từ trước tới nay, báo chí chỉ là cái ống cống giữa chính quyền và dân. Chính quyền nói sao thì lặp lại y như vậy. Dân bảo có việc gì thì tốc thẳng lên chính quyền. Không phân tích, suy xét, dự báo, đối chiếu, nghị luận, chứng minh...

Chữ “phản ánh” ở đây có nghĩa như vậy.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Lại Xuân Môn, tức Mama tổng quản, Bảo mẫu thứ nhất của các báo chí thì nhấn mạnh: “Sự trưởng thành và phát triển của báo chí Cách mạng Việt Nam luôn đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện và trực tiếp của Đảng; sự quản lý của Nhà nước”.

Đặc biệt, ông Môn yêu cầu báo chí cần nêu cao ngọn cờ tiên phong trong công tác tuyên giáo của Đảng.

Tức là công tác tuyên truyền.

Báo chí mà là ngọn cờ tiên phong trong việc tuyên truyền cho một tổ chức nào thì đâu còn tính phản biện, tính tự do tư tưởng và ngôn luận, sự khách quan trong việc đi tìm sự thật?

Báo chí mà từ trưởng thành đến phát triển đều phải luôn luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước thì khác nào đứa trẻ từ dậy thì đến bạc đầu đều phải nhất nhất cúi đầu nghe cha giáo huấn, mẹ chỉ bảo? Nếu Đảng sai thì sao? Nếu Nhà nước lầm thì thế nào? Đảng và Nhà nước có dám lãnh đạo, đốc thúc báo chí vạch ra cái sai, cái lầm của Đảng và Nhà nước không?

Hỏi đã là trả lời. Nhưng cũng xin có thêm câu trả lời rõ ràng hơn cho quý vị độc giả. Từ trước đến nay, chưa bao giờ và ở đâu có những tổ chức sẵn lòng vạch ra cho báo chí, cũng tức là cho toàn xã hội thấy vết bẩn trên lưng mình cả. Giấu như mèo còn chưa kịp nữa là! Nếu gần đây quý vị đọc thấy trên báo chí liên tục những tin tức bắt ông nọ bà kia vào tù, khui vụ tham nhũng này, vụ liên kết làm ăn nọ… thì đó là vì chúng được chính cụ Tổng, Người đốt lò vĩ đại ban ra.

Nếu là những đồng chí chưa bị lộ, những vụ chưa bị điều tra truy bắt, hoặc mới chỉ manh nha hoành hành ở địa phương/ trong nội bộ ngành chứ chưa vào lò cụ Tổng, thì tờ báo nào dám điều tra, công bố… sẽ ăn đủ chiêu thức của đối phương.

Mới chỉ mon men điều tra vụ Sun Group phá rừng Fansipan làm du lịch tâm linh mà phóng viên báo Phụ Nữ TP HCM đã được mua chuộc bằng quà tặng đắt tiền. Mua không được thì quay sang đe dọa. Tuy nhiên, với những người làm báo già dặn thì chiêu này chỉ đáng cái cười nhếch mép, vì nó gây chú ý và ồn ào. Những vụ tham nhũng, ăn tàn phá hại cực lớn, chủ nhân thậm chí còn chẳng thèm biết mặt nhà báo viết loạt bài ấy là ai. Họ chỉ cần một vài cú điện thoại đến cấp trên, rất trên, cực kỳ trên của báo chí, nhờ e hèm một phát là đủ. Hoặc trong cuộc giao ban báo chí, sẽ có thông tin nhắc nhở chung chung nhưng ai cũng hiểu là hạn chế đưa tin tiêu cực về địa phương nọ, ngành kia, cá nhân ấy… vì những lý do rất lớn như để đảm bảo sự phát triển kinh tế chung của địa phương, của ngành, của đất nước. Hoặc, sẽ có cuộc điện thoại hay gặp gỡ giữa cấp rất trên với lãnh đạo của tờ báo cả gan kia.

Kết quả là không những riêng tờ báo ấy phải im bặt mà cả những tờ khác đang hăng máu muốn vạch mặt tham nhũng đều phải im thin thít nếu không muốn bị đóng cửa tạm thời, gây khó khăn hoặc điều chuyển lãnh đạo.

Vâng, bút có sắc, lòng có trong nhưng trong tình thế ấy, đôi mắt của nhà báo đã bị buộc phải nhắm nghiền. Không ai cấm được anh đi lục tìm thông tin, nhưng tìm xong rồi phải bỏ bụng, xem như không thấy gì cả.

000_Hkg1760351.jpg
Người bán báo trên đường phố ở Hà Nội (minh họa). AFP

Ngoan thì có quà!

Nhiều nhà báo thông minh sắc sảo nhận ra điều này và nhanh chóng trở nên “ngoan”. Anh vẫn nhiệt tình, càng nhiệt tình đi săn lùng thông tin, bằng chứng của những vụ tham nhũng, móc ngoặc, ăn chia với doanh nghiệp, hoặc những vụ làm ăn sai trái của doanh nghiệp. Nhưng tìm xong, anh thực hành đúng châm ngôn ông bà dạy:
Người khôn ăn nói nửa chừng

Để cho kẻ CÓ TIỀN nửa mừng nửa lo!

Nửa chừng chứ, anh chỉ tung ra một nửa thông tin thôi. Chúng thuộc loại khiến khổ chủ nửa mừng nửa lo. Mừng vì (tưởng) báo chí biết có được mon men vành ngoài, chưa ăn thua. Lo vì thực sự không biết “nó” biết bao nhiêu, “nó” có tiếp tục “bắn” không, nhất là liệu có anh tay to nào đó đang muốn chém gà dọa khỉ tình cờ nhìn thấy vụ này không… Vậy là phải đi “thiết lập quan hệ trên cơ sở tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau” vội.

Giá của những lần “tôn trọng” và “hiểu biết” có thể tính bằng vài ngàn, vài chục ngàn, vài trăm ngàn ông Trump, hoặc căn hộ, mảnh đất tùy theo giá trị sử dụng của thông tin người làm báo kia đang nắm giữ, hoặc giá trị lâu dài của vị trí anh ta đang có. Một trưởng ban, hoặc ủy viên Ban Biên tập, chưa nói đến Tổng hay phó Tổng biên tập, nếu chịu bắt tay đi đêm với doanh nghiệp hoặc các quan chức tham nhũng sẽ là tay chân đắc lực bậc nhất của những nhân vật này trong truyền thông và điều khiển dư luận xã hội. Họ có thể đăng bài hoặc dập bài, cắt xén, định hướng, tô màu đánh bóng, hoặc bán thông tin cho bên thứ ba… tất cả chỉ vì tiền.

Ở hầu như bất cứ tờ báo lớn nào cũng đều có các nhà báo “ngoan” như thế. Hầu hết họ đang là Trưởng trang, hoặc Trưởng ban kinh tế của báo, ít nhất cũng là phóng viên năng nổ thuộc Ban kinh tế (chủ yếu làm việc với doanh nghiệp), hay Ban Chính trị (các nhân vật chính trị tầm cỡ hơn).

Tôi từng được xem một danh sách dài khoảng 60 nhà báo đang được một doanh nghiệp lớn “bao nuôi”. Mỗi năm, họ được cho đi nước ngoài một hai lần, bao mọi chi phí, bao cả tiền xài. Lễ lạt lớn nhỏ đều có quà, tiệc mừng. Đổi lại, đội quân đánh thuê này sẵn sàng viết bất cứ cái gì khi doanh nghiệp yêu cầu: quảng bá cho hoạt động của doanh nghiệp, ca ngợi cá nhân lãnh đạo, hoặc chiến đấu với các tờ báo khác, bênh vực kim chủ bằng mọi giá trước các thông tin bất lợi.

Im lặng không đưa tin gì cũng là một loại bênh vực.

Có những nhà báo giỏi đánh thuê cho doanh nghiệp đến nỗi một mình anh ta kéo về hết 30%-70% doanh thu quảng cáo của báo.

Đã nhận tiền quảng cáo cho doanh nghiệp, thì dù có đầy chứng cứ về việc họ làm ăn gian trá, phi pháp, tờ báo cũng không thể thẳng tay vạch mặt chỉ tên.

Tập đoàn V. nổi tiếng “nuôi” hầu hết các báo có số người đọc lớn ở Việt Nam bằng các hợp đồng quảng cáo giá trị lớn ký dài hạn. Với mối quan hệ cửa trên như vậy, V. dễ dàng khống chế tin tức. Các công trình, sản phẩm của V. có nhiều phốt, nhưng trên thông tin chính thống gần như không thể tìm được bất cứ tin tức bất lợi nào cho họ. Nhưng trên các trang cá nhân, các nhóm nội bộ của cư dân hoặc của khách hàng, chúng rất cụ thể và có tên tuổi địa chỉ rõ ràng.  

Làm báo dễ lắm, ai làm tổng biên tập cũng được

Vài chục năm trước, lãnh đạo một tờ báo từ cấp Trưởng ban trở lên đến Phó tổng, Tổng biên tập… nhất thiết phải là nhà báo già dặn, thực lực, có kinh nghiệm, có tầm nhìn, có hiểu biết sâu sắc trong lĩnh vực và có mối quan hệ rộng rãi. Chỉ khi là nhà báo giỏi nhất thì mới có thể phát hiện ra đề tài báo chí, hướng dẫn phóng viên triển khai và thực hiện nhanh chóng và sắc sảo. Chỉ khi có trách nhiệm nghề nghiệp, lương tâm trong sạch mới đứng vững được trước vô vàn cám dỗ (cũng như đe dọa) về danh, về tiền. Khi đó người đứng đầu mới thu hút được những nhà báo sạch và giỏi cũng như mình để làm nên một tờ báo thẳng thắn và thực hành xuất sắc trách nhiệm xã hội.

Nhưng báo chí Việt Nam phát triển đến một lúc nào đó, dường như đã thành cái gai trong mắt NHỮNG AI.

Báo chí đòi có không gian tự do cho phản biện ư?

Phản biện để vạch ra những lỗi sai hệ thống chết người mà ai cũng biết nhưng không ai dám nói công khai ư? Phản biện để những bài phát biểu tràng giang đại hải mị dân và đạo đức giả bị vạch mặt ra trước độc giả? Phản biện để lôi tuột ra ánh sáng những góc tối tăm trong chính sách đang được quan chức và doanh nghiệp hết sức tinh ranh cùng bắt tay lợi dụng để đục khoét đất nước và làm giàu ư? Phản biện nhiều quá, dân khôn ra thì quan tham cạp đất mà ăn à?

Theo quy định, các chức danh lãnh đạo cao nhất của cơ quan báo chí phải là đảng viên. Đảng viên thì phải nhất nhất tuân thủ nghị quyết của Đảng. Nghĩa là chịu sự lãnh đạo toàn diện về tư tưởng, ý chí, tinh thần, cho đến sắp xếp công việc.

Nếu lãnh đạo tờ báo nào đó hăng máu quá mà gây khó chịu cho cấp trên và rất trên, khả năng cao sẽ bị cất chức, hoặc điều chuyển đi nơi khác. Làm một công việc nào đó chẳng liên quan gì đến báo chí, xem mày còn to mồm được không. Đảng viên, phải tuân thủ kỷ luật Đảng.

Ngược lại, có những người không biết một tí ti nào về nghề báo nhưng rất thính ngửi ra hơi tiền nếu ngồi trong cái ghế lãnh đạo cơ quan báo chí.

Vậy là từ cả hai nhu cầu, dần dần những nhà báo sắc bén và sạch sẽ, lãnh đạo các cơ quan báo chí sẽ được thay bằng những cán bộ khác-những người không hiểu gì về nghề nhưng rất hiểu cách ngoan với cấp trên.

Không gì phá nát tờ báo nhanh chóng bằng việc cài cắm một nhân sự như vậy vào bộ máy quản lý. Nhân sự lãnh đạo này sẽ dứt khoát và triệt để thay thế những người làm báo chân chính bằng một đội đánh thuê, “đếm tầng” như cách nói mỉa mai của làng báo Việt Nam. Từ trên xuống dưới, họ ăn ý và liên kết chặt chẽ với nhau thành một tổ chức chuyên đi nịnh bợ hoặc đánh đấm doanh nghiệp. Nó dám láo à? Đánh cho mấy bài thì lại ngoan như cún!

Thỉnh thoảng, vài phóng viên bị bắt quả tang lúc đang tống tiền doanh nghiệp.

Nhưng không có phóng viên nào có thể tự mình tống tiền doanh nghiệp nếu không có một trang báo, thậm chí một tờ báo phía sau làm hậu thuẫn. Với những nhà quản lý tham lam và đê tiện.

Không bút sắc lòng trong nào tồn tại được ở những vũng bùn thối đó.

Thế nhưng những tờ báo chỉ chăm chắm đi bóp cổ doanh nghiệp hoặc đánh thuê cho quan chức, lại khiến cấp trên yên lòng hơn rất nhiều.

Những tờ báo và lãnh đạo báo như thế, chỉ cần thả cho khúc xương nướng là nó chạy quắn cả đít. Suỵt sang hướng Đông, nó đố dám chạy hướng Tây.

An toàn hơn rất nhiều.

Mẫn cán hơn rất nhiều trong việc tuyên truyền và làm công cụ.

Thực trạng tệ hại của báo chí Việt Nam đã khiến rất nhiều nhà báo nản lòng.

Phần nhiều họ cố gắng xoay xở để tồn tại giữa bầy sói mà không mất chính nghĩa quá nhiều.

Nhưng rất khó và dễ bị tặc lưỡi cuốn theo dòng (tiền).

Một số rất đông, chủ yếu là người làm báo trẻ, sau vài năm thử sức với nghề thì quay sang làm diễn giả, YouTuber; nhiều nhất là nhân viên truyền thông của doanh nghiệp, hoặc bộ ngành.

Sau một thời gian, nhờ ơn các cấp chính quyền dốc lòng giúp đỡ, kết quả Việt Nam đã có một tờ báo cực lớn. Một tờ báo có ngót nghét gần ngàn lãnh đạo nhưng chỉ có một tổng biên tập.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn